Dự án JASON trong chiến tranh tại Việt Nam: Một uẩn khúc trong lịch sử vật lý Hoa Kỳ

Tháng 8/1964, dựa trên báo cáo sai lệch về đụng độ giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và tàu khu trục Hoa Kỳ, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã quyết định leo thang chiến tranh, bắt đầu các cuộc rải bom và tấn công quân sự trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam.

Murray Gell-Mann giảng dạy tại MIT năm 1966, cùng khoảng thời gian ông hoạt động trong nhóm JASON. Ảnh: MIT Museum.

Tại Lầu Năm Góc, các chiến lược gia nhanh chóng suy tính cách tối ưu để phá hoại con đường tiếp tế của miền Bắc cho Mặt trận Giải phóng miền Nam. Trước nhiều đề xuất gây tranh cãi về viễn cảnh ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, chính khách Mỹ đã tìm đến các nhà vật lý – đồng minh thân cận từ Thế chiến Thứ hai – để xin lời khuyên. Động thái này đã khơi mào một giai đoạn mới trong giới nghiên cứu vật lý tại Mỹ và châu Âu, khi mà các nhà khoa học Mỹ trở thành cố vấn quân sự thuộc nhóm bí mật mang tên JASON, còn các đồng nghiệp của họ ở châu Âu thì đứng về phe phản chiến, kéo theo nhiều cuộc đối đầu căng thẳng trên cả báo chí lẫn giảng đường đại học.

Những nhà ngoại giao thần thoại

JASON được thành lập vào năm 1960 bởi một nhóm các nhà vật lý có uy thế trong ngành, bao gồm một số người về sau đã đoạt giải Nobel như Charles Townes và Murray Gell-Mann. Mục tiêu ban đầu của JASON hầu như không liên quan tới quân sự. Tổ chức này xuất phát là một hoạt động ngoài giờ của các nhà khoa học có am hiểu chính trường Mỹ, và trong thập niên 1960, họ được chính quyền Tổng thống Kennedy tài trợ hậu hĩnh nhằm khích lệ phát triển khoa học sao cho bắt kịp với Liên Xô. Bản thân tên gọi tổ chức cũng phản ánh tính chất phi quân sự này. Jason, hay Iason, nguyên là tên nhân vật chính trong sử thi Argonautica thời Hy Lạp cổ đại; chàng là thuyền trưởng tàu Argo, ngao du thiên hạ kiếm tìm bộ lông cừu vàng và giải quyết những xích mích dọc đường bằng tài ngoại giao. 

Tuy nhiên, sang đến thời Johnson, khi chiến tranh leo thang ở Việt Nam, nhóm JASON bắt đầu dấn thân vào quân sự nhiều hơn. Sở dĩ, nhiều thành viên JASON cũng đã từng giúp quân đội Mỹ chế tạo bom nguyên tử (ví dụ như Eugene Wigner và John Wheeler), trong đó cũng có những người về sau lên tiếng kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân (ví dụ như Hans Bethe). Giờ đây, trước hiểm họa hạt nhân tại Việt Nam, họ đứng ra chiêu mộ các nhà vật lý trẻ tuổi vào hàng ngũ của mình, đồng thời làm việc trực tiếp với Bộ Quốc phòng Mỹ để đưa ra các giải pháp không đòi hỏi hạt nhân. 

