Điều kiện gia đình ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển não bộ của trẻ

Việc trưởng thành trong gia đình có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển não bộ của trẻ em.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên Developmental Cognitive Neuroscience của hai nhà thần kinh học thuộc Đại học Michigan, so với những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có điều kiện thuận lợi, trẻ em trong gia đình khó khăn hơn có mô hình liên kết khác biệt giữa nhiều vùng và mạng lưới não bộ khi học lên lớp cao hơn ở trường tiểu học.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng với sự phát triển não bộ là số năm đi học của cha mẹ đứa trẻ. Nhưng khi đào sâu hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra số lượng chứng chỉ hay bằng cấp của cha mẹ không phải yếu tố duy nhất tạo nên sự khác biệt về mức độ kết nối trong não. Họ thấy rằng các hoạt động nuôi dạy con cái như đọc sách cho con, trò chuyện về các ý tưởng, dẫn con đi xem bảo tàng, hay những hoạt động mở mang nhận thức khác, cũng đóng vai trò quan trọng.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu quét não và hành vi của hơn 5.800 trẻ em (độ tuổi 8 – 12) có bối cảnh gia đình khác nhau trên toàn quốc. Đây là nghiên cứu lớn nhất từ trước tới nay quan sát ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế xã hội lên “bản đồ kết nối chức năng não” – thuật ngữ chỉ mức độ kết nối giữa hàng trăm vùng trong não bộ.

“Nhờ quy mô mẫu và phương pháp phân tích ‘toàn bộ não’, kết quả này đáng tin cậy hơn so với nghiên cứu trước đây, vốn chỉ xem xét vài chục trẻ em và một nhóm nhỏ các vùng não tại một thời điểm”, Chandra Sripada, giáo sư tâm thần học và triết học tại ĐH Michigan, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Đi tìm mối liên hệ

Sripada và các cộng sự, bao gồm giáo sư tâm thần học Mary Heitzeg, phân tích dữ liệu theo ba cách — trên toàn bộ não, trên mọi mạng lưới chính trong não và trên mọi kết nối não riêng lẻ — nhằm thu được kết quả đáng tin cậy nhất có thể.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ học máy để dự đoán mức độ nguồn lực kinh tế xã hội của đứa trẻ dựa trên các mô hình kết nối giữa các vùng não. Họ cũng áp dụng một thước đo tổng hợp về nguồn lực kinh tế xã hội của gia đình, kết hợp với trình độ học thức của cha mẹ, thu nhập của gia đình và nguồn lực của khu vực lân cận. Sau đó, các tác giả đã kiểm tra tác động riêng lẻ của từng yếu tố trong số ba yếu tố kinh tế xã hội này.

Họ thấy rằng, trình độ học thức của cha mẹ là yếu tố liên quan nhiều nhất đến sự biến đổi của kết nối não bộ. “Tác động của nguồn lực kinh tế xã hội của gia đình tới mức độ liên kết chức năng diễn ra trên khắp bộ não. Những tác động này không cố định ở vị trí hay mạch não cụ thể nào. Thay vào đó, có những tác động tương đối nhỏ phân bổ ở khắp bộ não – mặc dù khi những tác động đơn lẻ này kết hợp lại với nhau, có thể tạo thành một tín hiệu mạnh mẽ và xác thực”, Sripada nói.

Trình độ học thức hay việc dạy dỗ của cha mẹ quan trọng?

Dựa trên một nhóm nhỏ hơn gồm 3.223 trẻ em, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu bổ sung để tìm hiểu lý do tại sao trình độ học thức của cha mẹ lại dẫn đến sự khác biệt trong mức độ kết nối não của trẻ.

Họ phát hiện những cặp cha mẹ có học thức cao hơn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bồi dưỡng ở nhà, và những đứa trẻ này có điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra về chức năng nhận thức, cũng như có điểm số tốt hơn ở trường.

Sripada hy vọng những phát hiện mới sẽ giúp giải quyết “cuộc khủng hoảng về khả năng tái lặp” trong khoa học thần kinh, trong đó các nhà nghiên cứu kiểm tra những mẫu rất nhỏ và kết quả của chúng không thể tái hiện trong các nghiên cứu tiếp theo. Ông hy vọng những phát hiện đáng tin cậy từ các nghiên cứu lớn sẽ gia tăng niềm tin vào khoa học thần kinh, hướng đến việc cung cấp thông tin cho các vấn đề xã hội và chính sách. □

Phương Anh dịch

https://medicalxpress.com/news/2022-11-inequality-linked-differences-kids-brain.html

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)