Định hướng “quốc sách hàng đầu”
"Làm thế nào, dùng biện pháp gì để tạo tiền đề cho KH&CN nước nhà trong giai đoạn 2007 - 2010 tiến nhanh hơn nữa?" là vấn đề mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra trong buổi làm việc với Bộ KH&CN ngày 29/8. Cũng trong buổi làm việc này, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ GD&ĐT, NN&PTNT, KH&ĐT, GTVT, Tài chính, Công Thương, Viện KHCN VN và KHXH VN đã nêu thực trạng và đề xuất kiến nghị để phát triển, ứng dụng KH&CN hiệu quả ở ngành mình.
Bộ KH&CN sẽ lập các nhóm, tập thể KH&CN mạnh để giải quyết các nhiệm vụ Quốc gia đặc biệt quan trọng với chính sách đãi ngộ riêng biệt. |
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết, những năm qua Bộ KH&CN đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ về hệ thống quản lý, tài chính, nguồn nhân lực KH&CN… Nhưng dù đã có khá nhiều văn bản pháp lý về KH&CN, một trong những nguyên nhân khiến KH&CN nước ta chưa tạo được sức mạnh đột phá là do khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh: hoàn thiện môi trường pháp lý là một trong những nhiệm vụ lớn của Bộ KH&KH. “Vì sao đã có phòng thí nghiệm trọng điểm mà vẫn chưa có quy chế hoạt động? Vì khi Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 115 chưa đi vào cuộc sống thì Quy chế phòng thí nghiệm trọng điểm cũng chưa thể ra được”.
Trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh thị trường công nghệ, đẩy mạnh sàn giao dịch điện tử, xây dựng và trình Chính phủ Đề án chính sách nhập khẩu công nghệ, thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, phấn đấu đến 2010 có 1.000 doanh nghiệp KH&CN. “Việc ứng dụng hiệu quả các chương trình, đề tài nghiên cứu trên các lĩnh vực đóng tàu, cầu tàu trọng tải lớn, chế tạo xi măng lò đứng, thiết kế nhà máy thủy điện, phát triển phần mềm… cho thấy xu hướng “tiếp cận” các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp KH&CN thời gian qua đã phát huy tác dụng”.
Tăng cường tiềm lực KH&CN, chủ động hội nhập KH&CN quốc tế, quy hoạch phát triển các tổ chức KH&CN tại các vùng kinh tế (vùng trọng điểm hoặc vùng khó khăn) được Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết: “Bộ sẽ lập các nhóm, tập thể KH&CN mạnh để giải quyết các nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng với chính sách đãi ngộ riêng biệt”.
Việc thực hiện các định hướng phát triển KH&CN nước nhà trong thời gian qua đã thu được kết quả, song điểm hạn chế nhất trong định hướng KH&CN hiện nay, theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, là không nêu ra được điểm đột phá để phát triển: “Nhiều ý kiến đề nghị phát triển các ngành Khoa học Vật liệu, Công nghệ Thông tin, Tự động hóa… Nhưng đến giờ cộng đồng khoa học vẫn chưa xác định được mũi nhọn nào sẽ là sức mạnh tạo sức bật cho nền kinh tế”.
Để hoạt động phát triển KH&CN trong thời gian tới được thuận lợi, Bộ trưởng đã kiến nghị với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Các Bộ, ngành địa phương bảo đảm sử dụng kinh phí; Bộ GD&ĐT, KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan làm tốt việc thống kê KH&CN để Bộ KH&CN có cơ sở dữ liệu đánh giá hiệu quả hoạt động KH&CN; Các trường ĐH sớm hình thành hệ thống ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; Các cơ quan thông tin đại chúng cổ vũ kịp thời các điển hình trong hoạt động KH&CN; Cho phép sử dụng một phần kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm để hỗ trợ học bổng nghiên cứu, đào tạo cán bộ KH&CN trình độ cao.
