Để dễ thành công hơn trong khoa học?
Người ta thường hiểu nhầm rằng sự thành công trong Toán học hay các lĩnh vực khoa học khác phụ thuộc vào trí tuệ bẩm sinh mang trong gene của con người. Thực tế, nó phụ thuộc vào hai điều: may mắn và nỗ lực. Trong trường hợp của tôi thì chủ yếu là may mắn (mặc dù thi thoảng tôi cũng phải nỗ lực).
Hội nghị Mật mã châu Á AsiaCrypt năm 2016 tổ chức ở Việt Nam, trong đó, GS. Neal Koblitz cũng tham dự. Ảnh: Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi có một năm sống ở Baroda, Ấn Độ (giờ đổi tên thành Vadodara). Tôi học ở một trường dòng dù gia đình tôi không theo Công giáo, chỉ bởi thời điểm đó, đó là trường duy nhất trong thành phố dạy bằng tiếng Anh thay vì tiếng Hindi hay Gujarati.
Trường này có những tiêu chuẩn rất khắt khe và dạy Toán ở trình độ cao hơn trường của tôi ở Mỹ. Mới sáu tuổi, tôi đã phải học phép nhân số có nhiều chữ số với nhau. Khi tôi trở về nhà vào năm sau, giáo viên của tôi kinh ngạc vì tôi đã biết cách làm như vậy. Cô giáo đưa cho tôi một cuốn sách nâng cao hơn để học trong khi cả lớp mới bắt đầu học phép nhân. Cô không hề biết về ngôi trường của tôi ở Ấn Độ và nghĩ rằng tôi hẳn phải cực kì thông minh. Sự khích lệ của cô đã có tác động rất lớn đến đứa trẻ tôi bảy tuổi lúc đó.
Một may mắn khác của tôi, khá trớ trêu, đó là tôi lớn lên trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Bang Nga. Hai cường quốc hạt nhân đối đầu nhau quá kịch liệt khiến con người sống trong sợ hãi về một cuộc chiến sẽ quét sạch nhân loại trên Trái đất. Tuy nhiên, những điều tồi tệ thi thoảng cũng “le lói điều tích cực”. Nhờ vào sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Bang Nga trong khoa học và công nghệ – đặc biệt là trong “cuộc đua vào không gian” – mà Chính phủ Mỹ mới ưu tiên đào tạo khoa học.
Những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có truyền thống trọng dụng nhân tài từ xa xưa, nhưng người Mỹ chúng tôi thì không. Thậm chí thái độ bài trừ khoa học khá mới gọi là phổ biến và lan rộng ở Mỹ. Đó là lí do mà 800 nghìn người Mỹ tử vong vì COVID-19. Rất nhiều người Mỹ từ chối tin vào những gì các nhà khoa học nói với họ về tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
Vào những năm 1950 và 1960, khi tôi trưởng thành, người Mỹ nói chung tin tưởng nhiều hơn vào khoa học và logic hơn bây giờ. Mặc dù tôi là một đứa trẻ ít giao tiếp và chơi thể thao rất tồi tệ, những đứa trẻ khác hết sức tôn trọng tôi chỉ vì tôi “giỏi Toán”.
Khi 14 tuổi, tôi tham dự vào một khóa học mùa hè do chính phủ tài trợ về toán học ở một trường đại học. Sau đó, lại một may mắn nữa, tôi gặp một nhà toán học nổi tiếng tên là Mark Kac sẵn sàng dạy cho tôi một vài chuyên đề toán nâng cao. Kac, như nhiều nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ khác, nhập cư vào Mỹ từ châu Âu vào những năm 1930 khỏi Đức quốc xã.
Các trường phổ thông tôi theo học nhìn chung tốt hơn rất nhiều so với mức trung bình ở Mỹ. Nhưng giảng dạy toán thì không có gì đặc biệt, tôi chủ yếu tự học toán. Tuy nhiên, có hai điều không liên quan trực tiếp đến toán học mà tôi thực sự biết ơn những năm học phổ thông.