Vào mùa hè năm 1966, 15 thành viên JASON nộp một báo cáo tên là Tác động từ các cuộc ném bom của Mỹ tại Bắc Việt Nam, trong đó nhận định rằng chiến lược ném bom có tính sát thương cao, nhưng hầu như chưa ảnh hưởng tới tuyến vận tải Trường Sơn. Trong một báo cáo khác mang số hiệu S-255, họ đưa ra đề án thay thế: thay vì tiếp tục ném bom ồ ạt, hãy lắp một hệ thống chống thâm nhập dọc theo vùng phi quân sự vĩ tuyến 17, kết hợp giữa mìn, hàng rào thép gai, trinh sát không quân cùng một số thiết bị công nghệ tân tiến như cảm biến hồng ngoại, địa chấn, âm thanh, v.v. Các cảm biến này sẽ dò ra dấu hiệu kẻ thù, chẳng hạn như rung chấn do xe tải, rồi gửi tín hiệu về một trạm xử lý dữ liệu ở xa. Tại trạm đó, các máy tính sẽ phân tích xem đâu là địch, đâu là dân thường, rồi gửi mục tiêu ưu tiên ném bom trở lại Việt Nam để máy bay Mỹ tiến hành không kích. Có thể nói, đây là một đề án tỉ mỉ, đến từ trí tuệ của các nhà vật lý hàng đầu như Leon Lederman (Nobel 1988), Val L. Fitch (Nobel 1980), Henry Kendall (Nobel 1990) và Murray Gell-Mann (Nobel 1969). Đề án nhanh chóng được Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara ủng hộ và bắt đầu triển khai. Ngày 7/9/1967, McNamara công bố cho báo giới sự tồn tại của hệ thống chống thâm nhập, và ngày nay, hệ thống thường được gọi là Hàng rào McNamara.

Một người lính Mỹ đang ném cảm biến “ngửi người” xuống từ máy bay. Ảnh: Paleofuture.

Thế nhưng, Hàng rào McNamara là một thất bại thảm hại. Dù ngốn một lượng ngân sách lớn từ Chính phủ Mỹ, song công trình này sau cùng cũng bị Quân đội Nhân dân Việt Nam chế ngự bằng các phương thức đơn giản như dùng cóc, nhái, chuột để đánh lừa máy cảm biến chuyển động. Sau trận Khe Sanh năm 1968, dự án bị chấm dứt, và phần hàng rào thép gai bị gỡ bỏ. Song, công cuộc chế tạo cảm biến dưới sự cố vấn của JASON và giới khoa học vẫn tiếp tục trong khuôn khổ Chiến dịch Igloo White. Lần này, xuất hiện thêm một số thiết bị tinh vi hơn, như là chiếc “máy ngửi người” (people sniffer). Được chế tạo bởi các kỹ sư thuộc Công ty General Electric với sự hỗ trợ từ nhà hóa học John Baldeschwieler (Huân chương Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ 2000), “máy ngửi người” có tác dụng phát hiện các hợp chất hóa học do cơ thể người sản xuất như là ammonia trong nước tiểu và mồ hôi. Một khi “máy ngửi người” đã định vị được dấu hiệu ammonia, trực thăng của Không quân Mỹ sẽ sà xuống tấn công. Tuy nhiên, Quân Giải phóng miền Nam cũng nhanh chóng nhận ra cách vận hành của thiết bị này, và đã đánh lạc hướng đối phương bằng cách treo xô nước tiểu ở những chỗ không hề nằm trên đường tiến quân.

Nhìn chung, đa số các thiết bị công nghệ tân thời do JASON và các nhà khoa học Mỹ chế tạo cuối cùng cũng bị phía bộ đội Việt Nam chế ngự hoặc vô hiệu hóa. Tuy nhiên, JASON vẫn tạo ra những hậu quả nghiêm trọng. Cũng trong nghiên cứu S-255, JASON đã đề xuất sử dụng bom bi – ví dụ như BLU-26/B – đối với các cuộc tấn công không rõ vị trí mục tiêu. Sau khi mức độ hủy diệt của Quân đội Mỹ tại Việt Nam bị phanh phui, và nhất là sau khi Hồ sơ Lầu Năm Góc bị tiết lộ năm 1971, chính những gợi ý nêu trên của JASON sẽ khiến họ chịu sự lên án nặng nề từ đồng nghiệp trên toàn cầu.

