Đi tìm nguyên tố mới

Giấc mơ của các nhà vật lý hạt nhân là tìm được nguyên tố mới để bổ sung vào bảng tuần hoàn. Không dễ để đạt được điều đó nhưng ai cũng biết rằng mình không đơn độc trong nghiên cứu này, bởi lẽ nguyên tố mới siêu nặng chỉ có được trong một quá trình nghiên cứu vừa cạnh tranh vừa hợp tác...

Georgy Flyorov và Yuri Oganessian. Nguồn:  atomic-energy.ru

Ngày 23/3/2016, trong một hội nghị trực tuyến giữa hai lục địa, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chốt tên của ba nguyên tố mới nhất trong bảng tuần hoàn. Đầu tiên, tennessi được đề xuất cho nguyên tố 117, sau đó là moscovi cho nguyên tố 115. Chỉ có nguyên tố nặng nhất được khám phá ra, nguyên tố 118, vẫn chưa có tên. “Yuri”, một giọng nói cất lên, “anh có thể để chúng tôi hội ý được không?”

Những nhà khoa học còn lại sau đó đã nhất trí đưa ra một quyết định. Yuri Oganessian sẽ trở thành người thứ hai còn sống sau nhà hóa học người Mỹ Glenn Seaborg, được vinh dự lấy tên cho một nguyên tố: oganesson.

Lý do cho sự lựa chọn của họ là dễ hiểu: Oganessian không chỉ dẫn dắt nhóm nghiên cứu của mình tới những khám phá mới mà còn đi tiên phong trong việc áp dụng những kỹ thuật hạt nhân mới. Trong thập niên 1970, ông đã phát minh ra phản ứng nhiệt hạch lạnh – đó không chỉ phản ứng hạt nhân năng lượng thấp giả định (hypothesised low energy nuclear reaction) mà còn là một kỹ thuật để tạo ra các nguyên tố siêu nặng – đóng vai trò cốt yếu trong việc khám phá ra các nguyên tố 104 đến 113. Giờ đây, hiểu biết rộng của ông về một kỹ thuật mới, phản ứng nhiệt hạch nóng (hot fusion), đã mở rộng những biên giới của hiểu biết tới tận cùng của dòng thứ 7 trong bảng tuần hoàn.

Oganessian nhớ lại thời kỳ đầu xây dựng máy gia tốc ion nặng U300 ở Viện nghiên cứu liên hợp hạt nhân Dubna (JINR). “Chúng tôi không chỉ chú ý đến các tính chất [của những nguyên tố siêu nặng] mà còn chú ý đến những phản ứng, tương tác, các kiểu phân rã hạt nhân, phát xạ alpha, chính là lĩnh vực rất rộng của vật lý và hóa học hạt nhân.”

Sherry Yennello, giám đốc Viện nghiên cứu Máy gia tốc Cyclotron của A&M Texas bày tỏ ngưỡng mộ: “Ông ấy mãi mãi là ngôi sao sáng chói của lĩnh vực này, cha đẻ của các nguyên tố siêu nặng”.  

Những ‘va chạm’ đầu tiên

Lý thuyết ẩn sau việc tạo ra các nguyên tố siêu nặng rất đơn giản: bạn đập hai nguyên tử vào nhau và hi vọng chúng kết hợp lại để tạo ra một nguyên tử lớn hơn.

Vấn đề là để tổng hợp hai hạt nhân, cần phải thắng được lực đẩy tĩnh điện giữa các điện tích dương của chúng, có nghĩa là vụ va chạm phải xảy ra ở những mức năng lượng rất cao. Thường thì, việc này được thực hiện nhờ việc bắn một nguyên tố nhẹ vào bia làm từ nguyên tố nặng. Các ion mang điện tích cao của nguyên tố nhẹ được gia tốc trong một máy cyclotron – những nam châm rất mạnh đẩy các ion theo một quỹ đạo tròn ở tốc độ khoảng 10% tốc độ ánh sáng. Sau đó, những ion này thoát ra khỏi máy cyclotron ở dạng chùm tia (với cường độ khoảng hàng ngàn tỉ ion một giây) bắn vào bia. Tại đây khó khăn xuất hiện. Ngay cả khi xảy ra va chạm, thường thì hai hạt nhân chỉ vỡ một phần. Với hầu hết các trường hợp, lực đẩy giữa các proton sẽ đánh bại lực hút liên kết các hạt nhân lại với nhau và các mảnh bị phá tan. Nhưng đôi khi, lực liên kết mạnh hạt nhân chiến thắng: hai hạt nhân tổng hợp lại với nhau và yên vị trong một trạng thái cơ bản để hình thành một nguyên tố mới. Việc cố gắng tạo ra những nguyên tố nặng hơn đồng nghĩa với việc đưa thêm các proton vào hạt nhân, làm tăng nguy cơ nó tan vỡ. Chuyện này có thể được bù đắp bằng cách sử dụng những đồng vị neutron nặng; hạt nhân có thể trở nên bền vững bằng cách phát xạ các neutron năng lượng cao.

