Điện rác: Đắt đỏ và rủi ro ? 

Với những núi rác ngày càng phình to, các nhà máy biến rác thải thành năng lượng đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng – nhưng liệu chúng có là nguồn cơn của những thách thức mới?

Việt Nam thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải rắn mỗi ngày.

Anh Lâm Văn Quyết sống cách khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi (TPHCM) ba cây số, nhưng anh có thể đoán được khi nào các xe chở rác đến bãi rác này.

“Cứ cỡ 3 giờ chiều, cái mùi thúi hoắc nó bay ra đây là biết xe tới đổ,” anh nói. Phía sau nhà anh, đống rác khổng lồ cao 20 mét nổi lên như một gò đất đen dài ở chân trời, nơi tiếp nhận hơn 3.000 tấn rác mỗi ngày – chiếm gần một phần ba tổng lượng rác hàng chục triệu dân thải ra1. Dù có đóng kín cửa, gia đình anh Quyết vẫn không ngăn được “cái mùi thúi rữa của thức ăn lâu ngày, kèm với mùi chua lòm như nước cống” lọt vào nhà. Đôi khi, nó “ở lại” ấp đến tận 8 giờ tối, và họ phải ăn cơm trong bầu không khí ấy.

Nhà anh là một trong hàng trăm hộ gia đình chịu cảnh ô nhiễm không khí trong bán kính 10 km quanh bãi rác rộng khoảng 700 hecta này, cũng là bãi rác lớn nhất ở thành phố đông dân nhất Việt Nam. Quanh đó là những cánh đồng bỏ hoang, cây trồng héo úa, suối đen ngòm nước rỉ rác, và những mạch nước ngầm bị ô nhiễm không còn dùng được. Dù người dân địa phương đã  khiếu nại nhiều lần, nhưng tình hình vẫn không biến chuyển2.

“Thì họ hứa sẽ đậy lại kỹ hơn, mà thấy vẫn vậy, đâu thấy gì khác đâu,” anh Quyết nói thêm. “Không biết bao giờ mới hết.”


Các biện pháp bảo vệ môi trường tại các nhà máy điện rác thường chỉ dừng ở việc đo lường các chất gây ô nhiễm thông thường, chứ không phải dioxin hay furan, do chi phí cao và nguồn lực hạn chế.  
Ông Nguyễn Xuân Quang

Nhưng tháng bảy vừa qua, một buổi lễ khởi công tại bãi rác Tây Bắc đã đem lại hy vọng chấm dứt cơn ác mộng nặng mùi kéo dài gần hai thập kỷ của cư dân. Nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của thành phố – Tâm Sinh Nghĩa – đã chính thức được xây dựng, cam kết sẽ xử lý mỗi ngày từ 2000 đến 8500 tấn rác, thay vì chôn lấp. Hơn hết, nhiệt thu được từ quá trình thiêu hủy sẽ được dùng để sản xuất ra 365 triệu kilowatt-giờ (kWh) mỗi năm trong giai đoạn đầu, sau đó tăng lên 1.216 gigawatt-giờ (GWh) – đủ để cung cấp điện cho từ 100.000 đến 338.000 hộ gia đình mỗi năm3.

Dự án là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Việt Nam nhằm chuyển đổi các bãi rác lâu năm thành những nhà máy điện đốt rác hiện đại4. Tuy nhiên, dù hứa hẹn giải quyết khủng hoảng rác thải đô thị và giảm tác động môi trường từ các bãi rác, phương án đốt rác cũng kèm theo những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng, khiến các nhà máy điện rác trở thành giải pháp gây tranh cãi.

