Dân tộc và dân tộc Việt Nam: từ Stalin đến Đào Duy Anh

Lời tòa soạn: Cuộc tranh luận về nguồn gốc người Việt dấy lên gần đây với rất nhiều ý kiến trái chiều về tính “ngoại lai” hoặc “tính bản địa” của người Kinh/ Việt đã đặt ra yêu cầu phải đi truy nguyên lại ngọn nguồn vấn đề này đã được đặt ra như thế nào trong lịch sử. Trong hai số báo trước, Tia Sáng đã đăng tải lược sử vấn đề nguồn gốc người Việt dưới con mắt các sử gia Nho giáo, sử gia thời kỳ Pháp thuộc, để qua đó thấy rõ “khái niệm Việt”, “nguồn gốc Việt” là được kiến tạo và biến thiên qua các thời kỳ, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng thời đại, tính chính trị, tương tác văn hóa. Mặt khác, các nhà KHXH cũng khẳng định quan điểm về việc cần minh định khái niệm “Việt” cũng như có cái nhìn khách quan, tránh hạn hẹp và cực đoan khi tìm về nguồn gốc người Kinh/ Việt. Trong số báo này, Tia Sáng đăng kỳ cuối lược sử vấn đề nguồn gốc người Việt của TS Trần Trọng Dương, cho thấy sự ảnh hưởng các tư tưởng Marxist, chủ nghĩa yêu nước, dân tộc lên vấn đề này. Bên cạnh đó, tác giả Vũ Đức Liêm cũng cho thấy một lát cắt thời đại – hình dung các tộc người sinh sống ở Việt Nam thời Nguyễn, như một minh chứng cần thiết cho quá trình “biến thiên” các khái niệm về người Việt so với cách hiểu của chúng ta ngày nay.


Đào Duy Anh xác định dân tộc Việt Nam có thể đã hình thành từ thời Lê (thế kỷ XV). Trong ảnh: Tranh tả rùa thần ngậm gươm báu của Lê lợi trên tường cổng vào Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Phác thảo bức tranh tổng thể 

Sau năm 1945, bước vào thời kỳ độc lập, các sử gia thời thuộc địa như Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh,… trở thành những người nằm trong bộ máy hành chính nhà nước, phục vụ cách mạng và cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Lúc này chủ nghĩa dân tộc đã chính thức xuất hiện đĩnh đạc. Chuyển sang Marxist là sự chuyển đổi hệ hình tư tưởng quan trọng trong các tác phẩm sử chí giai đoạn này. 

Đặc điểm nổi bật và thành quả nổi bật của giai đoạn này là sự áp dụng khái niệm “dân tộc” của Stalin trong nghiên cứu về thời điểm hình thành “dân tộc Việt Nam” (khái niệm này trùng vỏ ngôn từ với đề xuất lần đầu của Trần Trọng Kim). Vỏ cũ nhưng nội hàm mới vì hệ tư tưởng mới! Các học giả đều nhắc lại định nghĩa của Stalin cho rằng: dân tộc là một cộng đồng thể người ổn định, có một tiếng nói chung, một địa vực chung, một sinh hoạt kinh tế chung, cùng một trạng thái tinh thần chung biểu hiện trong một nền văn hóa chung. Hay K. Marx: “dân tộc là sản vật tất nhiên và hình thức tất nhiên của thời đại phát triển của xã hội tư bản chủ nghĩa”. Dựa trên tiêu chí 4 cùng của Stalin, các giải thuyết khác nhau về thời điểm hình thành “dân tộc Việt Nam” được xác lập. Năm 1955, Nguyễn Lương Bích cho là thời đại Lý Trần. Còn Trần Huy Liệu cho là thời Tây Sơn. Năm 1956, Hoàng Xuân Nhị cho rằng niên đại chính xác phải là 1930, với Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1957, Minh Tranh ủng hộ Trần Huy Liệu. Năm 1957, Đào Duy Anh cho là vào thời Lê sơ (thế kỷ XV). Các giả thuyết này đều là bài báo khoa học công bố trên Tập san Văn Sử Địa, và Tập san Đại học Sư Phạm. Phải đến Đào Duy Anh, vấn đề này mới được thảo luận thành chuyên luận.

