Dịch tả và virus corona: Những sai lầm không được phép lặp lại (tiếp theo)
Giữa những làn sóng của đại dịch Covid-19, sự lơi lỏng trong phòng ngừa dịch tả đặt hơn một tỷ người đang sống ở những quốc gia nghèo nhất hành tinh vào nguy cơ bùng phát dịch.
Có những loại vaccine do Shantha Biotechnics (Ấn Độ) sản xuất không cần thêm nước, người ta chỉ cần cho thẳng vào miệng. Nguồn: Liên minh Vaccine toàn cầu.
Thế giới vẫn trong trận đại dịch tả thứ 7, và không phải ai cũng được bảo vệ
Ngày nay, người phương Tây có thể dễ dàng tiếp cận loại vaccine hiệu quả nhất tên là Dukoral. Khi dùng, người ta chỉ cần hòa vào nước một lọ vaccine cùng một túi dung dịch đệm để bảo vệ vaccine khỏi bị acid dạ dày tiêu hủy rồi uống – đơn giản như bỏ sữa, đường vào trà vậy. Chỉ cần hai liều, người dùng sẽ được bảo vệ khỏi dịch tả trong khoảng 5 năm. Nhưng Dukoral không thể dùng được ở những khu vực dịch tả đang hoành hành vì người dân ở đây không có nước sạch và do vậy uống bằng nước lại có thể khiến người ta gặp rủi ro. Ngoài ra, chi phí cho loại vaccine này quá cao với cư dân ở những nơi đó – để trả tiền cho hai liều vaccine, một người Anh trung bình chỉ cần làm việc chưa tới một giờ đồng hồ, còn một nông dân Ấn Độ trung bình phải làm việc cả ba ngày.
Có những loại vaccine khác rẻ hơn như Sanchol do Shantha Biotechnics ở Ấn Độ sản xuất. Ưu điểm của vaccine này là nó không cần thêm nước, người ta chỉ cần cho thẳng vào miệng. Tuy nhiên, nó không hiệu quả bằng Dukoral vì nó chỉ bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn chứ không có tác dụng với độc tố. Chẳng những thế, loại vaccine này cần được đưa vào cơ thể hai lần cách nhau hai tuần. Đây là chuyện gần như bất khả thi cho những cán bộ y tế phải phụ trách những địa bàn nông thôn rộng lớn của Ấn Độ.
Chương trình chủng ngừa dịch tả còn nhiều trở ngại khác. Để đạt hiệu quả, những chương trình này phải có độ bao phủ đủ lớn trong dân số để tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Muốn làm được như thế thì phải có số liệu khảo sát chính xác, vốn là điều bất khả thi khi thiếu vắng hệ thống y tế công cộng có độ tập trung thống nhất cao. Cũng như các nước mà dịch tả còn hoành hành, Ấn Độ không có cơ sở hạ tầng này, chủ yếu do cái bóng nặng nề của chế độ khai thác thuộc địa, những khoản nợ hậu thuộc địa, và những khoản cho vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) trong thập niên 1990 đi kèm điều kiện chính phủ phải cắt giảm chi tiêu. Những cắt giảm này đưa đến giảm ngân sách cho các chương trình y tế công cộng và giáo dục, vốn chính là những thứ một xã hội cần có để tự thoát ra những điều kiện mà dịch tả luôn rình rập.
Do vậy, tuy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị dùng vaccine ngừa dịch tả ở những khu vực dịch tả còn lây lan mạnh, và mặc cho có một thứ vaccine dễ sử dụng được sản xuất ở chính đất nước mình, nhưng họ hàng của tôi ở vùng làng mạc xa xôi của Bihar vẫn chưa có được. Nhưng nếu tôi, như một người phương Tây, muốn đến thăm họ hàng một tuần thì tôi có thể dễ dàng có được vaccine ở Anh quốc.