Cần nhất là nhân lực KH&CN
Bên cạnh các kiến nghị về đổi mới quy chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học (Bộ NN&PTNT), đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư nghiên cứu trên các lĩnh vực: nhiệt điện, thủy điện, giàn khoan dầu, năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), công nghệ Vũ trụ (Viện KH&CN VN), xây dựng cơ chế nghiên cứu liên ngành (Bộ GTVT), ứng dụng CNTT để thống kê nhân lực KH&CN (Bộ Thông tin và Truyền thông), rà soát cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN (Bộ Tài chính)… nổi lên kiến nghị về đầu tư cho nguồn nhân lực KH&CN.
Tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN của nước ta chưa nhiều, song có một thực tế là nhiều tổ chức KH&CN không thể “giải ngân” hết vì thiếu nhân lực KH&CN. Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Khi Bộ NN&PTNT nhận được 100 tỷ đồng cho nghiên cứu công nghệ sinh học, thì năm đầu tiên chỉ “tiêu” được có 18 tỷ!”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết: Bộ Công Thương có thể ký duyệt các dự án hàng trăm triệu USD, nhưng để xây dựng một trường “Đại học Công nghệ” đào tạo nhân lực cho ngành của mình thì lại nằm ngoài khả năng.
Thiếu một cơ sở đào tạo đội ngũ KH&CN hiệu quả, việc “chuyển giao tri thức” tại nhiều Bộ, ngành thời gian qua thường theo các “kênh” đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ phát triển (ODA), hay qua các đề tài, dự án hợp tác với nước ngoài. “Chủ một doanh nghiệp ô tô trong nước rất thành công là nhờ có con từng làm trong một hãng ô tô của nước ngoài” – Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào nêu ví dụ.
Bộ trưởng KH&CN Hoàng Văn Phong nêu một thực tế: “Một số người giỏi, ra nước ngoài, học hết tiến sĩ, quay trở lại trong nước giảng dạy và “chấm dứt nghiên cứu; một số khác vẫn nghiên cứu, song với một thu nhập “chưa tường minh” từ kinh phí đề tài”, và đề nghị: “Phải đảo ngược lại, trước tiên là đầu tư cho con người, rồi từ đó mới đầu tư cho công việc”.
Cơ chế xác định nhu cầu
Từ nay đến cuối năm xây dựngmột cơ chế xác định nhu cầu KH&CN: Ai cần? Ai làm và ai chi cho KH&CN?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân |
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hiện nước ta mới có khoảng 15.000 tiến sĩ ở các trường, viện và doanh nghiệp, chỉ bằng số tiến sĩ của 10 trường đại học nước ngoài và quá ít so với dân số 85 triệu. Vì vậy “Chương trình 20.000 tiến sĩ” sẽ góp phần giải quyết vấn đề nhân lực KH&CN ở Việt Nam, miễn là việc đào tạo phải gắn liền với nghiên cứu và phát triển kinh tế.
Trước mắt, “chúng ta ít người, ít tiền nên việc lựa chọn đầu tư nghiên cứu KH&CN là hàng đầu”. Vậy làm thế nào để kinh phí đầu tư cho KH&CN hiệu quả hơn? Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN từ nay đến cuối năm xây dựng một cơ chế xác định nhu cầu KH&CN: Ai cần? Ai làm và ai chi cho KH&CN? Phải xác định được nhu cầu mới thực hiện hoạt động KH&CN. “Doanh nghiệp thật sự cần KH&CN thì phải góp người, góp tiền đầu tư cho KH&CN. Còn nếu nói cần mà không chi thì có nghĩa là không cần”. Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu KH&CN cho các doanh nghiệp nhưng chỉ chi cho những công nghệ “có khả năng lặp lại”, không chỉ làm lợi cho một doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Với một số đề tài nghiên cứu ứng dụng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị từ năm 2008 sẽ thí điểm quản lý tài chính theo “đầu ra” để tránh tình trạng mà có nhà khoa học gọi là “mất một nửa thời gian nghiên cứu cho giải trình tài chính”.
Đánh giá công tác quản lý KH&CN của Bộ KH&CN những năm qua là đúng hướng và bước đầu có hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ KH&CN tổ chức tốt công tác đánh giá, nâng cao tuyên truyền nhận thức về chính sách KH&CN. Ông cũng đề nghị làm một cuốn sách về những công nghệ ứng dụng hiệu quả để giới thiệu với doanh nghiệp.