Di sản của “ngài viện trưởng” Calmette

Liệu do tình cờ hay sự sắp xếp của số phận mà Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), một trong ba cơ sở sản xuất vaccine chủ lực của Việt Nam, đã may mắn được tiếp nhận hai công nghệ quan trọng của GS. Albert Calmette, Viện trưởng sáng lập Viện Pasteur TP.HCM. Gần một thế kỷ sau khi ông qua đời, vaccine phòng lao BCG và huyết thanh kháng nọc rắn vẫn tồn tại như những phương thức có thể góp phần cứu giữ sự sống, ở Việt Nam.

Hai bức tượng bán thân của Louis Pasteur và Albert Calmette đặt trong khuôn viên của Viện Pasteur TPHCM.

Bài thơ nhận lỗi “Rắn đầu biếng học” của thần đồng Lê Quý Đôn thế kỷ 18 có hai câu thơ nhắc đến hai loài rắn độc khét tiếng “Nay thét mai gầm rát cổ cha”, “Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”. Đây là hai trong số 53 loài rắn độc cư ngụ trên khắp các vùng miền ở Việt Nam, đi kèm với nỗi sợ hãi được đúc kết “mai gầm tại chỗ, hổ mang về nhà” bởi nọc độc của chúng, một khi đã tiêm nhiễm vào cơ thể người, có thể theo mạch máu đi khắp cơ thể, nhanh chóng làm tê liệt hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp… Điều đó có nghĩa là nếu không được cứu chữa kịp thời thì rất có thể người bị rắn độc cắn sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thực tế thì điều này không phải là chuyện hiếm. Đa dạng sinh học do vị trí địa lý, khí hậu đem lại nhiều lợi thế cho Việt Nam hay nhiều quốc gia nhiệt đới khác nhưng cũng ẩn tàng những hiểm nguy, ví dụ như rắn độc hay các loại bệnh truyền nhiễm. Đó cũng là suy nghĩ của bác sĩ Albert Calmette khi đến các vùng Viễn Đông. Năm 1890, Calmette tới Paris để tham gia một trong những khóa đào tạo vi trùng học ở Viện Pasteur do chính tiến sĩ Émile Roux giảng dạy. Ba tháng tại đây đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Với toàn bộ ngưỡng mộ trước những khám phá của Viện Pasteur, ông quyết định chuyển từ nghề y hải quân sang nghiên cứu. Sự xuất sắc của một bác sĩ trẻ từng tự học kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn qua tạp chí Annales de l’Institut Pasteur và một số cuốn sách đã khiến Louis Pasteur muốn cử Calmette tới Sài Gòn. Ngay lập tức Calmette trả lời “Tôi đã suy nghĩ về điều đó và tôi đồng ý. Tôi chấp thuận sự sắp đặt này của thầy và có thể đi bất cứ lúc nào thầy muốn”. 

Câu trả lời đã đưa Calmette tới Sài Gòn để thiết lập cơ sở nghiên cứu vi sinh vật đầu tiên của Viện Pasteur ở nước ngoài và đảm nhận vai trò Viện trưởng, nơi để ông tiếp nối quan điểm của Pasteur: kết hợp nghiên cứu thực nghiệm ngoài hiện trường với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để dẫn đến những tiến bộ trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch do các vi khuẩn ngoại lai và ký sinh trùng gây ra. Từ xuất phát điểm này, Calmette đã có những liệu pháp y học mà trăm năm sau vẫn còn ý nghĩa: trên thế giới, mỗi năm cả trăm triệu trẻ em được chủng ngừa vaccine lao và hơn trăm nghìn người được cứu mạng khỏi những cú mổ của rắn độc. Toàn bộ liệu pháp của ông được đặt trên nền tảng miễn dịch học cổ điển do Viện Pasteur Paris phát triển và sau được một ngự lâm quân khác của Luis Pasteur là Ilya Ilyich Mechnikov hoàn thiện – giải Nobel Y sinh năm 1908 đã vinh danh ông và Paul Ehrlich (Đức) với những công trình nghiên cứu về hệ miễn dịch.

Calmette đã có những liệu pháp y học mà trăm năm sau vẫn còn ý nghĩa: trên thế giới, mỗi năm cả trăm triệu trẻ em được chủng ngừa vaccine lao và hơn trăm nghìn người được cứu mạng khỏi những cú mổ của rắn độc.

Giờ đây, IVAC là “truyền nhân” duy nhất của Calmette ở Việt Nam, với cả hai công nghệ này.

