Đi tìm bằng chứng về nhiễm độc DDT

Kiên trì theo đuổi những nghiên cứu về DDT, PCB trong nhiều năm liền, các nhà khoa học thế giới đã nỗ lực tìm bằng chứng thuyết phục để có thể thay đổi nhận thức của con người về rủi ro có thể mắc phải từ phơi nhiễm nhiều hóa chất độc hại. Bất chấp nguy cơ thất bại trong nghiên cứu cũng như áp lực từ các công ty sản xuất hóa chất, niềm tin vào khoa học và ước mong một thế giới an toàn hơn cho con người đã đưa họ đến thành công.


Nhiều quốc gia đã cấm sử dụng chất DDT sau nhiều lo ngại về ảnh hưởng của nó đến môi trường. Nguồn: Nature.

Những tác hại của thuốc trừ sâu DDT – từng được Tổ chức Y tế thế giới sử dụng làm thuốc diệt muỗi để loại trừ bệnh sốt rét ở châu Phi, châu Á, hay PCB, hóa chất  thường được dùng trong các vật liệu và thiết bị điện tử đến môi trường đã được biết đến từ lâu. Sau khi được phun để diệt côn trùng có hại, do có độ bền vững và độc tính cao nên sau hàng thập kỷ, DDT vẫn còn tồn tại trong đất và nước, tích lũy trong động thực vật và tàn phá chúng, còn PCB có xu hướng tích lũy ở nồng độ cao trong cá, động vật thủy sinh.

Do đó, vào năm 2001, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Persistent Organic Pollutants POPs) được thông qua để loại bỏ hoặc hạn chế sản xuất và sử dụng các chất POPs, trong đó có DDT, PCB.

Kiên trì 54 năm tìm bằng chứng 

Năm 1972, Mỹ đã cấm sử dụng DDT vì những ảnh hưởng tới môi trường sau những tác động của “Mùa xuân im lặng” của tác giả Rachel Carson – tuy vấp phải phản đối của các công ty hóa chất nhưng cuốn sách xuất bản năm 1962 này đã thuyết phục được người Mỹ quan tâm đến môi trường và dẫn đến sự thay đổi trong chính sách sử dụng thuốc trừ sâu của Chính phủ Mỹ. Vào thời điểm đó, chưa ai rõ là liệu việc phơi nhiễm loại hóa chất này có dẫn đến khả năng bệnh tật của con người hay không. Do đó, nhiều nhà khoa học đã truy tìm mối liên hệ này với các vấn đề như sức khỏe sinh sản, dị tật bẩm sinh và khả năng sảy thai của phụ nữ. Tới những năm 1990, bắt đầu có những bằng chứng đầu tiên về khả năng ảnh hưởng tới gan và hệ thần kinh của DDT, theo công bố của Matthew Longnecker (Viện Các khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Mỹ). Năm 2011, ông có thêm công bố trên The Lancet về khả năng sinh non hoặc sinh con nhẹ cân của phụ nữ bị phơi nhiễm DDT và có lượng DDT trong máu cao suốt thời kỳ mang thai. Trong công bố của mình, ông cũng thừa nhận là chưa có đủ bằng chứng về khả năng gây ung thư của DDT.

Bắt đầu có bằng chứng trong tay nhưng ngần ấy vẫn còn chưa đủ để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc cấm vĩnh viễn thuốc trừ sâu như DDT. Tờ New Scientist nhận xét, nguyên nhân của sự chậm chễ này là do thuốc trừ sâu thì rẻ và có hiệu lực cao với các loại muỗi lan truyền bệnh sốt rét. Tháng 12/2000, DDT “thoát” khỏi danh sách các chất POPs bị cấm lưu hành nhờ cuộc vận động hành lang của nhiều quốc gia khi nêu lý do DDT cần thiết cho các chương trình phòng chống bệnh sốt rét của họ. Phải đến năm 2004, khi Công ước Stockholm có hiệu lực với sự tham gia của 151 quốc gia, tán thành loại bỏ 9/12 hóa chất đề xuất, và chỉ dùng DDT để kiểm soát bệnh sốt rét.