Cuối cùng, bạn cần phải phân tách nguyên tử đơn lẻ vừa tạo ra từ lượng khổng lồ những vật chất không tương tác và những phụ phẩm rồi đưa nó vào máy dò. Sau đó bằng cách ghi lại chuỗi phân rã alpha phát xạ khi nguyên tử dịch chuyển tầng để thành các nguyên tố nhẹ hơn, bạn có thể chứng minh mình vừa tạo ra một nguyên tố mới.

Tóm lại, việc tạo ra một nguyên tố mới tương đương với việc bắn một viên đạn súng máy vào một lỗ kim trong một đồng cỏ khô với hi vọng viên đạn và lỗ kim sẽ kết hợp lại với nhau, sau đó “bắt” tổ hợp đạn – kim khi nó lia qua dù biết rằng nó sẽ biến mất mãi mãi sau một giây.

Tuy nhiên đến được bước này cũng là một thách thức với chàng trai 28 tuổi Oganessian: không có ai trong nhóm nghiên cứu do anh dẫn dắt từng lắp đặt một máy cyclotron. Họ thậm chí còn không chắc chắn đó có phải đó là cách tiếp cận tốt nhất hay không. Ở Mỹ, nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Lawrence Berkeley do Seaborg và Albert Ghiorso dẫn dắt đã sử dụng các máy gia tốc tuyến tính – những cỗ máy có tính năng tương tự nhưng hứa hẹn hơn. Họ đã tạo ra tám nguyên tố nhân tạo cho đến nguyên tố 100.

Tháng 9/1960, thí nghiệm bắt đầu dưới sự hướng dẫn của Oganessian: chùm tia ion nitơ đầu tiên được gia tốc trong U300, ngay cả một thập kỷ sau thì nó vẫn là máy gia tốc mạnh nhất thế giới. Năm 1968, trong công cuộc tìm kiếm cách duy trì chùm tia lâu hơn, Organessian giám sát việc lắp đặt một máy cyclotron thứ hai nhỏ hơn; lần này không có sự giúp đỡ của bên ngoài và kết hợp với những cải tiến của chính ông. JINR bắt đầu vượt xa hơn người Mỹ. Một năm sau, nhà khoa học 36 tuổi hoàn thành luận án tiến sĩ về sự phân rã hạt nhân bằng các ion nặng.

Trước thí nghiệm của U300 và Berkeley, việc nghiên cứu bất kỳ nguyên tố nào sau nguyên tố 100 đều được coi là một “khu vực cấm”, Organessian giải thích: “Tôi đã khá ngạc nhiên khi thấy một nguyên tố nặng như vậy tồn tại, bởi vì cho đến năm 1960, chúng tôi đã thỏa mãn với mô hình cổ điển, dựa trên ý tưởng của George Gamow, rằng hạt nhân giống như một giọt chất lỏng. Niels Bohr và John Wheeler đã áp dụng lý thuyết này để chứng minh rằng không thể tồn tại nguyên tố nào nằm sau nguyên tố 100”.

Năm 1974, người ta đã chứng minh được rằng Bohr và Wheeler đã sai. Các nguyên tố từ nguyên tố 100 cho tới nguyên tố 106 đã được tổng hợp bằng phản ứng nhiệt hạch giữa bia và hạt đạn từ phản ứng giữa urani với boron cho tới californi với oxygen. Nhưng những thành tựu đột phá đã tạo ra một cuộc “chiến tranh lạnh” khi cả nhóm nghiên cứu của Mỹ và Xô Viết đều khẳng định mình khám phá ra trước tiên. Với người Mỹ, các nguyên tố 104 và 105 là rutherfordi và hahni; với người Nga, chúng là kurchatovinielsbohri.

