Đôi điều về nghiên cứu tiểu sử: Đằng sau chân dung quen mắt

Điều nhận thấy trong cách viết tiểu sử nhân vật ở Việt Nam thời xưa là tính "đồng phục hóa". Các giá trị thường được quy về hai cực tốt đẹp - xấu xí; còn tính cá biệt, sự khác biệt, cái độc đáo thuộc phần thiểu số không được ghi chép lại. Nhân vật được chọn để viết tiểu sử đã được mặc định là khuôn mẫu cho số đông, văn bản tiểu sử với giá trị mặc định là "lưu truyền vạn đại" lại còn được cân nhắc, chọn lọc, chỉnh sửa kỹ càng hơn, bất chấp nguy cơ khác xa thực tế. Trong bầu không khí xã hội như thế, tác giả viết tự truyện khó có nhiều đột phá. Chưa kể, tác giả tự truyện dù cho dám bộc lộ bản thân, thì văn bản ấy có thể còn phải trải qua nhiều cửa ải "kiểm duyệt" của gia tộc, cộng đồng… trước khi được lưu hành, công bố. Trường hợp tiểu sử-tự truyện nhân vật giai đoạn thuộc Pháp sau đây, được nhìn từ giác độ là sử học, góp phần nhấn mạnh thực tế đa dạng hơn quan niệm hai cực trong bối cảnh xã hội Việt Nam thuộc địa.


Những tên lính phía thực dân Pháp dìu một số tên bị thương khi giao chiến với Nghĩa quân Yên Thế, ngày ghi trên ảnh là 11/02/1908. Nguồn ảnh: https://www.cartacaro.fr/spip.php?article502).

Lê Hoan (1857-1915) xuất thân võ tướng, cũng là một tác giả sử học, tác giả tiểu thuyết lịch sử Việt Lam xuân thu (Roman historique sur l’insurrection deLam Sơn contre l’invasion de la Chine en XVe siècle), trong đó ông “bày tỏ lập trường minh bạch đối với những tấm gương yêu nước chống ngoại xâm”. Lê Hoan từng đảm nhiệm Khâm sai tại Bắc kỳ của Hoàng đế Nam triều, từng được giới chức Pháp tại Đông Dương hy vọng là quan chức đủ năng lực giải quyết phong trào đối kháng quân sự của thủ lãnh địa phương là Hoàng Hoa Thám (?-1913) đã kéo dài ở thượng du Bắc Kỳ hàng chục năm. Với kinh nghiệm ba thập niên giao tranh quân sự với người Pháp trong địa bàn miền núi phía Bắc Việt Nam, Hoàng Hoa Thám và phong trào của ông là một trong những mối lo của chính phủ bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Theo quan điểm chính thống trong giới sử học, Hoàng Hoa Thám được nhìn nhận và khảo cứu theo hướng chủ đạo là anh hùng dân tộc. Trong hồ sơ lưu trữ Pháp, nhân vật này được gọi là “kẻ nổi loạn”. Tự thuật của Lê Hoan từ vị trí của vị tướng dẹp loạn sẽ có khả năng góp phần nhận thức rõ nét hơn về cả hai nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi này.