Mỗi thập kỷ qua đi, liệu pháp bù nước qua đường miệng và vaccine ngừa dịch tả đã giảm mạnh thêm tầm ảnh hưởng nhưng vẫn không làm dịch tả hoàn toàn biến mất. Hai năm sau khi Sambhu Nath De công bố kết quả nghiên cứu ý nghĩa của mình, một trận dịch tả mới – trận đại dịch thứ 7 – bùng phát ở Indonesia rồi lan ra khắp châu Á và Bắc Phi. Trận đại dịch này vẫn đang tiếp diễn. Hơn 1 tỷ người đang sống ở những quốc gia có nguy cơ dịch tả mà không phải ngẫu nhiên chính là những nước nghèo nhất hành tinh.
Vấn đề toàn cầu cần giải pháp toàn cầu
Hai thập niên sau khi dịch tả vươn đến châu Âu, từng quốc gia châu Âu riêng lẻ đã nỗ lực ngăn ngừa và khoanh vùng dịch. Nhưng bỏ ra hàng đống tiền để tẩy uế một thành phố cảng cũng chẳng có tác dụng gì nếu ta không thể kiểm soát những thủy thủ và hàng hóa vẫn thông quan liên tục qua đây. Dần dần họ nhận ra rằng một vấn đề do toàn cầu hóa gây ra thì cần phải có một giải pháp quốc tế.
Từ đây, thế giới đã chứng kiến một ví dụ hợp tác toàn cầu đầu tiên trong phòng chống dịch bệnh. Năm 1851, Hội nghị vệ sinh quốc tế đầu tiên triệu tập các đế quốc lớn của châu Âu đã họp ở Paris. Tuy thế, phải mất khá nhiều thời gian để tất cả các đại biểu đi đến được một đồng thuận, và mãi đến năm 1892 thì Công ước vệ sinh quốc tế đầu tiên mới ra đời.
Theo Giáo sư Anne-Emanuelle Birn ở Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Toronto (Canada) thì thương mại là động lực của những cuộc họp này, y tế công cộng chỉ là phương tiện cần thiết. Và chúng đã chứng minh hiệu quả: những cuộc can thiệp xuyên quốc gia như cách ly kiểm dịch và điều tra dịch tễ do các cơ quan y tế quốc tế đảm nhiệm thực sự làm giảm số trường hợp tử vong do dịch tả. Những cuộc hội nghị vệ sinh quốc tế này chứng tỏ sức mạnh của hợp tác quốc tế trong việc cải thiện y tế và thúc đẩy kinh tế, cũng như tạo hình mẫu cho Tổ chức y tế của Hội quốc liên, và sau này là WHO.
Có lẽ thành công lớn nhất của kiểu hợp tác này là việc cả thế giới loại bỏ được bệnh đậu mùa năm 1979. Nhưng không như đậu mùa, dịch tả vẫn chưa bị xóa bỏ – không phải vì một trở ngại sinh học quá to lớn nào đó, mà do chúng ta chỉ tập trung vào những biện pháp liên quan đến dịch tả thay vì nỗ lực giảm nghèo đói vốn giúp những bệnh dịch như thế xảy ra. Hằng năm, vẫn còn 3 triệu trường hợp nhiễm và 100.000 người chết vì dịch tả, tất cả đều hoàn toàn phòng tránh được. Theo những ước tính mới đây, từ ngày 1/1 đến ngày 25/3 năm 2020, dịch tả đã cướp đi nhiều sinh mạng hơn virus corona. Nhưng chúng ta đang bàn thảo rất nhiều về virus corona mà không đả động bao nhiêu đến dịch tả, đó là vì virus corona đã vi phạm một luật bất thành văn rằng dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm không được phép xảy đến cho phương Tây.