Chỉ trích, tẩy chay và biểu tình

Đối mặt với cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, hoạt động phản chiến đáng kể đầu tiên trong cộng đồng vật lý có lẽ nằm ở Tòa án Russell. Vào năm 1966, triết gia Bertrand Russell cùng nhiều trí thức cánh tả quốc tế đã đứng ra thành lập Tòa án Tội ác Chiến tranh Quốc tế, hay còn gọi là Tòa án Russell, nhằm điều tra các hoạt động chiến sự của Mỹ. Được sự hoan nghênh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ tháng 12/1966 đến tháng 4/1967, nhiều nhà khoa học tham gia Tòa án Russell đã đến Việt Nam để điều tra trực tiếp tại hiện trường. Trong số đó, có nhiều bác sĩ, nhà sinh học, v.v., và cả các nhà vật lý như Jean-Pierre Vigier và Marcello Cini. Theo nghiên cứu sau này của hai nhà sử học Gerardo Ienna và Simone Turchetti, trong cuốn sổ tay mà Cini mang theo khi đến Việt Nam, ông đã phân tích chi tiết cách vận hành của các loại bom Mỹ, tính toán độ cao của máy bay, sức công phá và đường bay của bom, rồi cả xu hướng phân tán của bom bi. Chính sự vận dụng chuyên môn như vậy đã giúp các nhà khoa học thuộc Tòa án Russell hiểu rõ ảnh hưởng của các vũ khí mà Mỹ sử dụng, bao gồm cả bom bi, bom napalm lẫn các tác nhân hóa học như chất độc da cam. Trở lại châu Âu, họ tổng hợp chứng cứ và phán quyết rằng Mỹ không chỉ đang sử dụng nhiều vũ khí cấm, mà còn đang thực hiện một cuộc diệt chủng nhằm vào người Việt Nam.

Trang bìa cuốn Science Against the People (Khoa học chống lại quần chúng) do tổ chức SESPA tại trường UC Berkeley phát hành tháng 12/1972. Ảnh: science-for-the-people.org.

Tuy nhiên, phải đến vài năm sau, giới khoa học quốc tế mới xuất hiện các phong trào phản chiến tỏa khắp. Một bước ngoặt đáng kể xảy đến vào năm 1971, khi chuyên viên Quân đội Mỹ Daniel Ellsberg tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc cho tờ New York Times, trong đó có đề cập tới các hoạt động cố vấn khoa học của JASON. Chỉ trong vòng vài tháng, cộng đồng khoa học phản chiến đã nhận diện được vị đồng nghiệp nào của mình đang tiếp tay cho các tội ác của Mỹ. Mùa hè năm 1972 – một quãng thời gian đáng lẽ ra đầy ắp các cuộc hội thảo như thường lệ – bỗng trở thành một “mùa hè đỏ lửa” của riêng ngành vật lý, với các cuộc tẩy chay và biểu tình lan rộng khắp châu Âu.

Ngày 13/6/1972, Murray Gell-Mann được mời đến trường Collège de France tại Paris để giảng về mô hình hạt quark của mình. Chuyến thăm của ông chịu sự phản đối dữ dội từ cộng đồng các nhà vật lý cánh tả tại Pháp, trong đó có những người đã lập ra Tập thể liên công đoàn Đại học Orsay về Việt Nam, Lào và Campuchia (CIU). Trước thềm bài giảng của Gell-Mann, CIU đã rải truyền đơn khắp trường, luận tội Gell-Mann đã giúp Quân đội Mỹ nghiên cứu “cách gây sát thương và giết hại nhiều dân thường nhất một cách hiệu quả nhất mà chẳng cần dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật.” Phẫn nộ trước thông tin này, người biểu tình kéo đến chặn cửa giảng đường, chất vấn Gell-Mann khi ông tìm cách đi vào. Gell-Mann chỉ đáp: “Tôi không rảnh để mà trả lời.” Đám biểu tình tiếp tục chặn cửa, khiến bài giảng cuối cùng bị hủy.