Đầu tiên, tôi có những thầy cô giáo dạy văn tuyệt vời, những người đã dạy tôi viết trôi chảy. Đó là điều cực quan trọng với nghề nghiệp của tôi. Các nhà khoa học và các nhà toán học muốn có ảnh hưởng sâu rộng cần phải biết giao tiếp rõ ràng với những người ngoài ngành. Khoa học hay toán học không phải là tính toán (một máy tính có thể tính toán với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với con người) – mà là những khái niệm (concept) và ý tưởng. Hầu hết các nhà khoa học và toán học (đặc biệt là các nhà toán học ứng dụng) đều làm việc cộng tác trong một nhóm nghiên cứu, bởi vậy nên họ cần giao tiếp tốt trong cả lời nói lẫn cách viết.
Thứ hai, trường cấp hai của tôi tổ chức một lớp học tiếng Nga, nên tôi bắt đầu học tiếng Nga, hứng thú với nó và tiếp tục tự học nó về sau. Khi học đại học, tôi tới Liên Bang Nga hai lần, và ngay sau khi nhận bằng Tiến sĩ, tôi dành một năm post-doc tại Moscow dưới sự hướng dẫn của nhà lý thuyết số nổi tiếng Xô viết Yuri Manin.
Trong những năm 1970 và 1980, Moscow là nơi có mật độ nhà toán học hàng đầu thế giới lớn hơn bất kì thành phố nào trên thế giới. (Điều này không còn đúng nữa sau sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Nga.) Tôi trở lại Moscow trong vòng sáu tháng vào năm 1978 và một lần khác nữa vào năm 1985 trong một chương trình trao đổi học thuật giữa Nga và Liên Bang Nga.
Trái ngược với không khí chính trị căng thẳng giữa hai quốc gia, các nhà toán học Mỹ và Xô viết có mối quan hệ rất thân thiện. Vào những năm 1980, tôi bắt đầu nghiên cứu khía cạnh toán học của mật mã học và trong năm 1985, tôi thuyết trình về chủ đề này tại Hiệp hội Toán học Moscow. Các đồng nghiệp Xô viết cảm thấy rất hào hứng bởi đó là buổi thuyết trình đầu tiên của Hiệp hội Toán học Moscow về mật mã được trình bày bởi một người Mỹ! Mặc dù Tiếng Nga của tôi tương đối tốt, tôi khá lo lắng về buổi thuyết trình đó, bởi có hàng chục nhà toán học vĩ đại nhất của thế giới trong hàng ngũ khán giả.
Bìa tạp chí Time về thời điểm cuộc đua lên Mặt trăng giữa hai cường quốc là Liên Xô và Mỹ.
Thi thoảng, những trải nghiệm thời niên thiếu có thể hé lộ về hướng đi của sự nghiệp rất nhiều năm sau đó. Khi tôi khoảng 12 hay 13 tuổi, trong lớp hình học, tôi phát hiện ra lỗi sai của một phép chứng minh trong sách giáo khoa. Giáo viên của tôi không tin rằng tác giả có thể mắc lỗi. Bởi vậy, dù không có sự đồng ý của giao viên, tôi vẫn tập hợp các bạn trong lớp viết một bức thư tới tác giả nói về lỗi sai đó. Ông ấy trả lời rằng chúng tôi đã đúng và gửi lại phép chứng minh chính xác. Giáo viên vô cùng tức giận với tôi, và than phiền về tôi với ban giám hiệu nhà trường.
Trong suốt 20 thập kỉ qua, hầu hết các nghiên cứu của tôi có một sự tương đồng đặc biệt với sự kiện đó. Cùng với các đồng nghiệp đến từ Canada và Ấn Độ, tôi nghiên cứu những tuyên bố của các nhà mật mã học rằng, họ đã “chứng minh” bằng toán học hệ thống mã hóa, chữ kí số hoặc trao đổi các mã khóa của họ bảo mật hoặc an toàn khỏi tội phạm mạng. Hóa ra, rất nhiều “bằng chứng” đó đều có rất nhiều lỗi ngụy biện hoặc yếu logic và không bảo vệ được tí nào cho tuyên bố của họ. Phản ứng của một vài tác giả mà tôi phê phán khá tương tự với người giáo viên hình học của tôi nửa thế kỉ trước đó.
