Điện hạt nhân thế giới thời kỳ hậu Fukushima

Là một nguồn năng lượng sạch, an toàn, hiệu suất cao, điện hạt nhân được sử dụng phổ biến trên toàn cầu và trở thành phương án giải quyết hiệu quả việc phát triển nguồn năng lượng cacbon thấp. Thế nhưng tai nạn rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 đã tác động mạnh tới tiến trình phát triển điện hạt nhân toàn thế giới.

Phần lớn dân chúng không còn tin vào tính an toàn của điện hạt nhân nữa, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách phát triển điện của một số quốc gia. Dưới sức ép của dư luận, Đức và Thụy Sĩ đưa ra chủ trương loại bỏ điện hạt nhân. Nhật cũng giảm dự định “điện hạt nhân chiếm trên 50% tổng sản lượng điện” xuống còn “không quá 16%”, thậm chí đưa ra chủ trương “zero điện hạt nhân”.

Tuy thế, hầu hết các nước, nhất là các nước đang phát triển mới nổi đều kiên trì phát triển điện hạt nhân, coi đây là chỗ dựa quan trọng để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, bảo đảm cung cấp năng lượng. Tháng 1/2013, Hội nghị năng lượng hạt nhân châu Á họp tại Malaysia. Các nước châu Á dự định trong 10 năm tới sẽ xây dựng 100 tổ máy điện hạt nhân mới. Việt Nam, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định xong các dự án điện hạt nhân mới, châu Á trở thành vùng phát triển điện hạt nhân nhanh nhất toàn cầu.

Tháng 3/2014, Bulgaria và 11 nước khác trong Liên minh châu Âu EU ký tuyên bố chung ủng hộ điện hạt nhân. Đến năm 2030, khu vực Đông Âu sẽ xây dựng mới từ 30 đến 50 lò phản ứng hạt nhân, sản lượng điện hạt nhân sẽ tăng từ 1,6 đến 2 lần.

Trước đó, vào tháng 6/2013, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA họp Hội nghị cấp Bộ trưởng tại St. Petersburg (Nga), hơn 500 đại biểu từ 87 nước và 7 tổ chức quốc tế tới dự để bàn vấn đề phát triển điện hạt nhân. Theo thống kê của IAEA, hiện nay 194 NMĐHN trên toàn thế giới đang vận hành 434 tổ máy phát điện hạt nhân, ngoài ra đang xây dựng lắp đặt 69 tổ máy mới, trong 20 năm tới toàn cầu ít nhất sẽ xây dựng lắp đặt 80-90 tổ máy. Đến năm 2030, năng lực phát điện của điện hạt nhân sẽ tăng 20% trở lên so với hiện nay, thậm chí có thể tăng gấp đôi.

Sau vụ Fukushima, mức độ an toàn của các NMĐHN đều được tăng cường. Tại Mỹ, tháng 6/2014, Ủy ban Điều chỉnh Hạt nhân quốc gia Mỹ (Nuclear Regulatory Commission, NRC) ra lệnh cho 31 lò phản ứng có thiết kế tương tự lò phản ứng ở NMĐHN Fukushima phải áp dụng các biện pháp tăng cường năng lực lọc bỏ chất khí có tính phóng xạ trong hệ thống thông gió của lớp vỏ bọc lò, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân viên khi lõi lò phản ứng bị nóng chảy.

Liên minh châu Âu EU yêu cầu các nước thành viên cứ sáu năm phải tiến hành một lần đo áp lực ở NMĐHN, 10 năm tiến hành một lần đánh giá mức độ an toàn của NMĐHN. Nghị viện châu Âu quyết định tiến hành nâng cấp tất cả các NMĐHN ở châu Âu, tăng năng lực phòng chống thiên tai; dự tính việc nâng cấp này cần kinh phí 25 tỷ Euro.

Sau sự cố Fukushima, mức độ an toàn của các NMĐHN đều được tăng cường

Chỉ một năm sau sự cố Fukushima, Nhật đã tiến hành cải tổ cơ cấu chính phủ để tăng tính độc lập của cơ quan giám sát an toàn điện hạt nhân và nâng tiêu chuẩn an toàn của NMĐHN lên.

Tiêu chuẩn an toàn mới quy định:

– Lò phản ứng phải xây dựng trên nền đất không có tầng đứt gãy hoạt. Phạm vi tầng đứt gãy hoạt mà thiết kế chống động đất của NMĐHN từ trước đến nay quy định là “trước đây 130 nghìn năm cho tới 12 nghìn năm từng xuất hiện hoạt động”, nay sửa là “Xa nhất xét tới 400 nghìn năm trước từng xuất hiện hoạt động”.

– NMĐHN phải xây đập chắn sóng có tiêu chuẩn chống động đất cao nhất, ngoài ra còn phải có biện pháp đối phó với núi lửa hoạt động và lốc xoáy.

– Phải đặt Phòng điều khiển dự bị tại địa điểm cách xa lò phản ứng, nhằm giảm nguy hiểm nhiễm phóng xạ cho nhân viên khi xảy ra sự cố

– Kết cấu của NMĐHN phải chịu được sự va chạm của máy bay phản lực chở khách, cửa thông gió phải lắp thiết bị lọc bỏ chất khí phóng xạ, bảo đảm thông gió khi xảy sự cố.

Nguyễn Hải Hoành – Hải Anh theo tài liệu nước ngoài

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)