Đôi chân siêu mẫu
Chắc chắn không có cô gái nào muốn khoe cặp đùi thon dài trong chiếc váy mini nếu trên bắp chân như có ai nhẫn tâm khảm vài con đỉa ngoằn ngoèo xanh rờn. Không chỉ vì lý do thẩm mỹ, suy yếu tĩnh mạch trước sau vẫn là lý do gây nhiều trăn trở cho phái nữ, đặc biệt cho quý bà vào tuổi mãn kinh, vì khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nhiêu khê. Vấn đề vừa đề cập càng trở nên phức tạp hơn nữa khi bệnh lý tĩnh mạch theo thống kê gần đây là bệnh chứng thường gặp ngay cả trên nhiều phụ nữ hãy còn rất trẻ!
Với cơ chế ứ huyết vừa mô tả không có gì khó hiểu khi đôi chân bỗng sưng mỏi sau nhiều giờ đứng bên dàn máy, hay thường gặp hơn nữa, do ngồi bó gối trên máy bay, xe khách… Tình trạng này càng dễ trở thành trầm trọng do khả năng hình thành cục máu đông trong môi trường có nhiệt độ thấp, như biến chứng thường gặp ở người làm việc trong phòng có máy điều hòa không khí. Cục máu đông trong tĩnh mạch không chỉ là nguyên nhân dẫn đến cơn đau như dao cắt. Cục máu đông nếu không may, dù với xác suất tương đối thấp, gây tắc nghẽn trong phổi, hay trên thành tim, thì hậu quả nghiêm trọng đến độ gây tử vong là điều không phải hiếm thấy.
Do đó, phương án điều trị viêm tắt tĩnh mạch với hiệu năng cao nhất chính là biện pháp phòng ngừa, càng sớm càng tốt, thay vì chạy theo triệu chứng, vì không dễ chữa khi bệnh đã thành hình. Câu hỏi thực tế chỉ còn là làm sao biết được hệ thống tĩnh mạch đang bị đe dọa đến mức độ nào? Không khó, chỉ cần thành thật trả lời các câu hỏi dưới đây:
1. Bạn thường bị sưng mỏi đôi chân, nhất là mắt cá chân, hay thậm chí chuột rút, vào buổi tối?
2. Bạn phải thường xuyên làm việc trong tư thế đứng hay ngồi?
3. Bạn đang chơi môn thể thao dễ gây áp lực cho hệ thống tĩnh mạch chi dưới như quần vợt, cầu lông…?
4. Bạn có thể trọng thuộc loại béo phì?
5. Bạn hay mặc quần áo bó sát người và mang giày cao gót?
6.Bạn đang mang bầu hay đã làm mẹ?
7.Bạn đang dùng thuốc có nội tiết tố như thuốc ngừa thai, thuốc trị hội chứng mãn kinh, thuốc điều chỉnh chức năng tuyến giáp…?
8.Bạn vừa trải qua cuộc giải phẫu hay bị chấn thương?
9.Bạn hay thân nhân đã có vấn đề với tĩnh mạch như bệnh trĩ, viêm tắc tĩnh mạch…?
Chỉ cần có Một trong các tiêu chí kể trên thì bạn nên cẩn trọng với chuyến đi xa, khi đi bộ nhiều hay phải ngồi bó gối. Quan trọng hơn nữa, bạn nên tìm đến thầy thuốc chuyên khoa, càng sớm càng tốt, nếu đôi chân đã có lần bị sưng đau ngay sau chuyến du lịch gần đây.
Bên cạnh việc áp dụng các loại tất chun đặc hiệu cho đối tượng đã có vấn đề với tĩnh mạch theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, người muốn phòng ngừa bệnh tĩnh mạch nên lưu ý:
1.Chọn y phục rộng rãi thoải mái, đặc biệt nên tránh các loại quần quá chật.
2.Tránh giày cao gót, giày quá chật để ngừa dòng máu đọng lại ở bàn chân.
3.Uống đủ nước với biện pháp dùng một ly nước mỗi giờ trong ngày, cụ thể từ 7 giờ đến 17 giờ.
4.Giảm hay tốt nhất, bỏ hẳn thói quen dùng cà phê, trà, rượu.
5.Giữ dáng ngồi cho đúng, tránh ngồi tréo chân quá lâu.
6.Đừng quên thỉnh thoảng tập thể dục bàn chân với động tác xoay tròn cổ chân, nhón gót và đứng trên ngón chân ngay trong giờ làm việc.
7.Đi chân đất ít phút trong ngày và ngâm chân trong nước lạnh vài phút mỗi tối.
8.Đừng ngâm chân nước nóng trong giai đoạn viêm tắc tĩnh mạch cấp tính.
9. Chú trọng các món ăn vừa làm bền thành tĩnh mạch, vừa giữ máu loãng như rau diếp cá, dứa, đu đủ, dưa gang…
Cẩn tắc vô áy náy, điều đó càng đúng hơn nữa với hệ thống tĩnh mạch. Làm sao có thể bình thản với cấu trúc mong manh của mạch máu trước áp lực chỉ tăng chứ không giảm của cuộc sống mà chúng ta đang gọi là văn minh!