Đi tìm Lãm Sơn Tự?

Chúng ta có thể bắt đầu nghiên cứu về một di tích kiến trúc Phật giáo, một chứng nhân lịch sử cách cả nghìn năm chỉ từ bốn dòng sử liệu?


TS Trịnh Hoàng Hiệp giải thích về kiến trúc của chùa Dạm cho cố Giáo sư Phan Huy Lê tại công trường khai quật. Nguồn ảnh: Trịnh Hoàng Hiệp.

Sử liệu cho ta biết điều gì?

 

Không ẩn sâu giữa chốn rừng già như khu di tích Angkor (Campuchia), cũng không quá xa xôi với phố xá thị thành như Yên Tử nhưng lại có một công trình kiến trúc Phật giáo hoàng gia quan trọng bậc nhất thời Lý, chỉ cách Hà Nội hơn 30km nhưng hầu như không được mấy người biết tới. “Cho tới trước năm 2009, gần như không ai biết chùa Dạm là gì cả”, TS Nguyễn Văn Đáp, trưởng phòng Quản lý di sản, sở VHTT&DL Bắc Ninh ngậm ngùi kể lại…

Chùa Dạm mà TS Nguyễn Văn Đáp nhắc đến ở đây còn có một cái tên dân gian khác là chùa Bà Tấm (tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là Lãm Sơn, xã Nam Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh). Xây dựng trong giai đoạn thịnh vượng và oai hùng phá Tống, bình Nam dưới thời Vua Lý Nhân Tông, ngôi chùa này trải qua nhiều lần tu bổ và trở thành chứng nhân suốt nhiều triều đại trong lịch sử – từ Trần, Lê đến Nguyễn. Thế vận xoay vần, số phận khiến chùa Dạm thêm một lần nếm trải binh đao rồi tiêu thổ kháng chiến. Trong thời bình, dân làng chỉ dựng lại được một tòa tam bảo thờ Phật và một mái đền thờ Bà Tấm, những diện tích còn lại trong khuôn viên ngôi chùa trước kia thì trồng khoai sắn. Vậy là khung cảnh đã thoắt hoang vu như rừng rậm, chỉ còn thấp thoáng những vách thẳng đứng được ốp những khối đá vuông và duy nhất một phế tích cột đá chạm trổ rồng đặc trưng của thời Lý (được công nhận bảo vật quốc gia) đã vỡ một số chi tiết, thậm chí còn không có mái che nắng mưa. Khi đó có lẽ, ngoại trừ các bậc cao niên trong làng, không ai còn ký ức về một ngôi chùa từng được vua Trần Nhân Tông khen tặng “Mười hai lâu đài khoe tranh vẽ/ Ba ngàn thế giới lọt mắt thơ1.

Dĩ nhiên giới sử học cũng biết về chùa Dạm nhưng không may là những gì họ có trong tay chỉ vỏn vẹn bốn dòng trong Đại Việt sử ký toàn thư: năm 1086, vua Lý Nhân Tông “Làm chùa ở núi Đại Lãm”; vào tháng 10 năm sau đích thân vua ngự đến chùa Lãm Sơn, đêm ban yến cho các quan, vua thân làm hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến; đến tháng 4/1094 “tháp chùa Lãm Sơn xây xong” (lúc này chùa có tên “Cảnh Long Đồng Khánh”); và tháng 9/1105, làm “ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn”. Dưới thời Trần, vua Trần Nhân Tông đã làm bài thơ Đại Lãm Thần Quang tự và các nhà nghiên cứu cho rằng khi làm bài thơ này, vua đã đến thăm chùa và có thể tên chùa “Cảnh Long Đồng Khánh tự” đã được đổi thành “Thần Quang” vì tránh húy từ “Cảnh” trong tên của vua Trần Cảnh.


Hình song long hiến châu trên cột đá chùa Dạm. Ảnh: Trần Trọng Dương

 

Cẩn trọng để phát hiện tổng thể

 

Việc chùa Dạm không được nhiều người biết tới có phải là do thiếu may mắn? Dường như là vậy nhưng thật ra trong rủi có may: nhờ vậy nó đã thoát khỏi việc “được” phục dựng, đại tu một cách chóng vánh như chùa Phật Tích – chỉ cách Dạm vài km, mất hàng loạt hiện vật tinh xảo quý giá do vội vã xây mới mà không khai quật khảo cổ học. Chùa Dạm tránh được vết xe đổ ấy bởi sự đồng thuận của các nhà khoa học ở Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) với các nhà quản lý văn hóa ở Sở VHTT&DL Bắc Ninh, đồng tình cùng xác định “nếu chưa làm thì cứ để từ từ, còn đã làm gì thì phải tổng thể”, TS Nguyễn Văn Đáp kể lại.

