Để có sự lựa chọn đúng?
Từ những trải nghiệm của riêng mình, PGS. TS Lê Thị Lý đã có những chia sẻ chân thành về những điều cần chuẩn bị khi chuyển đổi từ môi trường học thuật sang môi trường doanh nghiệp.
Trong khi thế hệ cha ông chúng ta phần lớn phải làm việc vì mưu sinh trong khi xã hội hiện đại cho phép người có tri thức được sống với đam mê của mình. Nếu như việc học tập ở trường chỉ duy trì đến khoảng 20 năm đầu đời thì công việc và sự nghiệp là những điều bạn phải theo đuổi trong suốt những năm còn lại nhằm tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội.
Tiếp sau câu chuyện chọn ngành nghề là câu chuyện ngã rẽ khi lựa chọn môi trường làm việc. Bạn tốt nghiệp và phải đối diện với lựa chọn đầu tiên trong đời, môi trường học thuật hay công nghiệp? Bạn phân vân không chắc đâu mới là lựa chọn phù hợp với bản thân? Bạn nghĩ rằng bạn cần một vài lời khuyên trước khi dấn thân vào một thử thách mới. Vâng, vậy thì những chia sẻ sau đây chắc hẳn là dành cho bạn.
Một góc nhìn cá nhân
Ở thời điểm hiện tại, cũng đã gần ba năm kể từ khi tôi bắt đầu làm việc trong ngành Công nghiệp Dược phẩm, với lĩnh vực phát triển chủ yếu là Dược lý di truyền và Phát triển dược phẩm. Cụ thể hơn, tôi làm việc toàn thời gian cho một công ty công nghệ ở Mỹ về biopharma (công nghệ sinh học dược phẩm), tìm kiếm thuốc và ứng dụng AI cho dược phẩm… Toàn bộ kiến thức mà tôi có được và áp dụng ở lĩnh vực này là từ quá trình làm nghiên cứu sinh ở Mỹ và có khoảng một thập niên làm việc trong môi trường học thuật tại trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM.
Trong đại dịch COVID, vì muốn tạo ra những ảnh hưởng lớn hơn trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, tôi quyết định thử sức mình trong môi trường công nghiệp. Phải thừa nhận rằng, những kỹ năng mà tôi từng có được trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu trước đó tại trường đại học vẫn luôn rất hữu ích cho công việc của tôi ở thời điểm hiện tại. Tôi vẫn đọc một số lượng lớn bài báo, thử nghiệm thêm kỹ thuật mới trong chuyên ngành của mình, chỉ khác là tốc độ và quy mô của các nghiên cứu bây giờ đã lớn hơn nhiều. Tôi tiếp tục duy trì việc viết lách nhưng là viết kế hoạch phát triển sản phẩm, đề xuất giải pháp công nghệ cho khách hàng doanh nghiệp; viết bài thuyết trình về các công nghệ mới của công ty với các khách hàng tiềm năng nhưng ở khía cạnh khác: biểu đạt mọi thông tin thật súc tích, thuyết phục nhằm mang về hợp đồng triệu đô cho công ty.
Thông qua việc hướng dẫn các nghiên cứu sinh đến công ty thực tập, tôi nhận thấy, các bạn trẻ vẫn thật sự cần một số kinh nghiệm của người đi trước khi đối diện với ngưỡng cửa sự nghiệp.