Đối diện với vấn đề “nguồn gốc người Việt”, Đào Duy Anh đã có hai tác phẩm quan trọng, đó là “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” (1950) và “Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam” (1957). Trong cuốn sách đầu tiên, Đào Duy Anh khảo sát quá trình phôi thai của dân tộc Việt Nam qua các tư liệu Hán văn và cho rằng, Việt tộc là một dân tộc cổ xưa ở Nam Dương Tử, đối lập với Hán tộc. Do sức ép của Hán tộc, mà Việt tộc dần dần bị đẩy về phương nam, và chỉ còn sót lại nhóm người Lạc Việt. Người Lạc Việt ở Bắc Kỳ đã thoát khỏi nạn tiêu diệt và đồng hóa. Họ đã hun đúc cho mình cái mầm mống của tinh thần dân tộc trong quá trình hợp sức với người Tây Việt chống lại quân đội nhà Tần. Sau đó Lạc Việt lần lượt bị Tây Thục, rồi Tây Hán đô hộ. Trải qua nhìn năm đấu tranh với người Hán ở thời Bắc thuộc, tinh thần dân tộc ấy được tôi luyện để đến thế kỷ X nó đã khiến dân tộc Việt Nam đấu tranh để thoát khỏi ách đô hộ của người phương Bắc.

Trong cuốn sách thứ hai, “Sự hình thành dân tộc Việt Nam”, Đào Duy Anh đã áp dụng có sáng tạo những nguyên tắc của chủ nghĩa Marx- Lenin vào nghiên cứu sự hình thành của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa Marx- Lenin-Stalin cho rằng “dân tộc” là một sản phẩm của tư bản chủ nghĩa, chỉ có thể tồn tại trên cơ sở quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa thời cận đại, chứ không thể có một dân tộc trong thời đại phong kiến. Sự vận động dân tộc nhằm hướng đến thành lập Nhà nước dân tộc. Muốn có một nhà nước dân tộc thì cần phải có tiếng nói thống nhất, lãnh thổ thống nhất, thị trường thống nhất. Đào Duy Anh tổng kết ý kiến của Stalin cho rằng: “dân tộc là một cộng đồng thể người ổn định, có một tiếng nói chung, một địa vực chung, một sinh hoạt kinh tế chung, cùng một trạng thái tinh thần chung biểu hiện trong một nền văn hóa chung”. Nhưng ông cũng nhắc rằng, Stalin có nói rằng “trên thế giới có đủ các loại dân tộc” trong tác phẩm “Vấn đề dân tộc với chủ nghĩa Lenin”. Nghĩa là “dân tộc” là một khái niệm rộng, chứ không hoàn toàn chỉ theo nghĩa hẹp là “dân tộc tư sản”. 

Dựa trên 4 tiêu chí chung của Stalin, Đào Duy Anh cho rằng: tiếng của người Việt Nam đã có nguồn gốc từ thứ tiếng của người Lạc Việt. Trong thời Bắc thuộc, tiếng Lạc Việt là tiếng nói chung của bộ tộc. Đến thời độc lập tự chủ (từ thế kỷ X), và nhất là với sự hình thành chữ Nôm thời Lý-Trần, tiếng Việt Nam đã trở thành tiếng nói thống nhất cho cả nước và các tầng lớp nhân dân. Mặt khác chữ Hán khi ấy là thứ văn tự dùng cho cả quý tộc, quan lại và các tầng lớp nhân dân. Về địa vực, thì nước Âu Lạc trải từ Đèo Ngang lên đến phía nam Quảng Tây và Quảng Đông. Trải qua 1000 năm bắc thuộc, dân Âu Lạc vẫn luôn đấu tranh giành lại lãnh thổ. Phải đến thế kỷ X, các nhà Khúc- Dương- Ngô- Đinh- Tiền Lê đã thay nhau giành lại đất cũ. Đến triều Lý triều Trần đã thống nhất lãnh thổ của tất cả các bộ lạc Lạc Việt xưa. Về đời sống kinh tế, dưới thời bắc thuộc, chưa thể có thị trường chung, trung tâm kinh tế chung, nhưng kinh tế giữa các châu quân vẫn được liên lạc thông qua mạng lưới giao thông đường thủy. Các kết nối kinh tế giữa miền núi và miền đồng bằng, giữa Bắc Bộ và Thanh Nghệ vẫn diễn ra. Đời sống kinh tế này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn vào thời độc lập tự chủ từ thế kỷ X đến đời Trần đời Lê sơ, với trung tâm kinh tế Thăng Long, và từ Thăng Long tỏa đi các nơi thù Bắc Bộ đến Thuận Hóa. Khi đã có một ngôn ngữ chung, trên một lãnh thổ chung, nền kinh tế chung, thì những người Việt Nam cuối đời Trần đầu đời Lê sẽ có những tình cảm chung và tâm lý chung. Nền văn hóa chung ấy đặc biệt nổi bật bởi tinh thần độc lập bất khuất, tiếp nối từ các cuộc kháng chiến của người Lạc Việt chống quân Tần từ thế kỷ III SCN. Điều này chứng tỏ, tổ tiên người Việt đã có ý thức dân tộc mạnh mẽ. Với việc áp dụng 4 tiêu chí của Stalin, ông kết luận rằng, dân tộc Việt Nam có thể đã thành hình ở thời Lê (thế kỷ XV) ngay trong thời kỳ phong kiến tập quyền, dưới khuôn khổ của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, mà không cần chờ khi chủ nghĩa tư bản đánh đổ hẳn chế độ phong kiến. 

