Đành chuyển sang tin ở người ngoài!

Sự sụt giảm đột ngột, và rõ ràng về số lượng các đề tài tham gia Quỹ Nafosted năm 2015 đã làm phát lộ nguyên hình hiện trạng của ngành KHXH&NV; đồng thời cũng làm bật ra câu hỏi: sự thay đổi tiêu chí đầu vào mà Quỹ đặt ra liệu đã là hợp lý với mặt bằng hiện tại?


Những năm trước đây, yêu cầu cơ bản cho chủ nhiệm đề tài (CNĐT) thuộc khối KHXH&NV bao gồm:

(1) có học vị tiến sĩ hoặc Phó giáo sư, Giáo sư;

(2) có ba bài báo chuyên ngành phù hợp được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc gia từ năm năm trở lại đây;

(3) có một bài công bố quốc tế hoặc một chuyên luận đã xuất bản.

Đến năm 2015, tiêu chí thứ nhất vẫn được giữ nguyên, tiêu chí thứ hai đã bị loại; tiêu chí thứ ba là “kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian năm năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ”. Như vậy, tiêu chí đầu vào có thay đổi: Quỹ chỉ chấp nhận các CNĐT có công bố quốc tế.

Đẩy mạnh công bố quốc tế là một chủ trương đúng đắn, không chỉ cho các ngành khoa học tự nhiên (KHTN) mà đối với cả các ngành thuộc khối khoa học xã hội (KHXH) và khối khoa học nhân văn (KHNV). Nhưng việc thay đổi đột ngột tiêu chí tuyển chọn như vậy có lẽ chưa hợp lý. Quyết định này được đưa ra do Quỹ chưa thực sự hiểu rõ hai điều (1) những đặc thù của khối KHXH, nhất là khối KHNV và (2) thế nào là nghiên cứu cơ bản trong ngành này. 

Phần lớn các tri thức của KHXH ở Việt Nam và về Việt Nam thì ngược lại, nó có tính đặc định, có tính khu biệt, có tính lịch sử, có tính chính trị đặc thù. Đặc thù nhưng phải trên nền tảng tri thức chung của nhân loại về con người. Ấy mới là cái khó!

Trước tiên là về đặc thù của ngành khoa học. Khoa học xã hội ở Việt Nam phải lấy xã hội Việt Nam, lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam,… làm trọng tâm, làm đối tượng nghiên cứu cơ bản. Điều này không thể nào khác được1 và là điều mà ai cũng biết. Nhưng đây chính là điểm then chốt khiến hai ngành này khác rất nhiều so với KHTN. Mọi tri thức của KHTN có xu hướng phi dân tộc, phi quốc gia, phi biên giới; còn phần lớn các tri thức của KHXH&NV ở Việt Nam và về Việt Nam thì ngược lại, nó có tính đặc định, có tính khu biệt, có tính lịch sử, có tính chính trị đặc thù. Đặc thù nhưng phải trên nền tảng tri thức chung của nhân loại về con người. Ấy mới là cái khó!

Một bài nghiên cứu trong KHTN đăng được trên một tạp chí quốc tế đương nhiên là một đóng góp tri thức mới cho khoa học; còn trong KHNV có khi đó chỉ là một bài giới thiệu văn hóa (dĩ nhiên còn tùy thuộc vào chuyên ngành, khả năng của người viết và tạp chí đăng tải)! Chúng tôi từng biết, có một số người được mọi người gọi là nhà văn hóa, nhà nọ nhà kia, tuy có bài báo công bố quốc tế hẳn hoi, có sách in bằng tiếng nước ngoài hẳn hoi, nhưng đọc các “công trình” ấy, người ta chỉ thấy một con người đang đem những tri thức cũ kĩ về văn hóa Việt Nam đi diễn giảng với thế giới, chứ ở đó hầu như không thấy cái mới. Chúng tôi cũng từng tranh luận với một số đồng nghiệp về việc phải “hạ tông độ chuyên sâu” để có thể có công bố quốc tế. Vì có bạn cho rằng, phải viết thế nào để cho người ta hiểu mình, chứ viết vào một vấn đề quá mới, quá sâu, quá hẹp họ chưa có phông kiến thức tổng quát về vấn đề đó thì biên tập cũng không nổi, nữa là cho đăng duyệt. Hoặc ngược lại, viết một vấn đề quá cũ, quá nông, quá lạc hậu, so với thế giới thì hòa nhập làm sao? Kết quả của buổi tranh luận là, với đối tượng mà họ chưa hiểu mình thì tốt nhất nên viết tổng thuật, trong đó lồng những kết quả mới của mình vào đó2, với đối tượng họ đã quá hiểu mình, họ đã đi trước mình, thì cố gắng bắt kịp yêu cầu của họ.