Trong những tháng sau đó, các hoạt động phản chiến ở cấp cơ sở tiếp tục nổ ra tại các diễn đàn vật lý khác, nhiều khi còn nhận được sự tán thành từ ban quản lý. Tháng 7/1972, trường hè về vật lý hạt tổ chức tại đảo Corse đã chấm dứt sớm hơn một tuần so với dự kiến, bởi diễn giả Sidney Drell là một thành viên nòng cốt của nhóm JASON nhưng tuyệt nhiên không chịu thảo luận về chủ đề này khi bị sinh viên đối chất. Tháng 8/1972, tại một trường hè quốc tế về vật lý ở Varenna, Ý, những người tham dự, trong đó có Marcello Cini từ Tòa án Russell, đã cùng nhau thảo một bản tuyên bố về Việt Nam, lấy được chữ ký của Hendrik Casimir, Chủ tịch Hội Vật lý châu Âu, và Léon Rosenfeld, vị tổng biên tập thân cộng sản của tập san khoa học Nuclear Physics. Không những vậy, họ còn thành công thuyết phục ban tổ chức trường hè từ chối tiền tài trợ từ NATO, vì họ coi NATO là kẻ đồng lõa với Mỹ trong cuộc sát hại hàng loạt người Việt Nam. Đến tháng 9/1972, trước thềm một hội thảo khác do NATO tài trợ tại Trieste, Ý, các nhà vật lý cũng cố gắng thuyết phục ban tổ chức từ chối tiền tài trợ, song không thành công. Vì vậy, họ kéo nhau đến chiếm đóng giảng đường của trường đại học, đồng thời đối chất những thành viên JASON có mặt tại đó. Khi bị người biểu tình lên án là tội phạm chiến tranh, nhà vật lý Eugene Wigner đã thốt lên: “Các người kết tội mà tôi hãnh diện! Tôi thấy đấy là lời khen!” Sau đó, ban tổ chức dời địa điểm hội thảo ra vùng ngoại ô. Cảnh sát thành phố được gọi đến để chặn đoàn biểu tình, dẫn đến xung đột dữ dội.

Tất cả các cuộc náo loạn này tại châu Âu sau cùng cũng lan tới Mỹ. Tháng 12/1972, Charles Schwartz, giáo sư vật lý tại trường UC Berkeley, đã cùng hội Các nhà khoa học vì hành động xã hội và chính trị (SESPA) xuất bản cuốn sách Khoa học chống lại quần chúng (Science Against the People), vừa tường thuật chi tiết vai trò của JASON, vừa nêu đích danh các thành viên nhóm và nơi làm việc hiện tại của họ. Ngay lập tức, hòm thư tại trường đại học của các thành viên JASON bỗng đầy ắp các bức thư từ khắp nơi đổ đến, hết lời chỉ trích và lên án họ. Khi một thành viên JASON là Harold Lewis chỉ trích SESPA vì đã khiến cho nhiều người trong JASON nhận được “các cuộc gọi nặc danh đe dọa đến tính mạng con cái”, Schwartz kiên quyết rằng việc công bố tên của họ vẫn là một hành động chính đáng, bởi xét cho cùng thì JASON đã cố tình tạo điều kiện cho “sự ném bom, sự thiêu sống, sự gây tổn thương, và sự giết hại hàng triệu người châu Á.”


Nhiều nhà vật lý trong nhóm JASON tin rằng họ đã tác động tích cực lên Việt Nam, bởi họ đã giúp ngăn ngừa thảm kịch hạt nhân. Song, nếu xét dựa trên những thương vong từ các loại mìn, bom bi, v.v. do nhóm của họ đề xuất (kể cả trong và sau cuộc chiến tranh), dường như lựa chọn “ít ác hơn” này cũng không thể cứu vãn cho họ thoát khỏi sự chỉ trích.

Hành động táo bạo của Schwartz và SESPA cũng đã khơi mào phản hồi đa chiều từ nhiều thành viên JASON khác. Sidney Drell, người đã bị tẩy chay ở đảo Corse, phản đối kịch liệt các cáo buộc nhằm vào mình; ông cho rằng các nhà hoạt động đang “đòi hỏi sự thanh lọc chính trị và đạo đức”. Edwin Salpeter, một nhà thiên văn từng bị lên án tại Trieste, đã yêu cầu các nhà hoạt động gạch tên mình khỏi danh sách JASON, bởi ông thực chất đã bất mãn với tổ chức này và từ chức được một thời gian. Còn Freeman Dyson, một thành viên JASON đã khuyên Chính phủ Mỹ đừng dùng bom nguyên tử tại Việt Nam, cũng đã gửi thư phản hồi vào tháng 1/1973, xung quanh thời điểm Hiệp định Paris. Ông viết: “Các bạn hỏi liệu tôi xấu hổ hay tự hào về những gì mình đã làm. Tôi rất hân hạnh được tuyên bố rằng tôi tự hào. Nếu công tác của tôi chẳng ảnh hưởng gì đến chính sách của nhà cầm quyền, thì tôi cũng chẳng gây hại gì hết. Nếu công tác ấy mà có chút ảnh hưởng, thì tôi cũng tự hào vì mình đã giúp nhân loại tránh khỏi một thảm kịch còn tệ hơn cả cái thảm kịch mà ta đã chứng kiến.” 