Dù chưa có bằng chứng trực tiếp nhưng Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã đưa DDT vào danh sách “có thể gây ung thư”. Với những giới hạn về phương pháp và thiết bị nghiên cứu thời đó, việc tìm ra những số liệu thuyết phục thực sự là một thách thức. Gần ba chục nghiên cứu về DDT, đã được công bố, trong đó nhiều nghiên cứu tập trung vào nguy cơ ung thư vú đối với phụ nữ nhưng mới dừng ở giả thuyết. Trong số các nhà nghiên cứu, Barbara A. Cohn – giám đốc Bộ phận nghiên cứu phát triển sức khỏe nhi khoa tại Viện nghiên cứu y tế công cộng tại Berkeley, California quyết đi tìm bằng chứng. Trong một nghiên cứu công bố năm 2007, bà cho biết, đã tìm thấy DDT ảnh hưởng đến ung thư vú đối với phụ nữ bị phơi nhiễm trước tuổi 14. Dẫu vậy, dữ liệu phân tích của bà không đưa ra được bất kỳ mối liên hệ nào giữa DDT và sự phơi nhiễm của những người phụ nữ trong giai đoạn sau của cuộc đời. Nhiều năm sau bà và đồng nghiệp vẫn thất bại. Thậm chí năm 2014, công bố khác của nhóm tác giả tại Viện nghiên cứu Đánh giá an toàn Thuốc và thực phẩm quốc gia Hàn Quốc phân tích trên diện rộng dữ liệu từ năm 2004, gồm 35 nghiên cứu nhỏ, vẫn chưa thể tìm ra mối liên hệ đáng kể nào giữa trường hợp bị nhiễm DDT và nguy cơ ung thư vú.

Vậy có thể tiếp tục nghiên cứu nữa hay không? Với nhạy cảm của một nhà khoa học giàu kinh nghiệm, Barbara A. Cohn đã thúc đẩy cộng sự của mình tiếp tục bám theo hướng nghiên cứu mà bà cho là khả thi: tìm mối liên hệ giữa người phụ nữ bị phơi nhiễm DDT trong thời kỳ mang thai và nguy cơ ung thư vú của con gái họ. Bà và cộng sự truy dấu kết quả của một nghiên cứu trong quá khứ do Quỹ Y tế Kaiser thực hiện từ năm 1959 đến 1967. Trong suốt thời gian đó, DDT được sử dụng rộng rãi, gây nhiễm cho bò, dê và do đó, có mặt trong các sản phẩm được làm từ sữa như bơ, pho mát…, thậm chí còn có trong giấy dán tường. Bằng việc sử dụng hồ sơ sức khỏe liên bang và điều tra về các cô con gái của họ – những người hiện đang ở độ tuổi 40, 50, các nhà nghiên cứu đã có khả năng chọn ra những mẫu hình phát triển bệnh ung thư vú: nồng độ DDT cao trong máu của người mẹ có liên quan đến nguy cơ ung thư vú gấp bốn lần của con gái và độc lập với tiền sử bệnh ung thư vú của người mẹ.

Sau công bố trên Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Barbara A. Cohn, cho biết nghiên cứu thực hiện trong 54 năm này là “nghiên cứu đầu tiên đã cung cấp bằng chứng trực tiếp cho thấy những phơi nhiễm hóa chất của phụ nữ mang thai có thể để lại hậu quả suốt đời cho con gái của họ với nguy cơ ung thư vú”.

Tìm thêm những bằng chứng mới

Thành công của Barbara A. Cohn đã đem lại niềm tin và sự khuyến khích các nhà khoa học khác tiếp tục truy tìm bằng chứng ảnh hưởng của DDT với các loại bệnh tật khác. Đó là trường hợp của nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Columbia (Mỹ), những người mới phát hiện ra mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm thuốc trừ sâu DDT, PCB trong thời kỳ mang thai và sự nguy hiểm ở mức cao của bệnh tự kỷ của trẻ. Họ xuất bản công trình trên tạp chí American Journal of Pychiatry vào đầu tháng 8/2018.

Từng có nghi ngờ các hóa chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não và nhận thức từ nhỏ nhưng phần lớn các nghiên cứu chưa có các mức độ đo đạc trực tiếp hóa chất trong máu của phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ. Để có được phán đoán tốt nhất về bằng chứng phơi nhiễm trực tiếp, Alan Brown– nhà tâm thần học và miễn dịch học tại trường Đại học Columbia ở New York đã mở lại một cơ sở dữ liệu sinh học tại Phần Lan, vốn đầy đủ các mẫu máu huyết thanh được thu thập và lưu trữ được lấy từ những người phụ nữ mang thai kể từ năm 1983. Họ đã so sánh hồ sơ sức khỏe của những đứa trẻ với một nghiên cứu thuần tập được thực hiện trên cơ sở các mẫu huyết thanh được thu thập từ hơn 1 triệu phụ nữ sinh từ năm 1987 đến 2005 và tìm thấy khoảng 1300 đứa trẻ bị mắc bệnh tự kỷ và so sánh 778 em trong số đó – và mẹ chúng – vói 778 cặp mẹ con không mắc bệnh, mỗi cặp đều có sự tương đồng về nơi sinh, ngày sinh, giới tính và nơi sống.


