Dịch cúm A/H1N1- không quá đáng sợ

Chỉ chưa đầy hai tháng sau khi Bộ Y tế thông báo Việt Nam có ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên vào ngày 31/5/2009, tình hình có vẻ tồi tệ hơn khi vài trường học tại TP. HCM, rồi tiếp đến tại tòa nhà cao ốc của Viettel ở Hà Nội phát hiện các ca dương tính với cúm A/H1N1. Tính đến cuối tháng 7/2009, Việt Nam đã phát hiện gần 700 ca dương tính với cúm A/H1N1. Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên làm gì trước diễn tiến ngày càng lan rộng của dịch cúm thế kỷ này.

Không nên hoảng loạn
Những dòng tít lớn hoặc các bài viết tô đậm trên đủ loại hình báo chí, trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tình hình dịch cúm A/H1N1 vào những ngày vừa qua ở Việt Nam khiến cho không ít người phải bàng hoàng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà chuyên môn, mọi người cần phải bình tĩnh trước sự lây lan nhanh chóng của loại virus cúm nguy hiểm này. Trong cuộc họp đánh giá về tình hình dịch cúm vào ngày 29/7/2009, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh: “Người dân không nên hoang mang vì nếu được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời thì sẽ không sao. Tuy nhiên không được chủ quan vì dịch đang lây lan theo cấp số nhân”.
Giáo sư, Tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Tuấn tại Úc bày tỏ trên trang blog cá nhân của mình: “Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam càng ngày càng lan rộng, nhưng sự lan rộng vẫn nằm trong tiên đoán của qui luật dịch tễ học. Có thể nói đây mới là giai đoạn 2, tức là ở mức độ lây lan trong cộng đồng”. Như vậy, theo giáo sư Tuấn, khi đến giai đoạn 3, tức là lúc virus cúm đã bão hòa thì chúng ta buộc phải sống chung với virus.

Diễn tập phòng chống cúm tại một bệnh viện ở TP. HCM

Còn tác giả Hồ Xuân Thiện, hiện đang làm việc bộ môn sinh hóa, đại học Oxford (Anh) viết trên trang dichbenh.com rằng, cũng nên lo trước sự lây lan nhanh chóng virus cúm A/H1N1 tại Việt Nam nhưng không việc gì phải quá sợ. Để minh chứng cho điều này, tác giả này phân tích tỉ lệ gây tử vong do virus cúm A/H1N1 gây ra cũng chỉ tương đương với tỉ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam, tức vào khoảng 1,5/1000 ca. “Cúm H1N1/09 có tỉ lệ gây tử vong tương đương so với cúm thông thường, và hiện dao động trong khoảng trung bình là 1,5/1.000 ca. Trong khi tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm tại VN là 0,16/1.000 dân (khoảng 14.000 ca/86.000.000 dân)”, tác giả này viết.
Trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ cũng có đoạn: “Các cơ quan thông tấn báo chí cần tuyên truyền các biện pháp phòng tránh, đưa thông tin chính xác, kịp thời nhưng không làm người dân hoang mang”.
Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là cần thiết, nhưng chính việc thông tin, tuyên truyền nhiều khi mạnh mẽ hơn mức đáng cần phải có nhiều khi khiến người dân cảm thấy không an toàn trước dịch bệnh. Thông tin trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng gần đây đáng tiếc lại đi theo xu hướng này, thậm chí còn có những tin, bài mang tính giật gân, câu khách…

Đối phó với dịch bệnh
Theo các chuyên gia y tế, cách thức tốt nhất để phòng dịch là thông tin một cách đúng đắn về dịch bệnh, đặc biệt là đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn người dân cách thức để phòng và điều trị cúm nếu có mắc phải.