Nhà máy điện trên núi rác

Với gần 100 triệu dân và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Việt Nam thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải rắn mỗi ngày, trong đó 60% đến từ các đô thị5. Dự báo con số này sẽ tăng 16% vào năm 20256. Với hai phần ba lượng rác được xử lý bằng chôn lấp, điều này có nghĩa áp lực sẽ càng dồn lên khoảng 1.200 bãi rác trên cả nước7. Các bãi rác lớn ở các thành phố lớn như Nam Sơn và Xuân Sơn (Hà Nội) đã phải hoạt động quá tải những năm gần đây. Từ năm 2021, hai bãi rác này nhiều lần phải tạm đóng cửa do nguy cơ vỡ bờ kè chứa rác trong các trận mưa lớn8. Bãi rác Đa Phước ở TP. HCM cũng hoạt động vượt sức chứa đến bốn triệu tấn, có nguy cơ sẽ sớm rơi vào tình trạng tương tự9. Các bãi chôn lấp này hiện đang đóng góp hơn 10 triệu tấn khí CO2 tương đương (CO2e) – 3% so với tổng lượng phát thải của Việt Nam10, do chúng tích tụ và thải khí metan – loại khí nhà kính mạnh gấp 81 lần so với carbon.

Cách xử lý khác là đốt rác thuần tuý: 13% lượng rác thải ở Việt Nam hiện được xử lý tại 500 lò đốt nhỏ truyền thống. Tuy nhiên, các lò đốt với công nghệ lạc hậu này từng được xác định là một trong những nguồn phát sinh dioxin lớn nhất ở nước ta kể từ sau chiến tranh11. Theo WHO, dioxin là chất cực độc, có nguy cơ gây ra các vấn đề về sinh sản, tổn thương hệ miễn dịch, rối loạn nội tiết và ung thư.

Minh họa Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: VGP

Trước những thách thức này, chính phủ đã bắt đầu tìm đến các nhà máy đốt rác phát điện hiện đại như một giải pháp cứu cánh. Công nghệ này thiêu hủy chất thải – lý tưởng là những thứ không còn có thể tái chế – đồng thời tận dụng lượng nhiệt sinh ra để phát điện. Tiềm năng điện rác của Việt Nam rất nhỏ, theo Quy hoạch phát triển điện 8, chỉ khoảng 1.800 megawatt (MW) vào năm 2030, đóng góp chưa đầy 1% vào tổng công suất. Tuy nhiên, các lò đốt hiện đại có thể giảm tới 90% khối lượng chất thải rắn12, giúp giải phóng các bãi rác13, và qua đó giảm lượng khí mê-tan chúng thải ra.

“Việt Nam trong những năm gần đây có thể quan sát được xu hướng phát triển điện rác dạng này, với rất nhiều tỉnh và thành phố kêu gọi đầu tư,” ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia về Hóa chất, Quản lý rác Thải, Kinh tế tuần hoàn và Đại dương của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Vietnam), cho biết.

Thăng trầm điện rác

Việt Nam đã từng “nâng lên đặt xuống” các dự án đốt rác phát điện. Trước năm 2018, phần lớn các dự án này đều bị bác bỏ do nhiều lo ngại, trong đó đặc biệt là tính phù hợp và chi phí14

“Rác thải sinh hoạt ở Việt Nam phần lớn chưa được phân loại, đó là trở ngại lớn nhất,” ông Nguyễn Xuân Quang, chuyên gia về năng lượng nhiệt từ Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định. Với hơn 60% thành phần hữu cơ (là những thức ăn thừa, cành cây, hoa…) và có độ ẩm cao – đặc biệt trong mùa mưa15 – đây không phải là nhiên liệu đốt lý tưởng. Chúng cần được để ráo khoảng bảy ngày trong hầm chứa, và phải bơm thêm nhiên liệu diesel vào lò đốt, từ đó làm tăng chi phí vận hành.

Việt Nam từng cân nhắc và thử nghiệm các biện pháp thu hồi năng lượng khác nhau từ rác. Theo một báo cáo năm 2021 đánh giá về tiềm năng điện rác của Việt Nam16, rác còn có thể biến thành xăng dầu cho xe cộ qua quá trình nhiệt phân (pyrolysis), hoặc thành khí đốt qua khí hóa (gasification), Ngoài ra cũng có công nghệ giúp thu hồi khí sinh học ở bãi rác và phân hủy kị khí để tạo ra khí đốt. Một ví dụ của phương pháp này là dự án Nhà máy Gò Cát tại TP.HCM do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng, vận hành từ năm 2005. Tất cả các công nghệ này hoặc quá phức tạp về công nghệ, hoặc không phù hợp với tính chất rác thải của Việt Nam, hoặc không thể quản lý hiệu quả mà đều không thể triển khai rộng rãi. 


