“Đánh thức” hệ thống miễn dịch để chữa ung thư tuyến tụy
Loại thuốc mới có tên IMM-101 được coi là một đột phá mới trong y học, có thể mang lại cơ hội sống sót cho những người mắc ung thư tuyến tụy di căn bằng cơ chế "đánh thức" hệ thống miễn dịch của cơ thể mà trước đó đã bị các tế bào ung thư vô hiệu hóa.
Tế bào ung thư tuyến tụy. Nguồn: Getty Images.
Trước đây, liệu pháp chữa ung thư bằng hệ thống miễn dịch đã được áp dụng với ung thư da và ung thư phổi, nhưng chưa áp dụng được cho ung thư tuyến tụy vì đây là loại ung thư khó chữa nhất, và khi đã di căn đến những bộ phận khác trong cơ thể thì bệnh nhân có thể chết chỉ trong vòng vài tháng.
Do vậy, kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Ung thư của Anh (British Journal of Cancer) về một loại thuốc mới có tên IMM-101 (được bào chế từ loài vi khuẩn mycobacterium obuense) có thể đem lại cơ hội sống sót cho những người mắc ung thư tuyến tụy di căn mà không gây thêm tác dụng phụ nào được coi là một đột phá mới trong y học. Ở giai đoạn di căn, những người chỉ điều trị bằng biện pháp hóa trị sống trung bình được khoảng 4,4 tháng, còn những người sử dụng thuốc IMM-101 sống trung bình được trên 7 tháng, đặc biệt, một số người đã sống được tới hơn một năm, và một người sống được tới ba năm.
Cơ chế hoạt động của IMM – 101 là “đánh thức” hệ thống miễn dịch của cơ thể mà trước đó đã bị các tế bào ung thư vô hiệu hóa, qua đó, thúc đẩy hệ thống miễn dịch nhận biết và nhắm vào các khối u để các loại thuốc hóa trị có thể phát huy tác dụng.
Theo TS Justine Alford, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu ung thư Anh, “thử nghiệm kết hợp thuốc IMM-101 với hóa trị trong điều trị đã có hiệu quả trên bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy – bệnh khó điều trị nhấtvà có khả năng sống sót thấp. Do đó, rất cần phải nghiên cứu sâu hơn để phát triển các phương pháp chữa trị hiện thời nhằm cải thiện sự sống của bệnh nhân ung thư”.
Bảo Như lược dịch