Trước khi khai quật chùa Dạm, đối với các nhà chuyên môn, mọi cuộc bàn luận, mọi sự chú ý về nơi này hầu hết chỉ xoay quanh phần nổi là cột đá, phế tích duy nhất còn sót lại trên mặt đất của chùa Dạm. Một bên là những nhà khoa học ủng hộ là giả thuyết đây là Linga (sinh thực khí nam), mang dấu ấn của nghệ thuật vùng Nam Á với ảnh hưởng gián tiếp từ văn hóa Ấn Độ thông qua nghệ thuật Champa. Luồng quan điểm còn lại cho rằng đó có thể là phần chân cột của một kiểu kiến trúc Phật giáo với một kết cấu để thờ phụng ở trên.

Dù trong các nhận định trên, có cả quan điểm theo giả thiết Linga của người thầy được coi là tứ trụ ngành sử là cố GS Trần Quốc Vượng nhưng TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), người phụ trách đoàn khai quật đợt đầu tiên vào năm 2009, cho biết ông không chịu ảnh hưởng của bên nào cả. “Tôi nghiên cứu văn hóa Champa 40 năm nhưng chưa bao giờ dám đưa ý kiến đó là Linga cả… tất cả vẫn chỉ là giả định”. Ông cho rằng, “quan trọng nhất, để hiểu được kiến trúc, quan điểm của người xưa khi xây dựng cột đá này thì phải hiểu được ‘tâm lý kiến trúc’”, nghĩa là phải hình dung được tổng thể không gian này. Một cuộc khai quật lớn sẽ giúp các nhà nghiên cứu hình dung được quan điểm, triết lý của tổng công trình sư khi bắt đầu thiết kế ngôi chùa này.

Trước khi khai quật, các nhà khoa học lựa chọn đào thám sát hai hố, mỗi hố 20m2 và phát hiện thấy một số hiện vật thờ cúng, vật liệu trang trí kiến trúc và cả đồ dùng sinh hoạt có niên đại trải dài từ thời Lý đến thời Lê. Nhờ đó, Sở VHTT&DL Bắc Ninh mới dám mạnh dạn đề xuất phương án khai quật tổng thể. Đây là một quyết định rất lớn với Bắc Ninh vì cần tới 9 tỉ đồng đầu tư, lần đầu tiên có một cuộc khai quật thời Lý tổng thể 6000m2 như vậy ở tỉnh. Cùng thời điểm đó, chỉ có Hoàng thành Thăng Long là được khai quật tổng thể với quy mô lớn.


Đồ án cửu sơn bát hải tại chùa Dạm. Ảnh: Trần Trọng Dương.

Đợt khai quật trên diện tích 300m2 do TS Lê Đình Phụng dẫn đầu phát hiện “nền gạch, những chân tảng đá lớn có trang trí cánh hoa sen, hệ thống lát nền” bắt đầu hé lộ dấu vết đầu tiên của ngôi chùa rộng tới mức “mở cửa chùa từ sáng tới tối, đóng cửa chùa từ tối đến sáng” như dân gian mô tả từ thời Lê. Bốn tầng nền của chùa là bốn mặt bằng được san bạt thẳng vào nền núi đá Dạm, mỗi tầng đều được kè bằng những khối đá vuông lớn, khả năng được thực hiện từ thời Lý chứ không phải Lê, “vì nếu không kè thì những công trình kiến trúc lớn này không thể bền vững được suốt từ thời Lý đến đến thời Lê, tức là vào khoảng 500 năm”, theo nhận xét của TS Lê Đình Phụng. Về niên đại của di tích, “từ motif cánh sen (đặc trưng của thời Lý) ở chân tảng, chúng tôi xác định đó là vật liệu xây dựng từ thời Lý”. Về quy mô công trình, “chúng tôi căn cứ vào kích thước chân tảng, khoảng cách giữa các chân tảng, hàng loạt trụ xử lý bằng sỏi để chịu lực công trình kiến trúc để hình dung được từng bước lòng, độ sâu của lòng kiến trúc, bước gian rộng bao nhiêu”. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy tính liên tục của chùa Dạm: có dấu vết đường gạch thời Trần, nền móng kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn.