Một người bước dưới những cái ô hồng trên trung tâm thủ đô Sofia, Bulgaria, vào tháng 10/2012. Màn nghệ thuật sắp đặt này là một phần trong chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú. Nguồn: Reuters/Stoyan Nenov.

Tuy không tìm thấy mối tương quan giữa bệnh tự kỷ và phơi nhiễm PCB nhưng họ nhận thấy, các bà mẹ có nồng độ DDT cao trong máu có khả năng sinh con tự kỷ cao hơn 32% và tự kỷ kèm theo khuyết tật trí tuệ cũng cao gấp đôi so với những phụ nữ có mức DDT thấp.

Bruce Lanphear, một nhà dịch tễ học tại trường Đại học Simon Fraser ở Burnaby, Canada, nhận xét về kết quả nghiên cứu: dù ở góc độ nào thì mối tương quan giữa phơi nhiễm hóa chất với bệnh tự kỷ và nhiều loại đột biến di truyền cũng hết sức rõ rệt. Quan trọng hơn, với các nhà nghiên cứu như ông, “chúng tôi đã học được nhiều bài học quan trọng từ các loại nghiên cứu quan sát như vậy. Chúng ta cần những nghiên cứu như thế này vì nó có khả năng dẫn đến những tác động vô cùng lớn trong y tế”.

Barbara A. Cohn, Matthew Longnecker, Alan Brown và hàng trăm nghìn nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hóa môi trường đều tin rằng, các hóa chất mà chúng ta đang dùng ngày nay rất có thể sẽ là những mầm bệnh tương lai và nhiệm vụ của họ là tìm bằng chứng để chứng minh được điều đó. Tuy nhiên họ vẫn thận trọng. “Nghiên cứu của chúng tôi không nhằm làm thay đổi nhận thức về lợi ích mà các hóa chất mang lại cho con người”, bà hàm ý đến khả năng diệt trừ muỗi – tác nhân gây bệnh sốt rét ở châu Phi, “chúng tôi chỉ hi vọng những nhà hoạch định chính sách sẽ dùng những thông tin chúng tôi cung cấp để tiếp tục cân nhắc về việc có nên sử dụng DDT trên toàn thế giới hay không”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, trên toàn cầu cứ 160 trẻ thì có 1 em mắc chứng tự kỷ. Bất cứ trường hợp tự kỷ nào cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề di truyền hay những phơi nhiễm môi trường khác. Rất có thể, một ngày nào đó, các nhà nghiên cứu sẽ còn phát hiện ra những hiểm họa khác của DDT.

Jonathan Chevrier, nhà dịch tễ học tại Đại học McGill ở Montreal, Canada, hiện đang theo dõi hơn 700 trẻ em ở Nam Phi – nơi DDT vẫn được sử dụng – để tìm hiểu về cơ chế ảnh hưởng đến não của thuốc trừ sâu với nghi ngờ liệu mức độ nhiễm DDT có liên quan đến khuyết tật trí tuệ ở trẻ em không mắc bệnh tự kỷ hay không. Đây là một câu hỏi quan trọng, ông nói, vì hiện DDT đang tồn tại trong môi trường, ngay cả ở những nơi đã cấm sử dụng nó. “Tại thời điểm này, về cơ bản toàn bộ hành tinh bị ô nhiễm DDT”, ông nhận xét.

Anh Vũ tổng hợp
Nguồn:  
https://www.annualreviews.org/doi/10.1146/annurev.publhealth.18.1.211 https://www.newscientist.com/article/dn1012-ddt-finally-linked-to-human-health-problems/
https://www.washingtonpost.com/news/to-your-health/wp/2015/06/16/ddts-breast-cancer-legacy-pregnant-mothers-exposure-linked-to-four-fold-increase-in-daughters-risk/?noredirect=on&utm_term=.892c7f8e47cc
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4064641/

 

 

Tác giả

(Visited 183 times, 1 visits today)