Lê Hoan với thâm niên cầm quân dẹp yên nhiều cuộc khởi nghĩa chống chế độ bảo hộ Pháp ở Bắc Kỳ, từ năm 1909 được chính phủ Nam triều và chính phủ bảo hộ Pháp trao trọng trách dẹp loạn này. Sau 7 tháng cầm quân từng trải 4 tỉnh miền núi lam sơn chướng khí, Lê Hoan trở thành nhân vật chịu đánh giá xấu của cả hai phía Đại Nam và Pháp quốc. Ông được mô tả là “kẻ bất hảo”, “kẻ phản quốc”, kẻ ăn “hối lộ”. Nhiều cơ quan báo chí đương thời được chính phủ thuộc địa Pháp bật đèn xanh, đã mở chiến dịch công kích Lê Hoan.
Văn bản tự truyện của Lê Hoan có tên Tuyết thư 雪書 [thư rửa oan], hiện tại nằm trong Văn khố hải ngoại Pháp, được ông soạn bằng Hán văn vào ngày 21 tháng Ba âm lịch năm 1910, nhằm gửi tới chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương và các tòa báo. Đây là những đối tượng đương thời ráo riết nhất đưa ra những lời kết tội nặng nề đối với Lê Hoan. Sức ép dư luận này lớn tới mức, nhân vật bộc bạch :
“Tôi dù đang bệnh, bất đắc dĩ phải dốc lòng cho tỏ với nước nhà cùng các bậc chính nhân quân tử để cùng biết cho”.
Cần nói thêm, trước khi công bố thư tự giải oan này, cùng trong năm 1910, vào ngày 19 tháng Hai âm lịch, Lê Hoan đã gửi tờ trình tới Thống sứ Bắc Kỳ để thông báo. Trong đó, ông cho biết việc công bố Tuyết thư tự thuật hành trạng của bản thân là để dư luận có thể so sánh với những lời công kích, từ đó tự phân biệt thực giả.

Trong khi quan sát cách đánh giá lịch sử của hậu thế, cần tránh bị ảnh hưởng của tư duy hai cực : tốt – xấu, thiện – ác. Để xây dựng tiểu sử nhân vật với tư cách là một phần chân thực của lịch sử, còn cần thoát khỏi ham muốn phải kiến tạo hình tượng anh hùng, thần thánh, toàn mỹ.

Theo tự thuật, trong thời gian cầm quân giao chiến với Hoàng Hoa Thám, Lê Hoan đạt được nhiều thành tựu: giết được một người con trai của Hoàng Hoa Thám (là Cả Trọng), khiến được một người con trai khác của thủ lĩnh họ Hoàng (là Cả Dinh) ra hàng, hơn một lần khiến Hoàng Hoa Thám cùng vợ ba bỏ chạy khỏi căn cứ, rồi bắt sống được người vợ rất thông minh này (là Đặng Thị Nhu). Các chi nhánh thuộc lực lượng chống đối của Hoàng Hoa Thám mau chóng tan rã trong vòng 7 tháng Lê Hoan cầm quân chinh phạt. Chỉ còn Hoàng Hoa Thám khéo ẩn náu nên chưa thể bắt sống. Thực tế, phong trào chống đối của Hoàng Hoa Thám tính đến năm 1910 này đã kéo dài 30 năm. Lê Hoan tự tin bản thân đã làm được không ít trong thời gian ngắn. Trong khi đó, mức độ đố kỵ mà dư luận dành cho ông lại tăng cao:
“Có kẻ thuê tòa báo ra hẳn chuyên san, có kẻ đặt điều rằng tôi thông đồng với Hoàng Hoa Thám mà không giao chiến. Hoặc có kẻ nói khi giao chiến, quân của Thám đầu hàng quân của tôi để kiếm thức ăn. Hoặc có người thêu dệt việc tôi kiếm người khác giả làm Cả Dinh ra hàng. Hay là có kẻ đặt điều Cả Dinh trá hàng… Tôi còn nhận được điện của ngài Thống sứ cho biết có một vị đại quan âm mưu xúi giục những người đã đầu thú làm phản, [nhắc tôi] hãy cẩn thận phòng thủ, chớ có lòng nghi ngại. Như thế ắt là ngài Thống sứ đã biết người ấy. Xem thế mới hay, lòng người hiểm hơn sông núi”.
Tự thuật của Lê Hoan thẳng thắn nhận định về hai quan chức Toàn quyền Đông Dương kế nhiệm nhau:
“Từ buổi đầu Tân Toàn quyền là Picquié tới Hà Nội, những người đố kỵ [tôi] kẻ vào cửa trước, kẻ luồn cửa sau, đặt điều sàm tấu. Có kẻ nói Hoàng Thám chỉ là giặc cỏ mà ngài Toàn quyền trước vì tham công đã cử đại quân, đến mức tổn hại ngân sách quốc gia; lại sinh sự mà đặt chức Khâm sai, không những hại nước mà còn bán bằng sắc, thu về hơn mười vạn bạc chia đều với ngài Thống sứ [Bắc Kỳ], đều là việc sai lầm của ngài Toàn quyền trước. Lời nói ấy có ý muốn triệt Thống sứ, bỏ Khâm sai, đổ lỗi cho ngài cựu Toàn quyền để [ngài] không thể quay lại [Đông Dương].”
Lê Hoan cũng không ngại thẳng thắn xác nhận ưu điểm trong đường lối dân vận của Hoàng Hoa Thám – đối thủ trên chiến trường. 
“… vốn trước đây Hoàng Thám  ở vùng Yên Thế chi nhiều tiền bạc tu tạo đình chùa các xã, lại cấp cho [dân] trâu cày, cho [dân] vay tiền bạc, không nơi nào không tạo ơn nên thu được lòng trung thành [của dân]. Vì thế khi Hoàng Thám đến, dân dù chết cũng không khai báo… Tôi ở Yên Thế hơn ba tháng trời không thấy một ai khai báo một việc gì. Tôi tra xét được có 6 người trong hạt này thông đồng với Hoàng Thám, ngầm đem lương thực thực phẩm tặng cho giặc cướp. Bèn xử án lưu đầy, nhưng dân kiên quyết xin phóng thích.”
Không thể phủ nhận, Hoàng Hoa Thám giữ một vị trí đáng kể, thậm chí là một nhân tố chính yếu gây trắc trở cho sự nghiệp chính trị của đại quan chức Lê Hoan. Một phần quan trọng trong sự nghiệp của Lê Hoan gắn liền với phong trào chống chính phủ của Hoàng Hoa Thám.

