Đi tìm thịt lợn an toàn 

Thịt lợn, loại thực phẩm chủ yếu cho bữa ăn hằng ngày của chúng ta, có thực sự an toàn? Và nếu như vậy thì trong trường hợp này, khái niệm an toàn cần được hiểu theo nghĩa nào?

Có lẽ, không cần đến những số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là thịt lợn chiếm đến 60-80% mức tiêu thụ trong tổng số các loại thịt ở Việt Nam (năm 2020) thì chúng ta mới nhận ra vai trò lớn như vậy của thịt lợn trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Thịt lợn phổ biến đến mức chỉ cần gọi gọn lỏn nó là “thịt”, “thịt mỡ, dưa hành” thì ai cũng hiển nhiên phân biệt được nó với các nguồn thịt cung cấp protein khác. Và dẫu ước mơ của người Việt xưa kia cũng thường chỉ giản dị gói gọn trong “ngày 30 Tết, thịt treo trong nhà”, nhưng phải đến sau cột mốc Đổi mới, ước mơ ngày tết này mới trở thành điều thường nhật: nếu năm 1990, mức bình quân tiêu thụ thịt lợn trên đầu người là 8, 1kg/người/năm thì tới năm 2020, con số này đã là 26.8kg/người/năm. Đó cũng là một trong những thành tựu của Đổi mới.

Thịt lợn được bày bán trong siêu thị. Nguồn: vietnambiz.vn

Theo sự phát triển của xã hội, sự gia tăng của thu nhập và phình ra của tầng lớp trung lưu đã thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi và thị trường thịt lợn. Vào trước những năm 1980, chưa bao giờ tổng sản lượng thịt lợn trong các chuồng trại Việt Nam vượt quá con số 300 nghìn tấn nhưng đến năm 1990, tổng số đã vượt hơn gấp đôi và vào thời điểm trước khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào đầu năm 2019, con số này đã là 2,81 triệu tấn. Tuy nhiên, khi được thỏa mãn nhu cầu về nguồn protein thì cái nhìn về thịt lợn của người Việt Nam đã dần thay đổi. Thay vì thuần túy hài lòng về sự đủ đầy nguồn cung, những nỗi sợ hãi mơ hồ dấy lên, bủa vây miếng thịt lợn: liệu con lợn có được nuôi theo các tiêu chuẩn về chăn nuôi, giết mổ, bày bán không? thịt lợn có thừa dư lượng kháng sinh, tồn dư hóa chất không? có bị tẩm ướp chất bảo quản không? có truy xuất được nguồn gốc không?… Giờ thì người ta lo về “lành” hơn là “ngon” với thứ thực phẩm mà tần suất có mặt trong mâm cơm nhiều nhất trong các loại thịt. 

Vậy rút cục thịt lợn như thế nào là đủ an toàn để mọi người có thể yên tâm mua từ các quầy bán lẻ? Câu trả lời thông qua kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), nơi tiến hành nhiều pha dự án nghiên cứu về chuỗi giá trị thịt lợn trong hơn thập kỷ qua, có thể làm người ta phải nhướn mày kinh ngạc. “Dù người Việt Nam mình rất lo lắng về nguy cơ nhiễm các hóa chất trong thịt lợn nhưng thật ra, chúng tôi thấy nguy cơ này còn nhỏ so với các nguy cơ nhiễm vi sinh”, TS. Nguyễn Việt Hùng, nhà nghiên cứu ILRI, người được mời tham gia đoàn chuyên gia của WHO khảo sát về nguồn gốc COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào năm 2021, cho biết.

Khái niệm an toàn ở đây, do đó, chủ yếu liên quan đến thế giới bí ẩn của những vi sinh vật. Nó cũng mở ra một bức tranh hoàn toàn khác về chuỗi giá trị thịt lợn mà người ta tưởng là mình đã biết tường tận.

“Dù người Việt Nam mình rất lo lắng về nguy cơ nhiễm các hóa chất trong thịt lợn nhưng thật ra, chúng tôi thấy nguy cơ này còn nhỏ so với các nguy cơ nhiễm vi sinh”,

TS. Nguyễn Việt Hùng (ILRI)

Lo gì về thịt lợn?