Vận dụng một cách uyển chuyển và sáng tạo tư tưởng của các nhà Marxist về vấn đề dân tộc, hai chuyên luận của Đào Duy Anh đã phác thảo nên một bức tranh tổng thể về nguồn gốc dân tộc và quá trình hình thành dân tộc Việt Nam, ông là người đầu tiên đã nối liền lịch sử Việt Nam với lịch sử Lạc Việt trong khung lý thuyết về dân tộc – giai cấp của chủ nghĩa Marx-Lenin. Tất cả các tiền thân của người Việt Nam, cùng các dạng thức nhà nước tương ứng đã được Đào Duy Anh mô tả một cách có hệ thống theo bốn tiêu chí do Stalin đặt ra. Về mặt lý thuyết, ông xác định dân tộc Việt Nam có khả năng xuất hiện vào thời Lê sơ (thế kỷ XV) với tính chất là một dân tộc tiền tư bản (khái niệm mới do ông đề xuất, lưu ý ông từ chối sử dụng khái niệm dân tộc phong kiến) Tiền thân của dân tộc Việt Nam được cho là người Lạc Việt- Âu Lạc-Việt Thường-Giao Chỉ. Căn tính của dân tộc Việt Nam chính là truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm, có từ thời Lạc Việt, trải qua ngàn năm bắc thuộc, đến thời Lý-Trần- Lê. 


Cuốn sách về thời kỳ Hùng vương dựng nước, do NXB KHXH in năm 1974.

Thống nhất hóa lịch sử 

Nếu như, Ngô Sĩ Liên với lý thuyết về nền chính trị huyết thống-gia tộc của Nho giáo, đã nối liền lịch sử của triều đại Lê sơ lên đến thời Hồng Bàng và Thần Nông, thì Đào Duy Anh với lý thuyết về dân tộc của Marxist, đã kết nối lịch sử Việt Nam thành một mạch thống nhất hơn 4000 năm từ Giao Chỉ đến Việt Nam hiện đại (giữa thế kỷ XX). Dĩ nhiên, Đào Duy Anh đã từ chối nguồn gốc Hán (Thần Nông) của Nho giáo, ông dùng khái niệm “Việt tộc” (tương đương với khái niệm cũ “Bách Việt” trong Bắc sử) đối lập với “Hán tộc”. Ông cũng không sử dụng các kết quả của các học giả thời thực dân. Song, cả ba quan điểm này đều có điểm chung là xác nhận người Việt Nam là hậu duệ của những dân tộc di cư từ phương bắc (khu vực từ phía nam sông Dương tử). 

