Delhi: Nỗ lực tuyệt vọng để giảm ô nhiễm
Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Delhi, một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo nhận định của WHO, cần sự kết hợp giữa ý chí chính trị và nghiên cứu khoa học.
Theo nhận định của WHO thì Delhi là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: cen.acs.org
Những giải pháp công nghệ đầu tiên
Giữa biển ô tô, xe máy và xe lam (auto rickshaw) tại những tâm điểm đông đúc nhất của Delhi, những thiết bị có kích thước tương đương một chiếc tủ lạnh được lắp đặt ở 54 ngã tư với mục tiêu hút lấy những vật chất ô nhiễm do xe cộ thải ra và trả lại chút không khí trong lành. Từ mùa thu năm ngoái, Ban Kiểm soát ô nhiễm trung tâm liên bang (CPCB) có sáng kiến lắp đặt chúng, những thiết bị có ba lớp phin lọc để loại các hạt bụi mịn và đất. Các đèn tia cực tím đặt trên hốc bên trong kích hoạt các hạt than hoạt tính phủ lớp quang xúc tác để làm ô xi hóa các hợp chất hữu cơ nhỏ chứa độc chất rồi đẩy chúng qua lớp phin lọc thành carbon dioxit vô hại và nước. Đây là sản phẩm của Viện nghiên cứu Kỹ thuật môi trường quốc gia thuộc Hội đồng nghiên cứu Khoa học và công nghiệp, vốn được giới thiệu là có thể làm trong lành không khí của một khu vực rộng 500m2 và với kích cỡ lớn hơn là 10.000m2.
Có những ý kiến chỉ trích về những thiết bị này, từ hiệu quả đến giá cả (26 triệu rupee/chiếc). Polash Mukerjee, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và môi trường, một tổ chức NGO về môi trường có trụ sở ở Delhi, cho rằng hiệu quả làm sạch không khí của chúng ở thế giới thực ngoài phòng thí nghiệm vẫn còn chưa đo đạc được. “Dĩ nhiên chúng có hoạt động, nhưng khu vực chúng tác động rất giới hạn. Với bầu không khí bên ngoài thì chúng chỉ có thể tác động được 2 đến 3 m2”.
Tuy nhiên ngay cả khi các máy lọc này hoạt động tốt thì những ô nhiễm mà chúng loại bỏ chỉ là một phần rất nhỏ trong bầu không khí ô nhiễm đang bao bọc lấy Delhi. Tỷ lệ các hạt PM2.5 cao gấp 14 lần giới hạn đề xuất của WHO. Vấn đề ô nhiễm của thành phố này đang ngày một xấu hơn với sự “tiếp tay” của quy mô dân số 29 triệu dân, con số khiến Delhi đang trên đà vượt qua Tokyo để trở thành thành phố lớn nhất thế giới vào năm 2028, theo ước tính của Liên Hợp Quốc.
Ô nhiễm ở Delhi đạt đỉnh vào mùa đông bởi sự pha trộn giữa việc đốt cháy sinh khối từ các hoạt động truyền thống, bụi từ các nhà máy nhiệt điện than và các yếu tố khí tượng. Một lớp sương mù quện với bụi dày, độc che khuất cả Mặt trời và tấn công các lá phổi, khiến trường học phải đóng cửa. Dưới áp lực phải làm điều gì đó ngăn ngừa tình trạng này, CPCB đang thử nghiệm một số công nghệ mà họ phát triển và lắp đặt tại các ngã tư đông đúc và đặt thêm 30 thiết bị lọc không khí khác trên các xe buýt công cộng. Họ còn lập kế hoạch phun magiê clorua và bột xi măng lên đường và các điểm xây dựng; các vật liệu có khả năng hút ẩm đó sẽ hấp thụ nước từ không khí, khiến cho lớp bề mặt ẩm hơn và giữ bụi khỏi bay lên. Tháng 11/2019, họ đã loan báo một dự án liên quan đến việc phun một số chất lên không khí để làm mưa nhân tạo và làm sạch ô nhiễm.
