“Đông Phương Học”, “Orientalism” và sự hội nhập của tri thức Việt
Một hội thảo khoa học quốc tế gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm “Giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông”, tên này được dịch ra tiếng Anh là “Oriental Cultural Exchanges”. Hội thảo được đánh giá là được tổ chức công phu và tập hợp của nhiều báo cáo có giá trị học thuật. Việc dịch tên gọi hội thảo sử dụng khái niệm “Oriental” cũng được coi là điều hoàn toàn “bình thường” vì đối với các học giả Việt Nam, “Đông Phương học” là một khái niệm trung tính, thậm chí còn tích cực (“positive”) vì nó giúp định hình không gian của ngành một cách rõ ràng, thậm chí còn mang màu sắc hàn lâm cổ điển. Tuy nhiên, khái niệm “Orient”, “Oriental” và “Orientalism” lại có hàm nghĩa hoàn toàn ngược lại, thậm chí rất tiêu cực trong học thuật phương Tây ngày nay.
Bìa sách Orientalism của Edward W. Said, xuất bản năm 1979.
Vì vậy, bài viết này sẽ đề cập đến nguồn gốc của sự phê phán khái niệm này và gợi ý về sự cẩn trọng đối với các học giả Việt Nam khi sử dụng các khái niệm quan trọng này trong công bố học thuật quốc tế.
Hãy bắt đầu bằng một câu hỏi: vùng Trung Đông trong trí tưởng tượng của quý vị có gì?
Chắc hẳn quý vị sẽ nghĩ đến các sa mạc, cây đèn thần, tên trộm ở thành Bagdad, tấm thảm bay, bọn khủng bố, những người phụ nữ đeo mạng, và tất nhiên là những con rắn uốn éo theo tiếng nhạc… Trừ cây đèn thần và tấm thảm bay (do Hollywood mang đến), có lẽ tất cả những yếu tố khác đều có thật. Tuy nhiên, đó là điều mà phần lớn mọi người trên thế giới hình dung về Trung Đông: vùng đất hoang dã, xa lạ, với những điều kỳ cục, bí hiểm, phong tục khó hiểu và con người “không thân thiện”… Đó chính là hình ảnh Trung Đông được mang đến và giới thiệu qua các câu chuyện cổ, phim ảnh, quảng cáo và các bản tin thời sự (chủ yếu đưa tin về chiến tranh, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ…). Bạn hầu như quên mất ở đó cũng có các thi sĩ và nhà triết học. Cuộc sống của họ cũng có trường học, chợ búa, trẻ con cũng đến trường, cũng hát đồng dao, người lớn ngồi tán gẫu trong các quán trà, thanh niên cũng chơi games, lướt facebook, và ăn KFC.
Sự mô tả khái quát mang tính “xa lạ hóa”, “huyền bí hóa”, “kì dị hóa” các vùng đất, xã hội, và con người tại các thế giới xa xôi như Trung Đông, hay nói chung ở châu Á, châu Phi như thế được giới học thuật phương Tây gọi là “Orientalism”. Khái niệm này bắt đầu vào năm 1978, khi GS. Edward W. Said (ĐH Columbia) xuất bản cuốn sách với cùng tựa đề, trong đó ông phê phán cách phương Tây nhìn thế giới phương Đông một cách miệt thị và định kiến với đầy những hình ảnh xa lạ, kỳ cục, kỳ thị, bị bóp méo, phản ánh các xã hội khác bằng con mắt của kẻ “văn minh” hiếu kỳ, tò mò, định kiến có sẵn. Thực tế, hầu như các tri thức này là sự tưởng tượng, cường điệu từ cách người ta ăn mặc, đi lại, giao tiếp, cư xử, cho đến tôn giáo, lễ nghi… dù đa phần người phương Tây chưa từng đến vùng đất này, thậm chí là chưa từng gặp một người nào đến từ vùng đất đó.
Sự ra đời của “Orientalism” gắn liền với lịch sử thực dân
Những người phụ nữ Algiers, tranh của Eugène Delacroix, 1834.