Hãy hiểu thật thấu đáo về từng môi trường làm việc
Trong lĩnh vực học thuật, môi trường làm việc thường tập trung ở các trường đại học, cao đẳng hoặc các tổ chức nghiên cứu. Giáo viên và nhà nghiên cứu thường tham gia giảng dạy và thực hiện nghiên cứu độc lập. Lúc này, chúng ta chú trọng vào việc phát triển kiến thức và thúc đẩy sự sáng tạo thông qua các dự án nghiên cứu. Nghiên cứu học thuật thường theo đuổi các chủ đề thuần túy hoặc lý thuyết cơ bản, với việc xuất bản kết quả trong các tạp chí uy tín là một trong những chỉ số chính để đánh giá thành công nghề nghiệp. Hệ thống tenure track (ký hợp đồng lao động dài hạn/biên chế) có thể mang lại an sinh nghề nghiệp lâu dài và tự do học thuật nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực cao về hiệu suất nghiên cứu. Làm việc trong môi trường học thuật tương đối linh động trong sắp xếp thời gian biểu, đặc biệt là trong giai đoạn không giảng dạy. Khó khăn lớn nhất ở đây là vấn đề kinh phí, nhiều năm nghiên cứu trong nước, nguồn kinh phí chính mà tôi thường được hỗ trợ là từ Quỹ NAFOSTED.
Trái ngược với môi trường học thuật, công việc trong lĩnh vực công nghiệp thì không có những mối lo thường trực về kinh phí, do thường tập trung ở các công ty tư nhân, tập đoàn hoặc các cơ quan chính phủ. Ở đây, trọng tâm lại đặt vào việc phát triển sản phẩm, dịch vụ hoặc giải pháp có thể áp dụng trong thực tế. Các chuyên gia thường tập trung vào giải quyết vấn đề và tham gia vào các dự án nghiên cứu ứng dụng. Mốc thời gian hoàn thành công việc ở công ty, doanh nghiệp thường ngắn hơn và đòi hỏi cường độ làm việc nhóm cao hơn. Thời gian làm việc có lịch trình cố định và hiệu quả công việc được đánh giá qua hiệu suất kinh doanh và thị trường. Công việc cần sự hợp tác đa dạng trong các nhóm chuyên ngành và có cấu trúc tổ chức phân cấp với vai trò và trách nhiệm được xác định rõ ràng. Ngoài ra, các công ty còn có thêm chính sách đào tạo nhân sự phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, lãnh đạo, giúp bạn phát triển để thích ứng và thăng tiến.
An sinh nghề nghiệp phụ thuộc vào hiệu suất cá nhân và sự thành công của tổ chức, như nguồn tiền đầu tư và các hợp đồng. Thu nhập trong môi trường công nghiệp thường cao hơn so với môi trường học thuật, song nếu có vấn đề tài chính thì công ty vẫn có thể lựa chọn cắt giảm nhân sự.
Cần chuẩn bị gì trước khi chuyển đổi?
Bây giờ thì tôi sẽ chia sẻ quá trình chuẩn bị của mình để các bạn có thêm góc nhìn.
Đầu tiên, hãy thử nghiệm!
Tương tự với nghiên cứu thử nghiệm trong nghiên cứu, một thử nghiệm trước khi chuyển đổi công việc có thể là một lựa chọn an toàn. Tôi đã trải nghiệm điều này khi làm tư vấn cho Vin Big Data (Viện Nghiên cứu Dữ liệu Lớn) của Vingroup và World Elite Food trong ba năm trước khi thực sự chuyển công việc. Trong suốt quá trình này, bạn nên cố gắng tham gia vào các công việc liên quan hơn đến môi trường công nghiệp, cố gắng kết nối với những người làm việc cùng ngành ở các công ty, làm về tư vấn giải pháp, hoặc chuyển giao công nghệ để tích lũy kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới làm việc càng nhiều càng tốt. Nếu vẫn còn là sinh viên thì bạn có thể đến xin thực tập. Tôi cho đây là những trải nghiệm vô cùng quý báu, và phần nào giúp bạn quyết định liệu bạn có thực sự muốn chuyển ngành hay không.
Nếu như bạn đã quyết tâm rồi thì bây giờ hãy bắt tay vào khâu chuẩn bị sơ yếu lý lịch để xin việc nhé!