Ngày nay, nguyên tố 104 là rutherfordi và 105 là dubni. Thật vậy, có quá nhiều tên gọi được sử dụng trong suốt “cuộc chiến tranh” tới nỗi tận năm 1997 chúng mới được đồng thuận rộng rãi. Nhưng Organessian đã nói rõ rằng tình trạng thù địch nào cũng chỉ tồn tại trên phương diện chính trị thôi. Trong thư viện của mình, ông có một tuyển tập các bức ảnh đen trắng, trong đó có một bức Flerov, Seaborg và Ghiorso ở Dubna; ở bức khác, ông đang giải thích các kỹ thuật cho Seaborg; Seaborg ghi chép cho Oganessian đọc. Các bức ảnh đen trắng cho thấy “cuộc chiến nguyên tố” chẳng mấy khốc liệt với các nhà khoa học.

Oganessian được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng năm 1961 nhưng lại mâu thuẫn với định hướng phát triển của phòng thí nghiệm. Lúc này, Flerov, giám đốc Dubna bắt đầu cản trở sự đổi mới, ông lgọi những khám phá như vậy là “chiến tranh du kích” và thờ ơ trước những đột phá.

Oganessian là một người ‘du kích’ như vậy. Trong suốt thập niên 1960, ông đã tổ chức một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ để khám phá các khái niệm khoa học đa dạng. Giờ đây, ông đã có một ý tưởng không thể phớt lờ. Kết quả các phản ứng tổng hợp bị giảm nghiêm trọng khi số hiệu nguyên tử tăng lên. Nguyên nhân là mức năng lượng kích thích cao (40-50 MeV) làm tăng khả năng phá vỡ nguyên tố. Để tạo ra các nguyên tố mới, mức năng lượng kích thích phải là nhỏ nhất, hay “lạnh”. Thay vì bắn một nguyên tố rất nhẹ vào một nguyên tố nặng, cần chọn hai nguyên tố gần nhau hơn.

Khi Flerov tiến hành một cuộc viễn chinh tới Siberi, Oganessian đã nắm lấy cơ hội. Để thử nghiệm lý thuyết của mình, ông bắn argon-40 và chì-208 để tạo thành fermi- 224, dự đoán rằng phản ứng này sẽ giải phóng bốn neutron và tạo ra một đồng vị với chu kỳ bán rã chỉ là 4 miligiây. Kỹ thuật mới này tạo ra fermi-246, chỉ mất hai neutron, với chu kỳ bán rã là 1,1 giây. Kết quả này hiệu quả gấp 10.000 lần điều ông đã tưởng tượng. Phản ứng tổng hợp lạnh xảy ra ở mức năng lượng gần với rào thế Coulomb, có nghĩa rằng hạt nhân được tạo thành có một mức năng lượng kích thích nhỏ hơn bất cứ kỹ thuật nào đã từng sử dụng trước đây tới 2 đến 3 lần.

Oganessian đã báo cáo khám phá của mình với Flerov. Ban đầu người thầy của ông có vẻ dửng dưng. Chỉ khi chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Xô viết đến thăm JINR thì Flerov mới chỉ Oganessian rồi nói: “Cậu ấy tạo ra hàng chục nghìn nguyên tử siêu urani”. Ông chủ tịch Viện, nhận thức được ý nghĩa của việc đó, đã hôn má Oganessian.

Ghi chép của JINR gọi nụ hôn này là “phần thưởng cho sự không vâng lời” của mình. Nhưng phần thưởng thực sự đối với họ chính là các nguyên tố mới. Tới năm 1996, cùng sự cộng tác với nhóm làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Ion nặng Helmholtz (GSI) ở Darmstadt, Đức, phản ứng nhiệt hạch lạnh đã dẫn tới sự khám phá ra các nguyên tố từ 107 tới 112. Hai thập kỷ sau, một nhóm các nhà khoa học do Kosuke Morita dẫn đầu ở Trung tâm Riken’s Nishina ở Wako Nhật, đã khám phá ra nguyên tố 113 (giờ đây mang tên nihoni), cũng là tạo tác cuối cùng của phản ứng nhiệt hạch lạnh.
 