Cúm A/H1N1 đã lan đến các ngõ ngách của thế giới

Thông tin trên Reuters cho biết đến thời điểm cuối tháng 7/2009, virus cúm A/H1N1 đã lan đến các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của thế giới.
Reuters trích dẫn các nguồn tin mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những phần xa nhất trên hành tinh như những hòn đảo thuộc vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Caribe cũng đã tìm thấy sự hiện diện của cúm A/H1N1.
Trong bản thông báo vào ngày 27/7/2009, WHO cho biết 20 nước và vùng lãnh thổ nằm trên đại dương đã thừa nhận xuất hiện các ca nhiễm virus cúm A/H1N1, hay còn gọi theo cách nói thông thường là cúm lợn.
Virus cúm A/H1N1 cũng đã được tìm thấy ở Bhutan, khu vực có dãy núi cao nhất thế giới Himalayas và ở Andorra, khu vực tự trị nằm giữa Tây Ban Nha và Pháp. Các nước khác như Afghanistan và Sudan cũng đã công bố các ca nhiễm virus cúm A/H1N1 trong những ngày gần đây.
Trong tháng 6 vừa qua, WHO đã nâng mức báo động của cúm A/H1N1 lên mức 6, tức là cấp đại dịch và Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng không thể ngăn chặn sự lây lan của virus cúm A/H1N1 trên phạm vi toàn thế giới.
Hiện WHO đã ngừng cập nhật hằng ngày các trường hợp dương tính được khẳng định bởi phòng xét nghiệm, vì số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tăng quá nhanh ở một số quốc gia. Cục phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch (CDC) của Mỹ cũng tuyên bố không cập nhật số ca bệnh cúm H1N1 vì theo họ là không cần thiết. (Theo Reuters)

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đề nghị có ba biện pháp. Thứ nhất là phát hiện triệu chứng sớm. Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, phương án tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh phải bắt đầu từ cơ sở. Mỗi cơ quan hay mỗi trường học cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế, có sẵn kế hoạch phòng chống cúm H1N1. Một kế hoạch phòng chống được xem là hữu hiệu nhất là sớm nhận dạng hay phát hiện những trường hợp cúm. Những triệu chứng để nhận dạng sớm bao gồm nóng sốt trên 37 độ, đau cổ họng, nhức đầu, ho và sổ mũi; ói mửa, mệt mỏi v.v… Đây là những tín hiệu cho thấy bệnh nhân có thể nhiễm virus H1N1. Khi phát hiện bệnh nhân qua các tín hiệu trên, nhà trường đề nghị bệnh nhân không đến trường, nên ở nhà và nhờ bác sĩ điều trị. Kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy bệnh nhân nhiễm virus H1N1 thường hồi phục trong vòng một tuần.
Thứ hai là vấn đề vệ sinh. Một khi một trường học hay cơ quan có người bị nhiễm virus H1N1, thì đó cũng là tín hiệu cho thấy nơi đó cần được lưu tâm vệ sinh. Rất có thể bàn ghế, cửa, v.v… đã bị nhiễm và đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm H1N1 cho người khác. Nghiên cứu khoa học cho thấy virus phát triển trong điều kiện nhiệt độ ôn đới. Trong nhiệt độ 25 độ C, virus H1N1 có thể sống trên mặt bàn khoảng 2 giờ mà thôi. Do đó, cần phải khử trùng những nơi virus “lưu trú” như bàn ghế, tủ, giường, cửa, nhà vệ sinh, v.v… một cách triệt để.
 Thứ ba là cần liên tục rửa tay và cẩn trọng khi hắt hơi. Hiện nay, đường lây lan chính của virus H1N1 là từ người sang người. Do đó, một khía cạnh phòng chống nhiễm H1N1 là ở mức độ cá nhân. Một lượt hắt hơi thải ra khoảng 20.000 hạt nhỏ (còn khi ho chỉ sản sinh chừng vài trăm hạt). Những hạt lớn nhất sẽ rơi xuống đất trong vòng vài mét. Những hạt còn lại bay xa hơn tuỳ theo kích cỡ. Những hạt nhỏ có đường kính 1 – 4 micromet có thể lơ lửng trong một thời gian dài và chui xuống tận đường hô hấp dưới. Do đó, khi hắt hơi, cần phải che mũi để giảm lây lan sang người khác. Ngoài ra, cần biện pháp phòng ngừa khá đơn giản nữa là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Thói quen này được xem là một biện pháp phòng ngừa virus cúm rất hữu hiệu ở qui mô cộng đồng.
Trên trang dichbenh.com, tác giả Hồ Xuân Thiện cho rằng: “Cúm A/H1N1 tuy không quá độc để gây tỉ lệ tử vong cao, nhưng lại có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng“. Do vậy, cúm là một bệnh rất khó chịu. Một số biện pháp phòng tránh cúm, trong đó có cả cúm A/H1N1 được hướng dẫn cụ thể trên trang web này. Cụ thể như trích ngừa cúm nếu có thể; ăn, uống, ngủ, nghỉ đầy đủ, đặc biệt là uống nhiều nước; giảm bớt các căng thẳng trong sinh hoạt; tập thể dục đều đặn và thận trọng khi dùng các phòng vệ sinh công cộng…

Tác giả