Các bằng chứng về chỉ số nguy hiểm và rủi ro ung thư cao từ các lò đốt rác ở Trung Quốc khiến các nhà nghiên cứu đề xuất nâng khoảng cách đệm từ 300 mét lên ít nhất 1.500 mét để giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được.

Nhưng thị trường điện rác trong nước chứng kiến “cú đảo chiều” sau khi nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của cả nước được xây dựng và đi vào hoạt động ở Cần Thơ, do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ. Nhà máy sử dụng công nghệ lò ghi, phù hợp với rác ướt, chưa phân loại của địa phương. Mặc dù chỉ sản xuất 150.000kWh điện mỗi ngày, chưa thấm vào đâu so với mức tiêu thụ 12 triệu kWh của Cần Thơ17, nhưng nó xử lý được tới 70% lượng rác thải hằng ngày của cả thành phố. Các chuyên gia tin rằng  thành công ban đầu này đã thúc đẩy sự ra đời của nhà máy điện rác lớn nhất cả nước, Sóc Sơn ở Hà Nội, vận hành từ năm 2022. Nhà máy xử lý 70% lượng rác của Hà Nội – 4.500 tấn mỗi ngày – và sản xuất 40 triệu kWh mỗi tháng18.

Theo con số chính thức, Việt Nam hiện có ba nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện hoạt động tại Cần Thơ, Hà Nội và Bắc Ninh, và sắp tới sẽ có ít nhất 15 nhà máy đi vào hoạt động với nguồn đầu tư và công nghệ chủ yếu từ nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Phần Lan. Chính phủ cũng khuyến khích đầu tư bằng cách đưa ra mức giá ưu đãi 10,05 cent Mỹ/kWh (khoảng hơn 2.500 đồng/kWh) khi mua điện sản xuất từ đốt rác, so với mức trung bình cho các nguồn điện khoảng 7 cent/kWh.

Các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng đang mở rộng áp dụng công nghệ này, lấy cảm hứng từ cuộc phát triển điện rác nhanh chóng ở Trung Quốc19. Đến năm 2022, Trung Quốc dẫn đầu thế giới với hơn 900 nhà máy điện rác, và các nhà đầu tư cùng công nghệ từ Trung Quốc cũng đang “thịnh hành” tại thị trường Việt Nam20.

“Trung Quốc có nhiều điều kiện giống với Việt Nam về xử lý rác đô thị,” ông Nguyễn Xuân Quang chia sẻ. “Công nghệ lò ghi bậc thang do họ phát triển có thể đốt tất cả mọi thứ, rất phù hợp với rác chưa phân loại, chất lượng kém, chứa đủ thứ những cây, cỏ, đất đá, chai lọ, bỉm ẩm của chúng ta.”

Những rủi ro môi truờng và đầu tư

Những người ủng hộ công nghệ đốt rác phát điện cho rằng các nhà máy hiện đại “sạch” hơn và kiểm soát ô nhiễm tốt hơn21. Tuy nhiên, ở các nước láng giềng đi trước như Thái Lan và Indonesia, các quy định lỏng lẻo áp dụng lên công nghệ mới này khiến các cộng đồng xung quanh lo ngại về tác động lên sức khỏe và môi trường. Những người chỉ trích nhấn mạnh sự yếu kém trong kiểm soát ô nhiễm ở khu vực và việc giám sát không đủ các chất độc hại như dioxin và các hóa chất nguy hiểm khác22

Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: VNP

Những lo ngại này không phải không có cơ sở. Đầu năm nay, chính quyền địa phương ở Cần Thơ báo cáo khó khăn trong việc quản lý 14.000 tấn tro bay độc hại từ nhà máy điện rác tiên phong của cả nước23. Chất thải này, nguy cơ chứa dioxin và kim loại nặng lẽ ra cần được xử lý cẩn thận24, lại đang được chứa tạm trong các bao tải tại khu phức hợp. Vấn đề tồn tại dai dẳng, theo báo cáo, là do lúng túng giữa nhà máy và chính quyền địa phương trong xác định bên nào sẽ chịu trách nhiệm xử lý, cũng như chi phí xử lý tốn kém.