Lịch sử về cách “phương Tây” nhìn “phương Đông” đã kéo dài nhiều nghìn năm, từ sử gia Herodotus của Hy Lạp cổ đại, sứ thần Hy Lạp Megasthenes đến Ấn Độ cho đến cuộc hành trình của Marco Polo xuyên qua đế chế của Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), nơi ông mô tả những túp lều dựng bằng vàng, thành phố thịnh vượng của hàng triệu cư dân và những dòng sông đầy thuyền bè…1
Tuy nhiên, lịch sử hiện đại của “Orientalism” được bắt đầu vào năm 1798.
Đó là năm vị tướng nước Pháp, Napoléon Bonaparte cùng 40,000 lính và 10,000 thủy thủ rời khỏi cảng Tuolon bắt đầu cuộc viễn chinh 3 năm ở Ai Cập và Syria. Mục đích của cuộc hành quân là mở rộng ảnh hưởng của nước Pháp và nhằm suy yếu nước Anh. Thực tế, đó là một dự án thực dân. Điều thú vị ở chỗ đi cùng Napoleon không chỉ có binh lính mà còn một đạo quân các nhà khoa học khảo cổ, văn bản học, cổ tự học, bia ký, sử học, kỹ sư…
Không thể phủ nhận vai trò của các nhà khoa học tiên phong này, lần đầu tiên họ đưa Ai Cập, đưa Trung Đông trở thành một chủ đề của khoa học hiện đại. Một trong các thành tựu nổi bật là việc Jean-François Champollion (1822) giải mã thành công chữ cổ Ai Cập và công cuộc khảo cổ kéo dài hàng thế kỷ sau đó. Tuy nhiên, tri thức của họ được tạo ra không phải cho người Ai Cập. Tri thức của họ không nhằm giúp người Ai Cập hiểu về đất nước, văn hóa của mình, mà là giúp người Pháp/ người châu Âu hiểu biết và cai trị Ai Cập, phục vụ trực tiếp cho dự án thực dân của họ. Tri thức này, vì thế là một phần của chủ nghĩa đế quốc.
Sự phát triển của khoa học hiện đại ở châu Âu thời cách mạng công nghiệp đã giúp phổ biến “Đông phương học” một cách rộng rãi, từ thế giới học thuật đến thế giới thực dân, tới các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, kiến trúc sư, và họa sĩ bậc thầy như Eugène Delacroix, Jean-Léon Gérôme, Gerard de Nerval…. “Orientalism” vì thế trở thành một phần trong hành trang của chủ nghĩa đế quốc và quá trình mở rộng thực dân hóa tới các vùng lãnh thổ châu Á, châu Phi, trong một sứ mệnh mà họ gọi là “la mission civilisatrice” (khai hóa văn minh). Nếu quyền lực quân sự thống trị lãnh thổ và chính trị, “Orientalism” chinh phục trí tuệ và tri thức của người “thuộc địa” nhằm trả lời câu hỏi của tên thực dân: làm thế nào để hiểu về xã hội bản địa, qua đó mà chinh phục và cai trị họ một cách hiệu quả?
Sự phê phán của “Orientalism” nằm ở chỗ nó giải thích tại sao khi chúng ta nghĩ về những vùng đất như Trung Đông, tri thức và trí tưởng tượng của chúng ta bị giới hạn và mặc định trong những hình ảnh có sẵn, những hình ảnh được đưa đến qua truyện kể, các huyền thoại, quảng cáo, phim ảnh, và sản phẩm của Hollywood, chứ không phải là trải nghiệm thực tế hay sự tìm hiểu một cách kỹ lưỡng và có phê phán của chúng ta về nó. Xét về nghĩa rộng hơn, sau góc nhìn bị giới hạn đó chính là bức thông điệp về văn hóa, văn minh, và chính trị, vì phần lớn các tri thức này đến từ “phương Tây”, lấy “phương Tây” làm trung tâm, phản ánh giá trị của “phương Tây”, và quan trọng hơn, được nhìn qua lăng kính bị bóp méo nhằm hợp thức hóa công cuộc thực dân. Ở đó, chỉ có phương Tây là “văn minh”, “phát triển”, và “bình thường”, còn phần còn lại của thế giới là “kỳ lạ”, “huyền bí”, “không bình thường”, không được khai hóa, và hầu như “trì trệ” trong hàng nghìn năm, mà không hề có sự tiến hóa. Chính vì thế, sứ mệnh của phương Tây là khám phá thế giới, chinh phục các miền đất xa lạ, giúp người “bản địa” có tri thức để hiểu về chính mình, và từ đó giúp khai hóa người bản địa, giúp cho quá trình hiện đại hóa.