Nghiên cứu tiểu sử Lê Hoan có thể cho thấy mối quan hệ giữa ông và nghĩa quân Yên Thế. Ảnh: Công sự phòng thủ của Đề Thám. Nguồn ảnh: https://www.cartacaro.fr/spip.php?article502

Trước đây, giới nghiên cứu trong và ngoài Việt Nam nghiên cứu về lập trường chính trị của Lê Hoan từng xôn xao khi Charles Founiau công bố lá thư mật mà Lê Hoan trao đổi với Hoàng Hoa Thám về chủ trương hòa hoãn hay đối đầu với người Pháp. Bức thư nằm trong Văn khố hải ngoại này càng khiến những người tin rằng Lê Hoan là nhà ái quốc, âm thầm kết giao với những lực lượng khởi nghĩa bản địa như Hoàng Hoa Thám và việc ông phục vụ người Pháp chỉ là kế sách tạm thời có thêm căn cứ. 

Nhưng trong Tuyết thư do Lê Hoan viết, ông xác định để “an dân lành”, “tôi chỉ biết dẹp yên giặc loạn, làm hết chức phận của mình” khi đã được giao phó. Với bản tự sự của Lê Hoan, có vẻ tư liệu mới này không đáp ứng được sự chờ đợi theo lối truyền thống của dư luận ở Việt Nam. Bản tự sự không góp phần xác quyết được lập trường chính trị của Lê Hoan: theo Pháp hay chống Pháp. Nó chỉ tô đậm thái độ cương quyết của một quân nhân trên chiến trận, xác định minh bạch mục đích lâm trận là vì sự yên ổn của dân lành. Thái độ này có vẻ không phù hợp với tập quán trong xã hội Việt Nam đương thời, thậm chí không phù hợp cả với quan điểm lịch sử của giới nghiên cứu sử học chính thống ở Việt Nam thế kỷ XX. Nỗi uất ức của tác giả được thể hiện đậm màu trong Tuyết thư nhấn mạnh sự bấp bênh của số phận con người trong xã hội nhiều biến động ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX. Một tương lai “lên voi xuống chó” có thể chờ đợi bất cứ ai, không phân biệt quan chức hay dân thường.
***
Thực tế, cần chú ý những vấn đề gì trong công việc khảo cứu về tiểu sử nhân vật giai đoạn quân chủ-thuộc pháp? Việc xây dựng chân xác tiểu sử của Lê Hoan hay bất cứ nhân vật nào đều cần nhận thức sâu sắc về bối cảnh của xã hội, phương cách tư duy của nhân vật và tập quán tư duy của dư luận thời ấy. Để tiếp cận tư liệu viết, sự am hiểu các văn tự Hán-Nôm-Pháp văn-Quốc ngữ là yếu tố thuận lợi đáng kể, bởi đây là bốn loại chữ viết được đồng thời sử dụng ở đương thời, mặc dù sự chênh lệch về tần suất giữa chúng. 
Trong khi quan sát cách đánh giá lịch sử của hậu thế, cần tránh bị ảnh hưởng của tư duy hai cực : tốt – xấu, thiện – ác. Để xây dựng tiểu sử nhân vật với tư cách là một phần chân thực của lịch sử, còn cần thoát khỏi ham muốn phải kiến tạo hình tượng anh hùng, thần thánh, toàn mỹ. 

