Dỡ bỏ định kiến tộc người: Bắt đầu từ đâu?
Trước hiện trạng nhiều trang mạng xã hội xây dựng hình ảnh méo mó, thậm chí có phần miệt thị về người dân tộc thiểu số (DTTS), ngày 17/4, Ủy ban Dân tộc đã phải ra văn bản nhấn mạnh, điều này đã “bôi nhọ văn hóa các tộc người” và kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông xử lý, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và nhà nước. Đây không phải là hiện tượng mới mà đã dai dẳng nhiều năm nay.
Những vết rạn nào?
Những tưởng chỉ có các clip “tự phát” trên mạng xã hội mới đầy tính miệt thị người dân tộc thiểu số nhưng thực ra lâu nay, một số chương trình truyền thông, quảng cáo, thậm chí ở các đài, báo lớn cũng từng mắc lỗi này. Có những nhà nghiên cứu đã rất bức xúc khi xem một đoạn quảng cáo nước tăng lực đầy tính miệt thị người Ê đê – một anh chàng thiểu số cười ngô nghê, ngọng ngịu có nhiều biểu hiện ngốc nghếch và tức tốc gọi điện, gửi thư lên Đài truyền hình quốc gia đề nghị gỡ quảng cáo đó.
Hằng ngày, không khó để bắt gặp những diễn ngôn theo kiểu “tuy là người dân tộc nhưng học rất giỏi”, hoặc “là người dân tộc nhưng học rất thông minh”… hay mặc định người DTTS là phải xưng hô “mày, tao”. Người DTTS thường xuyên bị gán, mô tả với các đặc điểm tính cách và hành vi phổ biến như ngây thơ, cả tin, hoang dại, tự do quan hệ tình dục, lạc hậu, mê tín, bẩn thỉu… Thậm chí, ngay chính tên các tộc người, vốn đã được Tổng cục Thống kê công bố từ năm 1979, nhưng vẫn được sử dụng trên truyền thông hết sức tùy tiện, không theo bất cứ chuẩn mực nào. Một nghiên cứu đã xác nhận điều này khi khảo sát trên 5 tờ báo lớn, trong 3 năm liên tiếp. Kết quả cho thấy, sự tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay của các diễn ngôn kiểu này đã tạo ra những nhận thức sai lệch về bản sắc văn hóa của các tộc người 1.
Hàng loạt kênh Youtube hoặc facebook có nhiều video miệt thị người DTTS mà UB Dân tộc đã đề nghị xử lý trong đó tiêu biểu là A Hy TV (ảnh chụp màn hình).
Những “vết rạn” đó mới chỉ là những gì dễ thấy nhất trên bề nổi. Điều khiến những người nghiên cứu dân tộc học như chúng tôi phải nghĩ ngợi nhiều hơn là các “vết rạn” ngầm ẩn mà chúng ta không dễ dàng nhìn thấy được. Thực ra, các chính sách và diễn ngôn phát triển dựa theo triết lý tiến hóa luận đơn tuyến ‘miền núi tiến kịp miền xuôi, người thiểu số tiến kịp đa số’ đã và đang được triển khai ở các vùng miền núi trong vài chục năm qua. Hệ quả của những diễn ngôn ấy là gì? Trong một khảo sát vào năm 20132, chúng tôi đã chỉ ra, những triết lý này không những chưa giúp các cộng đồng tộc người ‘tiến kịp đa số’ như mong muốn mà còn làm nhiều cộng đồng bị ‘ngoài lề hóa’ – bị và tự ‘lùi’ so với người Kinh trên nhiều khía cạnh kinh tế, văn hóa và xã hội. Khảo sát trên 2.196 người ở 7 tỉnh cho thấy mức độ “dán nhãn” của người Kinh lên người DTTS rất cao khi tỉ lệ người đánh giá rằng, cứ người DTTS là luôn “cả tin, dễ lừa”, “lạc hậu”, “hay phá rừng” và “uống nhiều rượu” lần lượt là 57%, 63%, 63% và 80%. Thậm chí có những cán bộ người Kinh, khi trả lời khảo sát, tin chắc rằng “nhận thức kém”, “chậm phát triển” của người dân tộc thiểu số là “mang tính sinh học”. Điều này càng khiến người DTTS tự định kiến, đánh giá tiêu cực về bản sắc, nội lực tộc người, thậm chí chối bỏ truyền thống văn hóa. Không chỉ có nhóm chúng tôi, các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, nhận thức sai lầm và làm loại bỏ đi tri thức địa phương trong khai khác, quản lý tài nguyên thiên nhiên phù hợp với miền núi để đưa tri thức mới của người Kinh vào đã trở thành lực cản quá trình phát triển ở vùng núi3.