Dĩ nhiên những dự án này cũng không đủ làm nhiều người thấy hài lòng. “Đây không phải là giải pháp mang tính phát triển bền vững”, Sandeep Dahiya, một nhà vận động chính sách của nhóm Help Delhi Breathe, nhận xét. “Nó chỉ mang ý nghĩa chính trị là chính quyền đang cố gắng làm cái gì đó”.
Thay vì những cỗ máy đắt đỏ, những gì thành phố này cần là một kế hoạch dài hạn và hiệu quả để cắt giảm các nguồn ô nhiễm, Sandeep Dahiya và những người khác nói. Nhưng vấn đề Delhi đang gặp phải cũng là những thách thức mà các siêu đô thị như Bắc Kinh, Cairo, Los Angeles, Mexico đều đối mặt. Cũng như các thành phố này, ô nhiễm ở Delhi đến từ nhiều nguồn khác nhau và thay đổi theo mùa và các điều kiện khí tượng. Riêng Delhi, nó kết hợp với sự gia tăng của dân số, sự thiếu hụt thông tin, giáo dục, chính sách hữu hiệu và cả sự thúc bách về luật pháp.
Khoa học vào cuộc
Hạt bụi mịn PM2.5 là điều mà các tổ chức NGO và người dân Delhi muốn loại bỏ. Bước đầu tiên để làm được điều này là phải hiểu được nó đến từ đâu, các chuyên gia cho biết. Nhưng với Ấn Độ thì nhiệm vụ này lại hết sức khó khăn bởi các số liệu của họ quá nhiều lỗi và không thể tính được các nguồn đóng góp ô nhiễm nhỏ, như việc đốt củi nấu nướng. Một báo cáo do Viện nghiên cứu Năng lượng và các nguồn lực (TERI) và Hiệp hội nghiên cứu Tự động hóa Ấn Độ thực hiện theo đơn đặt hàng của chính phủ, công bố vào tháng 8/2018, đã góp phần giải quyết điều đó. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết quả phân tích hóa học các mẫu khí thu thập được kết hợp với mô hình để phân loại nguồn phát thải của các chất ô nhiễm trong mẫu. “Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng hai cách tiếp cận mô hình khác biệt để suy ra kết luận”, Sumit Sharma, giám đốc nghiên cứu về khoa học trái đất và biến đổi khí hậu ở TERI, nhận xét.
Khu vực tập kết rác Bhalswa ở New Delhi. Nguồn: Sajjad Hussain/AFP.
Cách tiếp cận đầu tiên mà nhóm nghiên cứu ở TERI áp dụng là thu thập các mẫu bụi ở 20 địa điểm – 9 ở nội đô và 11 trong các bang lân cận thuộc vùng Thủ đô – trong mùa đông và mùa hè năm 2016-2017. Họ phân tích các mẫu và phân loại theo thành phần hợp chất như các ion, kim loại, hợp chất carbon, sau đó sử dụng các mô phỏng máy tính để truy dấu tận nguồn phát như xả thải giao thông, phát thải nhà máy điện, bụi đường, động cơ diesel…
Cách tiếp cận còn lại là tìm các nguồn phát thải hạt bụi bên trong vùng thủ đô và bụi được vận chuyển từ các nguồn xa hơn rồi dùng các mô hình khí tượng và hóa học khí quyển để mô phỏng cách chúng phân tán và tương tác. Việc so sánh các kết quả với đo đạc ô nhiễm cho phép họ xác định được nguồn phát sinh.
Cả hai cách tiếp cận đều chứng tỏ vào mùa đông, xe cộ đóng góp 30% lượng bụi PM2.5; các ngành công nghiệp, bao gồm nhiệt điện, đóng góp 30%; đốt sinh khối từ bếp và rơm rạ chiếm 14 đến 23%; lượng bụi bốc lên từ hoạt động giao thông và xây dựng chưa được kiểm soát của vùng thủ đô cùng đóng góp 17%. Trong mùa hè, hoạt động giao thông giảm mạnh trong khi bụi khác lại tăng gấp đôi.