Tại Củ Chi, Bamboo Capital, công ty đứng sau dự án điện rác duy nhất đến nay được phê duyệt ở TPHCM, cũng chưa phản hồi các câu hỏi về biện pháp xử lý các chất ô nhiễm như furan và dioxin khi nhà máy đi vào hoạt động.

Khí dioxin và furan phát sinh khi quá trình đốt rác không đủ nhiệt độ, và có hai cách để tránh: ngăn chúng hình thành qua hệ thống đốt và làm lạnh nhanh với yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hoặc hấp thụ chúng qua hệ thống lọc – như phun than hoạt tính. Dù công nghệ xử lý này có sẵn, thực tế nó có được thực thi và duy trì hay không còn là câu hỏi bỏ ngỏ. “Thực thi sẽ tốn kém, như dùng than hoạt tính thì khá đắt,” ông Nguyễn Xuân Quang cho biết, “và [các nhà máy] chấp nhận tốn tiền ở mức độ nào thì còn liên quan đến việc cơ quan môi trường giám sát ra sao.” 

Việc giám sát dioxin và furan cũng không hề rẻ. Chỉ riêng việc kiểm tra đã có thể tiêu tốn hơn 20 triệu đồng mỗi mẫu khí thải, và cần nhiều mẫu cũng như kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn25. “Các biện pháp bảo vệ môi trường tại các nhà máy điện rác thường chỉ dừng ở việc đo lường các chất gây ô nhiễm thông thường, chứ không phải dioxin hay furan, do chi phí cao và nguồn lực hạn chế,” ông Nguyễn Xuân Quang giải thích. 

Cùng lúc, xây dựng một nhà máy điện rác đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ, với suất đầu tư nằm trong khoảng 3,5-4 triệu USD/1MW điện, trong khi thời gian thu hồi vốn chậm, từ 10 đến 20 năm26. Nếu muốn khuyến khích các nhà đầu tư công nghệ này, theo báo cáo về tiềm năng nêu trên, đề xuất chính phủ nên tăng gấp đôi giá mua điện, lên mức 20 cent. Nhưng thay vào đó, chính phủ hiện cân nhắc để bên bán điện đàm phán giá riêng với Tập đoàn Điện lực (EVN). Điều này được cho là khiến các nhà đầu tư càng thêm rối, đặc biệt là khi họ vốn phải đối mặt với quy trình phê duyệt phức tạp. Để một dự án đốt rác phát điện có thể xây dựng và đi vào hoạt động cần có sự chấp thuận của hàng loạt cơ quan, từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, cùng chính quyền địa phương và EVN.

Đến nay, hàng loạt dự án điện rác nghìn tỷ tại Hậu Giang (1.300 tỷ đồng), Thanh Hóa (hơn 2.000 tỷ đồng), Đồng Nai (2.300 tỷ đồng), Phú Thọ (hơn 2.000 tỷ đồng) và Ninh Bình (1.421 tỷ đồng) … đang chậm tiến độ, thậm chí bị đình trệ nhiều năm vì những lý do về thủ tục giấy tờ, chi phí gia tăng và thiếu vốn.

“Biến rác thành điện nghe rất hay nhưng thực chất rất đắt đỏ,” ông Hoàng Thành Vĩnh nói. Tất cả những gánh nặng chi phí này, cuối cùng, sẽ đặt lên vai người dân nộp thuế và nhà nước, “nhưng nhiều địa phương kêu gọi đầu tư chỉ đang nhìn vào phần nổi tươi sáng của tảng băng.”