Cuộc chạy đua tay ba

Yuri Oganessian trao đổi với Ron Lougheed và Ken Moody về nghiên cứu chung của họ năm 1989. Nguồn :The Armenian Weekly

Các nhà khoa học Nhật đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm nguyên tố 113 vào năm 2003, bắn phá nguyên tố bitmut bằng các ion chì. Tới tháng 4/2005, họ mới chỉ thấy nguyên tố 113 hai lần – không đủ để chứng minh sự tồn tại của nó. “Trong suốt 7 năm, chúng tôi liên tục tìm kiếm”, Morita nói. “Dù chưa từng thấy một sự kiện nào nữa nhưng tôi không muốn từ bỏ.” Cuối cùng, họ có được sự kiện thứ ba, đủ để đáp ứng yêu cầu của một khám phá được chấp thuận vào tháng 8/2012. “Xác suất một sự kiện như thế xảy ra là thấp”, Hideto En’yo, giám đốc của Trung tâm Nishina, giải thích. “Nhóm nghiên cứu biết chuyện đó sẽ đến bởi vì họ đã thấy nó hai lần trong hai năm. Khó khăn nằm ở chỗ không biết khi nào nó sẽ xảy ra”.

Điều đó chứng minh rằng, việc dùng phản ứng nhiệt hạch lạnh để đi tìm nguyên tố mới siêu nặng đã hết thời. Oganessian và những đồng sự đã chuyển sang một phương pháp mới. Với phản ứng nhiệt hạch nóng, một nhóm gồm các nhà khoa học Nga và Mỹ đã chuẩn bị đẩy xa những biên giới của bảng tuần hoàn tới giới hạn của chúng.

Cộng tác để giải quyết những câu hỏi căn bản này bắt đầu vào năm 1989, khi Ken Hulet từ Lawrence Livermore gặp Flerov tại một hội thảo. “Vào thời điểm đó, ở Livermore người ta gặp khó khăn với việc duy trì chùm tia lâu hơn còn ở Nga người ta cần sự trợ giúp về mặt kỹ thuật với các máy dò, máy tính, đồ điện tử, đại loại như thế”. Vậy nên họ quyết định cộng tác với nhau.

Flerov đã lui xuống làm giám đốc phòng thí nghiệm phản ứng hạt nhân, với Oganessian được chỉ định làm người kế nhiệm ông. Như vậy Oganessian phải trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Xô viết. Đêm trước bầu cử, Flerov gửi tới các thành viên của Viện một bức thư: “Vật lý ion nặng đang phát triển một cách mạnh mẽ ở Mỹ, Đức, Anh và Pháp. Chúng ta chỉ có thể giữ lấy vị thế bằng việc gia cố thêm sức mạnh. Tôi nghĩ đến một con người mà mình có thể giao phó toàn bộ công việc phức tạp trong lĩnh vực này, tôi không một chút ngần ngại nào mà đề cử Yuri Tsolakovich Oganessian. Một nhà vật lý, một nhà thực nghiệm xuất sắc… Anh ấy có khả năng tiếp cận vấn đề từ khía cạnh đầy bất ngờ và đạt được kết quả tột bậc”. Flerov mất một năm sau đó, nhưng Oganessian đã đảm bảo sự cộng tác với Livermore được tiếp tục. Ban đầu, họ đã thí nghiệm với nguyên tố vẫn chưa được đặt tên, 108. Nhưng mục tiêu đích thực của họ là nguyên tố 114 và vùng đảo bền. 

Vùng đảo bền được En’yo gọi là “giấc mơ của các nhà vật lý hạt nhân”. Được đề xuất lần đầu tiên năm 1960, lý thuyết về sự tồn tại của một vùng nơi một số sự tổng hợp proton và neutron tạo thành hạt nhân, bền vững hơn các đồng vị khác, đã đảo ngược xu hướng thiếu bền vững của hạt nhân. Các proton và neutron trong một hạt nhân chiếm đầy các lớp vỏ, tương tự như các electron trong các nguyên tử. Các đồng vị chiếm đầy trong các lớp vỏ cần được chứng minh là bền vững hơn. Mục đích là bắn phá một đồng vị với một “số thần kỳ” các proton hay neutron. “Với những con số thần kỳ này, ta sẽ có lực gắn kết lớn hơn,’ Organessian giải thích. “Nguyên tố đầu tiên, không ổn định lắm nhưng ổn định hơn các nguyên tố lân cận, là 108, – hassi – với 162 neutron. Nhưng bất ngờ hơn, cho tới nguyên tố 114 có 184 neutron, là vùng bền vững hơn nhiều”.