Tuy nhiên về mùa đông thì tình trạng phức tạp hơn nhiều. Nông dân ở các bang lân cận như Haryana, Punjab, và Uttar Pradesh đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, đi kèm với đó là hàng triệu người đốt pháo hoa trong nhiều ngày để ăn mừng lễ Diwall, một lễ hội quan trọng của người Hindu, thường diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11. Các điều kiện khí tượng đạt đỉnh trong mùa đông khi những nghịch nhiệt bẫy các hạt ở gần mặt đất và gió thổi ở tầng thấp làm tăng tốc độ tích tụ bụi từ các quốc gia Vùng Vịnh và Afghanistan, bổ sung thêm bụi từ phia Bắc Ấn Độ nữa. Tính trung bình, về mùa đông nồng độ bụi PM2.5 (168 µg/m3) and PM10 (314 µg/m3) cao gấp đôi mùa hè.
Một số đề xuất khác của chính quyền như cấm xe cá nhân đã vấp phải sự phản đối dữ dội. “Nếu anh cấm các loại xe cá nhân thì anh cần phải cung cấp những hệ thống vận chuyển công để đáp ứng nhu cầu đi lại”, Dahiya nói.
Bước tiến tích cực nhất của chính quyền Delhi là đóng cửa vĩnh viễn nhà máy nhiện điện than cổ lỗ và gây ô nhiễm Badarpur tại ngoại vi phía Tây Nam thành phố, Dahiya nhận xét. Nhà máy này là nguyên nhân chính cho ô nhiễm của vùng thủ đô, từng bị ngừng hoạt động vào ba mùa đông gần đây như cách hiệu quả để cải thiện ô nhiễm. Ban Kiểm soát ô nhiễm trung tâm liên bang mới đây đã bắt buộc các nhà máy có khả năng phát thải cao phải lắp đặt các trung tâm đo đạc phát thải tự động và gửi dữ liệu theo thời gian thực về cơ quan này để giám sát có chấp hành các điều luật quy định về phát thải không.
NTPC, cơ quan phụ trách vấn đề điện năng của Ấn Độ Meanwhile, lên kế hoạch từ tháng 10 hằng năm sẽ đốt các phụ phẩm nông nghiệp cùng với than trong các nhà máy gần Delhi và cuối cùng là khắp nước. Giải pháp đồng đốt (cofiring) có thể đem lại lợi ích kép như tránh ô nhiễm từ trực tiếp đốt rơm rạ và cắt giảm phát thải thủy ngân và sulfur ở nhà máy điện than, Sharma nói.
Vùng thủ đô và các bang khác đang hướng tới cung cấp một số giải pháp cho nông dân, ví dụ bang Haryana đang cung cấp một thiết bị mang tên Happy Seeder để chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Vào tháng 11/2018, Ikea, nhà thiết kế nội thất Thụy Điển, loan báo kế hoạch mua phụ phẩm từ nông dân để làm nguyên liệu chế tạo các vật dụng.
Mới cắt giảm một phần ô nhiễm
Chính quyền đang tiến những bước tích cực khác để cải thiện chất lượng không khí nhưng những gì đạt được vẫn còn rất nhỏ. Theo TERI, phần lớn các giải pháp kết hợp mới chỉ cắt giảm một nửa lượng bụi ô nhiễm ở Delhi. Việc đưa các phụ phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm có giá trị có thể cắt giảm nồng độ PM2.5 về mùa đông xuống 12%. Việc cung cấp nguồn điện ổn định hơn tránh nông dân phải dùng máy phát điện chạy bằng diesel và việc nấu bằng gas thay thế củi đun nấu cũng cắt giảm mức độ phát thải xuống 13,7%. Việc bắt buộc ngành công nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn phát thải và sử dụng thêm xe buýt điện dẫn đến cắt giảm khác là 10,5%.