Mặt khác, mỗi tạp chí quốc tế lại là một sân chơi riêng, có tiêu chuẩn riêng, có đối tượng riêng, và có “gu riêng”. Tiêu chuẩn và đối tượng riêng thì tạp chí nào cũng có, nhưng “cái gu” mới là điều đáng thách thức. Có những người “ngửi mùi” cái là biết ngay tạp chí nào thích gì, viết kiểu này thì sẽ được đăng ở tạp chí này, viết kiểu khác sẽ được đăng ở tạp chí khác. Đó là một sự khéo léo rất chuyên nghiệp, hay nói cách khác là sự chuyên nghiệp khéo léo! Chủ yếu là phải biết xoay xở với các từ khóa và thuật ngữ khoa học sao cho phù hợp với cái mà người ta quan tâm, hoặc đang hứng thú. Ví dụ như thế này, trong bối cảnh biển Đông dậy sóng trong mấy năm vừa qua, cộng thêm chính sách“mở cửa bật đèn xanh” của nhà nước cho lĩnh vực này, nên các công bố trong nước về biển Đông được dịp “trăm hoa đua nở”. Nhưng hiện chưa có số liệu nào thống kê xem có bao nhiêu bài được đăng trên tạp chí quốc tế? Liệu có đăng nổi không (nhất là đối với các tạp chí của Trung Quốc) khi có quá nhiều áp lực về chính trị, cả từ trong lẫn ngoài? Như một đặc thù nghề nghiệp, những người hoạt động KHXH&NV luôn là nạn nhân của chính đối tượng mình nghiên cứu. Quỹ phải xác định rằng, có những chuyên ngành khoa học mang đặc thù Việt Nam, chưa thể nào có những công bố quốc tế ngay được. Sự nhạy cảm của vấn đề khoa học sẽ khiến chúng ta bị loại khỏi diễn đàn y như cô hoa hậu Việt Nam mang Hoàng Sa, Trường Sa vào slide giới thiệu bản thân! Song, nói đi cũng phải nói lại, phần lớn các nhà nghiên cứu thuộc khối nhân văn (NV), ngoài các lý do đặc thù như trên, thì cũng thực sự rất lạc hậu với thế giới, nên việc hội nhập hay nâng tầm lên quốc tế thực sự là công việc nan giải.

Một thực tế không thể chối cãi, những chuyên luận dỏm, những bài nghiên cứu dỏm, các sản phẩm “đối phó hội đồng”, qua các thao tác cắt dán, xào xáo, cùng với lối làm việc duy tình nhạy bén của người Việt khiến cho thực trạng vàng thau lẫn lộn trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chẳng tin được ở người mình thì đành chuyển sang tin ở người ngoài.

Điểm quan trọng nhất trong tiêu chí đánh giá khoa học không hẳn chỉ ở bài quốc gia hay quốc tế. Sự khác biệt lớn nhất ở KHXH & NV là ở chuyên luận hay không có chuyên luận. Một bài công bố quốc tế3 dù có đăng được thì cũng chỉ nhỉnh hơn một bài nghiên cứu nghiêm túc trên một tạp chí nghiêm túc ở trong nước4. Có khi, một bài nghiên cứu chỉ tương đương với một chương sách mà thôi. Một đời nghiên cứu có thể công bố hàng chục bài nghiên cứu lẻ cho những tạp chí lẻ, cho những hội thảo “cúng cụ”, nhưng không phải nhà nghiên cứu nào cũng có chuyên luận để viết thực sự sâu sắc, rốt ráo một luận đề khoa học5. Để viết được một chuyên luận thì nhà nước không phải đầu tư hai năm hay ba năm mà có được. Có những chuyên khảo cả đời mới viết được một cuốn kiểu như “Lịch sử từ vựng tiếng Việt” của GS. TS. Vũ Đức Nghiệu, có những đề tài phải cả chục năm điều tra, khảo sát, nghiên cứu thì mới “ra lò”, tiêu biểu như cuốn “Vân Đồn – Thương cảng quốc tế của Việt Nam” của GS. TS. Nguyễn Văn Kim; có những cuốn phải nhiều đời mới có người dám viết và viết được như “Tự điển chữ Nôm dẫn giải”6 của GS. TSKH. Nguyễn Quang Hồng. Tức là, một chuyên luận sẽ là yếu tố tiên quyết để đánh giá tầm mức của một học giả7, sau mới là bài nghiên cứu quốc tế, rồi cuối cùng mới là bài trong nước. Chuyên luận thể hiện chiều sâu tư duy của người viết, thể hiện tính hệ thống của vấn đề, thể hiện năng lực khái quát hóa – lý thuyết hóa của người làm nghiên cứu. Theo quan niệm của cá nhân người viết bài này, một chuyên luận (nghiêm túc) được 5 điểm (thậm chí có thể tối đa đến 10), thì nghiên cứu quốc tế chỉ có tối đa 2- 3 điểm. Thực là khập khiễng nếu coi hai cái bằng nhau. Và càng khập khiễng hơn nếu chỉ duy nhất dựa vào “công bố quốc tế”.