Năm 1998, nhóm quyết định thử tổng hợp nguyên tố 114 một lần nữa. Nhóm đã thành công trong việc tạo ra nguyên tố 114; đồng vị họ đã tạo ra không nằm ở tâm của đảo, nhưng đủ gần để chứng minh rằng nó tồn tại. ‘Nếu không có sự bền vững nào,’ Organessian nói, ‘thì nó phải có chu kỳ bán rã khoảng 10-19 giây. Thật vô nghĩa khi nói về một nguyên tố trong một thời gian ngắn như vậy, bạn không thể phát hiện nổi nó. Nhưng hiệu ứng chúng tôi quan sát được là một sự phân rã tính bằng giây – lớn gấp 1019 lần. Thật kỳ lạ. Và nó phát xạ một hạt alpha và chuyển thành nguyên tố 112, với chu kỳ bán rã tính bằng phút.’

Giờ đây, tự tin với kỹ thuật của mình, phản ứng nhiệt hạch nóng, đã là một thành công, nhóm chuyển sang nguyên tố 116. ‘Kế hoạch của chúng tôi là đánh giá, cố gắng tìm kiếm vùng bền vững hơn,’ Stoyer nói. ‘Chúng tôi đã làm thí nghiệm với nguyên tố 114 trước tiên, và rồi chuyển sang 116, bởi vì quan sát và tạo ra những nguyên tố có số hiệu nguyên tử chẵn dễ dàng hơn các nguyên tố có số hiệu nguyên tử lẻ. Chúng tôi đã đổi sang mục tiêu là curi.’

Một lần nữa, nhóm lại thành công. Nhưng lần này họ không đơn độc. Một nhóm cạnh tranh từ Berkeley (Mỹ), do Victor Ninov dẫn dắt, cũng khẳng định rằng họ đã tìm ra nguyên tố 116. Và hơn thế, nhóm Berkeley còn báo cáo là đã thấy bằng chứng về nguyên tố 118.

Ninov tuyên bố đã ba lần tạo ra nguyên tố 118 và hình thành nên nguyên tố 116 trong chuỗi phân rã của nguyên tố 118. Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả của mình trên tờ Physical Review Letters. Có vẻ như đó là chuyện phi thường nhất trong công cuộc khám phá các nguyên tố siêu nặng nhưng thật ra, đó là một trong những điều dối trá kinh khủng nhất trong khoa học.

Khám phá của nhóm Berkeley nhanh chóng gây tranh cãi vì các nhà khoa học ở GSI và Riken không thể xác minh kết quả. Khi thực hiện lại thí nghiệm, nhóm Berkeley không phát hiện ra dấu vết nào của nguyên tố 118. Một cuộc điều tra nội bộ đã kiểm tra lại dụng cụ thí nghiệm, nhưng khi đó không ai xét đến vấn đề dối trá này. Sau đó, vào năm 2001, Ninov lại khẳng định tìm thấy nguyên tố 118 một lần nữa. Lần này, dữ liệu của ông được phân tích: và không có dấu hiệu nào chứng minh cho cái ông nói mình đã tìm thấy. Nhìn lại khám phá ban đầu, cũng không có dấu hiệu của nguyên tố 118 trong dữ liệu thô.

Trong quá trình điều tra, chuyện được làm rõ: các dữ liệu đã bị can thiệp để ngụy tạo ra sự kiện tìm ra nguyên tố 118. Ninov bị sa thải. Kể từ đó, những nhà khoa học còn lại trong nhóm ở Berkeley cũng đã rút lại tuyên bố.

Sự gian dối của Ninov được phơi bày, và công cuộc tìm kiếm các nguyên tố lại tiếp diễn. “Câu chuyện của Victor Ninov, về nguyên tố 118, xuất hiện đúng lúc chúng tôi đang làm việc với nguyên tố 114 và 116, và cố gắng để được ghi nhận”, Stoyer kể lại. “Đó là một nỗi tủi hổ của ngành này. Nhưng nó đã làm nổi bật phương pháp của chúng tôi, cách cộng tác của chúng tôi trong xử lý vấn đề tương tự. Dữ liệu được lấy ở Dubna, nhưng được phân tích cả ở Dubna và Livermore. Nó được những người khác nhau, phân tích bằng những mã khác nhau, rồi được kiểm tra chéo. Như vậy chúng tôi có một kiểu kiểm soát chất lượng gắn sẵn trong quá trình phân tích của mình.”