Phê phán Orientalism và xu hướng giải thực dân
Các nhà nghiên cứu Pháp là Henri Parmentier- bìa trái và Charles Carpeaux ở Đông Dương (Quảng Nam) năm 1902 (photothèque EFEO, PAR00952, cliché H. Parmentier)
Công trình của Said về “Orientalism” không chỉ tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực nghiên cứu vùng Trung Đông, mà còn mở ra giai đoạn mới trong cách thức phương Tây tiếp cận các vùng còn lại của thế giới. “Orientalism” đồng thời giúp định hình một loạt các lĩnh vực nghiên cứu mới như “post-colonial theories” – lý thuyết hậu thuộc địa, “English” – tiếng Anh, “history” – lịch sử, “art history” – Lịch sử nghệ thuật, “paleography” – Văn khắc, “anthropology” – Nhân học, “political sciences” – chính trị học, “manuscript studies” – văn bản học, “Philology” – nghiên cứu văn bản và ngôn ngữ cổ, và “Cultural Studies”- văn hóa học…
Phê phán “Orientalism”/ “Đông phương học” của Said giúp định hình nên cuộc cách mạng trong cách thức tổ chức hệ thống học thuật và tiếp cận đối tượng nghiên cứu ở phương Tây, trong đó có xu thế giải thực dân (Decolonization) trong học thuật và sự phê phán chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm (Euro-centralism). Thực tế, dù nhiều trường, viện trên thế giới trong tên gọi vẫn dùng từ “phương Đông”: Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO, Paris), Trường phương Đông và châu Phi (SOAS, London)… như một cách thức để “tưởng niệm” về quá khứ và danh tiếng; tên gọi này không ngăn được việc họ đã phải thay đổi cách thức tiếp cận, nơi mà các học giả từ lâu không còn gọi ngành của mình là “Oriental studies” và gọi vùng đất mình nghiên cứu là “Orient” nữa. Lí do nằm ở sự phê phán cách thức ngành “Oriental studies” được tạo ra và tri thức liên quan đến các vùng đất “xa xôi” được sản xuất.
Các trường đại học ở Việt Nam cũng có khoa “Đông phương học”, hay chương trình đào tạo “Đông phương học”. Mặc dù vậy, sự tồn tại của ngành này hầu như chưa được định vị một cách rõ ràng và thống nhất, ví như việc coi Úc như một phần của “Đông phương”. Bản thân khái niệm “phương Đông” cũng có vấn đề, vì nó được người phương Tây tạo ra nhằm chỉ các vùng đất ở phía Đông của châu Âu. Trong hệ định vị địa lý của người Việt Nam thì rõ ràng là Ấn Độ và Tây Á không nằm ở phía Đông.
Khái niệm “Orientalism” đã gia nhập vào tiếng Việt và được hiểu đơn giản là “Đông phương học”. Tương tự, “Oriental Studies” cũng đang được dịch là “Đông Phương học”. Về điểm này, đang có khoảng cách lớn trong nhận thức giữa “Orientalism” trong tiếng Anh đến “Đông phương học” trong tiếng Việt. Dù cuốn sách kinh điển về chủ đề này của E. Said, bản tiếng Anh được xuất bản cách nay 40 năm và bản dịch tiếng Việt đầu tiên ra đời năm 1998, các học giả Việt Nam dường như vẫn chưa quan tâm đúng mức đến tính chất phê phán của khái niệm “Orientalism”, điều mà giới học thuật phương Tây hầu như đã không còn sử dụng nữa. Khái niệm này, thực tế vẫn thường được chuyển ngữ một cách giản đơn là “Đông phương học”.