Bất kể nắng mưa, những miếng thịt lợn nằm trên các phản thịt ở chợ truyền thống, tiếp xúc trực tiếp với khí trời, nhiệt độ thường hay đặt một cách gọn gàng, ngăn nắp trong những ngăn cố định ở siêu thị với mức nhiệt từ 0 đến 40C, dải nhiệt độ vừa đủ để bảo quản đồ tươi sống trong vòng ba đến năm ngày. Với sự khác biệt của môi trường bán, người ta đổ dồn mối lo về chợ truyền thống, nơi thường được cho là thả nổi miếng thịt, vì xét cho cùng, có vẻ khó kiểm soát được nguồn thịt cung cấp cho nó hơn so với siêu thị cũng như các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Vậy có hay không nguy cơ phơi nhiễm tồn dư độc chất như kháng sinh, chất tăng trọng, tạo nạc mà người nuôi thúc cho lợn mau được lứa bán hoặc vỗ về nỗi sợ thịt mỡ của người tiêu dùng? 

Nhóm nghiên cứu của ILRI và các đồng nghiệp tại trường ĐH Y tế Công cộng trước hết mong giải đáp được thắc mắc này, thông qua đánh giá dư lượng hóa chất độc hại tồn dư trong thịt, một phác thảo quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về chuỗi giá trị thịt lợn, ở Nghệ An và Hưng Yên. Tại sao lại là hai địa phương này? “Chúng tôi chọn Nghệ An và Hưng Yên vì hai địa bàn này đại diện cho một số chuỗi thực phẩm điển hình ở Việt Nam. Nếu nhìn vào vị trí địa lý thì Hưng Yên vừa gần Hà Nội lại vừa có ngành chăn nuôi phát triển tốt nên đây là một cửa ngõ thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, cung cấp cho thị trường Hà Nội. Còn Nghệ An, lợn chủ yếu được nuôi để phục vụ cho tiêu thụ trong tỉnh, một đặc trưng của nhiều tỉnh thành ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Việt Hùng giải thích. 

Để có cái nhìn toàn diện, các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu thức ăn chăn nuôi tại trang trại, mẫu thịt, gan và cật tại các lò mổ và bán ngoài chợ truyền thống ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ (Hưng Yên), Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu (Nghệ An). Nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết là liệu những kết quả phân tích, đánh giá định tính và định lượng về tetracyclines, fluoroquinolones, sulphonamide, (nhóm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, kháng khuẩn phổ biến trong chăn nuôi), chloramphenicol (nhóm kháng sinh đã cấm sử dụng trong chăn nuôi), nhóm β-agonists (một dạng chất tăng trọng, chất tạo nạc được xếp vào loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới) và các kim loại nặng có thể giúp giải đáp mối lo ngại hiện hữu của người tiêu dùng khắp Việt Nam không? Trước khi thực hiện nghiên cứu, họ đã thử tìm kiếm từ khóa “chất cấm trong chăn nuôi lợn/heo” trên Google và bất ngờ nhận được hơn 400.000 kết quả chỉ sau 0,22 giây. 

Cửa hàng Sáu Cúc đắt khách hơn sau khi triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Có lẽ, một trong những điểm hay của khoa học chính là việc đem lại những thông tin chuẩn xác từ những thiết bị phân tích hiện đại. Không dễ dò được các độc chất như thuốc trừ sâu, kháng sinh tồn tại trong cái hỗn độn của chất nền hữu cơ, nhất là khi chỉ ở mức phần triệu hay phần tỉ. Tuy vậy, vẫn có thể thực. hiện khi có sự hỗ trợ của các thiết bị như sắc ký lỏng khối phổ (LCMS/MS), quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS)… Với cách này, các nhà nghiên cứu có thể có được trong tay những bằng chứng khoa học đáng tin cậy: mặc dù có kháng sinh và chất tăng trọng trong các mẫu nhưng hàm lượng đều thấp hơn mức cho phép. Có một điều đáng ngạc nhiên là dẫu trong các mẫu thức ăn đều có một tỷ lệ lớn các kháng sinh như tetracycline, fluoroquinolonessulfonamid nhưng lại không phát hiện các chất này trong ở bất kỳ mẫu thịt nào. Điều này cho thấy, người chăn nuôi không sử dụng các loại kháng sinh này cho lợn trong thời gian ngắn trước khi chúng được xuất chuồng, các nhà nghiên cứu của dự án cho biết như vậy trong một xuất bản trên tạp chí Int J Public Health. Thậm chí, nồng độ chất tăng trọng, tạo nạc đều thấp hơn mức 5 μg/kg theo thông tư hướng dẫn năm 2016 của Bộ NN&PTNT và tất cả các mẫu đều âm tính với cadmium, arsenic – nghĩa là không chứa cả hai kim loại nặng này.

