Đề xuất dự án Hồ sơ truy cập thiết bị kỹ thuật số
Khi các thiết bị kỹ thuật số trở nên phổ biến, người ta bắt đầu quan tâm đến tác động đến hậu quả của việc sử dụng các thiết bị này với con người, chẳng hạn như thời gian dùng có làm giảm khả năng tập trung, dẫn đến lo lắng hoặc trầm cảm, ảnh hưởng đến hoạt động xã hội hay kiềm chế khả năng phân biệt tin thật-giả không?
Các diễn viên nhí của một đoàn kinh kịch Trung Quốc sử dụng điện thoại thông minh. Nguồn: Thomas Peter/Reuters
Để trả lời câu hỏi này cũng như tìm hiểu khả năng ảnh hưởng đến chính sách công, các nhà nghiên cứu tại ĐH Stanford và ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) cho rằng cần phải ghi lại và phân tích tất cả mọi thứ người dùng nhìn thấy và thực hiện trên thiết bị của mình. Các nhà nghiên cứu kêu gọi thực hiện một dự án mang tên Human Screenome Project (Dự án Hồ sơ truy cập thiết bị kỹ thuật số) nhằm cung cấp cách tiếp cận chi tiết để quan sát sự phức tạp trong đời sống kỹ thuật số hiện nay.
Trong bài bình luận trên Nature, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải có một dự án như vậy để kiểm định các giả thuyết phổ biến như truyền thông kỹ thuật số vừa phải chịu trách nhiệm – ít nhất là một phần – cho nhiều vấn đề sức khỏe và xã hội, qua đó có thể góp phần đem lại giải pháp cho các vấn đề trên.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xem xét thời gian sử dụng là không đủ bởi các hành vi trong quá trình sử dụng thiết bị thông minh giờ đã quá phức tạp và đa dạng. GS. Byron Reeves, trường Khoa học và Nhân văn của ĐH Stanford cho biết: “Nghiên cứu đã không theo kịp với thay đổi của công nghệ. Rất nhiều nghiên cứu đang có đều thiếu sót, không hề liên quan, thậm chí sai lầm, bởi chúng ta không thực sự biết được mọi người đang làm gì trong những môi trường kỹ thuật số phức tạp đó.”
Đồng tác giả GS.Thomas Robinson, chuyên gia về sức khỏe trẻ em, nhi khoa và y học tại ĐH Stanford cũng nhận xét: “Bất kể nghiên cứu lĩnh vực gì – dù là chính trị, sức khỏe, mối quan hệ, sự nghiện ngập hay các hành động chống biến đổi khí hậu, thì để hiểu được rõ các hành vi và niềm tin của mọi người, chúng ta cần nhìn vào ‘hồ sơ dùng thiết bị kỹ thuật số’ của họ. Quá nhiều phần của cuộc sống giờ đây được lọc ra trên những thiết bị kỹ thuật số đó. Nhiều hoạt động trước đây phải mặt-đối-mặt thì hiện đã được phản ánh và ghi lại trên màn hình thiết bị, từ dịch vụ ngân hàng, quyết định ăn uống, kết bạn, chơi game, hẹn hò, tập thể dục, bàn chuyện chính trị v.v.”
Để tạo ra bản đồ đa chiều về cuộc sống số, các nhà nghiên cứu đang phát triển một lĩnh vực là Screenomics. Họ sử dụng phần mềm cài đặt trên smartphone hoặc thiết bị cá nhân (với sự đồng ý của người dùng), sau đó ghi lại, mã hóa và truyền tự động các ảnh chụp màn hình (5 giây một lần) đến một trung tâm nghiên cứu bảo đảm. Điều này sẽ tạo ra các bản ghi độc nhất vô nhị về hoạt động trên kênh truyền thông, để từ đó có thể phân tích và phóng sâu vào nhằm quan sát những thay đổi theo từng khoảnh khắc trên màn hình và nội dung, hoặc thu nhỏ lại để mô tả các thay đổi dài hạn hơn trong nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều năm.
Cho đến nay, phòng thí nghiệm Screenomics của ĐH Stanford đã thu thập được hơn 30 triệu điểm dữ liệu từ hơn 600 người tham gia và đã chứng minh rằng hầu hết mọi người lướt vòng rất nhanh qua khối lượng dữ liệu khổng lồ, chuyển từ mục này sang mục khác cứ sau 10-20 giây. Ngoài ra, họ cũng có những bằng chứng chắc chắn cho thấy việc sử dụng kênh giao tiếp mang đặc tính cá nhân cao và bao gồm nhiều trải nghiệm luôn bị ngắt quãng giữa những nội dung hoàn toàn khác nhau và chỉ có ý nghĩa với cá nhân đó. Không có bản đồ màn hình của hai người nào giống hệt nhau, thậm chí màn hình của một người cũng độc đáo từ giờ này sang giờ khác.
Dự án này được lấy tên tham chiếu từ ‘Dự án bản đồ gene người’ (Human Genome Project) và nhiều dự án có vần ‘-ome’ khác do Chính phủ Mỹ tài trợ. GS. Reeves và các đồng nghiệp nói rằng họ muốn theo đuổi mục tiêu tương tự: xây dựng được một bản thiết kế mã nguồn mở để nghiên cứu dữ liệu hoạt động trên thiết bị kỹ thuật số, trong khi vẫn tôn trọng quyền riêng tư của người dùng.□
Ngô Hà dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-01-human-screenome-impacts-digital-media.htm