Điều này rõ ràng đang gây trở ngại cho các học giả trong nước trong việc tiếp cận với các thảo luận học thuật quốc tế, nơi mà người ta không còn nói đến “Oriental” hay “Negro” nữa. Từ năm 2009, New York và sau đó là bang Washington đã cấm tất cả các văn bản hành chính nhắc đến từ “Oriental”. Năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành luật trong đó cấm sử dụng các từ “Negro” và “Oriental” trong văn bản luật liên bang.
Một ví dụ nhỏ trong những tác động đến cách thức học giả bên ngoài mô tả Việt Nam đó là đặt lịch sử vùng đất này trong khung cảnh của “Ấn Độ hóa” và “Trung Hoa hóa” (George Cœdès 1944). Joseph Buttinger (1958) thì gọi Việt Nam là “Rồng nhỏ” để ám chỉ mối quan hệ với Trung Hoa. Theo đó, lịch sử và văn hóa Việt Nam nằm dưới các làn sóng văn minh lớn hơn mà nhờ xúc tác của nó người Việt mới có được các thành tựu. Điều này mang theo những ẩn ý thực dân quan trọng:
Thứ nhất, người Pháp sẽ giúp người Việt Nam khai hóa bằng cách giúp đỡ nhằm vượt qua những giá trị phương Đông (Ấn Độ, Trung Hoa) “xưa cũ” để hiện đại hóa và tiếp cận văn minh phương Tây.
Thứ hai, không có “bản sắc” Việt Nam, hay ít nhất là người Việt phải nhờ vào “Ấn” và “Hoa” thì mới có được sự phát triển. Vì thế, đây là lúc người Pháp thay thế Ấn và Hoa để giúp Việt Nam trở nên văn minh. Sự “khai hóa” từ bên ngoài là một quá trình bình thường của lịch sử Việt Nam. Hơn nữa, người Việt cũng không có “bản sắc riêng” để giữ, thì tại sao lại phải chống Pháp?
Cuối cùng, bài viết nhỏ này không phải để phê phán một nhận thức cụ thể nào đó của học giới Việt Nam, nó đơn giản chỉ ra cách thức một khái niệm rất quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, được dùng phổ biến trong tiếng Anh, đã thay đổi mạnh mẽ bên ngoài Việt Nam bốn thập kỷ vừa qua, nơi mà người ta không còn sử dụng hay chào đón nữa. Tuy nhiên, khái niệm và cách tiếp cận này đã được dịch ra tiếng Việt và sử dụng với những hàm ý hoàn toàn khác mà hầu như không có sự cập nhật hay đối chiếu với sự chuyển dịch của hệ thống tri thức bên ngoài. Dĩ nhiên việc du nhập một khái niệm bên ngoài vào ngôn ngữ bản địa và gắn cho nó những nội hàm mới là điều bình thường. Tuy nhiên nếu việc du nhập này nhằm mục đích tham gia vào nền học thuật toàn cầu thì ít nhất cũng nên bảo đảm những hàm ý phổ quát của nó được tôn trọng. Với ý nghĩa đó, đã đến lúc đưa “Orient”, “Oriental”, “Orientalism” vào bảo tàng.
———
1. Dĩ nhiên “phương Đông”, “phương Tây” là những khái niệm phức tạp và có diễn trình lịch sử lâu dài. Ở đây phương Tây chỉ châu Âu và Bắc Mỹ, phương Đông chỉ các khu vực nằm về phía Đông của châu Âu.
Tham khảo
Chen Kuan-hsing. Asia as Method: Toward Deimperialization. Durham, N.C.: Duke University Press, 2010.
Edward W. Said. Orientalism. Knopf Doubleday Publishing Group, 2014.
George Cœdès. Histoire ancienne des états hindouisés d’Extrême-Orient. Hanoi: Imprimerie d’Extrême-Orient, 1944.
Joseph Buttinger. The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam. NY: Praeger, 1958.
Oliver W. Wolters. History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives History. Southeast Asia Program Publications, Southeast Asia Program, Cornell University, 1999.