Sản phẩm của một viện nghiên cứu mới

“Hiện nay, IVAC có thể cung cấp hai loại huyết thanh kháng rắn lục tre và hổ đất”, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết trong cuộc trò chuyện với Tia Sáng. Thoạt nhìn bên ngoài, các lọ thủy tinh nhỏ bé, mà trước người ta vẫn gọi là lọ penicilin, đựng huyết thanh kháng nọc rắn, một thứ dung dịch màu trắng hoặc vàng nhạt, trông thật “đơn giản và hiền lành”. Nếu không được giới thiệu, chắc khó có thể biết rằng đây lại là thứ dược chất quý có thể hóa giải được độc tố đáng sợ của rắn độc, nếu không muốn nói là phương thuốc đặc hiệu duy nhất ở thời điểm này. Sở dĩ chúng có được sức mạnh này là nhờ chứa những kháng thể đa dòng có nguồn gốc từ huyết tương ngựa đã được miễn dịch. Thông thường, các bác sĩ khuyên dùng một huyết thanh đặc hiệu đối với một hoặc nhiều loại nọc độc, tùy theo từng loài rắn và từng vùng địa lý cư trú của chúng. 

Huyết thanh kháng nọc rắn của IVAC chính là sản phẩm được phát triển từ nghiên cứu của Calmette trong khoảng thời gian ngắn ngủi ba năm ông làm việc tại Viện Pasteur Sài Gòn, viện nghiên cứu ngoài Pháp đầu tiên của Viện mẹ Paris. Những ngày đầu của Calmette ở một thành phố thuộc địa như Sài Gòn, dù sầm uất so với nhiều vùng khác ở Đông Dương, cũng không khỏi khó khăn. Tuy vậy, Calmette đã thuyết phục chính quyền địa phương xây thêm một phòng thí nghiệm nhỏ nghiên cứu về bệnh trên động vật ở Thảo cầm viên Sài Gòn. Sự phát triển mau lẹ của các công trình nghiên cứu sau đó cho thấy đây là một quyết định rất đúng đắn, bởi chỉ vài tháng sau khi thành lập Viện Pasteur Sài Gòn (ngày 1/4/1891), ông đã bắt đầu nghiên cứu về nọc rắn. 

Chủ đề nghiên cứu mới này bắt đầu từ chính thực tiễn. Khi ấy là mùa mưa, một ngôi làng ở Bạc Liêu liên tiếp có nhiều người bị rắn hổ mang cắn, có người bị chết. Có lẽ, Calmette đã thiết kế được một chiến lược nghiên cứu không thể hợp lý hơn: tập trung vào nghiên cứu tính chất hóa lý của nọc rắn và sinh lý học của sự nhiễm độc, nhờ vào sự sẵn sàng của phòng thí nghiệm động vật: “Trước đây, chưa bao giờ có một nghiên cứu về nọc rắn được thực hiện với những điều kiện hỗ trợ thuận lợi như con có ở đây”, ông viết trong một lá thư gửi cha mẹ vào ngày 7/11 cùng năm. Ông giải thích: “11 ngày trước, con đã thiết lập một nghiên cứu thực nghiệm thú vị bậc nhất về nọc rắn của loài rắn hổ mang mà mỗi năm, riêng ở Ấn Độ đã làm hai vạn mốt người chết! Ở Đông Dương, loài này hiếm hơn nhưng một làng ở Bạc Liêu đã xuất hiện nhiều con bơi theo dòng lũ. Chúng bò vào nhà và cắn 40 người, khiến bốn người chết ngay tại chỗ. Một thợ bắt rắn kiêm thầy cúng An Nam đã tóm được 19 con. Nhà chức trách đã gọi điện cho con và hỏi là liệu con có muốn nhận mấy con rắn không, có người sẽ ‘áp tải’ chúng đến phòng thí nghiệm. Một cách tự nhiên, con đồng ý và lũ rắn được cất trong một cái thùng, 14 con còn sống. Con giữ ba con lại trong lồng và giết 11 con để lấy tuyến độc của chúng; với những tuyến độc này, con chuẩn bị tách nọc ở trạng thái nguyên chất và sử dụng cho các thí nghiệm vô cùng thú vị”. 

