Dịch tả lợn châu Phi đe dọa an ninh lương thực ở Châu Á
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) ở châu Á đang lây lan một cách báo động. Các chuyên gia sức khỏe động vật đều đồng tình rằng căn bệnh này chắc chắn sẽ lan xa hơn.
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) ở châu Á đang lây lan một cách báo động. Ở Châu Á, ASF được báo cáo lần đầu tiên ở phía đông bắc Trung Quốc vào tháng 8 năm 2018; căn bệnh truyền nhiễm có tính hủy diệt này nhanh chóng càn quét Trung Quốc và khiến hơn một triệu con lợn bị chết hoặc tiêu hủy. Trong những tuần gần đây, AFS đã vượt biên sang Việt Nam, Campuchia, Mông Cổ, Hồng Kông và có thể cả Bắc Triều Tiên. Các chuyên gia sức khỏe động vật đều đồng tình rằng căn bệnh này chắc chắn sẽ lan xa hơn. Họ cho rằng, nhiều quốc gia mới bị lây nhiễm thậm chí còn phòng bị để đối phó với ASF kém hơn Trung Quốc, Cho đến nay các quốc gia này đã thất bại trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch.
Chở lợn ở Thanh Hóa. Đây là một vùng chịu ảnh hưởng lớn của dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: REUTERS/KHAM.
“Có những vaccine tiềm năng đang được phát triển”, theo Yolanda Revilla thuộc Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa ở Madrid, người đồng tác giả một bài đánh giá gần đây về các loại vaccine ASF – nhưng phải 3, 4 năm nữa các loại vaccine này mới có thể ra thị trường. Cho đến lúc đó, giảm thiểu truyền nhiễm là lựa chọn duy nhất. Nhưng việc ngăn chặn virus này đặc biệt khó khăn, do cách chăn nuôi nhỏ ở châu Á. Việc cho lợn ăn thức ăn thừa từ nhà bếp và bữa ăn của người “là thói quen phổ biến nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro”, Juan Lubroth, bác sĩ thú y tại trụ sở của Tổ chức Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Rome cho biết. Các nghiên cứu về 68 vụ bùng phát dịch ở Trung Quốc đã kết luận rằng 34% là do ăn thức ăn, 46% do xe cộ và công nhân mang virus và 19% do vận chuyển lợn và các sản phẩm sống.
Chính phủ Trung Quốc đã cấm sử dụng thức ăn thừa không qua xử lý nhiệt và không cho phép cho ăn bằng thức ăn thừa ở tất cả các tỉnh đang bùng phát dịch. Nhưng rất khó để thuyết phục nông dân bỏ cách cho ăn này và các thói quen nguy hiểm khác khác, Lubroth cho biết. Để ngăn chặn các ổ dịch lây lan, Trung Quốc cũng tiêu hủy tất cả lợn trong vùng 3 km quanh đàn bị nhiễm bệnh, thiết lập các trạm kiểm tra và khử trùng để kiểm soát giao thông trang trại trong một vùng đệm 10 km và đóng cửa chợ lợn sống ở khu vực bị ảnh hưởng. Nhưng hiệu quả của các biện pháp này trong việc bảo vệ hơn 400 triệu con lợn trong nước không vẫn chưa rõ ràng. Số điểm bùng phát dịch mới hàng tháng được báo cáo cho Tổ chức Thú y Thế giới đạt đỉnh vào tháng 10 năm 2018 ở mức 34 điểm, giảm xuống chỉ còn 4 điểm vào tháng 1, nhưng lại tăng lại kể từ đó, với 10 điểm vào tháng Tư.
Ngay cả khi các nỗ lực kiểm soát dịch của Trung Quốc không thành công, thì nó vẫn vượt xa khả năng của các nước lân cận. Chính phủ Việt Nam gần đây đã thừa nhận rằng nhiều nơi trong số 29 tỉnh bị ảnh hưởng đã không phản ứng kịp thời vì thiếu tiền và không gian để chôn lợn chết, theo báo cáo của Reuters trong tuần này. “Thế giới và Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với một dịch bệnh [động vật] cực kỳ nguy hiểm, khó khăn, phức tạp và đắt đỏ như thế này”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu trong một tuyên bố ngày 13 tháng 5. Chính phủ cho biết sẽ sử dụng cả quân đội để giúp kiểm soát ổ dịch. Ở Campuchia cũng vậy, “có rất ít kiến thức và kinh nghiệm trong việc ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh”, theo ông Alexandre Huynh, đại diện FAO ở Campuchia. “Nguồn nhân lực, tài chính và vật chất cũng rất thiếu”, ông nói thêm.
Nhìn chung, kiểm soát ASF có thể sẽ đòi hỏi sự tái cấu trúc dài hạn và đầy thách thức của ngành công nghiệp sản xuất thịt lợn, chỉ giữ lại các đơn vị đủ lớn để đầu tư vào an toàn sinh học, Pfeiffer nhận xét. Lubroth cho biết thêm rằng việc tái cấu trúc như vậy đã giúp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xóa sổ ASF vào đầu những năm 1960, nhưng quá trình này mất 35 năm. Với nguồn lực và quyền hành của chính quyền TW hiện nay, Trung Quốc có thể thực hiện cuộc chuyển đổi nhanh hơn thế. Nhưng có thể vẫn sẽ mất nhiều thập kỷ để các nước láng giềng châu Á xây dựng một ngành chăn nuôi lợn an toàn hơn.
Hoàng Nam dịch