Thế nhưng, như một thực tế không thể chối cãi, trong ngành KHXH&NV, những chuyên luận dỏm, những bài nghiên cứu dỏm, các sản phẩm “đối phó hội đồng”, qua các thao tác cắt dán, xào xáo, cùng với lối làm việc duy tình quyền biến của người Việt khiến cho thực trạng vàng thau lẫn lộn trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chẳng tin được ở người mình thì đành chuyển sang tin ở người ngoài. Quyết định “nâng cao tiêu chí sàn” của Nafosted không phải là không có nguyên lý. Bởi nếu đã là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, chuyên luận còn viết được thì huống hồ gì là một bài nghiên cứu quốc tế!

Chú thích
1 Dĩ nhiên, cũng cần có khoảng mở cho việc nghiên cứu khu vực học, quốc tế học và các nước khác có liên quan. Nhưng kể cả nghiên cứu Khu vực học hay Quốc tế học thì vẫn phải lấy Việt Nam làm trung tâm để quy chiếu. Ngoài Trung Quốc học- phạm vi mà người Việt bắt buộc phải có những phát kiến riêng để có thể nâng cao sức đề kháng văn hóa và tự cường dân tộc, thì các ngành khác khó có thể vượt được các học giả bản quốc!
2 Xin lưu ý, viết nghiên cứu tổng thuật, tuy không phải lúc nào cũng bắt buộc phải có cái mới, nhưng phải là một người nghiên cứu có tầm rất cao (cả về lý luận, lẫn thực tiễn). Ở Việt Nam rất hiếm các bài viết tổng thuật (đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nó) mà chủ yếu là lược thuật giống như các bài tập viết về “lịch sử vấn đề” trong các luận văn thạc sĩ và tiến sĩ. 
3 Theo thông lệ quốc tế, tối thiểu độ dài là 8.000  hoặc 10.000 chữ (tùy từng tạp chí). Ở Việt Nam, rất hiếm tạp chí quốc gia chấp nhận con số tối thiểu này. Tích cực lắm là họ áp dụng các con số đó làm tiêu chuẩn tối đa cho một số ít bài (cho phù hợp với số lượng trang ấn bản thực tế).
4 Kiểu như Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Huế)- một tạp chí địa phương nhưng “chơi” theo tiêu chí quốc tế (chấp nhận đăng bài khảo cứu công phu vô điều kiện về số trang). Hoặc giả họ dành cả một hoặc hai số tạp chí chỉ để đăng một nghiên cứu.
5 Tôi nhấn mạnh, một chuyên luận giải quyết một luận đề khoa học, sẽ khác rất nhiều với một cuốn sách viết không có thao tác, và không có đối tượng khoa học chuyên biệt.
6 Xin lưu ý, tự điển- từ điển trước nay không nằm trong khung khổ của cái được gọi là “chuyên luận”. Nhưng, những kiểu công trình như thế này, làm việc khổ công hơn rất nhiều so với làm lý luận. Bởi, cái hệ thống lý luận mà tác giả sử dụng, hay sáng tạo không nằm hiển ngôn trên các trang viết, mà đã được xử lý tan nhuyễn trong toàn bộ công trình, từ cơ cấu vi mô của từng mục từ đến cấu trúc vĩ mô của cả cuốn từ điển. Rất tiếc Nafosted không đầu tư hạng mục khoa học này, cũng như nhiều hạng mục nghiên cứu cơ bản khác.
7 Trường hợp các học giả có chuyên luận công bố quốc tế kiểu như TS Nguyễn Nam (Thông tín viên của Harvard- Yanjing) hay PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn (Khoa Sử, ĐH KHXH&NV-HN) là rất hiếm! Nhưng ở đây cũng cần nêu ra một đặc thù của xuất bản phẩm khoa học quốc tế, rằng: quy trình biên tập một cuốn chuyên khảo (sách) lại đơn giản hơn so với quy trình biên tập một bài tạp chí.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)