Bức thư của Calmette cho chúng ta thấy những bước đi ban đầu của nghiên cứu về nọc rắn ở Viện Pasteur Sài Gòn, trong đó bao gồm những bước hướng tới việc sáng chế ra huyết thanh chữa độc. Calmette cũng hoàn thiện một số quá trình “trung hòa” nọc rắn (sử dụng thuốc tím kali permanganat và vàng (II) chloride) sau khi chủng nọc rắn lên một số động vật thí nghiệm. Trong suốt thời gian làm việc ở Sài Gòn, ông theo đuổi mô hình miễn dịch học thông qua tiêm chủng bằng kiểm tra hiệu lực bảo vệ của việc tiêm lặp lại nọc rắn với những liều lượng tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, những gì ông nhận được chỉ là “một trạng thái kháng độc”, không hoàn toàn là miễn dịch. 

Theo lời khuyên của Roux, Calmette đã thực hiện một nghiên cứu rộng hơn về các đặc trưng và độc tố của các loại nọc từ nhiều loại rắn độc khác nhau, phân bố ở châu Á, châu Âu và Úc. Ông đi đến kết luận là các đặc tính lý hóa của chúng tương tự nhau và sự khác biệt của chúng chỉ là ở hiệu ứng gây độc. Tuy nhiên chỉ trong một bài báo xuất bản năm 1894, ông mới đề cập đến một cách rõ ràng về sự tương tự giữa nọc rắn và độc tính vi khuẩn, một gợi ý để “bắc cầu” cho việc sử dụng liệu pháp huyết thanh ngừa bệnh dại cho kháng độc rắn. 

Vào cuối năm 1895, một người An Nam bị rắn hổ mang cắn trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới được cứu sống bằng huyết thanh kháng từ máu ngựa, theo chuyên khảo công bố kết quả 5 năm nghiên cứu của Calmette, xuất bản năm 1896. 

Được Roux khuyến khích, Calmette đã phát triển một huyết thanh kháng nọc rắn trên cách tiếp cận tương tự. Tuy nhiên, thành công chỉ đến khi ông đã về Pháp – nơi ông làm viện trưởng một viện chi nhánh khác của Viện Pasteur Paris từ năm 1901 – với đầy đủ thiết bị hỗ trợ, và hơn nữa, chín muồi hiểu biết. Cùng với một số nghiên cứu lý thuyết về cơ chế miễn dịch khi ở Lille, Calmette hiểu rằng, liệu pháp huyết thanh là một bước quan trọng để hiểu về các cơ chế trong miễn dịch. Ông phát triển nhiều chiến lược miễn dịch khác nhau, bao gồm việc áp dụng lặp lại những liều nọc độc tăng dần và tiêm chủng hỗn hợp nọc độc và sodium hoặc calcium hypochlorite, tất cả đều dẫn đến việc các con vật thí nghiệm phát triển khả năng kháng liều cao hơn so với liều có thể gây chết người ban đầu trong một vài tuần. Ông cũng miêu tả các đặc trưng của huyết thanh được lấy từ động vật được chủng ngừa này như một độc tố in vitro (trong ống nghiệm) từng có tác động ngăn ngừa bệnh dại trước kia, và có tác dụng chữa trị sau khi được tiêm nọc độc in vivo (trong cơ thể sống). Do đó, Calmette đề xuất là huyết thanh của mình có thể sử dụng để điều trị cho người bị rắn cắn trong tương lai. Và tương lai đó đã đến rất nhanh: vào cuối năm 1895, một người An Nam bị rắn hổ mang cắn trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới được cứu sống bằng huyết thanh kháng từ máu ngựa, theo chuyên khảo công bố kết quả 5 năm nghiên cứu của Calmette, xuất bản năm 1896. 

Huyết thanh từ máu ngựa được nuôi ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu được dùng để kháng nọc rắn, kháng bệnh dại. Nguồn: Dân việt.

Lúc này, các nhà khoa học ở Viện Pasteur Paris đã nhanh chóng nâng cấp kỹ thuật về máu của mình do thấy lượng máu từ một người bệnh đã khỏi không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Họ nuôi nhiều ngựa, bò và biến chúng thành “công xưởng” để tạo ra sản phẩm duy nhất là huyết thanh. 