Mô tả của Oganessian về những gì xảy ra tiếp theo khiến câu chuyện trở nên đơn giản: “Chúng tôi đã tạo ra các nguyên tố 116 và 118. Chúng cho thấy sự bền vững cao. Sau đó chúng tôi chuyển sang các đồng vị lẻ. Chúng cũng cho thấy sự bền vững cao. Do đó, từng bước một, chúng tôi đi từ nguyên tố 110 tới 118”. Thực tế thì phức tạp hơn. Canxi-48 đã cho thấy mình là một chùm tia hoàn hảo, nhưng nguyên tố 118 là một thách thức vì nguyên tố bia. “Chúng tôi sử dụng californi-249,” Stoyer nói. “Nó và berkeli có lẽ là những bia khó chịu nhất dưới góc độ xử lý phóng xạ.’

Trong suốt những năm 2000, nhóm cũng đã tạo ra nguyên tố 115 với americi, và đã thấy nó phân rã thành nguyên tố 113. Oganessian thúc ép nhóm công bố. “Tôi đang đi nghỉ,” Stoyer nhớ lại, “và tôi nhớ mình đã nghĩ rằng “Tại sao chúng ta lại vội vã, tại sao chúng ta lại đi nhanh đến thế? Không có ai khác làm thí nghiệm này cả.” Khoảng 6 tháng sau, các kết quả của người Nhật xuất hiện.

Lúc đó, chẳng có nỗ lực nào của người Nga lẫn Mỹ hay Nhật Bản là đủ thuyết phục Liên minh quốc tế Hóa học thuần túy và hóa học ứng dụng (Iupac) là đã tìm ra nguyên tố 113 hay 115. Các nhóm đều cần thêm dữ liệu. Do vậy, trong khi Riken tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình với phản ứng nhiệt hạch lạnh, nhóm Nga-Mỹ hướng cái nhìn của mình tới nguyên tố 117 – nguyên tố mà họ dự đoán có thể phân rã để tạo thành cả nguyên tố 115 và 113.

Chỉ có một vấn đề duy nhất: để tạo ra nguyên tố 117 bằng canxi-48, nhóm cần berkeli. Và nơi duy nhất trên thế giới tạo được berkeli là lò phản ứng nghiên cứu thông lượng cao ở Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Oak Ridge ở Tennessee.

Năm 2008, Oak Ridge cuối cùng cũng xác nhận họ đang sản xuất californi cùng với Lawrence Livermore và trường đại học Tennessee. Họ nhắm vào nguyên tố 117 nhưng berkeli là một mục tiêu khó nhằn, phải chuẩn bị hai năm mới có đủ lượng berkeli cần thiết cho thí nghiệm trong khi chu kỳ bán rã của berkeli là 310 ngày. Sản lượng nhỏ – nhóm Oak Ridge đã chỉ tạo ra được 22 miligam – có nghĩa là bia phải được chuyển nhanh tới JINR để tổ chức thí nghiệm. Nếu có gì đó sai lệch, nhóm sẽ mất cơ hội.

Nhờ bắn phá berkeli bằng canxi-48, nhóm đã một lần nữa thành công với việc tạo ra nguyên tố mới. Hơn thế nữa, phân rã alpha của nguyên tố 117 còn tạo ra nguyên tố 115 như dự đoán. Khám phá về nguyên tố 114 và 116 đã được Iupac xác nhận. Giờ đây nhóm phải chờ đợi sự cân nhắc của hội đồng về phần còn lại trong những khám phá của họ.

Tháng 12/2015, các kết quả được thông báo. JINR và Livermore được công nhận là đã tìm ra nguyên tố 118; Oak Ridge được thừa nhận thêm vào khám phá ra nguyên tố 117 và 115 (Vanderbilt và Đại học Tennessee đã bị loại khỏi thông báo vì sai sót, sau đó được sửa chữa). Tuy nhiên nguyên tố 113, được dành cho Riken.

Dimitriev rất cao thượng. ‘Trong sáu nguyên tố mới, Iupac nhận công nhận 5 cho JINR. Chúng tôi khá hạnh phúc – những đồng nghiệp Nhật của chúng tôi dành 10 năm để tổng hợp ba hạt nhân. Giáo sư Morita là bạn tốt của chúng tôi, ông đã làm việc nhiều năm trong phòng thí nghiệm của JINR”.

Duy Khánh lược dịch

TS. Lê Xuân Chung (Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện NLNTVN) hiệu đính

Nguồn: https://www.chemistryworld.com/feature/what-it-takes-to-make-a-new-element/1017677.article

 

Tác giả

(Visited 76 times, 1 visits today)