Việc sử dụng khái niệm “dân tộc Việt Nam” và cách tự xưng “dân tộc ta” cho thấy Đào Duy Anh thực hiện cách thức xây dựng một biểu tượng chung cho rất nhiều nhóm người có nguồn gốc khác nhau sống trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là thế phát ngôn của một người Kinh (người Việt, một người đồng bằng Bắc Bộ) muốn thống nhất hóa lịch sử và nguồn gốc lịch sử. Cách phát ngôn này không khác so với “ngã Việt quốc” của Ngô Sĩ Liên. Không chỉ có thế, Đào Duy Anh đã đặt một phương trình quan trọng về nguồn gốc {dân tộc ta = dân tộc Việt Nam (thế kỷ XX là dân tộc xã hội chủ nghĩa) < dân tộc Việt Nam (thế kỷ XV- XIX: dân tộc tiền tư bản) < người Lạc Việt < người Âu Lạc < người Việt Thường < người Giao Chỉ}. Đây là một nỗ lực áp dụng lý thuyết Marx-Lenin và tư tưởng Stalin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nó cho thấy, các nhà ái quốc đã dùng ngôn ngữ để phục sinh quá khứ từ đó hình dung về tình đồng bào và cùng nhau mơ về một tương lai tươi sáng.1 Như vậy, ta cũng thấy sự  các mảnh vỡ từ dòng sử chí Nho giáo, thuyết di cư, thuyết tiến hóa xã hội trong giai đoạn trước (xin đọc lại 2 kỳ trước trên Tia Sáng số 15 và 16 năm 2019) cũng đồng hành vớiquyền lực của hệ tư tưởng mới đang lãnh đạo xã hội trong bối cảnh mới.

Truyền thống mấy nghìn năm? 

Nghiên cứu của Đào Duy Anh (1950) chỉ đặt Hùng Vương- Lạc Long Quân- Kinh Dương Vương- Thần Nông vào “nguồn gốc truyền kỳ”, việc sử dụng khái niệm “truyền kỳ” cho thấy ông muốn đặt nó vào phạm vi văn học. Nhưng sau ông, từ những năm 1960 trở lại đây, Hùng vương đã đang trở thành một biểu tượng quan trọng bậc nhất về nguồn gốc dân tộc ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu về việc hình thành dân tộc Việt Nam vào thời Lê sơ của Đào Duy Anh theo tư tưởng Stalin không còn được nhắc đến nữa..Ta biết, ngày 19-09-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Người đã có một câu nói bất hủ: “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong những năm 1960-1970, giới khoa học ở Việt Nam đã thực hiện một số dự án khoa học để chứng minh sự tồn tại của Hùng vương và thời đại Hùng vương. Các hội thảo đã được tổ chức với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ các ngành sử học, khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học,… dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn.2 Kết quả của 4 kỳ hội thảo được in thành bộ sách Hùng Vương dựng nước (4 tập). Ngoài hội thảo nhà nước này, Viện Sử học cũng cho xuất bản cuốn sách “Thời đại Hùng Vương: lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội” (1976) tổng kết hơn 10 năm nghiên cứu, do Văn Tân chủ biên. 

Văn Tân đặt việc nghiên cứu Thời đại Hùng vương vào bối cảnh chính trị đương thời: “ngày nay trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân, với khí thế vươn lên như vị anh hùng làng Phù Đổng, nhân dân ta cần hiểu rõ hơn bao giờ hết quá khứ 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong phần kết luận của cuốn sách, ông viết: “suốt thời Hùng Vương, chúng ta đã thấy hình thành một cách khá ổn định những cái gì là đặc trưng của dân tộc Việt Nam, làm cho dân tộc này khác với các dân tộc khác…“

Kết luận 4000 năm lịch sử này là rất khác so với quan điểm cho rằng dân tộc Việt Nam hình thành vào triều Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII (Trần Huy Liệu 1950?)3, hay quan điểm dân tộc Việt Nam (dân tộc xã hội chủ nghĩa) được hình thành từ năm 1930 với sự thành lập của Đảng Cộng sản Đông Dương (Hoàng Xuân Nhị 1950?)4, dân tộc Việt Nam (với tư cách là dân tộc tiền tư bản) hình thành vào thời Lê sơ (Đào Duy Anh 1957). 