Mặc dù có sự thay đổi cả về người chủ trì khai quật lẫn người lãnh đạo ngành văn hóa Bắc Ninh nhưng quan điểm về việc khai quật và bảo tồn một cách tổng thể, cẩn trọng vẫn được giữ nguyên. Khi TS Lê Đình Phụng nghỉ vào năm 2011, PGS. TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ, và đồng sự chủ trì tiếp tục khai quật tổng thể, đã làm phát lộ toàn bộ kiến trúc chùa hoàng gia kiêm hành cung có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ công phu, trang trí tinh xảo vào bậc nhất so với tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam đã biết. Kết quả khảo cổ học cho thấy quy hoạch tổng thể của ngôi chùa này có kiến trúc cổng mái ở cấp nền thứ nhất. Tầng hai có hai tháp (một tháp có cột đá chùa Dạm và một chân tháp hình vuông nằm đối diện). Tầng 3 có dấu tích móng của một tháp đất nung. Còn trung tâm của chùa có lẽ là một tòa điện nằm ở tầng bốn với một mặt bằng kiến trúc có quy mô rất lớn, các bước gian lớn tương đương với các bước gian ở Hoàng Thành Thăng Long.

Tuy những phát hiện ở chùa Dạm đã có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu những điểm quan trọng, nhất là cái nhìn về mặt bằng kiến trúc, vật liệu và mỹ thuật thời Lý nhưng thực ra đây chỉ là khởi đầu cho một chuỗi những nghiên cứu mới với hàng loạt câu hỏi và tranh luận không dứt.


Mặt bằng của tầng thứ tư, nơi đặt chính điện, nhìn từ phía Đông. Nguồn: Trịnh Hoàng Hiệp.

Khởi đầu cho những nghiên cứu tiếp theo

 

Trong suốt thời gian khai quật, cột đá chùa Dạm vẫn tiếp tục là tâm điểm của một cuộc tranh luận chưa ngã ngũ kéo dài trước đó 40 năm. Đến năm 2011, 2012, NNC Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, kiến trúc một cột chùa Dạm có khả năng là một “Nhiên đăng đài” (đài thắp đèn), sau khi công bố những bản vẽ kỹ thuật đầu điên về trụ đá vài năm trước đó còn NNC Trần Thị Kim Anh nhận định là một Phật tràng. Sau khi TS Trần Trọng Dương đưa ra những kiến giải mới về kiến trúc một cột chùa Diên Hựu, các nhà nghiên cứu trên đều đồng thuận: cột đá chùa Dạm là một phế tích kiến trúc còn sót lại có kết cấu đồng dạng với kiến trúc Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Cái nhìn tổng thể về kiến trúc tôn giáo này sẽ cung cấp thêm căn cứ cho nhận định khó có thể đặt duy nhất một kiến trúc Linga của Hindu giáo trong một không gian đặc trưng của Phật giáo, không chỉ của chùa Dạm mà của hàng loạt các ngôi chùa cùng thời, “dựng ngôi chùa cũng như dựng lại một cõi niết bàn, phật giới”.

Cũng như cuộc tranh cãi chưa thật sự ngã ngũ về cột đá, những thông tin chi tiết trên nhiều khía cạnh để hình dung ra một chùa Dạm trong không gian kiến trúc, văn hóa của nó cũng như bối cảnh chung của thời đại vẫn còn là những dấu hỏi lớn cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu đa ngành. “Hình thái kiến trúc của chùa là gì?”, PGS Tống Trung Tín nêu, “Cột như thế nào, kèo ra sao, ngói lợp như thế nào? ống nước đi như thế nào, trang trí ở khung nhà như thế nào. Trang trí ở trên gạch, mái ngói như thế nào? Hình dáng tháp như thế nào? Tam quan như thế nào? Các di tích có tính liên kết, kết nối với nhau [về mặt hình thái học] như thế nào?” tức là “cả ngàn câu hỏi chưa trả lời được”.


Hình ảnh phục dựng kiến trúc cột đá chùa Dạm của Đào Xuân Ngọc, 3DArt số hóa. 

