Điều gì xảy ra với trẻ nếu cha mẹ mải mê vào điện thoại?
Theo kết quả khảo sát 421 trẻ em từ 2,5 – 4 tuổi tại Estonia, trẻ em sẽ sử dụng điện thoại nhiều hơn khi chúng thấy cha mẹ sử dụng điện thoại nhiều. Và những đứa trẻ này sẽ có khuynh hướng phát triển ngữ pháp và từ vựng chậm hơn.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng tương tác bằng lời nói với cha mẹ là một trong những cách quan trọng để trẻ học ngôn ngữ.
“Bất kể người sử dụng điện thoại là ai – cha mẹ hay con cái – thì việc đó cũng khiến họ ít trò chuyện đi, ít đọc sách đi trong chính ngôi nhà mình. Điều này có thể là nguyên nhân khiến kỹ năng sử dụng ngữ pháp và từ vựng đi xuống”, bác sĩ Jenny Radesky, đồng giám đốc y khoa tại Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc về Mạng xã hội và Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, cho biết.
Nghiên cứu cũng chỉ ra việc xem điện thoại cùng với cha mẹ không giúp ích gì cho kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. “Nghiên cứu của chúng tôi chuyển trọng tâm từ thời gian sử dụng điện thoại của trẻ em đến tác động của thói quen sử dụng điện thoại trong gia đình bằng việc chứng tỏ rằng việc dùng điện thoại của ông bố bà mẹ cũng ảnh hưởng đến kỹ năng ngôn ngữ của trẻ”, TS. Tiia Tulviste, giáo sư tâm lý học phát triển của trường ĐH Tartu, Estonia và là tác giả đầu của nghiên cứu, nói. “Nó nhấn mạnh vào sự cần thiết của các cách tiếp cận dựa trên gia đình khi kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại”.
Dữ liệu cho nghiên cứu mới được thu thập vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm. Trong thời kỳ đại dịch, nhiều trẻ em trên khắp thế giới dành nhiều thời gian trước màn hình điện thoại hay máy tính hơn khi không đến trường, vì chúng học trực tuyến và nhiều phụ huynh cho trẻ sử dụng điện thoại để họ rảnh tay làm việc.
Nhưng, tác động tiêu cực đối với sự phát triển ngôn ngữ không phải mối nguy duy nhất mà trẻ gặp phải khi cha mẹ mải dùng điện thoại.
Một nghiên cứu vào tháng 12/2017 cho thấy, sau khi mạng 3G của Công ty Viễn thông AT&T được triển khai ở nhiều vùng khác nhau trên cả nước, số lượt trẻ em dưới 5 tuổi đến phòng cấp cứu ở những địa điểm đó đã tăng 9%. Một lý giải hợp lý là những người trông trẻ mải xem điện thoại đã không trông chừng cẩn thận để tránh cho chúng bị thương.
Vậy sao mọi người dùng điện thoại quá nhiều.
Một số gia đình dành nhiều thời gian chơi điện thoại bởi vì họ không có quy định về thời điểm mọi người ngừng sử dụng. Một số gia đình khác cho biết đó là hoạt động mặc định dễ dàng và ít gây xung đột trong thời gian rảnh, Radesky nói.
Ngoài ra, nghiên cứu trước mà Radesky là đồng tác giả “cho thấy khi các gia đình căng thẳng hoặc thất vọng về nhau, họ thường dùng điện thoại như một cơ chế né tránh giao tiếp”. Một số cha mẹ cho con xem điện thoại vì đây là một cách đơn giản để khiến trẻ bình tĩnh hoặc khiến chúng phân tâm, đặc biệt khi chúng có những hành vi thách thức.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra một số lời khuyên để giúp trẻ ở các độ tuổi khác nhau bình tĩnh hơn. Ví dụ, với trẻ mới biết đi, họ khuyên các bậc cha mẹ nên thừa nhận cảm xúc mà trẻ dường như đang cảm nhận và rồi giúp chúng bình tĩnh lại.
Lauren Tetenbaum, nhà trị liệu và người ủng hộ chuyên về sức khỏe tâm thần của các bà mẹ, khuyến nghị cha mẹ nên dần học cách rời xa điện thoại và không quá bận tâm tới nó để làm gương cho con trẻ, cũng như mang lại cho mình sự bình an và thêm thời gian trò chuyện với con.
Nếu có điều kiện, cha mẹ có thể nhờ ông bà, anh chị em, thậm chí thuê người tới chơi với con mình. Tất nhiên, nhiều gia đình không đủ khả năng chi trả để thuê một người giúp việc, đó là lý do tại sao nghiên cứu của Estonia lưu ý rằng khi cha mẹ có trình độ học vấn thấp hơn, các gia đình có xu hướng sử dụng điện thoại nhiều hơn.
Tetenbaum cũng khuyên các bậc cha mẹ nên đánh giá xem trả lời điện thoại ngay có thực sự là cần thiết hay không. Ngoài ra, họ cũng không nên quá căng thẳng nếu bản thân hoặc con cái lỡ dành nhiều thời gian trước màn hình.□
Diễm Quỳnh lược dịch
Nguồn: https://edition.cnn.com/2024/09/12/health/phones-screens-kids-language-development/index.html
Bài đăng Tia Sáng số 18/2024