Quá trình này giờ vẫn được tiếp tục ở Suối Dầu, như lời chia sẻ của ThS. Nguyễn Văn Minh, trưởng trại chăn nuôi Suối Dầu (IVAC), “với sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn, chúng tôi sẽ tiêm nọc rắn (kháng nguyên) vào cơ thể ngựa, sau đó chừng 12 đến 14 ngày chích máu để kiểm tra nồng độ kháng thể được tạo ra trong máu, sau đó vào ngày thứ 15 tiến hành lấy máu ngựa, chuẩn bị cho bước tiếp theo là tinh chế lấy kháng thể”. Nhưng sau cả trăm năm tiến hóa với những hiểu biết mới, “nền tảng công nghệ sản xuất huyết thanh hiện nay của IVAC tiếp thu và tiếp nối ở quy mô lớn hơn, kỹ thuật hiện đại hơn và những quy định chặt chẽ hơn”, TS. Dương Hữu Thái cho biết. 

Đó là chuyện diễn ra trong vòng gần 20 năm, khi IVAC chuyển từ việc sản xuất ở mức sản lượng thấp, vài chục ngàn liều/năm và mức độ tinh sạch của huyết thanh chưa cao do áp dụng các kỹ thuật tinh chế cổ điển. “Bước đột phá trong nghiên cứu các loại huyết thanh đến vào năm 2000, qua dự án hợp tác với Viện Huyết học và Truyền máu Hà Lan (CLB), các kỹ thuật tinh chế được cải tiến như kỹ thuật lọc tiếp tuyến, kỹ thuật sắc ký, trang thiết bị cũng được nâng cấp lên quy mô công nghiệp và đưa một số thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đồng thời áp dụng một số kỹ thuật hóa miễn dịch để kiểm tra chất lượng, do vậy sản lượng đã tăng lên 3-5 lần (khoảng 500.000 liều SAT/năm)”, TS. Dương Hữu Thái nói. “Cho đến nay, công suất sản xuất các sản phẩm này đã gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn đầu”. 

Món quà gửi hậu thế

Camille Guérin (trái) và Albert Calmette trong phòng thí nghiệm tại Viện Pasteur năm 1931.

Nhưng di sản Calmette không chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn. Trong quãng 25 năm làm việc ở Lille, ông còn để lại cho hậu thế một báu vật khác, vaccine phòng lao BCG (Bacillus Calmette–Guérin vaccine) mà “trẻ em chỉ cần tiêm một liều duy nhất và mũi tiêm đầu đời này sẽ để lại một vết sẹo nhỏ ở tay trái”, theo nhận xét của ThS. Nguyễn Thành Tín, người phụ trách phát triển và sản xuất vaccine BCG ở IVAC.

Nhưng có lẽ, trong số hàng triệu triệu người được hưởng may mắn hiệu quả phòng lao từ liều tiêm duy nhất này ở Việt Nam, không nhiều người biết, cha đẻ của vaccine BCG chính là người Viện trưởng đầu tiên của Viện Pasteur Sài Gòn, nay là Pasteur TP.HCM. Hai chữ cái C và G trong vaccine này chính là tên viết tắt của Calmette và Camille Guérin, nhà nghiên cứu phụ trách phòng thí nghiệm Vi sinh thú y ở Lille. Trong gần như toàn bộ thời gian làm việc ở đây, Calmette đặt mục tiêu tìm ra phương pháp loại trừ bệnh lao. Calmette viết trong một bức thư “Cuộc chiến của khoa học và xã hội chống lại bệnh lao đã ám ảnh tôi. Tôi có thể đánh giá đúng hơn bất cứ ai về nỗi khốn cùng và sự hủy hoại mà căn bệnh này gây ra cho tầng lớp lao động, và tôi có thể thấy sự thiếu hiệu quả của việc điều phối các nỗ lực công tư chống lại bệnh lao mỗi ngày”. Thành phố công nghiệp Lille rơi vào tình trạng khủng khiếp: trong số 220.000 cư dân thì có 6.000 người nghèo mắc lao và mỗi năm từ 1.000 đến 1.200 người chết, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do bệnh lao là 43%. 

Trong quãng 25 năm làm việc ở Lille, Calmette còn để lại cho hậu thế một báu vật khác, vaccine phòng lao BCG (Bacillus Calmette–Guérin vaccine) mà “trẻ em chỉ cần tiêm một liều duy nhất và mũi tiêm đầu đời này sẽ để lại một vết sẹo nhỏ ở tay trái”, theo nhận xét của ThS. Nguyễn Thành Tín, người phụ trách phát triển và sản xuất vaccine BCG ở IVAC.