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu thường cho rằng định kiến là hệ quả của: (i) sự khác biệt của các đặc điểm: hình thể, chủng tộc, tôn giáo (Goffman, 1963)6; (ii) sự khái quát cứng nhắc một vài đặc điểm, thuộc tính của một cộng đồng này đối với một cộng đồng khác (Allport 1954)7; (iii) sự phân biệt đối xử không công bằng giữa các nhóm xã hội (Link và Phelan 2001, Scott 2003); Theo Goffman, những nhận thức sai lệch về mặt xã hội về một nhóm cộng đồng cụ thể nào đó, là “thuộc tính làm tổn hại một cách sâu sắc đến cộng đồng chịu định kiến, khiến họ bị chuyển dịch từ một nhóm bình thường sang nhóm kém vị thế và ít đáng tin hơn” (1963:3). Năm nấc thang biểu hiện của định kiến thường bao gồm: (1) Dán nhãn; (2) Mặc định nhóm bị định kiến với một hệ giá trị (định khuôn); (3) Tạo ra một đường ranh giới phân biệt giữa ‘chúng ta” và “họ”; (4) Phân biệt đối xử và phân chia vị thế xã hội; rồi tiến tới (5) Tạo ra cán cân quyền lực không công bằng8 đều ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của các nhóm hoặc cộng đồng tộc người.
Đáng tiếc hơn nữa là tư tưởng phân chia “cao-thấp” dẫn tới nhiều định kiến vẫn tồn tại ở trong chính giới làm công tác dân tộc thiểu số và nghiên cứu. Luận thuyết vị tộc người – đánh giá cộng đồng khác thông qua việc áp đặt, lấy các giá trị của mình là chuẩn mực, khiến các luận giải về tộc người khác mang tính chủ quan, không chính xác, thậm chí mang màu sắc tiêu cực4 đã lụi tàn ở phương Tây nhưng vài chục năm trước lại được tiếp nhận và có ảnh hưởng sâu rộng trong giới học thuật và làm chính sách ở Việt Nam. Trước đây, không ít nhà dân tộc học cho rằng xã hội của nhiều tộc người còn ở giai đoạn tiền nhà nước, phân hóa giai cấp chưa hình thành, hoạt động kinh tế còn mang dấu ấn nguyên thủy. Quan điểm này đã tạo nên niềm tin và thực hành chính sách lấy người Kinh là tộc người phát triển nhất trong thang tiến hóa, tiếp đó là các tộc người đông về dân số như Tày, Nùng, Thái, Mường, còn các tộc người thiểu số khác như người Khơ-mú, Dao, Hmông, Raglai, đặc biệt các tộc người ở Tây Nguyên bị coi là ở các thang bậc thấp hơn của sự phát triển5. Các hoạt động kinh tế của các tộc người thiểu số đồng nhất với canh tác nương rẫy và khoác tấm áo “kĩ thuật lạc hậu”, “năng suất thấp”, phá hại môi trường, trong khi thực ra đó mới chính là những lối canh tác thân thiện với rừng3. Trong suốt nhiều năm, chúng ta không còn xa lạ gì với những ví dụ tiêu biểu như phê phán cực đoan hình thức canh tác nương rẫy, coi chế độ mẫu hệ là bước phát triển thấp hơn so với phụ hệ, bài xích một số thực hành tín ngưỡng, gắn chúng với lạc hậu, tàn phá môi trường hay mê tín dị đoan.