Tổng kết

50 năm sau nhìn lại, câu chuyện JASON vẫn còn nhiều uẩn khúc. Chúng ta biết rằng các nhà vật lý, hóa học, v.v. trong nhóm này đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau, song một điều mà nhiều phân tích đã bỏ qua, ấy là họ cũng có các tư tưởng chính trị khác nhau. Những thành viên có thâm niên, chẳng hạn như Eugene Wigner, bị gọi là “cực hữu” vì thái độ ủng hộ cuộc chiến tại Việt Nam, trong khi nhiều thành viên khác, có cả những người trẻ, vẫn thường ngồi cùng bàn thảo luận với họ lại có tư tưởng phản chiến. Marvin Goldberger, Chủ tịch JASON từ 1959 đến 1966, coi cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam là một điều “hoàn toàn vô đạo đức”. Donald Glaser, một thành viên JASON khác, không những phản đối cuộc chiến tại Việt Nam, mà còn lên án sự hậu thuẫn của Mỹ cho cuộc đảo chính tại Hy Lạp năm 1967 và các cuộc chiến của Israel những năm 1960. Với góc nhìn như thế, tại sao Goldberger và Glaser (và có lẽ là nhiều thành viên JASON khác) lại chọn làm cố vấn cho chính phủ, để rồi đóng góp không ít thì nhiều vào những chiến thuật gài mìn, rải bom chùm, v.v. tại Việt Nam? 

Một viên bom bi loại BLU-26/B, trưng bày tại Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC).

Có lẽ câu trả lời nằm ngay trong bức thư của Freeman Dyson ở phần trước. Giống như Dyson, nhiều nhà vật lý trong nhóm JASON tin rằng họ đã tác động tích cực lên Việt Nam, bởi họ đã giúp ngăn ngừa thảm kịch hạt nhân. Quả thật, khi đặt cạnh hiểm họa hạt nhân, mọi viễn cảnh khác đều thật dễ chịu. Theo hai sử gia Ienna và Turchetti, những người như vậy tự coi lựa chọn của mình là “cái ít ác hơn trong hai cái ác” (the lesser of two evils). Song, nếu xét dựa trên những thương vong từ các loại mìn, bom bi, v.v. do nhóm của họ đề xuất (kể cả trong và sau cuộc chiến tranh), dường như lựa chọn “ít ác hơn” này cũng không thể cứu vãn cho họ thoát khỏi sự chỉ trích.

Trái lại với JASON, các nhà cấp tiến như Marcello Cini và Charles Schwartz tuyệt đối không hợp tác với nhà cầm quyền. Họ không tin rằng mình có thể ngăn chặn tai họa do hệ thống gây ra bằng cách gia nhập và khuyên nhủ hệ thống đó. Các biện pháp của họ – chiếm đóng giảng đường, tẩy chay đồng nghiệp liên lụy, yêu cầu tổ chức từ chối tiền tài trợ – cũng chính là các cách hoạt động chính trị vẫn phổ biến trong khoa học và giới hàn lâm đến tận ngày nay. Chẳng hạn, đối mặt với con số thường dân thiệt mạng tại Dải Gaza trong cuộc chiến của Israel từ tháng 10/2023, cộng đồng thiên văn trường UC Santa Cruz đã đưa ra tuyên bố chung, từ chối tham gia nghiên cứu có lợi cho quân đội, đồng thời kêu gọi toàn bộ khối Đại học California “thoái vốn khỏi chế độ apartheid, diệt chủng và chủ nghĩa quân phiệt”. Rõ ràng, bất kể bối cảnh chính trị-xã hội khác nhau, các nhà khoa học hoạt động phản chiến bên ngoài hệ thống luôn tìm đến các biện pháp tương tự như nhau.