Các giải pháp thay thế 

“Ưu nhược điểm của đốt rác phát điện đều có thể thấy rõ từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, nhưng liệu đây có phải là giải pháp phù hợp cho Việt Nam vào lúc này vẫn là một câu hỏi lớn,” ông Hoàng Thành Vĩnh nói. Đối với những thành phố thiếu đất, chật hẹp, điện rác có thể là giải pháp nhanh chóng, ông nói thêm, nhưng ở những địa phương còn đất và năng lực giám sát yếu, thì đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về các nhà máy này.

Bản thân Trung Quốc, một nước từng chứng kiến một cuộc bùng nổ điện rác trong vòng 10 năm qua cũng đang gặp rắc rối với phương pháp xử lý rác thải này27. Gần đây quốc gia tỷ dân đã nỗ lực phân loại và tái chế rác, khiến các nhà máy đốt rác phát điện ở các thành phố thiếu rác để đốt, và thậm chí phải đóng cửa. Các nhà máy điện rác tại Thượng Hải từng làm việc hết công suất năm 2018, đến năm 2021 một số đơn vị đã phải tạm ngưng hoạt động gần 90 ngày. Cùng lúc, các bằng chứng về chỉ số nguy hiểm và rủi ro ung thư cao từ các lò đốt rác cũng xuất hiện, khiến các nhà nghiên cứu đề xuất nâng khoảng cách đệm từ 300 mét lên ít nhất 1.500 mét để giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được.

Việc vẫn có nhiều địa phương tìm đến công nghệ đốt rác phát điện phản ánh cuộc vật lộn dai dẳng của Việt Nam trong xử lý rác thải, và cho thấy việc thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng, khả thi. Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia vẫn tập trung vào cắt giảm chôn lấp, mục tiêu hạ từ 70% xuống 30% vào ngay năm sau, mặc dù từ 2019 đến 2023 tốc độ giảm chỉ đạt 6%. Kế hoạch này cũng gộp cách thực hiện của các công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng với tái chế, giảm thiểu rác thải, phân loại. Tuy nhiên, nhìn vào bài học Trung Quốc, chuyên gia cảnh báo rằng những phương pháp này thực tế có thể mâu thuẫn với nhau.Liên minh Toàn cầu về Giải pháp Thay thế Lò đốt (GAIA) cho biết điện từ đốt rác thải ra nhiều carbon hơn và “bẩn” hơn cả điện than28. Việc Việt Nam đưa điện rác vào các kế hoạch chống biến đổi khí hậu có thể làm suy yếu nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, GAIA nhấn mạnh. GAIA gọi điện rác là “giải pháp giả mạo” (“false solution”), và vẫn cần bãi chôn lấp cho tro xỉ độc hại. 

Tổ chức này đề xuất những biện pháp thay thế khác bền vững hơn như phân loại tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, giảm lượng rác thải ra hay ủ làm phân bón. Chúng vẫn tận dụng được “tài nguyên” chất thải cũng như tính chất nhiều thành phần hữu cơ của rác Việt Nam, giúp cắt giảm khí methane đồng thời tạo thêm việc làm và sinh kế cho đội ngũ lao động thu gom và tái chế rác thải phi chính thức. Đốt chỉ phù hợp với những chất thải đặc thù, khó tái chế như rác y tế, kèm giám sát chặt chẽ, chứ không nên được áp dụng tràn lan.

Tuy nhiên, những nỗ lực thực hiện các giải pháp nêu trên – như mô hình xử lý rác 3R tại Hà Nội vào năm 2007, hay chương trình phân loại rác tại nguồn ở một số quận thuộc TPHCM những năm 2010 – còn hạn chế và thậm chí thất bại do thiếu kinh phí, thiết bị, phương tiện, cùng các điểm nghẽn về truyền thông và các chính sách hỗ trợ.

Nhưng nhìn rộng hơn, tổ chức này nhấn mạnh, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tài trợ quốc tế để giảm phát thải, và nếu nguồn vốn này bị đổ vào công nghệ đốt rác đắt tiền thay vì các phương pháp bền vững đã nêu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không chỉ gánh nặng nợ tài chính mà còn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe cộng đồng.