Còn về phía các cơ quan làm chính sách, một số chính sách không còn phù hợp vẫn được áp dụng cũng là tác nhân dẫn đến định kiến. Đa phần các mô hình phát triển cho miền núi được thiết kế từ đồng bằng và thiếu khảo sát điều kiện, kinh nghiệm thực tế ở từng vùng tộc người thiểu số. Đội ngũ cán bộ địa phương là người tại chỗ còn ít và tiếng nói của họ vẫn còn yếu ớt ở nhiều nơi. Ngay trong chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, vẫn còn hiện diện định kiến: tất cả học sinh, sinh viên không phải là người Kinh đều được ưu tiên, cộng điểm kể cả khi họ sinh ra và lớn lên ở các thành phố lớn. Rõ ràng, chính sách này chỉ nên áp dụng cho đối tượng gặp những trở ngại về điều kiện kinh tế, cơ hội tiếp cận dịch vụ giáo dục chất lượng thay vì dựa vào tộc danh. Cách làm này tạo ra lối suy nghĩ “người dân tộc thiểu số” thông minh, học giỏi là một điều gì đó hết sức hiếm hay họ kém thông minh hơn so với học sinh người Kinh. Một số ưu tiên đối với ứng viên không phải là người Kinh vẫn được áp dụng trong quá trình tuyển dụng lao động ở không ít cơ quan, mặc cho đó không phải là những đơn vị chuyên trách về tộc người thiểu số.
Định kiến có thể xuất hiện dưới những dạng “ngầm ẩn” theo kiểu rất ủng hộ nhóm yếu thế, nhưng thực ra là đang “loại trừ”. Đã từng có tít bài “Bố trí cán bộ chủ chốt không phải người Kinh”, tạo cảm giác “ngoài người Kinh không thể làm lãnh đạo”. Ảnh minh họa: Đại biểu nữ các dân tộc khác nhau. Nguồn: Molisa.gov
Trách nhiệm của nhà nghiên cứu và các cơ quan làm chính sách
Trên thực tế, để đưa ra các tiêu chuẩn tránh miệt thị, định kiến trong việc đưa tin, bài, hình ảnh về người DTTS trên truyền thông và mạng xã hội là không quá khó. Bài học trong chính sách truyền thông để tránh định kiến ở nhiều nước là có những lệnh cấm rất chặt: một bản tin, phóng sự, thông điệp mang tính định kiến, miệt thị cộng đồng, tộc người, nhóm xã hội hoàn toàn có thể khiến hãng đưa tin phải ra tòa, đền bù tài chính khổng lộ, thậm chí sự sụp đổ của cả tổ chức ấy. Các cơ quan nghiên cứu văn hóa, dân tộc học và quản lý truyền thông hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn rõ ràng về vấn đề này.
Nhưng nhìn tổng thể cả vào những “vết rạn” bề mặt và ở ẩn sâu dưới tầng chính sách, triết lý thì việc chỉ chờ vào những công văn phạt ở “ngọn” không bao giờ là đủ. Định kiến cố nhiên không phải tự nhiên sinh ra và xuất hiện trên truyền thông – mà nó mang tính xã hội, nó không hình thành sau một đêm mà là hệ quả của phương pháp giáo dục, truyền thông, thậm chí một số chính sách lỗi nhịp với thời đại. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu và giới làm công tác dân tộc trong nước phải chủ động tham gia thảo luận, không chỉ trên diễn đàn học thuật mà còn công khai trước truyền thông đại chúng về những hệ quả của nỗi “ám ảnh tiến hóa luận đơn tuyến” hay “luận thuyết vị chủng” trong nghiên cứu, trong chính sách phát triển và đoạn tuyệt nó. Chỉ có thảo luận, phản biện chia sẻ kiến thức tới công luận, góp phần giới thiệu cách nhìn đúng đắn, mới từng bước thay đổi được những định kiến và các vết rạn cả ở bề mặt và bề sâu, đã tích tụ nhiều năm nay. Còn về phía các cơ quan làm chính sách, cần đánh giá lại một cách kỹ càng các triết lý phát triển, quá trình xây dựng các mô hình phát triển cho miền núi mà hầu như không tham khảo điều kiện thực tế ở từng vùng tộc người thiểu số trước để thay đổi tư duy chính sách. Ý kiến của đội ngũ cán bộ địa phương, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số thực sự có vai trò quan trọng trong việc thiết kế chính sách xưa nay vẫn chưa được coi trọng, nay cần được đánh giá đúng.