Bản đồ những nơi còn vật lộn với dịch tả cho thấy có 47 nước – ở Trung Mỹ, vùng hạ Sahara của châu Phi, và Nam Á. Bức tranh này có vẻ như chỉ ra rằng những nước nhiệt đới có khuynh hướng dung dưỡng thứ vi khuẩn này nhờ khí hậu ấm áp và mật độ dân số cao. Nhưng những gì diễn ra ở quần đảo Marshall, một quần đảo xa xôi ở Thái Bình Dương nơi dịch tả bùng phát từ cuối năm 2000 đến đầu năm 2001, cho thấy chuyện dịch bệnh xảy ra ở đâu không phải là điều tất yếu. Như hai nhà nghiên cứu Seiji Yamada và Wesley Palmer ở Đại học Hawaii chứng minh, hai hòn đảo láng giềng ở quần đảo Marshall đã có hai số phận rất khác biệt tuy có điều kiện khí hậu tương tự và chỉ cách nhau 4 dặm (gần 7,5 km).
Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự trên đảo Kwajalein, ở đó có thuê những người giúp việc lương thấp từ hòn đảo gần đó là Ebeye. Nhiều người trong số này là hậu duệ của những người tỵ nạn từ các đảo khác trong quần đảo vốn bị mất chỗ ở do các vụ thử vũ khí của Mỹ trong thập niên 1940 và 1950. Nhà cửa, cơ sở hạ tầng được giới quân sự cung cấp cho họ trên đảo Ebeye không khá hơn một khu ổ chuột bao nhiêu. Mỗi hộ trung bình có 9 người, do đó dịch bệnh lây lan rất nhanh. Nước thải đổ hết vào một phá nước là chỗ người ta vẫn tắm và bắt cá, còn khi mưa thì nước thải lại tràn lên đường phố.
Một đợt cung cấp vaccine tả uống tại Bangladesh năm 2017. Nguồn: Paula Bronstein/Getty Images
Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, đảo Ebeye không có nước máy. Ngoài ra, do đảo này không có điều kiện phù hợp cho nông nghiệp nên các nguyên liệu thực phẩm Marshall truyền thống đều không có; người ta phải nhập gần như tất cả, vừa không hợp sức khoẻ lại vừa đắt đỏ, nên nhiều người bị thiếu dinh dưỡng. Một trong những con tàu mang thức ăn đến hòn đảo này được cho là đã làm bùng phát trận dịch những năm 2000–2001.
Trong khi đó trên đảo Kwajalein, cư dân hầu như chỉ có người Mỹ, họ làm việc cho các công ty phục vụ quân đội. Họ sống trong những biệt thự với tiện nghi như ở khu nghỉ dưỡng, còn mật độ dân cư thì thấp hơn đảo Ebeye 20 lần. Khi dịch bệnh bùng phát, người lao động chỉ được đi từ Ebeye đến Kwajalein nếu họ có thể chứng minh được mình đã được chủng ngừa hoặc dùng kháng sinh phòng bệnh. Trong suốt thời gian dịch, đảo Ebeye có 400 trường hợp nhiễm với 6 người chết. Còn đảo Kwajalein thì không có bất cứ trường hợp nào.
Chuyện dịch tả lây lan vô cùng dễ dàng ở Ebeye và vô cùng hiếm hoi ở Kwajalein không liên quan gì đến thời tiết hay địa lý. Không có lý do sinh học hay môi trường nào khiến dịch tả không thể bị xóa bỏ vĩnh viễn ở đảo Ebeye, bang Bihar, và khắp nơi trên thế giới. Cái thiếu thốn không phải là bí quyết nào đó, mà là ý chí chính trị mở rộng những quyền lợi này đến cho tất cả mọi người.
Trận đại dịch tả đầu tiên diễn ra cách nay 200 năm, vi khuẩn gây bệnh được phát hiện cách nay hơn 150 năm, và kể từ khi các liệu pháp chữa trị và vaccine ngừa bệnh giá thành phải chăng được phát triển đến nay cũng đã 60 năm. Thế mà loại bệnh dịch lây nhiễm này vẫn đang tàn phá một số nước như thể những tiến bộ trên chưa bao giờ tồn tại. Đó chính là bài học thực sự từ dịch tả.
Liệu dịch Covid-19 rồi sẽ như dịch tả?