Khi có thể thở phào, tạm xếp mối lo về độc chất hóa học bởi nó dường như không quá trầm trọng như mọi người vẫn nghĩ, một câu hỏi mới lại dấy lên: vậy còn nguy cơ về an toàn thực phẩm nào khác trong thịt lợn? Nhóm nghiên cứu của ILRI và các đồng nghiệp nghi ngờ khả năng nhiễm Salmonella, loại vi khuẩn quen thuộc gây ngộ độc thực phẩm với triệu chứng phổ biến là tiêu chảy, ói mửa, buồn nôn. Theo một ước tính vào năm 2010 thì mỗi năm, ở Đông Nam Á có khoảng 22,8 triệu ca nhiễm Salmonella. “Dựa vào các kết quả nghiên cứu trên thế giới và nghiên cứu mà chúng tôi làm ở Campuchia, Việt Nam, châu Phi thì nói chung, thịt lợn bị ô nhiễm Samonella và một số loại vi sinh khác vẫn còn rất phổ biến ở chợ truyền thống của các quốc gia đang phát triển”, TS. Nguyễn Việt Hùng nói.

Hướng nghiên cứu đến đây rẽ theo một nhánh khác với mục tiêu là phát hiện Samonella trong các mẫu thịt lợn. TS. Đặng Xuân Sinh, người hoàn thành luận án tiến sĩ tại Nhật Bản với chính chủ đề này, đã cùng đồng nghiệp thu thập mẫu ở trại nuôi, lò giết mổ và các chợ truyền thống tại chín xã ở Hưng Yên và chín xã ở Nghệ An. Kết quả thu được trùng khớp với nghi ngờ trong trực giác của họ: về tổng thể, vi khuẩn này có mặt ở tất cả các công đoạn trong chuỗi giá trị thịt lợn. Ở trang trại, tỷ lệ phát hiện Samonella trên mặt sàn chuồng nuôi là 36%, gần 39% trong nước thải; ở lò mổ, tỷ lệ này là gần 39% ở bề mặt thân thịt lợn sau giết mổ; ở chợ, tỷ lệ Salmonella nhiễm trên thịt lợn gần 45%, thịt xay 41% và bề mặt thớt 25%.

“Từ so sánh trên các mô hình đánh giá nguy cơ, chúng tôi thấy nhiễm Salmonella gây ra hệ quả nghiêm trọng hơn so với ô nhiễm hóa học trong điều kiện ở Việt Nam”

(TS. Nguyễn Việt Hùng).

Nhưng nguy cơ trong miếng thịt lợn nhiễm vi sinh liệu chỉ có ở chợ truyền thống? Khoa học dựa trên bằng chứng, đó là lý do để ILRI, ĐH Y tế Công cộng và các đồng nghiệp quốc tế thực hiện tiếp một nghiên cứu khác tại chính Hà Nội bởi “khi làm nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe an toàn thực phẩm lên con người, chúng ta cần tập trung ở những địa bàn thành phố có mật độ người tiêu dùng cao” như giải thích của TS. Nguyễn Việt Hùng. Họ lấy mẫu ở cả chợ và siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng như căng tin và hàng quán vỉa hè ở năm quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông và Hai Bà Trưng, những nơi đông dân cư và có điểm buôn bán thực phẩm chín lẫn sống. Kết quả thu về thật bất ngờ: ngay cả siêu thị cũng không miễn nhiễm với Salmonella, thậm chí chưa có sự khác biệt nhiều về tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella trong siêu thị và chợ truyền thống. Trung bình, tỷ lệ xuất hiện Salmonella trên các mẫu thịt lợn từ chuỗi bán lẻ là 58,1% – cụ thể 60,5% ở chợ truyền thống, 51 % ở siêu thị, 80% ở các cơ sở dịch vụ ăn uống. “Đây không phải điều lạ. Nghiên cứu của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam (OUCRU) thực hiện ở TP.HCM cũng phát hiện ra Samonella nhiễm tới 68 % số mẫu thu thập từ chợ và siêu thị”, TS. Nguyễn Việt Hùng nói.