*****
Gia đình và không gian văn hóa đóng một vai trò lớn khiến người trẻ đi theo con đường khoa học và thành công trên con đường đó. Bố tôi là giáo sư đại học và mẹ tôi là giáo viên phổ thông. Mặc dù không ai là nhà khoa học, họ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ của con cái và luôn ủng hộ sở thích với toán và khoa học của tôi.
Thế hệ của tôi ở Mỹ là một thế hệ “khác thường”. Chúng tôi là thế hệ “hậu – Sputnik” được hưởng lợi từ sự đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào giáo dục và khoa học để “đuổi kịp Nga” và đánh bại họ trên cuộc đua tới Mặt trăng. Hơn nữa, bắt đầu từ khoảng năm 1960, nhiều người trẻ vận động quyền công dân cho người Mỹ gốc Phi. Và sau đó một vài năm, chúng tôi vận động phản đối cuộc chiến thảm khốc của Mỹ ở Việt Nam.
Với tiêu chuẩn của ngày nay, cuộc sống vật chất của chúng tôi thời đấy quá giản đơn.So sánh với sinh viên Mỹ bây giờ, chúng tôi sở hữu ít vật chất và có ít cám dỗ. Thời đó dễ dàng hơn để người ta chỉ tập trung vào những gì quan trọng – chẳng hạn như học hành. Những sinh viên nghiêm túc thường có xu hướng tránh xa chủ nghĩa tiêu thụ quá mức đang trở nên phổ biến ở Mỹ.
Khi chúng tôi già đi, rất nhiều người làm khoa học vẫn còn giữ thói quen đi ngược lại lối văn hóa tiêu dùng cực đoan đang được ca ngợi trên truyền thông Mỹ. Vào năm 1982, người bạn và người đồng nghiệp của tôi Hà Huy Khoái tới thăm tôi tại Seattle; ông ấy là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên tới Mỹ. Trước khi rời khỏi đây, tôi hỏi ông điều gì ngạc nhiên nhất – điều mà ông chắc chắn sẽ kể với mọi người ở Việt Nam về chuyến thăm này. Ông nói rằng đó là các giáo sư người Mỹ thường đeo balo và đạp xe đến trường. Ở Việt Nam thời kì đó, balo và xe đạp là biểu tượng của khốn khó và nghèo đói. Còn với chúng tôi ở Seattle, xe đạp được coi là một cách di chuyển không tốn kém, tốt cho môi trường và tốt cho sức khỏe. Ở tuổi 73, tôi vẫn đạp xe đi làm.
Một vấn đề ở Mỹ và một vài quốc gia khác đó là các bạn trẻ thường rất dễ bị xao nhãng – bởi điện thoại di động, bởi mạng xã hội, bởi văn hóa tiêu dùng quanh họ. Điều cần thiết là phải thoát khỏi những cám dỗ đó để nghiên cứu toán học và khoa học ở trình độ cao nhất.
Việt Nam có một truyền thống lâu dài, từ thời kì xây dựng Văn Miếu, coi trọng thành công trong học thuật. Những nhà khoa học thế hệ trước cần hỗ trợ thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn truyền thống đó.
Khi vợ tôi và tôi tới Việt Nam vào tháng 8/1995 nhân dịp kỉ niệm 10 năm giải thưởng Kovalevskaia, Hội phụ nữ tổ chức cho một nhóm sinh viên nữ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc tới thăm Hà Nội. Chúng tôi gặp nhóm đó tại Viện Toán học và nghe cố giáo sư Hoàng Tụy nói chuyện với họ về việc tại sao họ cần phải theo đuổi nghề nghiệp mà họ thực sự yêu – như nghiên cứu khoa học – thay vì những việc hào nhoáng và thời thượng hơn của bạn bè họ. Những người phụ nữ trẻ hết sức cảm động, có lẽ là bởi họ chưa bao giờ nghe một nhà khoa học đáng kính nói một cách chân thành và sang trọng đến vậy.