Rõ ràng, ta thấy có một sự thay đổi đáng kể về lý thuyết. Các học giả rời bỏ quan điểm: người Việt di cư từ phương Bắc xuống (kéo dài từ Ngô Sĩ Liên, qua các học giả thời Pháp, đến Đào Duy Anh); họ cũng không nhắc đến quan điểm “hòa huyết dân tộc” tồn tại từ thời Phápthuộc.. Các học giả Marxist trong những năm 1960-1970 chỉ lấy lại khái niệm then chốt duy nhất “dân tộc Việt Nam”, và hầu như không còn áp dụng tư tưởng của Stalin về dân tộc (4 tiêu chí, và các loại hình dân tộc). Thậm chí trong lịch sử vấn đề, họ cũng không hề nhắc lại các quan điểm của Stalin và các thảo luận trước đây. Tuy nhiên, lý thuyết của Marx-Lenin thì đã được áp dụng một cách nhuần nhuyễn qua các trang sách, với các vấn đề cơ bản như: công xã, bộ tộc, sở hữu ruộng đất, công cụ sản xuất, tổ chức sản xuất, thể chế xã hội, mô hình nhà nước.


Kể từ thời kỳ độc lập, khái niệm “dân tộc Việt Nam” và danh xưng “dân tộc ta” được sử dụng, cho thấy cách thức xây dựng một biểu tượng chung cho rất nhiều nhóm người có nguồn gốc khác nhau sống trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: VGP.

Các học giả đẩy mạnh hơn thao tác nghiên cứu đa ngành, từ sử học, dân tộc học, văn học, folklore học, ngôn ngữ học lịch sử, thư tịch học, và đặc biệt là khảo cổ học. Để tập trung quan điểm về Hùng Vương và thời đại Hùng Vương, các từ khóa cũ như Giao Chỉ, Việt Thường, Bách Việt, Đông Việt, Nam Việt, Tây Việt, Mân Việt, đã được đặt qua một bên, chỉ giữ lại một hai từ quan trọng là Lạc Việt, Âu Lạc, các  nền văn hóa cổ được định danh bởi khảo cổ học thay thế các vị trí đã bị xóa. Đó là văn hóa Phùng Nguyên (2000 – 1500 TCN) thuộc cuối thời đồ đá sơ kỳ thời đại đồ đồng, văn hóa Đồng Đậu (1500-1000 TCN), văn hóa Gò Mun (1000-700 TCN) cuối thời kỳ đồ đồng, văn hóa Đông Sơn (700-100 TCN) thuộc thời kỳ đồ đồng và thời đồ sắt sớm.5 Các sử gia đã vừa phủ nhận và vừa kế thừa quan điểm của Ngô Sĩ Liên. Văn Tân đồng thuận với giới hạn cuối là 258 BC thời điểm nước Văn Lang của Hùng vương bị tiêu diệt bởi Thục Phán An Dương Vương. Ông không đồng ý với quan điểm gốc Hán (Thần Nông, Đế Minh), cũng không tán thành niên đại đầu 2879 TCN thời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Văn Tân cho rằng, năm 2879 TCN là một con số tùy tiện, mới được thêm vào lịch sử từ thời Lê sơ (1479). Ông xác định, giới hạn trên là thuộc thời đá mới, tương ứng chế độ công xã nguyên thủy. Để thay thế cho Kinh Dương Vương, nhóm Văn Tân đã quyết định lấy giới hạn trên là văn hóa Phùng Nguyên (2000 TCN), đây chính là cơ sở để các học giả xác nhận rằng dân tộc Việt Nam có 4000 năm lịch sử, mà giai đoạn đầu tiên chính là thời đại Hùng Vương, đó là một lịch sử dân tộc thể hiện truyền thống yêu nước, và truyền thống chống giặc ngoại xâm để giành độc lập dân tộc. 

Kể từ đó đến nay, Hùng Vương đã được đưa vào nhiều bộ chính sử nhà nước, được soạn sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh các cấp, từ tiểu học đến đại học. Đã có hàng nghìn bài báo, bài nghiên cứu, luận văn, luận án, tác phẩm văn học, truyện thiếu nhi, truyện tranh lịch sử, phim hoạt hình, phóng sự truyền hình,… được viết ra nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hùng Vương trở thành biểu tượng dân tộc học thể hiện các diễn ngôn về văn hóa.6 Năm 2001, giỗ tổ Hùng Vương được nhà nước Việt Nam công nhận là quốc lễ. Các bức tượng Hùng Vương và các trống đồng cổ thời Đông Sơn được coi là biểu tượng chung cho lịch sử lâu đời cho truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc.7 Biểu tượng Hùng Vương vượt qua giới hạn của tỉnh Phú Thọ, và phạm vi Bắc Bộ , và lan rộng được dựng lên trên khắp lãnh thổ Việt Nam hiện đại. Các công trình tưởng niệm Hùng Vương được nhà nước, nhân dân, các công ty tư nhân cho xây dựng ở nhiều nơi như Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku), tượng Hùng Vương tại Quảng trường Hùng Vương thuộc Công viên Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh). Người Việt đều tự hào với nguồn gốc “con rồng cháu tiên”, coi Hùng Vương là vị quốc tổ. Cứ đến ngày giỗ tổ, khi nhà nước cho nghĩ lễ ăn tết, nhiều gia đình trên khắp đất nước làm mâm cỗ đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ về tổ tiên mình, cổng các gia đình đều treo lá quốc kỳ Việt Nam. 

