Điện hạt nhân phải là một phần của tương lai xanh
“Điều quan trọng hiện nay là các nhà hoạch định chính sách của Liên minh Châu Âu (EU) cần có cái nhìn toàn diện và công bằng hơn với năng lượng hạt nhân như một trong những nguồn năng lượng phát thải ít carbon khác”, đó là khẳng định của ông Esa Hyvärinen, tân chủ tịch của tập đoàn công nghiệp Foratom có trụ sở tại Brussels. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc thực hiện các mục tiêu chung liên quan đến khí hậu ở Châu Âu.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với diễn đàn công nghiệp hạt nhân Foronucle của Tây Ban Nha, ông Esa Hyvärinencho biết: “Việc công nhận năng lượng hạt nhân trong chiến lược dài hạn tới năm 2050 của Ủy ban châu Âu là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, từ góc nhìn của ngành công nghiệp hạt nhân, câu hỏi được đặt ra là sự công nhận này sẽ được phản ánh thế nào trong những văn bản quy phạm pháp luật của EU cụ thể như Thỏa thuận xanh châu Âu hay quy định phân loại tài chính bền vững”.
Các mục tiêu quan trọng liên quan đến khí hậu của Liên minh châu Âu đến năm 2030 được đặt ra bao gồm: giảm ít nhất 40% lượng khí thải nhà kính (so với năm 1990); 32% năng lượng sử dụng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo; cải thiện tối thiểu 32,5% hiệu quả sử dụng năng lượng. Trong chiến lược dài hạn của mình, EU đặt mục tiêu điều hòa khí hậu vào năm 2050.
Người đứng đầu Foratom lo ngại chỉ với mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 vào năm 2030 như hiện nay thì có thể vẫn chưa đủ để EU hiện thực hóa mong muốn không phát thải carbon vào 2050.
Ông tuyên bố: “Do đó, chúng tôi ủng hộ Ủy ban trong việc nâng cao những mục tiêu này, với điều kiện các quốc gia thành viên có quyền tự do lựa chọn sử dụng loại năng lượng ít phát thải carbon. Sẽ thật mâu thuẫn nếu chúng ta vừa mong muốn các nước giảm phát thải khí nhà kính, nhưng đồng thời lại hạn chế họ đầu tư vào các công nghệ giảm thiểu carbon cụ thể là công nghệ hạt nhân.”
Tập đoàn Foratom tin rằng để đạt được các mục tiêu không phát thải cacbon vào năm 2050, Liên minh châu Âu cần huy động tất cả các nguồn năng lượng carbon thấp, bao gồm cả năng lượng hạt nhân. Điều đó không chỉ giúp Châu Âu đạt được những mục tiêu bền vững và hạn chế phát thải carbon, mà còn cung cấp cho con người nguồn điện tin cậy với chi phí phải chăng.
Tuy nhiên, Foratom không ủng hộ các chính sách ưu tiên dành cho năng lượng hạt nhân so với các loại năng lượng phát thải ít carbon khác.
Tân chủ tịch nói thêm: “Việc dành cái nhìn công bằng và toàn diện với tất cả các nguồn năng lượng carbon thấp chưa bao giờ là dễ dàng mặc dù Ủy ban châu Âu đã mô tả năng lượng hạt nhân đóng vai trò then chốt trong mục tiêu không phát thải carbon năm 2050 của châu Âu cùng với các dạng năng lượng tái tạo khác.”
Ông lưu ý rằng một số quốc gia thành viên EU đã và đang có cam kết thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng như giảm lượng CO2 với điều kiện có thể đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Xu hướng này cho thấy ngày càng nhiều quốc gia thành viên coi năng lượng hạt nhân là một phần tất yếu trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu và thể hiện một tương lai lạc quan hơn với nguồn năng lượng này ở EU.
Ông cũng lạc quan tin vào tương lai nếu những nhà lập pháp đưa ra quyết định dựa trên các phân tích, đánh giá về tình hình hiện tại cũng như khuyến nghị từ những chuyên gia về phương án thực hiện Thoả thuận Paris. Tổ chức IPPC (International Plant Protection Convention) của Liên Hợp Quốc đã chỉ rõ năng lượng hạt nhân giữ vai trò quan trọng giúp trái đất không nóng lên quá 1,5 độ. Do đó, chúng ta phải lựa chọn giải pháp tốt nhất hiện nay vì chỉ dựa vào năng lượng tái tạo thì không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu và nếu đặt cược quá nhiều vào các loại khí đốt phát thải carbon có thể gây ra sự lệ thuộc trong thời gian dài. Tại sao một nguồn năng lượng phát thải ít carbon và linh hoạt như năng lượng hạt nhân lại chỉ đóng một phần nhỏ trong số các dạng năng lượng.
Hyvärinen cho biết Foratom sẽ tiếp tục phát huy tất cả các thế mạnh của năng lượng hạt nhân nhằm góp phần đáp ứng mục tiêu về khí hậu của Liên minh châu Âu, phát triển nền kinh tế cũng như hiện thực hóa những mong muốn khác.
Nguyễn Thị Phương Anh/VINATOM dịch