Nếu đặt các nguy cơ cho sức khỏe lên bàn cân để kiểm chứng sự ảnh hưởng sức khỏe của bệnh từ Salmonella và ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm độc chất, tồn dư kháng sinh thì kết quả thu được là gì? Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, “Từ so sánh trên các mô hình đánh giá nguy cơ, chúng tôi thấy nhiễm Salmonella gây ra hệ quả nghiêm trọng hơn so với ô nhiễm hóa học trong điều kiện ở Việt Nam. Ở góc độ toàn cầu, có những số liệu nói rằng bệnh do lây truyền do vi sinh qua thực phẩm cao hơn so với hóa học, ít nhất là số liệu mà chúng ta có đến tận bây giờ”.

Dây chuyền giết mổ treo.

Việc xác định được điểm mấu chốt trong nguy cơ có phải là gợi ý cho bước đi tiếp theo, tìm cách loại trừ nóơ khỏi chuỗi giá trị thịt lợn, ở Việt Nam hay không?

Lần theo những mắt xích quan trọng 

“Cách tiếp cận của chúng tôi là dựa vào chính nguy cơ để kiểm soát hoặc quản lý nguy cơ”, không chỉ TS. Nguyễn Việt Hùng mà hầu như nhà nghiên cứu ILRI nào cũng trao đổi như vậy với Tia Sáng. Để có thể loại bỏ hay giảm thiểu nguy cơ nhiễm Salmonella, họ phải nhìn vào toàn bộ chuỗi giá trị thịt lợn, được vận hành theo chu trình ‘từ trang trại đến bàn ăn’, và tìm ra câu trả lời.

Không thể tìm được nó một cách dễ dàng. Bởi miếng thịt lợn được pha vuông thành sắc cạnh, gọn gàng trên quầy hàng là kết quả của các chuyển giao qua lại ở một chuỗi các tương tác phong phú và đa dạng với nhiều bên liên quan, trong đó, khâu trung gian giữa các hộ chăn nuôi và người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. “Khi đánh giá các khâu trong chuỗi giá trị thịt lợn này, chúng tôi thấy đáng chú ý hai công đoạn là khâu giết mổ và bày bán tại quầy”, TS. Đặng Xuân Sinh cho biết. Việc thu thập và phân tích mẫu từ thân thịt lợn tại lò mổ hay miếng thịt lợn từ các quầy bán thịt ngoài chợ cho các nhà nghiên cứu thông tin về kết quả: tỉ lệ nhiễm Salmonella ở hai điểm này khá cao do “liên quan đến việc thực hành từ nơi giết mổ, điều kiện bán ở các chợ truyền thống. Phần lớn nguy cơ nhiễm các vi sinh vật có thể gây ra các ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng đều ở đây”.

Có thể nhận định này khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ. Tưởng tượng ra cảnh chuồng trại chăn nuôi đầy nước và chất thải, người ta thường nghĩ, đây là nơi Salmonella và các vi sinh vật gây bệnh khác bám dính trên thịt lợn nhiều nhất. Nhưng đó mới là một phần của bức tranh. “Nếu các lò mổ giữ được điều kiện vệ sinh sạch sẽ, nước sạch, chân tay người giết mổ sạch thì thịt không bị nhiễm khuẩn”, TS. Đặng Xuân Sinh nói. Vậy tại sao lượng Salmonella lại đột biến gia tăng ở khâu trung gian? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đã đến các lò mổ từ khi nó bắt đầu một ngày làm việc từ 24 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, và quan sát những gì diễn ra. “Đối với các lò mổ gần như thủ công ở Việt Nam, từ lúc mới được đưa vào chọc tiết thì trên con lợn đã dính rất nhiều phân, nước bẩn, sau đó lưu cữu trong tay, dụng cụ giết mổ, sàn, nước… Trong quá trình giết mổ, mọi thứ xâm nhập lẫn lộn cho đến khi miếng thịt được pha ra, dẫn đến lây nhiễm chéo Salmonella giữa các loại lông, phân, nước thải, dụng cụ, chân tay… và cuối cùng, thịt bị nhiễm khuẩn”, anh giải thích. 

Thịt lợn (thân thịt lợn trước khi đưa ra chợ) lấy từ lò mổ nhiễm vi khuẩn từ 30 đến 40%, thậm chí ở một số điểm có vệ sinh kém thì tỉ lệ này lên tới 50%-52%. Trước khi ra đến chợ, mức độ nhiễm khuẩn tăng lên qua quá trình vận chuyển và các nhà nghiên cứu cho biết, số mẫu thịt có vi khuẩn chiếm từ 50 đến 60% số mẫu. 