Hiện đang có nỗi e sợ rằng virus corona đã lan rộng đến mức nó sẽ tồn tại dai dẳng như dịch tả. Chúng ta vẫn chưa biết rồi đây loại virus corona hiện tại, SARS-CoV-2, sẽ đột biến thành dạng gây ra những triệu chứng nhẹ – bệnh giống cảm như do 4 loại virus corona địa phương – hay trở thành như loại SARS thứ nhất, tức là vẫn nguy hiểm chết người nhưng chỉ lây nhiễm giới hạn. Dù cho thế nào đi nữa thì SARS-CoV-2 hay một virus tương tự trong tương lai có thể rồi sẽ giống như dịch tả: bị xóa bỏ hoàn toàn ở những nước giàu, trong khi vẫn lây lan với hậu quả chết người ở những vùng nghèo nhất trên thế giới.
Thế giới rồi sẽ quay trở lại một mức độ đời sống khá giống như bình thường bằng cách làm theo ba kỹ thuật mà ta đã áp dụng với dịch tả: ngăn ngừa truyền nhiễm, chữa trị tập trung theo mục tiêu, và hợp tác toàn cầu giữa các nước. Nhưng như ta đã thấy với dịch tả, cả ba chiến lược này có thể càng làm trầm trọng sự chia rẽ toàn cầu nếu chúng chỉ được áp dụng chọn lọc để bảo vệ nửa giàu có hơn của thế giới.
Coronavirus nhắc cho chúng ta những tổn thương chung của nước giàu và nước nghèo.
Chúng ta đã thấy những dấu hiệu của vấn đề này: từ chuyện các nước giàu mua quá nhiều trang thiết bị bảo vệ cá nhân đến mức các nước nghèo không thể mua hoặc mua không đủ để bảo vệ cán bộ y tế của họ; cho đến việc thuê các nước nghèo như Ấn Độ làm theo kiểu gia công các thử nghiệm lâm sàng mà một khi thuốc đã phát triển thành công thì họ sẽ không thể mua nổi; hay việc các nước nghèo biến thành những điểm mù trên bức tranh virus corona của thế giới vì họ thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết để thu thập dữ liệu hoàn chỉnh về những đợt bùng phát dịch ở nước mình.
Việc chúng ta đang sống trong một thế giới bất bình đẳng cũng không còn gì lạ lẫm. Trong thập niên 1990, các chuyên gia y tế toàn cầu đã bắt đầu nhắc đến “khoảng cách 10/90” từ thực tế là chỉ có 10% số chi cho nghiên cứu y tế được dành cho những vấn đề ảnh hưởng đến 90% dân số thế giới. Tại thời điểm đó, các bệnh liên quan đến tiêu chảy chiếm đến 7,2% gánh nặng bệnh dịch toàn cầu nhưng chỉ được hưởng 0,06% số tiền đầu tư nghiên cứu y tế. Khoảng cách 10/90 hầu như vẫn không thay đổi. Nhưng trận đại dịch mới này là cơ hội cho chúng ta sửa chữa.
Nếu dịch tả đã khai sinh ra hệ thống y tế toàn cầu thì virus corona phải khiến nó khởi động lại. Richard Smith, nguyên biên tập viên của Tạp chí y khoa Anh (BMJ), đã so sánh các giai đoạn y tế toàn cầu kể từ trận đại dịch tả lần thứ nhất như những đợt cập nhật hệ điều hành. Tôi hưởng ứng cái mà Smith gọi là “Y tế toàn cầu 4.0” (Global Health 4.0), tức là nghiên cứu và chính sách do những người làm nghiên cứu và các nhà hoạt động từ những nước nghèo dẫn dắt. Và cho dù WHO không phải lúc nào cũng làm việc xứng đáng với mục tiêu cao cả của nó và vẫn chưa xóa bỏ được dịch tả như nó đã làm được với đậu mùa, thì giải pháp vẫn không phải là làm suy yếu tổ chức này như việc Donald Trump rút lại tài trợ. Điều ngược lại mới là giải pháp: WHO cần thêm rất nhiều tiền cũng như nâng cao tính độc lập khỏi các tập đoàn tài trợ nếu ta muốn nó giúp giải quyết những điều kiện kinh tế – xã hội khiến chúng ta mang bệnh.