Như thế có lẽ, một ngành khảo cổ không thể đơn độc tìm kiếm, không thể tự xác quyết được điều gì ở một di tích mà tầm vóc và độ phức tạp của nó còn chưa được hình dung hết. Ví dụ, sử ghi ngôi chùa Dạm có ba tháp nhưng đến nay các nhà khoa học chỉ có thể khẳng định hai móng tháp và phế tích tháp bị đổ xuống ở tầng thứ 2 và tầng thứ 3. Có những phần kiến trúc tưởng chừng rõ rành rành nhưng các nhà khoa học không thể xác quyết thực sự chức năng của nó là gì như trường hợp tầng thứ tư, vốn được cho là không gian của một tòa điện chính rất lớn. “Đặc điểm riêng biệt đáng quan tâm của kiến trúc này là hai lối bậc lên chính ở vị trí phía Đông, Tây và một lối bậc lên ở phía Bắc. Nếu mặt bằng này dựng trên đó là tòa Phật điện thì lối bậc lên thường phải có ở bốn hướng hoặc là hướng chính Nam. Do đó, hiện nay chúng tôi chưa rõ kiến trúc lớn ở tầng bốn ở chùa Dạm để thờ tự hay sinh hoạt cung đình hoặc có sự lồng ghép chung hai chức năng này?”, Đào Xuân Ngọc, người tham gia khai quật từ khởi đầu đến khi kết thúc, giải thích.

Những điều bí ẩn vì thế vẫn còn nguyên vẹn sau 10 năm khai quật. Tất cả những điều mà các nhà khảo cổ đưa ra vẫn cứ là giả thiết, dù rằng họ đã có trong tay những gợi mở đầu tiên từ hiện vật. Làm thế nào để kiểm chứng nó? Hiện vật cứ nằm ngơ ngác chờ người biết “khảo”, như trường hợp những khối đá xanh vuông vức lèn chặt chồng khít lên nhau giữ kè cho tất cả các tầng. Chúng đến từ đâu? Dự đoán các nhà khảo cổ là đá có thể được lấy gần chùa Dạm nhưng thật kỳ lạ là cho đến nay họ vẫn chưa tìm thấy vết tích của công trường khai thác đá hay bất kỳ công cụ chế tác nào còn lại ở nơi này. Nó khác biệt hoàn toàn với các di sản như thánh địa Mỹ Sơn khu K ở Quảng Nam hay Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa bởi các nhà khoa học tìm thấy công trường chế tác với những phế tích đá còn lại sau quá trình tạo tác.

 

Phục dựng và bảo tồn

 

Câu chuyện vẫn còn bỏ ngỏ, dù hố khai quật khảo cổ học đã khép lại, các doanh nghiệp và dân làng đã được phép bạt núi xây dựng chùa ở tầng nền thứ năm với lối đi riêng không ảnh hưởng gì tới khu di tích. Bốn tầng nền vẫn được giữ nguyên hiện trạng dự kiến để xây dựng riêng một khu bảo tồn và đón khách tham quan. TS Nguyễn Văn Đáp – xuất thân là một người nghiên cứu khảo cổ học và làm luận án tiến sĩ trong suốt thời gian khai quật ở Dạm, vẫn mong mỏi Dạm có thể trở thành mô hình điểm trong bảo tồn di sản, dựng thành bảo tàng số. Mong muốn số hóa chùa Dạm và có thể làm bảo tàng ảo thu hút khách tham quan có lẽ không vượt quá khả năng của Bắc Ninh. Tỉnh đã có kế hoạch số hóa di sản trên toàn tỉnh, trước tiên là quét 3D toàn bộ 685 di tích được xếp hạng để có kho lưu trữ dữ liệu, phục vụ mục tiêu làm bảo tàng số. Nhưng tới đây, việc tái dựng và bảo tồn, hoặc làm bảo tàng số cho Dạm như thế nào sẽ “cần phải bàn bạc rất kỹ lưỡng, với rất nhiều chuyên gia, từ khảo cổ học, kiến trúc, nghệ thuật, văn bản học…”, theo TS Nguyễn Văn Đáp.


Bản vẽ mặt bằng tổng thể và sơ đồ các hạng mục kiến trúc ở khu di tích chùa Dạm: 1. Kiến trúc cổng (tầng một); 2. Hệ thống hành lang (kết nối các tòa kiến trúc); 3. Bốn kiến trúc có mặt bằng đồng dạng; 4. Kiến trúc quy mô lớn (tầng bốn); 5. Dấu tích chân tháp (tầng ba); 6. Bệ móng hình vuông (phía Tây, tầng hai); 7. Bệ móng hình tròn đặt cột đá chạm rồng (phía Đông, tầng hai). Nguồn: Đào Xuân Ngọc.