Đó là lý do mà thịt lợn (thân thịt lợn trước khi đưa ra chợ) lấy từ lò mổ nhiễm vi khuẩn từ 30 đến 40%, thậm chí ở một số điểm có vệ sinh kém thì tỉ lệ này lên tới 50%-52%. Trước khi ra đến chợ, mức độ nhiễm khuẩn tăng lên qua quá trình vận chuyển và các nhà nghiên cứu cho biết, số mẫu thịt có vi khuẩn chiếm từ 50 đến 60% số mẫu. 

Những gì diễn ra ở Việt Nam, nơi có chuỗi giá trị thịt lợn chủ yếu dựa vào các hộ chăn nuôi, lò giết mổ và vận chuyển quy mô nhỏ, hoàn toàn khác so với những quốc gia phát triển. Nếu đạt tiêu chuẩn quy định thì khâu vận chuyển không làm tăng lượng vi khuẩn trong thịt lợn nhưng với chuỗi vận chuyển thông thường ở các lò mổ thủ công đến chợ, thường vắt trên khung, yên xe máy, phủ sơ sài miếng vải và di chuyển trên quãng đường khoảng 10 đến 15km hoặc hơn thì có thể mất hơn một tiếng đồng hồ cũng là điều kiện để nhiễm vi khuẩn từ nguồn khác, như dụng cụ vận chuyển hoặc va quệt. TS. Đặng Xuân Sinh lưu ý, việc chuyên chở xuyên tỉnh như từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên… đến Hà Nội đều có thể lên đến hai tiếng. Tất cả tạo thành mảnh đất màu mỡ cho “hạt giống” Salmonella nảy mầm.

Đọc thêm:
Chuỗi giá trị thịt lợn: Vai trò hộ chăn nuôi nhỏ 
Chợ hay siêu thị ?
An toàn thực phẩm ở Việt Nam: Chúng ta đang ở đâu?  

Nhưng những công đoạn này đâu có thể giải thích được sự tồn tại của Salmonella trong siêu thị? Thật ra, nguồn cơn cũng không quá bí ẩn. “Có nhiều yếu tố liên quan đến tình trạng này. Dù hiện tại, người ta thường nói đến lò mổ hiện đại và công nghệ chuỗi lạnh nhưng nếu để ý thì quanh Hà Nội, chỉ có một, hai công ty lớn có dây chuyền giết mổ. Vì vậy dường như là thịt lợn cung cấp cho siêu thị cũng từ các khu giết mổ tập trung – ở đây họ làm rất nhanh và mặt sàn cũng bừa bộn nên mức độ nhiễm khuẩn (nhiễm chéo) cũng không kém ngay từ đầu vào giết mổ. Do đó, khâu cắt, pha thịt trong điều kiện nhiệt độ thấp cũng chỉ là yếu tố gia giảm vì nó đã bị nhiễm từ đầu rồi”, một nhà nghiên cứu ẩn danh lý giải.

Cũng như phần lớn các vi khuẩn khác trong sinh giới, Salmonella có thể tự sinh sôi rất nhanh. Loại sinh vật nhân sơ đơn bào này có thể tự sao chép bằng cách phân đôi phân tử DNA của mình. Với điều kiện môi trường lý tưởng như độ ẩm cao, nhiệt độ tầm 30 đến 370C, tương tự thân nhiệt của người, Salmonella có thể thực hiện một chu trình nhân đôi trong khoảng 40-60 phút. Nếu nhiệt độ thấp hơn, dưới 40C, nó sẽ không thể sinh sản nhưng vẫn bật ‘chế độ chờ’ trong vật chủ. Nhà nghiên cứu này cũng cho biết “Trong siêu thị, có những miếng thịt có thể được bán trong vòng một, vài tiếng nhưng cũng có thể sau 24 đến 48 tiếng đồng hồ. Bản thân miếng thịt đã nhiễm rồi nên dù được bảo quản lạnh thì Salmonella vẫn tồn tại và có thể tăng lên dần dần theo thời gian”. 

Hiện tại, người ta vẫn có thói quen vận chuyển thịt lợn bằng xe máy.

Cách nào để giảm thiểu?