Đưa ra những khuyến nghị để thay đổi định kiến là điều không thể trong khuôn khổ một bài báo nhỏ. Xin khép lại với một số câu hỏi: Hãy đặt câu hỏi nếu người nước ngoài làm những thước phim lấy việc ăn thịt chó, các biển cấm đi vệ sinh, xả rác bậy, hiện tượng chen nhau tranh cướp mua hàng giảm giá để quy kết cho người Hà Nội, người Kinh là lạc hậu, dã man, vô tổ chức hay để quảng cáo cho sản phẩm của họ, chúng ta sẽ nghĩ gì? Việc chế nhạo, định kiến, kỳ thị hay phân biệt đối xử các tộc người thiểu số, các nhóm khác hội khác có khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn? □
—-
1 Nguyễn Văn Chính, Văn hóa và con người các DTTS trên một số báo viết Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 4 – 2010, Tr.3-17; Nguyễn Văn Chính, Định kiến tộc người trên truyền thông đại chúng, Tia Sáng, số 3-2016.
2 Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Câm, Lê Quang Bình, Nguyễn Công Thảo, Mai Thanh Sơn (2013) “Thiểu số cần tiến kịp đa số: Định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam”, Nhà xuất bản giao thông vận tải, Hà Nội.
3 Neil L. Jamieson, Le Trong Cuc, A. Terry Rambo, 1998. The Development Crisis in Upland of Vietnam, East-West Center, Honolulu.
4 Hammond, R. A.; Axelrod, R. (2006). “The Evolution of Ethnocentrism”. Journal of Conflict Resolution. 50 (6): 926–936
5Xem thêm báo cáo Diễn Ngôn, Chính sách và sự Biến đổi văn hóa-sinh kế tộc người của Hoàng Cầm và Phạm Quỳnh Phương (Nxb Thế giới, 2012).
6 Erving Goffman (1963). Stigma: Notes on the Management of Spoiled Identity. Prentice-Hall
7 Allport,Gordon (1954). The Nature of Prejudice. Addison-Wesley
8 Link B. G, Phelan J.C (2001). “Conceptualizing stigma” Annual Review of Sociology 27, 363-85.
Tương tự, ở Việt Nam không chỉ có định kiến tộc người, những khảo sát bước đầu của chúng tôi và các đồng nghiệp còn nhận thấy định kiến còn đồng thời tồn tại ở nhiều dạng thức khác, trong đó có định kiến vùng miền, hình thể, tôn giáo, tính dục, bệnh lý hay nghề nghiệp. Hệ quả nghiêm trọng của những định kiến này đã dẫn đến phân biệt đối xử, thậm chí khu biệt, bài trừ, khiến các nhóm bị định kiến không tiếp cận được nhiều dịch vụ xã hội cần thiết. Ví dụ: Những người có xu thế tính dục đồng tính thường bị nhìn nhận hết sức phi khoa học như một loại bệnh hay quái thai, bị quả báo cho việc làm sai trái từ kiếp trước. Dù có nhiều nỗ lực, những bệnh nhân HIV, hay bệnh phong trước đây cũng từng bị cồng đồng xa lánh, hắt hủi. Ngay tại thời điểm dịch Covid -19 hiện nay, không ít bệnh nhân, đối tượng F1, F2 nhận phải cái nhìn ác cảm, quy kết trách nhiệm khiến các bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm tránh cách ly, trốn khai báo và hệ quả là công cuộc “truy vết”, “khoanh vùng” còn khó khăn và tốn kém hơn gấp nhiều lần. Nếu không có những nghiên cứu về định kiến thì sẽ không thể đo lường được hệ quả cũng như đưa ra các khuyến nghị giảm định kiến, giúp giảm ảnh hưởng tới đời sống của các nhóm khác nhau, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội.