Đầu tư mạo hiểm trên thế giới

Để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới quy mô vừa và nhỏ, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có các loại chương trình đầu tư mạo hiểm khác nhau với 3 hình thức chủ yếu là: đầu tư vốn trực tiếp (đầu tư cổ phần, vốn vay của chính phủ), các chính sách khuyến khích về tài chính (khuyến khích thuế, bảo lãnh vay, bảo lãnh cổ phần) hoặc tạo cơ chế cho các nhà đầu tư mạo hiểm hoạt động. Trong các hình thức trên, đầu tư vốn trực tiếp chiếm ưu thế hơn cả.

Một số nước đã rất thành công trong đầu tư mạo hiểm như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Gần đây, đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc cũng phát triển nhanh.
Mỹ: là nước tiên phong trên thế giới về đầu tư mạo hiểm, với ý tưởng cần hỗ trợ vốn để hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý tưởng sáng tạo và có tiềm năng trên thị trường. Công ty đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Mỹ do Hiệu trưởng đại học MIT thành lập từ năm 1946, quỹ này đã hỗ trợ các công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới như DEC (chế tạo các máy tính cỡ trung đầu tiên trên thế giới). Một số công ty công nghệ danh tiếng trên thế giới như Microsoft, Apple, Yahoo cũng hình thành và phát triển từ vốn đầu tư mạo hiểm. Đến nay Mỹ có khoảng 2.000 công ty đầu tư mạo hiểm với tổng số vốn hơn 60 tỷ USD, mỗi năm đầu tư cho khoảng 10.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Chính phủ Mỹ đã ban hành hàng loạt luật và chính sách hỗ trợ đầu tư mạo hiểm, trong đó chủ yếu là tạo điều kiện cho Quỹ Hưu trí được đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm trong Luật đầu tư doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhà cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm chủ yếu từ Quỹ Hưu trí, các công ty tư nhân, cá nhân và gia đình, cơ sở đào tạo và nghiên cứu, ngân hàng và công ty bảo hiểm, các nguồn vốn nước ngoài. Tổ chức quản lý đầu tư các công ty mạo hiểm là chuyên nghiệp.
EU: Trong EU, Anh là nước thành công hơn cả trong đầu tư mạo hiểm. Đầu tư mạo hiểm xuất hiện ở nước Anh hồi thập niên 70, đến nay đã chiếm 40% tổng vốn đầu tư mạo hiểm của EU. Năm 1999, nước Anh có gần 250 doanh nghiệp đầu tư mạo hiếm với tổng số vốn đạt 11,9 tỷ USD. Chính phủ Anh đã ban hành Luật Uỷ thác Đầu tư mạo hiểm, trong đó ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đầu tư vào Quỹ uỷ thác để Quỹ tiến hành đầu tư mạo hiểm.
Ở Đức, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm năm 1998 chỉ là 1,1 tỷ USD, nhưng đến 2001 đã đạt 5,6 tỷ USD. Chính phủ Đức thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm nước Đức. Chính phủ Đức bảo hiểm đến 75% các khoản lỗ và lợi nhuận của Quỹ từ các doanh nghiệp bị giới hạn trần nên Quỹ thiếu động cơ và hoạt động không thành công.
Nhật Bản: Bộ Ngoại thương và Công nghiệp thành lập Trung tâm đầu tư mạo hiểm từ năm 1975 với chính sách cho các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới vay vốn không lãi suất trong 5 năm. Quỹ do ngân hàng quản lý và thực hiện cho vay. Vốn đầu tư mạo hiểm của Nhật chủ yếu từ các cơ quan tài chính. Ngân hàng và các cơ quan tài chính thiếu năng lực đánh giá về công nghệ cao nên Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Nhật không phát triển lắm.
Israel, Chile, Đài Loan: Đều là những nền kinh tế thành công trong đầu tư mạo hiểm khi kết hợp sự hỗ trợ của Chính phủ với các công ty mạo hiểm tư  nhân. Quỹ Đầu tư Mạo hiểm của Chính phủ Israel đầu tư trực tiếp và các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân (vốn chính phủ đối ứng 40%). Quỹ đầu tư Mạo hiểm của chính phủ Chile đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân dưới dạng cho nợ dài hạn, thực chất là vốn ưu đãi (lãi suất 3% trong 15 năm). Chính quyền Đài Loan thực hiện chính sách ưu đãi 20% cho các công ty đầu tư mạo hiểm nếu có đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ vào Đài Loan.
Trung Quốc: Năm 1985, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thành lập Công ty đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, nhưng đến năm 1998 thì công ty này ngừng hoạt động. 13 năm đó được coi là giai đoạn thử nghiệm đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc. Từ 1999 đến 2001, Trung Quốc có tới 400 công ty đầu tư mạo hiểm với số vốn 6 tỷ USD. Rút kinh nghiệm thất bại trong giai đoạn đầu do thiếu nguồn nhân lực vận hành, thiếu thể chế, chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy chế sàn giao dịch chứng khoán cho các doanh nghiệp công nghệ cao vừa và nhỏ, cải thiện Luật Đầu tư v.v.
Thực tế Mỹ và các nước thành công trong đầu tư mạo hiểm khác cho thấy, các điều kiện để đầu tư mạo hiểm thành công là: có nhu cầu rất lớn về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu công nghệ; có hệ thống luật pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy đổi mới công nghệ; thị trường chứng khoán phát triển mạnh cùng với tiềm lực to lớn của các nguồn vốn khác cho đầu tư mạo hiểm; các công ty đầu tư mạo hiểm phải có am hiểu công nghệ và năng lực quản lý.

(Theo tài liệu của Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN)

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)