Đôi khi, sự thật khiến người ta khó chấp nhận, ngay cả các nhà quản lý. “Ban đầu, đại diện Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đã đặt câu hỏi về phát hiện của ILRI”, TS. Nguyễn Việt Hùng kể. “Tôi phải trao đổi ‘các anh chị đừng căng thẳng quá khi các nhà nghiên cứu chỉ ra là thịt lợn ở ngoài chợ nhiễm Salmonella tới 50 đến 60%. Điều đó không có gì lạ, nếu chúng ta tiếp tục giữ mô hình chăn nuôi, giết mổ dưới sàn và người thực hiện giết mổ vẫn còn giẫm đạp lên thân thịt như chúng tôi quan sát, hoặc điều kiện vệ sinh ở chợ không tốt thì cứ mãi chúng ta sẽ làm phân tích và thấy mức độ nhiễm Salmonella nó cao như thế’”. 

Điều quan trọng ở chuỗi nghiên cứu này là phát hiện ra nguyên nhân khiến miếng thịt lợn không an toàn và công đoạn nhiều nguy cơ nhất. Đó là gợi ý về giải pháp có thể giảm thiểu được tối đa nguy cơ nhiễm Salmonella. Được đóng gói và rút gọn trong một sổ tay hướng dẫn, bộ thực hành của ILRI gồm những nội dung đơn giản đến bất ngờ. “Chúng ta thường nghĩ đến những giải pháp mang tính triệt để như những lò mổ treo, lò mổ công nghiệp nhưng thực tế ở đây là nhiễm chéo. Để tránh lây nhiễm chéo thì cần thực hành theo những quy tắc liên quan đến các điều kiện giữ vệ sinh dụng cụ, nước sạch, chân tay sạch…”, TS. Đặng Xuân Sinh nói.

Nhưng một giải pháp, dẫu có dễ áp dụng đến mấy, cũng có nhiều trở ngại khi đưa vào thực tế bởi điều kiện trang thiết bị và sau nữa là thói quen – “Thói quen trước là sợi tơ nhện, sau là dây thừng”… Do đó, bên cạnh việc giới thiệu tấm sàn inox vào một số lò mổ ở Hưng Yên, Thái Nguyên, dự án đã tổ chức nhiều buổi tham vấn, trao đổi với những người làm lò mổ, bán hàng và nói cho họ biết hệ quả, nguy cơ của việc thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm. Dẫu vậy đây không phải là tất cả, họ không thể trao đổi với hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn người tham gia vào chuỗi giá trị thịt lợn ở các địa phương. “Nếu các địa phương cùng áp dụng theo mô hình của chúng tôi thì mới có thể tạo ra thay đổi trên bình diện chung. Nhưng đây phải là câu chuyện thay đổi của chính sách chứ không thể để người dân tự mày mò hoặc tự can thiệp được”, TS. Nguyễn Việt Hùng chia sẻ. 

Diễn ra trong vòng hơn 10 năm, hai pha dự án của ILRI, “Giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và cải thiện an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại Việt Nam (PigRISK) và “Các phương pháp dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn tại Việt Nam” (SafePORK), mới chỉ động chạm được một phần của nó. Sẽ cần đến những pha nghiên cứu tiếp theo, đi sâu hơn nữa vào đánh giá động lực thay đổi ở nhiều góc độ khác. Bởi, để thay đổi được thực hành của một chuỗi giá trị sẽ cần đến rất nhiều động lực. Các hoạt động can thiệp sắp tới của Hợp phần về an toàn thực phẩm của Dự án Sáng kiến Một sức khỏe do ILRI và các đối tác Việt Nam thực hiện (2023-2024) sẽ được mở rộng ở năm tỉnh dựa trên các kết quả can thiệp của dự án SafePORK nhằm tiếp tục hướng đến giảm các nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonella và các vi sinh vật trong chuỗi thịt lợn truyền thống ở Việt Nam để góp phần vào việc tạo ra động lực thay đổi.

Nhưng rồi đây, kết quả nghiên cứu sẽ tác động đến đâu vào chuỗi giá trị và có thực sự đưa tới một tương lai có thịt lợn an toàn? Ở bối cảnh hiện tại, thật khó để nghĩ về điều đó, khi trong cả chuỗi giá trị vẫn tồn tại rất nhiều điểm cần can thiệp để đảm bảo có được sự an toàn thực phẩm, đạo đức thị trường và cả sự công bằng cho những người nỗ lực tạo ra sản phẩm an toàn. □

Tác giả

(Visited 49 times, 1 visits today)