Đông Nam Á đang xem xét giải pháp điện hạt nhân

Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi bắt đầu hồi tháng 3 đã khiến nhiều Chính phủ trên khắp thế giới tạm dừng, xem xét các biện pháp an toàn và điều chỉnh lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân.

Một số quốc gia như Đức và Bỉ thậm chí đã quyết định ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân trong 10 tới 15 năm tới và chuyển sang dùng các nguồn năng lượng khác, trong khi Chính phủ Nhật Bản đang đánh giá lại cam kết của mình với năng lượng hạt nhân.

Mặc dù vậy, tiến độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì ổn định ở nhiều nước, đặc biệt là châu Á – nơi mà Ấn Độ và Trung Quốc đang xem xét việc xây dựng thêm các nhà máy để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Trong tháng này, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế dự đoán rằng các nhà máy sẽ được xây dựng không nhanh như dự đoán, tuy nhiên ông Yukiya Amano – tổng giám đốc cơ quan này cũng chỉ ra rằng những tác nhân góp phần vào mối quan tâm ngày càng lớn tới điện hạt nhân vẫn không hề thay đổi.

“Chúng bao gồm nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng cũng như những mối quan ngại về biến đổi khí hậu, biến động giá nhiên liệu hóa thạch và an ninh năng lượng” – ông nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Ở khu vực Đông Nam Á – nơi không có nhà máy điện hạt nhân nào đang vận hành, có 6 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm tới điện hạt nhân hoặc đang xem xét nó như một sự lựa chọn.

Đến năm 2020, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia đầu tiên trong khu vực có nhà máy điện hạt nhân. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định cam kết sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận được công ty Atomstroyexport của Nga xây dựng và sử dụng 2 lò phản ứng VVER-1000 hoặc VVER-1200.

Chính phủ Việt Nam – những người muốn xây dựng ít nhất 8 nhà máy hạt nhân – cũng công bố kê hoạch hợp tác với Nhật Bản để xây dựng 2 lò phản ứng tại một địa điểm nhà máy hạt nhân thứ hai thuộc tỉnh Ninh Thuận. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản đã bắt đầu một luận chứng về tính khả thi cho dự án đó và dự kiến sẽ trình một báo cáo vào tháng 3 năm 2013.

Mới đây, bà Selena Ng, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Areva – nhà cung cấp các dịch vụ và thiết bị hạt nhân lớn nhất thế giới – cho biết tại hội nghị Tuần Năng lượng quốc tế Singapore rằng: “Sau vụ việc xảy ra ở Fukushima, trong 6 quốc gia đã từng bày tỏ sự quan tâm tới điện hạt nhân, không có quốc gia nào thể hiện sẽ tẩy chay nó, mặc dù sự cố này đã nhấn mạnh với họ về tầm quan trọng của các yếu tố phi kĩ thuật cần thiết cho an toàn hạt nhân như: phải có những nhân viên có kinh nghiệm, đã qua đào tạo để vận hành các nhà máy, có một tổ chức thể chế vững chắc có thể quản lý một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra”.

Bà nói thêm rằng: “Malaysia đang tiếp tục kín đáo nghiên cứu một luận chứng khả thi. Chính phủ mới của Thái Lan cũng không loại trừ điện hạt nhân bất chấp sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ. Chính phủ Indonesia cũng đang nghiên cứu luận chứng khả thi một cách chậm chạp, mặc dù không chắc rằng Tổng thống hiện tại sẽ thông qua nó. Philippines cũng đang xem xét lại xem có nên tiếp tục nghiên cứu tiền khả thi nữa hay không”.

Philippines đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan vào những năm 70, nhưng 2 lò phản ứng của họ chưa bao giờ được nạp nhiên liệu hay hoạt động. Năm 2008, một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế được ủy nhiệm bởi Chính phủ nước này cho biết nhà máy Bataan có thể được tân trang lại với chi phí từ 800 triệu tới 1 tỷ USD và được hoạt động một cách kinh tế và an toàn trong 30 năm. Mặc dù một nghiên cứu khả thi độc lập khác của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc cũng kết luận rằng Bataan nên được tân trang lại, nhưng Chính phủ nước này vẫn không đưa ra bất cứ quyết định nào trước sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận.

Bất chấp cuộc khủng hoảng ở Fukushima, Singapore cũng tái khẳng định rằng nước này đang tiến bước với một luận chứng tiền khả thi để hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp hạt nhân. Phát biểu bên lề hội nghị, ông S.Iswaran – Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp thứ hai của quốc gia này nói: “Chúng tôi hi vọng rằng nó sẽ kết thúc với một số kết quả ban đầu vào năm tới”.