Tuy trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis do Robert Koch, kình địch của Louis Pasteur, phát hiện vào tháng 3/1882 và sau được trao giải Nobel Y sinh năm 1905, nhưng phải đến Calmette và Guérin mới nuôi cấy được chủng sống, không hình thành bệnh và có tính kháng nguyên để làm vaccine: Mycobacterium bovis là một loại chủng con biến dị của Mycobacterium tuberculosis đã được cấy truyền 230 lần trong vòng 13 năm trên môi trường khoai tây – mật bò có glycerin nên độc lực đã được làm yếu đi, sau được đặt là Bacillus Calmette–Guérin (BCG). BCG ra đời trong lúc Calmette rơi vào trạng thái đau buồn nhất: đó là thời kỳ chương trình sức khỏe công cộng bị bỏ lơ vì chiến tranh còn ông bị nghi ngờ là gián điệp. Noël Bernard, người đồng nghiệp của ông tại Viện Pasteur Sài Gòn, sau đó đã trích dẫn câu nói của Louis Pasteur để nói về Calmette “Trong tất cả mọi việc, tôi tin bí mật của thành công chính là ở nỗ lực không ngừng nghỉ. Chỉ bằng sự bền bỉ trong nghiên cứu theo cách như vậy, người ta mới có thể chạm đích ở điểm mà tôi vui sướng gọi là bản năng tìm kiếm sự thật”.  

Nỗ lực bền bỉ ấy của Calmette, giờ đã được tiếp nối ở IVAC. “Với một vaccine, từ khâu đón nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm quy mô nhỏ đến quy mô lớn, thử nghiệm tiền lâm sàng rồi thử nghiệm lâm sàng các giai đoạn cho đến khi được cấp phép, đưa ra thị trường phải mất tới 10 năm, có thể là hơn. Đó là quãng thời gian IVAC xây dựng được một quy trình sản xuất vaccine BCG hoàn chỉnh và ổn định”, ThS. Nguyễn Thành Tín nói. 

Trong gần 30 năm làm nghề, anh đã chứng kiến sự tiến hóa của công nghệ vaccine, gần đây nhất công nghệ tiên tiến mRNA với đại diện đầu tiên là vaccine COVID của Pfizer. Nhưng vaccine BCG là một câu chuyện khác, “một trong những vaccine, tôi không muốn nói là vaccine duy nhất, cho đến ngày hôm nay vẫn được sản xuất trên công nghệ rất cổ điển, không những ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước phát triển khác như Pháp, Mỹ, Nhật…”, ThS. Nguyễn Thành Tín cho biết. Ồ, nghĩa là cách chúng ta sản xuất vaccine BCG ngày nay cũng giống hệt Calmette và Guérin đã từng áp dụng một thế kỷ trước? “Đúng vậy, cách IVAC nuôi cấy chủng cũng giống như cách Calmette và Guérin thực hiện trong những năm 1920, tức là nuôi cấy tĩnh trên môi trường Sauton trên những bình cầu nhỏ trong khi với những vaccine khác, chủng đã được nuôi cấy bằng công nghệ tế bào”, anh nói. Sau cả trăm năm, bất chấp nỗ lực của các nhà khoa học thế hệ sau, chưa có môi trường nào đủ tốt để Bacillus Calmette–Guérin có thể nhân lên được.

Bacillus Calmette–Guérin, thứ chủng giúp kiểm soát bệnh lao này, còn có một đặc trưng thú vị khác. Có lẽ, thật khó có ai nói về cái đặc trưng ấy sống động như ThS. Nguyễn Thành Tín, người đã lặp đi lặp lại một cách cẩn trọng quy trình nuôi cấy nó trong ba thập niên “Nó phải được nuôi cấy trong môi trường tĩnh, và nuôi cấy tĩnh trên bề mặt ở những bình thủ công nhỏ. Thậm chí trong quá trình nuôi cấy, chỉ cần những kỹ thuật viên không giỏi, tay không khéo léo, hơi mạnh một chút, chủng đó chìm xuống thì nó không mọc. Vì vậy người ta vẫn nói sản xuất vaccine BCG giống như đồ handmade vậy, rất thủ công”.

Năm 1931, Calmette và Guérin đã thiết lập một phòng thí nghiệm đặc biệt để chuẩn bị và nghiên cứu vaccine BCG. Giờ đây, Viện Pasteur Paris là một trong những nhà cung cấp chủng BCG của thế giới, bên cạnh các chủng từ Nhật Bản, Đan Mạch, Anh… IVAC tiếp nhận chủng BCG từ Paris. Tại sao lại là Paris, IVAC muốn tiếp nối trọn vẹn truyền thống chăng? Ồ tất nhiên một phần vì người IVAC được đào tạo về công nghệ sản xuất BCG từ Viện Pasteur Paris, phần khác là vì WHO khuyến cáo, những nước có tỉ lệ nhiễm lao cao như Việt Nam nên sử dụng chủng mạnh, mà chủng Pháp được coi là chủng mạnh, anh giải thích. 