“Những biện pháp này đáng được ưu tiên hơn so với việc đầu tư vào hạ tầng điện rác đắt đỏ và kèm theo các rủi ro trong tương lai,” ông Hoàng Thành Vĩnh đồng tình. “Phương pháp đốt rác hiện nay đốt hết tất cả, kể cả những cơ hội cho một nền kinh tế tuần hoàn.”

Nền kinh tế tuần hoàn chỉ “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động”, nơi chất thải của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người29.

——-

Tài liệu tham khảo:

[1] 20 năm sống chung với ô nhiễm từ bãi rác Tây Bắc  – Báo Thanh Niên

[2] Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc: Điểm yếu công nghệ và lý do dự án đứng im | Báo Dân trí – Báo Dân Trí

[3] Bamboo Capital khởi công nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM – Báo Đầu tư, 20/7/2024

[4] Quyết định số 609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

[5] Cả nước phát sinh khoảng 68.000 tấn rác sinh hoạt/ngày – Báo Hà Nội Mới, 20/09/2024

[6] Áp lực về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta hiện nay – Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường,
 20/02/2023

[7] Tỷ lệ chôn lấp rác thải giảm – Báo VnExpress, 31/12/2023

[8] Hà Nội tìm “đầu ra” cho rác – Báo Tin tức, 2/4/2021

[9] Bãi rác Đa Phước quá công suất, TP đề nghị bổ sung pháp lý, Công ty VWS nhiều lần không trả lời – Báo Tuổi Trẻ, 19/07/2024

[10] Kết quả phát thải KNK năm 2016 trong lĩnh vực chất thải – Cục Biến đổi khí hậu, 28/10/2021

[11] Báo cáo hiện trạng ô nhiễm dioxin trong môi trường ở Việt Nam 2015 – UNDP và Bộ TN&MT

[12] Insight into heavy metal chemical fractions in ash collected from municipal and industrial waste incinerators in northern Vietnam

[13] Potential for Reducing Global Methane Emissions From Landfills, 2000-2030

[14] Drivers and constraints of waste-to-energy incineration for sustainable municipal solid waste management in developing countries

[15] Hiện trạng công nghệ xử lý khí tại các nhà máy đốt rác sinh hoạt ở Việt Nam

[16] Study on the value chain of Waste to Energy in Viet Nam

[17] Người dân, doanh nghiệp tại Cần Thơ tham gia tiết kiệm điện

[18] Ấn tượng quy trình đốt rác phát điện | Youtube Hanoi Review

[19] Waste-to-energy: A renewable opportunity for Southeast Asia

[20] Công nghệ đốt rác phát điện của Trung Quốc đang “thịnh hành” tại Việt Nam – VnEconomy, 17/04/2023

[21] Dioxins and Waste-to-Energy plants : New report on the State of the Art – ESWET

[22] As waste-to-energy incinerators spread in Southeast Asia, so do concerns – Mongabay, 08/12/2022

[23] Cần Thơ còn tồn đọng 14.000 tấn tro bay phát sinh tại nhà máy rác – Báo Pháp Luật, 19/04/2024

[24] Residual, sequential extraction, and ecological risk assessment of some metals in ash from municipal solid waste incineration, Vietnam

[25] Nguy cơ “làn sóng” phát thải dioxin vì đốt rác phát điện – Người Đô thị, 08/10/2018

[26] Điện rác – bài toán kinh tế hay môi trường đối với Việt Nam? – Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT), 23/07/2020

[27] Four years of waste sorting leaves China’s incinerators short of fuel | Dialogue Earth

[28] Trash Incineration More Polluting than Coal | Energy Justice Network

[29] Kinh tế tuần hoàn – hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp – Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)

Phiên bản tiếng Anh “Can incinerators solve Vietnam’s waste crisis?” đăng tại Dialogue Earth, bản tiếng Việt có chỉnh sửa và bổ sung rõ ràng và phù hợp.

Bài đăng Tia Sáng số 21/2024

Tác giả

(Visited 25 times, 22 visits today)