“Chúng tôi không muốn loại bỏ bất cứ sự lựa chọn nào, vì trước hết Singapore thực sự không có quá nhiều sự lựa chọn” – ông Iswaran nói. “Do nhiều nguyên nhân mà chúng tôi sẽ cân nhắc khá lâu trước khi đưa ra một quyết định về năng lượng hạt nhân trên cơ sở quan điểm lợi ích của Singapore. Nhưng điều đó không loại trừ khả năng đây là một công nghệ phù hợp và quan trọng trong tương lai của quốc gia chúng tôi, xét từ đặc thù quá trình phát triển của ngành công nghiệp này và từ đặc thù phát triển của môi trường năng lượng toàn cầu.

Trong một báo cáo gần đây, công ty Wood Mackenzie – cố vấn trong ngành công nghiệp kim loại và năng lượng cho biết nhu cầu về thế hệ năng lượng mới của Đông Nam Á cao đến mức từ nay đến năm 2020 cần ít nhất 125 tỷ USD chi phí đầu tư. Ông Graham Tyler – người chủ trì nghiên cứu về điện và khí của châu Á cho Wood Mackenzie – viết: “mức tăng trưởng về nhu cầu điện của Đông Nam Á sẽ vượt qua mức tăng trưởng GDP trong thập kỉ tới” và rằng nhu cầu điện thường niên ở những khu vực đô thị lớn có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2020.

Báo cáo cho biết Indonesia và Việt Nam là 2 quốc gia có nhiều nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng nhất và cần đầu tư nhiều nhất.

Những khu vực như Tây Java và miền nam Việt Nam đặc biệt cần tăng sản lượng cung ứng vì họ quá lệ thuộc vào nhập khẩu điện từ các khu vực khác.

Ông Nobuo Tanaka – cựu giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng nếu coi các nước ASEAN là một thực thể chung thì thực thể này bấy lâu nay đã tự cung tự cấp điện nhờ vào thủy điện và năng lượng tái tạo.

“Vì vậy, hiện tại Asean có thể không cần điện hạt nhân” – ông phát biểu với tờ International Herald Tribune bên lề hội nghị năng lượng ở Singapore, “bởi vì nếu các quốc gia Asean được kết nối với nhau bằng một mạng lưới điện hoặc mạng lưới đường ống dẫn thì có thể hiện tại họ vẫn có đủ nguồn lực”.

Tuy nhiên, các nguồn năng lượng hiện tại “có giới hạn nhất định” và chúng sẽ cạn kiệt. “Vì thế, hạt nhân là một sự lựa chọn rất quan trọng cho an ninh và bền vững năng lượng bởi những nền kinh tế đang phát triển sẽ cần ngày càng nhiều năng lượng”.

“Tôi hoàn toàn cho rằng Asean nên thảo luận về hạt nhân như một sự lựa chọn – một phần của chính sách năng lượng tổng thể của mình” – ông nói. “Ấn Độ đang sử dụng hạt nhân, Trung Quốc đang sử dụng hạt nhân, Nga cũng vậy. Nếu thế, Asean liệu có thể phát triển mà không cần hạt nhân không? Họ phải chuẩn bị cho nhu cầu trong tương lai và vì thế, hạt nhân là một sự lựa chọn rất quan trọng”.

Ông Tanaka cho biết Singapore quá nhỏ bé để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân lớn. Ông giải thích rằng “quốc gia này sẽ không sống sót nổi nếu có sự cố hạt nhân xảy ra”. Nhưng ông cũng nói rằng “nếu một số công nghệ mới cho phép một lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ thì tại sao không?”

Gần đây, hợp tác về an toàn hạt nhân được bàn tới nhiều trong chương trình nghị sự thảo luận của Asean. 

“Về lâu dài, chúng tôi không thể bác bỏ khả năng phải xem xét đến hạt nhân” – ông Idris Jala, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng ở Malaysia cho hay.

“Đã có nhiều phản ứng sau vụ Fukushima. Nhưng tôi nghĩ rằng thế giới không thể có một phản ứng hấp tấp về việc này. Chúng ta cần tỉnh táo suy nghĩ và đặt ra câu hỏi ‘Chúng ta có thể đối phó với công nghệ hạt nhân một cách an toàn như thế nào?’ Sau đó chúng ta có thể phân phối năng lượng rẻ hơn nhiều bằng cách sử dụng hạt nhân”.

Ông Jala nói thêm rằng điều quan trọng với Asean là phải đảm bảo rằng các biện pháp an toàn được thực thi “để mọi người trong khu vực cảm thấy yên tâm rằng sự phát triển và sử dụng điện hạt nhân đang được tiến hành một cách an toàn cho tất cả mọi người ở Đông Nam Á”.

Nguyễn Thảo (dịch từ New York Times)

http://www.nytimes.com/2011/11/28/business/global/28iht-RBOG-NUKE-SEA28.html?pagewanted=1&_r=3

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)