“Dấu ấn” R&D nông nghiệp của các công ty tư nhân ở châu Á

Một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ về hoạt động R&D trong nông nghiệp của khối tư nhân ở một loạt các nước châu Á đã cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của khối này trong phát triển nông nghiệp.

Nước có khối tư nhân đầu tư R&D cho nông nghiệp lớn nhất ở châu Á là Ấn Độ với khoảng 55 triệu USD, tiếp theo là các nước Thailand, Malaysia và Trung Quốc. Khối tư nhân tham gia vào nghiên cứu ở các nước này mỗi năm chi khoảng từ 15 đến 20 triệu USD; sau nữa là Philippines – khoảng 10 triệu USD, và Indonesia và Pakistan – khoảng 6 triệu USD. Một điều khá đặc biệt là khối tư nhân tham gia R&D cho nông nghiệp ở Trung Quốc lại rất thấp, chỉ 0,01% trong GDP nông nghiệp, trong khi đó tỉ lệ này ở Thailand và Malaysia là gấp 10 lần.
Trong khoảng 10 năm, khối tư nhân đầu tư gấp đôi cho R&D nông nghiệp ở Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Trung Quốc đầu tư gấp đôi cho R&D nông nghiệp. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, số vốn đầu tư cho R&D nông nghiệp của khối tư nhân chỉ chiếm vẻn vẹn 3% GDP nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ này ở Malaysia và Philippines chiếm tới 20% – cao nhất châu Á.


Đầu tư nghiên cứu phát triển cây Jatropha làm nhiên liệu sinh học ở Ấn Độ

Các công ty nước ngoài chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động R&D nông nghiệp của khối tư nhân. Điển hình là Trung Quốc: hầu hết các hoạt động R&D nông nghiệp ở nước này là do các công ty nước ngoài liên doanh với công ty địa phương. Ở Pakistan và Ấn Độ, các công ty nước ngoài chiếm khoảng 1/3 hoạt động R&D nông nghiệp. Nhìn chung, các công ty đa quốc gia ở Đông Nam Á “độc chiếm” trong lĩnh vực R&D về giống và thuốc trừ sâu. Các doanh nghiệp nước ngoài ở Thailand và Philippines được phép mở đồn điền. Ở Malaysia và Indonesia, đồn điền của các công ty nước ngoài dần bị mua lại (Malaysia) và quốc hữu hóa (Indonesia). Kết quả là Malaysia và Indonesia không có các công ty nước ngoài liên quan đến các nghiên cứu về trồng trọt.
Việc xoá bỏ dần các hàng rào thương mại giữa các nước châu Á đã biến các nghiên cứu riêng biệt từng vùng thành các nghiên cứu liên vùng để giảm chi phí và chống mất cắp bản quyền. Ví dụ, các công ty giống đã tập trung từ các nước khác tới Thailand và xuất khẩu từ Thailand đi các nước khác. Trong khi đó thì Charoen Pokphand  – một tập đoàn nông nghiệp Thailand lại làm các nghiên cứu về gia cầm của mình ở Trung Quốc rồi từ đó “nhập khẩu” các giống gia cầm cải tiến về nước mình. Phần lớn các nước trên đều chủ yếu nhập khẩu công nghệ, trừ hai nước lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Từ giữa những năm 90, hai nước này đã “tự lực” từ 1/3 đến 1/2 là công nghệ nghiên cứu trong nước.
Hiệu quả chủ yếu trong R&D của các công ty tư nhân ở châu Á là tăng sản lượng ngô, hướng dương, kê, lúa miến (sorghum) và bông ở Ấn Độ, ngô và rau quả ở Thailand, ngô ở Philippines, ngô và thuốc lá ở Pakistan. Qua đó có thể thấy, ngô là giống được các công ty tư nhân chú trọng nghiên cứu và phát triển nhất ở châu Á.
R&D và chuyển giao công nghệ của khói tư nhân cũng khiến giá các sản phẩm từ gia súc gia cầm hạ xuống nhanh chóng. Trong 20 năm, từ thập kỷ 70 đến 90, trứng và thịt gà ở các nước châu Á giảm xuống 3-4 lần. Một nghiên cứu cho thấy, nhờ có công nghệ mà trong vòng 30 năm, giá thịt gà đã giảm tới một nửa. Các sản phẩm thịt, trứng, sữa… nhờ đổi mới công nghệ nên không những tăng sản lượng một cách đáng kể mà chất lượng cũng được cải thiện.
Ở châu Á, chỉ có một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia… thì dấu ấn R&D trong nông nghiệp của khối tư nhân hầu như không đáng kể, còn với hầu hết các nước châu Á khác, mọi thành tựu trong nông nghiệp đều có dấu ấn R&D của khối này.
ảnh trên cùng: Trang trại nuôi tôm ở Songkhla, Thailand

Trần Anh

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)