Mỗi một điểm đến khác nhau sẽ quyết định CV của bạn cần có những gì. Khi chuẩn bị CV ứng tuyển ngành công nghiệp, bạn đừng quá luyến tiếc danh sách dài các bài báo và thành tích nghiên cứu trước đó bạn đã đạt được. Thay vào đó, chỉ nên có một tóm tắt về thành tích học thuật chung rằng bạn đã xuất bản nhiều bài báo ở các tạp chí uy tín. Sau đó, hãy chuyển đổi những gì bạn đã làm trong nghiên cứu, trong các dự án, và cả việc giảng dạy thành một danh sách kỹ năng mà nhà tuyển dụng ngành công nghiệp mong muốn. Ví dụ, hãy làm nổi bật những kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, kỹ năng trình bày và phân tích, kỹ năng giao tiếp, khả năng lập trình và các kỹ năng chuyên môn khác nếu chúng liên quan… Tôi đã khá ngạc nhiên khi biết không cần phải có bằng tiến sĩ để làm R&D trong công nghiệp. Bằng cấp lúc này không có quá nhiều ý nghĩa, năng lực giải quyết công việc thực tế hằng ngày mới là điều quyết định bạn có thể vượt qua thời gian thử việc hay không. Bây giờ, bạn có thể giữ lại CV học thuật như một kỷ niệm, như tôi đã làm trước đó, nhưng nên nhớ rằng, hãy chuyển đổi chúng thành kỹ năng trên CV, và tương tự, trong công việc, tạo ra kết quả thực tế.
Còn nếu như bạn đã xin được việc và đang chuẩn bị đi làm thì hãy chuẩn bị tâm lý trước khi đến môi trường làm việc mới. Chuyển từ học thuật sang công nghiệp chắc chắn không phải là điều dễ dàng, và thậm chí có thể khó khăn hơn nhiều so với việc thay đổi từ lĩnh vực chuyên môn sang các chuyên ngành lân cận. Đó là cả một sự thay đổi về lối sống và bạn luôn phải cố gắng để thích nghi. Nó mất thời gian hơn bạn nghĩ và bạn có thể gặp phải một số cú sốc văn hóa. Ở công việc đầu tiên, tôi đã gặp phải khó khăn khi làm việc như một cầu nối giữa khách hàng và những người quản lý trong công ty. Công việc ở công ty thứ hai lại có vẻ dễ dàng ứng phó hơn vì tôi đã có kinh nghiệm hơn.
Trong giai đoạn đầu, một số bạn sẽ cảm thấy khó khăn để thích ứng, số khác thì cho rằng công việc không đủ thách thức với năng lực và trí tuệ của bạn. Dù sao đi nữa, đừng rơi vào kết luận quá sớm. Công việc đầu tiên trong ngành công nghiệp sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan, một cơ sở để phân tích ưu và nhược điểm, và những quyết định tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thay vì lần đầu tiên, tôi cần chủ động tìm kiếm những cơ hội, thì ở những lần tiếp theo, những “tay săn đầu người” đã chủ động tìm kiếm và đưa ra những đề xuất mới cho tôi.
Làm gì để việc chuyển đổi thuận lợi hơn?
Trong trường hợp bạn cần một lời khuyên cho việc chọn công ty lúc này, thì đề nghị của tôi là hãy chọn một công ty có phòng R&D (phòng Nghiên cứu và Phát triển) để bắt đầu. Có nhiều loại công ty khác nhau trong ngành, từ tư vấn, đến doanh nghiệp, và cả công ty khởi nghiệp. Dựa theo kinh nghiệm cá nhân tôi, tham gia phòng R&D có thể dẫn dắt bạn đến một con đường sự nghiệp bằng phẳng hơn là đến doanh nghiệp tư vấn hoặc kinh doanh trực tiếp. Mặc dù nhiều tổ chức Nghiên cứu và Phát triển thực hiện nhiều hoạt động Phát triển hơn là Nghiên cứu, các bộ phận R&D vẫn hoạt động trong một môi trường kinh doanh gần giống với học thuật mà ít chính thức hơn so với doanh nghiệp. Bạn có thể tránh được những cú sốc văn hóa lớn và thường tìm thấy tiếng nói chung ở những người giống bạn, cũng chuyển từ học thuật sang công nghiệp. Một lần nữa, nếu bạn đang trong thời gian đi học, cũng có thể xin thực tập ở công ty trước, việc có kinh nghiệm làm việc thực sự rất quan trọng.
