Động vật cũng có ý thức?

Con người không phải là động vật duy nhất sở hữu các chất nền tế bào thần kinh tạo ra ý thức, các loài động vật khác cũng có những chất nền tế bào này.

Động vật có ý thức không? Đây là câu hỏi muôn thuở và vẫn chưa có lời giải đáp.

Charles Darwin đã đặt câu hỏi này khi suy nghĩ về sự phát triển của ý thức. Quan điểm của ông về tính tiến hóa liên tục đã dẫn tới một kết luận rằng nếu chúng ta có cái gì thì các loài động vật khác cũng có cái đó.

Tháng 7 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học tham gia hội nghị tưởng niệm Francis Crick để cùng bàn bạc về câu hỏi còn gây tranh cãi này. Francis Crick là người đồng khám phá ra DNA, đã dành nửa cuối cuộc đời mình nghiên cứu về ý thức và đã xuất bản cuốn sách “Giả thuyết kinh ngạc: Nghiên cứu khoa học về tâm hồn”(The Astonishing Hypothesis: The scientific search for the soul) về đề tài này năm 1994.

Sau cuộc họp, ba nhà thần kinh học nổi tiếng: David Edelman thuộc Viện Khoa học thần kinh ở La Jolla, California; Philip Low thuộc Đại học Standford và Christof Koch ởViện Công nghệ California đã kết luận rằng động vật không phải là con người (non-human animals) đều có ý thức; con người không phải là động vật duy nhất sở hữu các chất nền tế bào thần kinh tạo ra ý thức. Các loài có vú, các loài chim và nhiều sinh vật khác, bao gồm cả bạch tuộc, cũng có những chất nền tế bào thần kinh.

Tuy nhiên, kết luận này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ. Các loài động vật được cho là có ý thức bao gồm các loài linh trưởng, các loài ăn thịt, động vật biển có vú, động vật gặm nhấm và các loài chim. Kết luận này không nói tới các loài cá.

Liệu với kết luận này, các loài động vật sẽ được bảo vệ khỏi những hành động đối xử thô bạo và vô nhân tính?

Hiện nay, pháp luật về quyền lợi động vật không tính đến nhận thức, cảm xúc, tri giác của. Ví dụ, chuột và gà cũng có ý thức nhưng vẫn bị đem ra làm thí nghiệm và các nghiên cứu về ý thức của chúng không mảy may tác động tới Đạo luật về Quyền lợi động vật ở Mỹ. Khoảng 25 triệu động vật được sử dụng trong các nghiên cứu mỗi năm, và 95% trong nghiên cứu này được thực hiện ở Mỹ.

Hiệp ước Lisbon của EU có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2009 đã công nhận rằng động vật cũng có tri giác và kêu gọi các nước thành viên phải “đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quyền lợi của động vật” trong nông nghiệp, thủy sản, nghiên cứu và phát triển các chính sách không gian.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn hoài nghi ý thức ở loài vật. Trong cuốn sách mới đây của mình, Marian Stamp Dawkins ở Đại học Oxford cho rằng vẫn chưa thể biết thực sự loài vật có ý thức hay không và vẫn nên tiếp tục đặt câu hỏi.

Tác giả bài viết:
Marc Bekoff là giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Colorado Boulder ở Mỹ. Ông đã viết nhiều bài luận và sách về cảm xúc, ý thức ở động vật và bảo vệ động vật.

Hoàng Nhu lược dịch theo Newscientist.com

Tác giả