Lễ khởi hành chuyến xe buýt điện đầu tiên của Delhi vào cuối năm 2018. Nguồn: urbantransportnews.com
Nhưng rào cản lớn nhất trong lộ trình kiểm soát phát thải của họ là sự thiếu hoàn thiện của các quy định hiện hành, Mukerjee của Trung tâm Khoa học và Môi trường nhận xét. “Có nhiều chính sách và quy định sẵn có không ăn khớp với nhau”. Việc cấm pháo hoa không thể bắt buộc người dân ngừng đốt nhân dịp lễ hội như mong đợi. Các trung tâm kiểm tra phát thải xe cộ thì nổi tiếng với việc cung cấp các giấy chứng nhận gian lận. Các công ty xây dựng không giảm thiểu bụi theo yêu cầu như che chắn hoặc phun nước lên các vật liệu xây dựng trong lưu trữ và vận chuyển.
Việc đốt không kiểm soát tại các khu chứa rác thải là kết quả của việc phớt lờ chính sách. Các bãi rác thải ở Delhi mặc dù đã bị đóng cửa một cách chính thức từ năm 2009 bởi chúng đã quá tải nhưng vẫn còn khoảng 80% trong số 10.000 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày vẫn còn được đổ vào các điểm đó, Mukerjee nói. Sự tích lũy khí methane từ rác thải hữu cơ dưới các khu chứa rác dẫn đến khả năng bùng phát một cách tự động các đám cháy có thể kéo dài vài ngày bởi chúng rất khó bị dập tắt.
Một vấn đề phức tạp khác ở nơi này chính là chính trị. Delhi, một thành phố tồn tại rất nhiều bộ máy chính quyền, cấp quốc gia, bang và thành phố, tất cả đều có những mối quan tâm và quyền hạn khác nhau. Cơ quan kiểm soát ô nhiễm bang thì thiếu kinh phí và nhân lực. “Không có người để thực thi cách tiếp cận cấp vùng để kiểm soát ô nhiễm,” Mukerjee nhận xét. Trừ phi các hành động đều phải do Delhi và các bang lân cận cùng thực hiện, nếu không thì chẳng thể suy suyển được gì. “Không khí không biết đến bất cứ biên giới chính trị nào.”
Tuy vậy thì việc chính trị hóa vấn đề ô nhiễm cũng khiến các chuyên gia hi vọng. “Mọi người đang phải chịu đựng, họ sẽ nhận thức đưc thêm nhiều điều và sẽ buộc các chính trị gia phải chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm”, Dahiya nói. “Các quan chức sẽ buộc phải hành động. . . Nếu họ không làm gì, thì những hứa hẹn sẽ phản tác dụng”. Những việc làm tăng nhận thức của công chúng về các mức ô nhiễm, tác động của nó lên sức khỏe cũng như việc hướng dẫn các bước chống ô nhiễm cũng có ích, ông cho biết.
Sharma thì chỉ ra những giải pháp đơn giản hơn nhưng lại có tác động lớn trong tương lai gần: quản lý chất thải một cách phù hợp để tránh việc làm vương vãi chúng và dẫn đến việc phải đốt rác, gìn giữ những con đường trải nhựa để tránh xe cộ làm tung bụi lên, kiểm soát bụi do xây dựng, quảng bá việc sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Các giải pháp đó phải được triển khai một cách hài hòa với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và cải thiện việc thực thi chúng. “Tình trạng này không đến mức vô vọng,” Sharma nói. “Các mô hình đều chứng tỏ một cách rõ ràng là anh có thể đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng không khí ở Delhi . . . nếu như anh đặt công nghệ đúng và sự quản lý đúng vào đúng chỗ.”□
Tô Vân dịch
Nguồn: https://cen.acs.org/environment/pollution/Searching-solutions-Delhis-air-pollution/97/i7