Dẫu không thay đổi ở công đoạn nuôi cấy nhưng những tiến bộ mới của công nghệ phụ trợ đã đem lại sự khác biệt giữa vaccine BCG trên dây chuyền của IVAC và vaccine thuở ban đầu của Calmette và Guérin. “Vaccine BCG là vaccine sống giảm độc lực. Ban đầu ở dạng nước, hạn dùng của nó rất ngắn nhưng cho đến hôm nay, khi mình nghiên cứu phát triển được một quy trình BCG đông khô, rất ổn định về mặt độ sống thì hạn dùng của nó đã lên đến 30 tháng”, ThS. Nguyễn Thành Tín nói. 

Độ ổn định là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng của sản phẩm vaccine khi được lưu hành trên thị trường. Với loại vaccine sống như BCG, tính ổn định sẽ ở mức rất cao khi được đóng ống trong điều kiện hàn ống chân không. Một thiết bị đặc thù, với mức giá gần 50 tỷ đồng, là mơ ước của rất nhiều nhà sản xuất vaccine trên thế giới. “May mắn với IVAC là năm 1990, WHO và UNICEF tài trợ cho dây chuyền sản xuất vaccine BCG, trong đó có một máy hàn chân không của Nhật Bản”. 

Mỗi năm IVAC có thể cung cấp khoảng 3 triệu liều vaccine BCG đạt tiêu chuẩn quốc tế cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, mức giá 10 năm không thay đổi.

Đó là lý do vì sao, mỗi năm IVAC có thể cung cấp khoảng 3 triệu liều vaccine BCG đạt tiêu chuẩn quốc tế cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, mức giá 10 năm không thay đổi. Hiệu quả của liều tiêm duy nhất này là có hiệu lực bảo vệ cao nhất 80% với bệnh lao, một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, đồng thời bảo vệ người tiêm khỏi bị viêm màng não và lao phổi. Có thể chúng ta chưa biết rằng, Việt Nam đang xếp thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao khi có 169.000 người mắc bệnh và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, thậm chí đang phải đối mặt nguy cơ lao bùng phát.

Có lẽ, món quà Calmette và Guérin để lại cho hậu thế, sau cả trăm năm, vẫn còn có giá trị. Trước khi qua đời, Calmette có dự cảm được điều này không? Chúng ta vĩnh viễn không thể biết điều đó, ngoại trừ một chi tiết nhỏ. Hai năm trước khi qua đời, Albert Calmette đã có một bức thư gửi con, trong đó phản chiếu ước nguyện của cuộc đời mình. Lá thư kết thúc bằng những dòng tâm sự từ đáy lòng “Cha hy vọng là mình sẽ còn được làm việc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Đôi mắt cha sẽ khép lại trước ánh sáng mặt trời và cha sẽ chìm vào giấc ngủ yên bình, tâm hồn cha thanh thản vì nhận thức rõ những việc mình đã làm bằng tất cả khả năng của mình”. Năm 1933, Viện Pasteur Paris vĩnh biệt một trong những người con xuất sắc của mình “Cuối cùng ông đã toại nguyện với những lời ước này. Nhưng chúng ta đã mất ông, cái chết đã lấy đi của khoa học một trong những người tận tụy bậc nhất… Viện Pasteur, gia đình lớn của chúng ta, tập hợp lại đây đau đớn vì sự mất mát con người đã khơi dậy trong trái tim chúng ta sự khâm phục, sự kính trọng và ảnh hưởng sâu rộng nhất”. 

Chắc hẳn, ở một không thời gian khác, vị Viện trưởng sáng lập Viện Pasteur TP.HCM sẽ cảm thấy tự hào, bởi di sản khoa học của mình giờ vẫn còn được tiếp nối ở Việt Nam.□

———–

Tài liệu tham khảo

“The Creation of the First Overseas Pasteur Institute, or the Beginning of Albert- Calmette’s Pastorian Career”. Annick Guenel. Medical History, 1999.

“Doctor Albert Calmette 1863±1933: founder of antivenomous serotherapy and of antituberculous BCG vaccination”. Barbara J. Hawgood. Toxicon. 1999

Tác giả

(Visited 80 times, 1 visits today)