Một trang trong tài liệu lưu trữ tự bạch của Lê Hoan. 

Cần những điều này trong khi hướng tới sự chân xác của tiểu sử nhân vật, bởi vì đã có nhiều kinh nghiệm được rút ra trong khảo cứu thư tịch cổ Việt Nam thời quân chủ cũng như trong khảo cứu lịch sử đảng phái ở Việt Nam đương đại. Kinh nghiệm đó là: khi tiểu sử một nhân vật được tái tạo với mục đích làm biểu trưng cho một tập thể, hoặc đại diện cho ý đồ của một số đông, tiểu sử ấy có xu hướng bị hư cấu hóa. 

Ngoài ra, việc nghiên cứu tư liệu về những người dân thường không nhiều tiếng tăm cũng sẽ mang lại những bức tranh thú vị về lịch sử. Họ tên và lai lịch của một thường dân nào đó được nhắc tới trong châu bản, hành trạng chi tiết của một thường dân nào đó được tập hợp thành hồ sơ riêng, lời khai của một người lính quèn về dự định sâu kín của một vị vua trên đường tỵ nạn,… đều có thể hé mở những điểm nhìn bất ngờ về quá khứ. Sử liệu được nhìn nhận khách quan có thể dẫn dắt tới những trang tiểu sử nhân vật đậm vị đời thực, không trang điểm.□
——–
Tài liệu tham khảo
Fonds des Amiraux – GGI (Archives nationales d’outre-mer – ANOM, France) 
Fonds du Gouvernement général de l’Indochine – GGI (ANOM, France) 
Fonds de la Résidence Supérieure du Tonkin – RST (ANOM, France) 
Fonds de la Résidence Supérieure en Annam – RSA (ANOM, France)
Fonds Ministériels – FM (ANOM, France)
– Khổng Đức Thiêm (2014), Hoàng Hoa Thám. Hà Nội : Tri Thức.
NGUYỄN Thế Anh,  Le genre autobiographique dans la littérature vietnamienne, à travers les mémoires de Phan Bội Châu. 
Trong En suivant la Voie Royale. Mélanges en hommage à Léon Vandermeersch, chủ biên bởi Jacques Gernet et Marc Kalinowski (Paris, EFEO, Études thématiques n° 7, 1997), tr.. 333-342.
Tái bản trong Nguyễn Thế Anh, Parcours d’un historien du Viêt Nam, Paris, Les Indes Savantes, 2008, tr. 887-896
– Vũ Xuân Mai và Lê Hoan,Việt Lam xuân thu (1908). Trần Nghĩa (dịch), Hà Nội: Thế Giới, 1999
– Thư của Charles Founiau (1998), Tạp chí Xưa và nay, số 55.
– François Dosse (Cao Việt Dũng traduction), Nghìn lẻ khuôn mặt của tiểu sử.
https://phebinhvanhoc.com.vn/nghin-le-khuon-mat-cua-tieu-su/

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)