Những gì miêu tả trên đây cho thấy quá trình biểu tượng hóa từ phía nhà Đền Hùng trở thành di sản quốc gia dưới sự điều hướng của nhà nước.8 Khi hàng chục triệu lá quốc kỳ được treo ở khắp nơi, 96 triệu người đều được nghỉ lễ giỗ tổ và cùng nhau hình dung về truyền thống lịch sử, cũng là khi quá khứ được tái sinh trong những khuôn dạng mới của nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật ý niệm. Hùng Vương là biểu tượng duy nhất tập trung toàn bộ ý chí chính trị, niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước thương nòi.9 Đó là một cộng đồng được hình dung như là một quốc gia có chung một nguồn gốc, một tổ tiên, một dòng máu, một lịch sử xuyên suốt, thống nhất và bao phủ. Đó là một kết quả tuyệt vời của công cuộc tái cấu trúc các diễn ngôn về bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một trình diễn (performance) hiệu quả khiến quá khứ được phục sinh, truyền thống được nối tiếp, và quyền lực được lan tỏa. Quá trình biểu tượng hóa quốc tổ Hùng Vương cho thấy quá trình vận động và sự dung hội của hệ tư tưởng. Chủ nghĩa quốc dân trở thành giá đỡ cho hệ tư tưởng, quyền lực nhà nước kiến tạo nên tri thức lịch sử và biểu tượng quốc gia, nó khiến cho Hùng vương trở thành một biểu tượng cho quốc dân đơn nhất, là một hình dung về sự thống nhất lãnh thổ và thống nhất văn hóa của đất nước Việt Nam.10 Quá trình xây dựng biểu tượng Hùng Vương là cuộc thay đổi hệ ý thức để bảo tồn sự thống nhất, tình đoàn kết dân tộc, quyền tự trị, tính khả tín, tổ quốc quê hương, phẩm cách, tính liên tục, bản sắc dân tộc và vận mệnh quốc gia dân tộc. Xây dựng biểu tượng Hùng Vương là một phương thức để tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết với các dân tộc anh em khác. Đó là một hình dung mang tính họ hàng tình thân (kinship) về mối quan hệ tộc người trong chủ nghĩa dân tộc văn hóa (cultural nationalism).