Một lời khuyên khác là bạn nên chú trọng vào một người quản lý (manager/leader) tốt, một đội nhóm tốt hơn là một bản mô tả công việc hoàn hảo. Giả sử rằng bạn đang đứng trước hai cơ hội tương tự nhau: một cung cấp mô tả công việc không hoàn hảo cho lắm so với ước mơ của bạn, nhưng bạn cảm thấy vị sếp này sẽ đánh giá cao kỹ năng và tiềm lực của bạn, trong khi một công việc còn lại trông có vẻ hoàn hảo, nhưng bạn lại không cảm thấy được sự thoải mái khi làm việc với người quản lý tương lai. Như vậy, tôi sẽ luôn khuyến khích bạn chọn vị sếp có thể hiểu và nhìn thấy giá trị tiềm năng của bạn. Điều quan trọng khi chuyển từ học thuật sang công nghiệp chủ yếu nằm ở cách làm việc, tư duy và phong cách hơn là những nhiệm vụ cụ thể, chi tiết mà bạn thực hiện. Công việc trong ngành công nghiệp không được định rõ và chặt chẽ như các dự án và nhiệm vụ học thuật, và có nhiều tính linh hoạt để phát triển và thay đổi. Cuối cùng, và quan trọng hơn cả, một sếp tốt sẽ tạo điều kiện để bạn phát triển sự nghiệp.
Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cũng như chuyển đổi, bạn nên tìm cho mình một mentor (người hướng dẫn) có nhiều kinh nghiệm trong môi trường công nghiệp. Ngay cả khi người đó không làm việc cùng lĩnh vực với bạn, kinh nghiệm của họ vẫn sẽ có ích. Mặc dù hiện tại các bạn trẻ đã chủ động hơn nhiều trong việc tìm kiếm thông tin, song tôi tin rằng, các thông tin này vẫn khá chung chung, và bạn cần một người thực sự hiểu bạn hơn, để đưa ra ý kiến có thể tham khảo được, về cách thức giải quyết khó khăn, một cơ hội mới, hoặc thậm chí, an ủi, khuyến khích bạn. Một số ý kiến bạn nhận được trong một cuộc phỏng vấn không thành công có thể khiến bạn cảm thấy buồn chán hoặc bi quan, khi đó, bạn có thể tham khảo ý kiến từ mentor của mình để biết rằng liệu những gì mình đang làm có đúng đắn hay không. Sai lầm của bạn biết đâu là một sai lầm phổ biến mà mọi người đều mắc phải trong quá trình này, và việc bạn cần làm chỉ đơn giản là vượt qua nó. Tôi đã may mắn được tiến sĩ Nguyễn Kiên, một cán bộ quản lý cao cấp của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID). Trước đó, anh đã làm việc cho ba công ty về lĩnh vực công nghệ sinh học dược nên tôi cũng đã nhận được nhiều lời khuyên rất có giá trị.
Tất cả các lời khuyên trên đây đều dựa vào kinh nghiệm cá nhân tôi và có thể không áp dụng cho tình huống của bạn, nhưng dẫu sao, tôi hy vọng bạn sẽ gạn lọc được điều gì đó hữu ích. Tôi cũng đã nghĩ đến việc viết một số góp ý cho các nhà giáo dục để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn với thực tế trong công nghiệp, cũng như đề xuất cho người hoạch định chính sách vĩ mô trong khoa học – công nghệ, như vậy, có lẽ sẽ hẹn bạn đọc Tia sáng vào dịp sau. □
Bài đăng Tia Sáng số 2+3(số Tết)/2024