Câu chuyện JASON không chỉ là một chương tối trong lịch sử ngành vật lý Hoa Kỳ, mà còn mở ra nhiều câu hỏi cho người làm khoa học nói chung.

Câu chuyện JASON không chỉ là một chương tối trong lịch sử ngành vật lý Hoa Kỳ, mà còn mở ra nhiều câu hỏi cho người làm khoa học nói chung. Trong một thế kỷ nơi mà sự phát triển khoa học thường xuyên đi đôi với mục đích chính trị, và các phát minh hoặc phát kiến mới thường xuyên được áp dụng cho quân sự, liệu nhà khoa học phải xử sự ra sao? Khi chiến tranh xảy ra, trách nhiệm của nhà khoa học là gì, đặc biệt là trong trường hợp đất nước họ chính là bên leo thang cuộc chiến tranh đó? Đây là một nan đề đạo đức to lớn của khoa học hiện đại. Với các căng thẳng và xung đột vũ trang ngày càng lan tỏa trên thế giới hiện nay, có lẽ mỗi nhà khoa học đều cần phải cố gắng suy tính giải pháp cho nan đề này, không phải là theo một cách tạm bợ, mà bằng sự nhận thức rõ ràng rằng quyết định cuối cùng của họ sẽ chịu sự đánh giá của người đương thời, và cả lịch sử nhân loại về sau.□

——-

Chú thích

1 Ienna, G. & Turchetti, S. (2023), “JASON in Europe: Contestation and the Physicists’ Dilemma about the Vietnam War”, Physics in Perspective, 25, tr. 85-105. Đây là một nguồn trọng yếu cho bài báo này.

2  Có thể đọc toàn văn nghiên cứu S-255 tại: https://irp.fas.org/agency/dod/jason/barrier.pdf. 

3  Những cái tên này được lấy từ trang bìa S-255.

4  Bridger, S. (2011), Scientists and the Ethics of Cold War Weapons Research (luận án tiến sĩ), tr. 237.

5  Có nhiều nguồn rải rác về chiến thuật này của Quân Giải phóng miền Nam, chẳng hạn như: viettimes.vn/viet-nam-dat-mui-b-52-va-khong-quan-my-the-nao-post38658.html.

6  S-255, tr. 4. 

7  Ienna, G. & Turchetti, S. (2023).

8  Được tổng hợp lại trong Al Weinrub (1972), “European Confrontation Spoils Jason’s Summer Vacation”, Science for the People 4(6), tr. 9. archive.scienceforthepeople.org/vol-4/v4n6/european-confrontation-jason.

9  SESPA Berkeley (1972), Science Against the People – The Story of Jason, tr. 1.

10  Sđd., tr. 1.

11  Ienna, G. & Turchetti, S. (2023).

12  Sidney Drell trả lời thư ngỏ trên tờ Physics Today. Toàn bộ các trao đổi giữa JASON và các nhóm chống đối như SESPA được Bruno Vitale tổng hợp thành tài liệu The War Physicists vào năm 1976. Có thể đọc toàn văn The War Physicsts tại: science-for-the-people.org/wp-content/uploads/2014/02/The-War-Physicists.pdf. Trả lời của Drell nằm ở trang 38.

13  Edwin Salpeter trả lời Jean-Marc Lévy-Leblond. Sđd., tr. 53.

14  Freeman Dyson trả lời thư ngỏ trên tờ Physics Today. Sđd., tr. 37.

15  Hans Bethe trả lời Daniel Schiff. Sđd., tr. 123.

16  Sđd., tr. 15.

17  “UCSC Astronomers Reject Researchers’ Complicity with the Genocide of Palestine” (2024). scienceforthepeople.org/2024/01/17/ucsc-astronomy-rejects-researchers-complicity-with-the-genocide-of-palestine.

Bài đăng Tia Sáng số 9/2025

Tác giả

(Visited 29 times, 29 visits today)