Kết luận

Như vậy, vấn đề “Nguồn gốc dân tộc” đã luôn được trả lời bằng nhiều cách khác nhau dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng và quyền lực chính trị. Sự tham gia của các vị quốc chủ hay lãnh đạo trong quá trình các sử gia chép sử khiến cho các giả thuyết luôn mang trong mình các diễn ngôn chính trị và hệ tư tưởng của thời đại. Nguồn gốc dân tộc ở Việt Nam ban đầu là một vấn đề của truyền thống sử chí Nho giáo. Dưới diễn ngôn văn hóa về gia tộc huyết thống hư cấu (fictive kinship), phả hệ Hán truyền (từ thời Thần Nông đến Hùng vương) đã được các nhà Nho thời Lê sơ xây dựng như là một sáng tạo truyền thống trong nỗ lực các triều đình Việt Nam luôn muốn kết nối với chính trị ở Trung Quốc. Cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, các học giả Pháp đã sử dụng tư tưởng mới về chủng tộc, về quốc gia đã lý giải nguồn gốc của người Việt. Họ cho rằng người Việt được hình thành trong quá trình hỗn hóa huyết thống lâu dài. Dưới góc nhìn tiến hóa luận và thực dân, họ cho rằng người Việt là đối tượng cần khai hóa văn minh. Cách lý giải này nhằm phục vụ cho công tác đô hộ của Pháp. Dưới những thay đổi hệ tư tưởng này, các trí thức tinh hoa bản địa vừa bảo lưu một số yếu tố tư tưởng Nho gia vừa tiếp thu tư tưởng thực dân, tư tưởng về chủ nghĩa quốc dân để tiến hành các cuộc vận động đấu tranh thực hiện công cuộc giành lại độc lập. Giữa thế kỷ XX, khi các nhà đấu tranh sử dụng lý thuyết Marx-Lenin để giành lại chính quyền, tiến hành các cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, họ lại tiếp tục sử dụng và tái cấu trúc khái niệm quốc gia dân tộc “nationalism” phục vụ cho những nhiệm vụ mới. Quá trình Việt Nam hóa lý thuyết Marxist và tư tưởng Stalin đã diễn ra một cách uyển chuyển, phục vụ trực tiếp cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hùng Vương từ vị trí chỉ là một mảnh ghép trong phả hệ Nho giáo, đã trở thành biểu tượng dân tộc của Việt Nam. Và sau đó dưới hệ truyền thông rộng khắp, Hùng Vương là biểu hiện cụ thể cho chủ nghĩa huyết thống tập thể (con Rồng cháu Tiên, cosanguinism), nó được sử dụng cho tất cả các cộng đồng người khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam, và khỏa lấp những khác biệt, sự đa dạng về văn hóa và căn cước tộc người.11 Không ít nhà khoa học và số đông đại chúng đã hăng hái đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau trong nhiều thế kỷ với niềm tin mình tìm ra sự thực lịch sử về nguồn gốc người Việt, nhưng giống như Tôn Ngộ Không, những tưởng có thể bay qua bàn tay Phật Tổ mà quên mất rằng chính mình đang là những người đang được kiến tạo và sử dụng.

Tài liệu tham khảo
[1] Anderson, Benedict, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, London & New York: Verso, p.154.
[2] Văn Tân (chủ biên), tb 1976, Thời đại Hùng Vương: lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, Hà Nội: Khoa học Xã hội, tr.27. Các cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu gồm: Viện Sử học, Viện Khảo cổ, Viện Bảo tàng lịch sử, Đại học Tổng hợp, Bộ Văn hóa, Ty văn hóa Phú Thọ.
[3] Trần Huy Liệu, Dân tộc Việt Nam thành hình từ bao giờ và bàn thêm về vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, Tập san Nghiên cứu Văn sử địa, số 5, số 18. [dẫn theo Đào Duy Anh, 1957: 24]
[4] Hoàng Xuân Nhị, “Xác định quan điểm của chúng ta về vấn đề dân tộc và sự hình thành dân tộc Việt Nam”, Tập san Đại học Sư phạm, số 5, tr.78-96.
[5] Văn Tân, 1976, sđd, tr.35-37. Xem thêm Phan Huy Lê chủ biên, 2016, Lịch sử Việt Nam (tập 1), Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, P.82-180.
[6] Anthony D. Smith, 2009, Ethno-symbolism and Nationalism: a cultural Approach, London & New York: Routledge.
[7] Oscar Salemink,“Embodying the Nation: Mediumship, Ritual and the National Imagination”, Journal of Vietnamese Studies, Vol.3, Issue 3, p.277.
[8] Ngo Thi Diem Hang, 2016, The Rise of the Hung Temple: Shifting Consstructions of Place, Religion and Nation in Contemporary Vietnam, Doctoral Thesis of Anthropology, University of Adelaide, p.66.
[9] Kate Lellema, 2007, “Returning Home: Ancestor Veneration and the Nationalism of Doi Doi Vietnam”, in Philip Taulor (ed.), Modernity and Re-enchantment: Religion in Post-revolutionary Vietnam, Singapore:  ISEAS–Yusof Ishak Institute, p.68-69.
[10] Nguyen Phuc Anh, 2014, “Hung kings Myths and Ideological Struggle to Establish Vietnamese Identity”, IUAES2014 inter-congress: the future with/of anthropologies, International Union of Anthropological and Ethnological Sciences, Chiba, JAPAN, 15th-18th May, 2014.
[11] Alexander J. Motyl (editer-in-chief), Encyclopedia of Nationalism (Vol.2), San Diego: Academic Press, p.572.

Tác giả

(Visited 159 times, 1 visits today)