Những nhà khoa học và nhà toán học ở Việt Nam có một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ can đảm trước sự hấp dẫn của những giá trị và ưu tiên sai lệch từ phương Tây.
Những người trẻ ở Việt Nam có nhiều lợi thế hơn thế hệ của Hoàng Tụy hay những nhà khoa học tiên phong cùng thời. Khi Ann và tôi tới Việt Nam vào năm 1978, đây là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, vật lộn để hồi phục từ hàng thập kỉ chìm trong những cuộc chiến bi thương và những năm tháng thuộc địa. Việt Nam thời đó bị cô lập. Ngoại trừ những người được học đại học và sau đại học ở những nước xã hội chủ nghĩa, người Việt thời đó chỉ có rất ít liên lạc với những quốc gia khác. Dĩ nhiên là cũng không có internet hay điện thoại di động và dịch vụ điện tín thì rất kém. Khi tôi rời Việt Nam trong những lần thăm đầu tiên, các đồng nghiệp vẫn thường gửi cho tôi bài báo và địa chỉ tạp chí nước ngoài để tôi gửi hộ từ Mỹ cho đỡ thất lạc.
Giờ đây, cơ hội cho những nhà khoa học và toán học trẻ hoài bão nhiều hơn rất nhiều so với trước đây. Việt Nam đã hoàn toàn kết nối với mạng lưới quốc tế. Những hội thảo khoa học quốc tế lớn đã tổ chức ở đây. Vào năm 2016, tôi tới Hà Nội để dự Asia Crypt (Hội thảo Mật mã học châu Á) lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Đó là một sự kiện rất ấn tượng được tổ chức chuyên nghiệp bởi giáo sư Ngô Bảo Châu và Phan Dương Hiệu.
Nếu những người trẻ tận dụng tối đa lợi thế của những cơ hội này, họ sẽ vinh danh truyền thống hiếu học của người Việt, và Việt Nam sẽ có một tương lai xán lạn về khoa học và công nghệ. □
Hảo Linh dịch
Vận động những nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, những người được giải Kovalevskaia và những nhà khoa học hàng đầu khác tới thăm các trường phổ thông và trường đại học. Họ nên nói chuyện với các sinh viên về công việc của mình và hướng dẫn các em trong những hoạt động mang lại niềm vui của khám phá khoa học.
Khởi động những chương trình bên ngoài khung chương trình học để giới thiệu công việc khoa học thực tế đến với sinh viên. Nó cũng tương tự như chương trình Kinh nghiệm nghiên cứu cho Sinh viên (Research Experiences for Undergraduates – REUs) được tài trợ bởi chính phủ tại nhiều trường đại học ở Mỹ.
Bắt đầu những chương trình thực tập cho sinh viên đại học tại Viện nghiên cứu và các Phòng thí nghiệm của khối công nghiệp. Ở Bắc Mỹ, Đại học Waterloo – Đại học Công nghệ hàng đầu của Canada đã tiên phong tổ chức chương trình như vậy từ 50 năm trước.
Mở rộng mạnh mẽ các chương trình thạc sĩ đối với các ngành khoa học. Các sinh viên Việt Nam cần được khuyến khích lấy bằng Thạc sĩ trước khi đi du học nước ngoài để lấy bằng Tiến sĩ. Bằng cách này họ sẽ (1) có năng lực cạnh tranh cao hơn cho những chương trình tiến sĩ quốc tế hàng đầu (2) nhận được nhiều lợi ích hơn từ những chương trình như vậy, và (3) khả năng cao sẽ trở lại Việt Nam thay vì hòa vào dòng “chảy máu chất xám”.
Thật sự nỗ lực để thu hút phụ nữ và những người thiệt thòi về kinh tế, bao gồm cả những người dân tộc thiểu số, học khoa học. Ngành nghề khoa học phải cởi mở với tất cả mọi người, không chỉ những người có đặc quyền và không chỉ nam giới.