Để tái dựng được mô hình chùa Dạm trên máy tính hay trên thực tế sẽ cần rất nhiều công sức để ghép các mảnh vỡ còn sót lại, đối sánh với các kiến trúc cùng thời, giả định hình thái kiến trúc. Theo cách đó thì công việc khai quật tổng thể và xử lý hiện vật, dù đã cần tới 10 năm, thì vẫn chưa nặng bằng việc tái dựng. Điều này không dễ dàng, vì theo GS.TS Ngô Văn Doanh, nhà nghiên cứu theo chủ thuyết cho cột đá chùa Dạm là một phần của kiến trúc một cột, nguyên Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, khi nhiệm vụ khảo cổ thực hiện tới đâu thì sẽ mời các cơ quan chuyên ngành khác nữa gồm cả các nhà kiến trúc, nghệ thuật và tôn giáo cùng đề xuất phương án tái dựng tới đó. “Nhưng cái khó khăn là ở mình rất thiếu chuyên gia về lĩnh vực phục dựng các công trình kiến trúc tôn giáo cổ này”, ông nói.

Ông cho biết, thế hệ ông và các giáo sư tiền bối có được một số nhà nghiên cứu giàu chuyên môn về phục dựng kiến trúc cổ, nhưng hiện nay đã mất, chỉ còn lại một hai người. Mặc dù ông và các đồng nghiệp trong Hội đồng di sản nhiều lần kiến nghị “Việt Nam cần có một cơ quan phục hồi kiến trúc cổ, nhưng cho đến nay chưa có, còn mấy nhà chuyên môn nằm ở các cơ quan khác nhau và đều không có chức năng này” nên sẽ khó lòng đưa ra các phán quyết chuyên môn về phương án tái dựng kiến trúc nhận được sự đồng thuận của giới nghiên cứu. “Hiện nay chúng ta có Viện Bảo tồn di tích nhưng lại không có chức năng ấy [đưa ra phương án tái dựng như chùa Dạm], mà chỉ sửa chữa các di sản hiện vẫn còn tồn tại không may hư hỏng”, GS Ngô Văn Doanh nói.

Trong khi vẫn đang chờ đợi các nhà nghiên cứu liên ngành thảo luận thì anh Đào Xuân Ngọc lặng lẽ ghép từng mảnh vỡ ở chùa Dạm để thử đưa ra một phương án “tái dựng đời sống số” – phác dựng 3D cho cột đá chùa Dạm. Nhưng không dễ mà biến hàng ngàn mảnh vỡ đủ loại chất liệu, từ ngói, gạch, đá, thành từng hình hài hiện vật cụ thể của Dạm. Anh Ngọc cho biết, “muốn tái dựng lại thì phải đo đếm, vẽ từng viên gạch vỡ một, phải để tìm thấy các thông số lặp lại, sự đồng hiện về mặt thị giác” từ đó mới ghép. Ví dụ, để hình dung được đầy đủ hoa văn của cột đá chùa Dạm, anh đã phải vẽ lại hình rồng chạm trổ (từng bên bị vỡ mất mát khá nhiều, anh Ngọc vẽ lại được dựa vào phong cách trang trí đăng đối của thời Lý), sau đó anh đo đạc từng viên đá trong các tầng đá có hoa văn sóng núi dưới chân cột (đã bị xếp lại khác với kết cấu nguyên thủy của cột), tái lập các vị trí đã mất để hình dung đầy đủ về chân cột. Để phác dựng mái ngói của chùa, hình dáng của tháp đất nung, anh phải ghép hàng trăm mảnh gốm vỡ.

Anh Ngọc đã chuyển tất cả những chi tiết mà mình ghép được ở chùa Dạm cho công ty 3D Art xử lý đồ họa. Khoảng 70% hình ảnh của đồ họa 3D mà Ngọc và 3D Art dựng là thực (như hoa văn của cột đá, mái ngói xếp lại…), còn các trang trí ở như bệ đá chạm rồng ở phía ngoài cột đá là lấy từ các di tích khác cùng thời Lý, mô phỏng cấu kiện 6 cạnh của chùa một cột là giả định dựa trên suy luận về kết cấu gỗ. Hình ảnh tái dựng về cấu trúc một cột này giúp người yêu di sản có thể hình dung được một phần nhỏ trong tổng thể di tích chùa Dạm. Nhưng còn việc phục dựng lại tổng thể di tích chùa Dạm, sẽ mất công sức gấp bội lần mà cần tới một nhóm nghiên cứu rất đông đảo cùng hợp sức làm, chứ không một vài cá nhân nào có thể ngồi ghép tái dựng như vậy.

—-

1 “Đại lãm Thần Quang tự”, Trần Nhân Tông, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, 1989, Thơ văn Lý Trần, KHXH, Hà Nội, 480-481, trích theo TS. Trần Trọng Dương.

Tác giả

(Visited 51 times, 1 visits today)