Lý do ta phải ủng hộ hệ thống y tế công cộng và hợp tác quốc tế ngoài việc đây là đạo đức cơ bản vì nó phục vụ tất cả, thì còn vì nó cũng là lợi ích của mỗi người – chừng nào các thứ bệnh truyền nhiễm còn gây tai ương ở những nước nghèo thì chừng đó chúng vẫn là một mối hiểm họa cho phương Tây. Học giả y tế toàn cầu Obijiofor Aginam người Nigeria đã viết rằng “lúc đó thế giới các nước phát triển sẽ phải hy sinh rất lớn để đối phó với điểm dễ tổn thương chung”. Virus corona đã một lần nữa nhắc chúng ta nhớ về điểm dễ tổn thương chung này.
Để ngăn ngừa những đại dịch trong tương lai, Aginam kêu gọi tiến tới một hệ thống toàn cầu hóa theo cộng đồng (communitarian globalism): một cách tiếp cận từ dưới lên, “dựa trên những lý tưởng về công bằng, công lý, và phân phối bình đẳng những nguồn lợi không phải là thừa mứa trên toàn cầu”. Chúng ta đã thấy đây đó những minh chứng cho tình đoàn kết như thế này trong đợt khủng hoảng hiện nay: từ việc chính quyền cộng sản của bang Kerala (Ấn Độ) cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho công nhân nhập cư, đến các bác sĩ Somalia đề nghị trợ giúp những vùng chịu khủng hoảng như Italia, hay Cuba cho phép một du thuyền Anh bị nhiễm (Covid-19) cập cảng để kịp thời được các bác sĩ chăm sóc sức khỏe.
Đương nhiên là virus corona và dịch tả có nhiều khác biệt quan trọng. Như việc virus corona có tốc độ truyền nhiễm cao hơn dịch tả là một thách thức lớn khi ta muốn hạn chế sự lây lan của nó. Tuy vậy nhưng những bài học từ dịch tả vẫn có giá trị. Nếu chúng ta cho phép hệ thống y tế toàn cầu được tài trợ và quản trị theo logic thực dân cũ vốn đã ăn sâu vào cấu trúc hiện thời của nó, thì rồi chúng ta sẽ lại thấy những kết cục như đối với dịch tả.
Bây giờ thì tôi vẫn lo lắng cho bệnh nhân và đồng nghiệp của mình ở Anh, không biết bao nhiêu người sẽ bị con virus này hại. Nhưng trong khi có những cách phản ứng tốt hay xấu đối với cơn khủng hoảng này trước mắt, lịch sử sẽ phán xét chúng ta dựa trên chuyện ai chết không phải hôm nay mà là trong những thế kỷ tới.
Vì khi bệnh nhân của tôi qua đời trong đại dịch ở một trong những nước giàu nhất thế giới, đương nhiên đây là chuyện đau buồn, nhưng tôi có thể tự an ủi rằng đó là ngoại lệ, và rằng người ta đang làm đủ mọi cách để ngăn ngừa những cái chết tương tự trong tương lai. Còn nếu chúng ta vẫn có người chết vì loại virus corona này vào năm 2200 ở những phần nghèo nhất trên thế giới thì đó mới là một thất bại đạo lý to lớn hơn. Trong 50 năm tới, trên con đường đi lên phía Bắc xuyên bang Bihar về thăm quê, tôi hy vọng mình sẽ có thể mua chuối hương Hajipur mà không phải đeo khẩu trang để được hít hà cho thỏa thích mùi thơm ngọt ngào của nó.□
Nguyễn Trịnh Đôn dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2020/may/01/cholera-and-coronavirus-why-we-must-not-repeat-the-same-mistakes