Dự án làm sạch sông Hằng của Ấn Độ: Điều hão huyền?
Sông Hằng là một trong những con sông linh thiêng nhất Ấn Độ song cũng là một trong những nơi ô nhiễm nhất. Để cứu lấy nó, Ấn Độ đang thực hiện một trong những chương trình kỹ thuật cải thiện điều kiện vệ sinh lớn nhất trong lịch sử.
Sông Hằng là một trong những lưu vực sông đông dân nhất thế giới, cung cấp nước cho khoảng 600 triệu người. Dù đây là con sông thiêng liêng của những tín đồ Hindu giáo, nhưng nó vẫn là một trong những con sông lớn bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Sông Hằng đã trở thành nơi chứa vô số chất gây ô nhiễm: thuốc trừ sâu độc hại, chất thải công nghiệp, nhựa, chất thải sinh hoạt của con người. Ở Ấn Độ, mỗi năm có 37 triệu người được cho là bị ảnh hưởng bởi các bệnh lây truyền qua nguồn nước như thương hàn, kiết lỵ và viêm gan.
Khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức vào năm 2014, một trong những điều đầu tiên ông làm là phát động chiến dịch “Làm sạch Ấn Độ”, trong đó lắp đặt các cơ sở vệ sinh và xử lý rác thải hiện đại trên toàn quốc. Từ năm 2014 đến năm 2019, ước tính Ấn Độ đã lắp đặt 110 triệu nhà vệ sinh, cung cấp dịch vụ vệ sinh cho khoảng nửa tỷ người. Đây là con số đáng kinh ngạc, bởi cách đây chưa đầy một thập kỷ, Ấn Độ được biết đến là nơi có tỷ lệ đại tiện ngoài trời cao nhất thế giới. Nhờ sự xuất hiện của các nhà vệ sinh công cộng và tư nhân, con số đó đã giảm mạnh. Vấn đề là, nước thải của những nhà vệ sinh mới này sẽ chảy đi đâu? Các nhà quản lý cho rằng đã đến lúc phải xây dựng các cơ sở xử lý nước thải, thay vì để nó xả thẳng ra sông.
Ở một mức độ nào đó, Ấn Độ có những đặc điểm tương tự với những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở phía Nam bán cầu. Nhưng Ấn Độ còn độc đáo ở chỗ văn hóa Hindu coi sông ngòi là trung tâm của tín ngưỡng tôn giáo. Và chính vì lý do này mà chính phủ của Thủ tướng Modi, cùng với Chiến dịch Làm sạch Ấn Độ, đã phát động một kế hoạch tốn kém để làm sạch dòng sông: chương trình Namami Gange. Đây không phải là nỗ lực đầu tiên. Các chính phủ đời trước đã đưa ra “các kế hoạch hành động” để làm sạch sông Hằng – ít nhất là từ những năm 1980. Nhưng những nỗ lực trong quá khứ, chìm trong cáo buộc tham nhũng và quản lý yếu kém, hiếm khi đi xa được.
Cho đến nay, chương trình Namami Gange đã tiêu tốn hơn 328 tỷ rupee (3,77 tỷ USD) và hứa hẹn xây dựng hơn 170 cơ sở xử lý nước thải mới và 5.211 km đường cống. Đây là một trường hợp thử nghiệm hấp dẫn nhằm làm sạch sông và biển trên Trái đất.
Dấu hiệu khả quan
Văn phòng của Ban quản lý nước (Jal Kal) của Varanasi tọa lạc tại một trong những khu thương mại ngày càng sầm uất của Varanasi. “Khi tôi gia nhập Jal Kal vào năm 2018, tình hình ở thành phố còn tồi tệ hơn nhiều vì công việc vẫn ngổn ngang”, ông Raghuvendra Kumar, tổng giám đốc của Jal Kal, kể. “Cống thoát nước chảy khắp nơi. Nó chảy tràn khắp mặt đường.”
Varanasi là một trong những thành phố có người ở lâu đời nhất trên thế giới. Nó nằm ở nơi hợp lưu của hai con sông: Varuna và Assi, cả hai đều là phụ lưu của sông Hằng. Hệ thống cống thoát nước ban đầu của thành phố do người Anh xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Cho đến vài năm trước, phần lớn nước thải của thành phố vẫn chảy trực tiếp ra sông Hằng mà không qua xử lý. Kể từ năm 2016, thành phố đã lắp đặt vài km đường cống mới ở khu vực trung tâm, nối các đường ống từng phát thải thẳng ra sông với một cống chặn mới, hiện vận chuyển phần lớn dòng chảy đến một trong ba hệ thống xử lý nước thải mới.
Thành phố đã phát các thông báo qua loa phóng thanh từ các phương tiện thu gom rác, cảnh báo không nên phóng uế bừa bãi và yêu cầu người dân không gây ô nhiễm sông và cống mới bằng việc vứt trực tiếp rác thải. “Trong ba đến năm năm qua, người dân đã dần nhận ra rằng chúng ta phải cải thiện lối sống của mình, chúng ta phải thay đổi hành vi của mình”, ông Kumar chia sẻ. “Và bây giờ nó đã trở thành thói quen của người dân.”
Đó không phải là sự thay đổi duy nhất diễn ra ở Varanasi. Những bông hoa từng ngập tràn bờ sông Hằng sau các lễ hỏa táng và lễ hội tôn giáo giờ đây được thu gom trên bờ trong các thùng được đánh dấu; phần còn lại được ủ hoặc thu thập bởi Phool – một công ty khởi nghiệp địa phương – để biến chúng thành nhang. Các chính sách khác của thành phố đã giúp cắt giảm mức độ ô nhiễm: Varanasi đã thông qua luật cấm một số loại nhựa trong thành phố linh thiêng và đưa ra kế hoạch yêu cầu hơn 580 thuyền chạy bằng diesel trên sông phải được chuyển sang chạy bằng khí thiên nhiên nén, giảm vết dầu loang trên mặt nước. Và quan trọng nhất là 361 nhà vệ sinh công cộng đã được xây dựng, nối với hệ thống cống thoát nước mới.
Dữ liệu u ám
Dù các nhà quản lý tại Varanasi đều có thái độ tích cực về tác động của chiến dịch đối với dòng sông và thành phố, nhưng trong bối cảnh đô thị hóa và dân số tăng nhanh chóng, sông Hằng vẫn chưa sạch.
Bất chấp những nỗ lực của dự án Namami Gange, bờ sông Assi vẫn ngập tràn trong đống rác thải nhựa cao đến mắt cá chân: túi nhựa, chai, gói, chậu. Khi sông Assi chảy ra sông Hằng, nó đi qua một nhà máy bơm, được thiết kế để lọc rác rắn. Trên thực tế, trạm bơm hầu như không có người trực và hoạt động với công suất nhỏ. Một trong những tấm lưới chắn rác bằng kim loại bị hỏng. Bên trong cơ sở, nhựa và các chất thải khác chảy từ từ ra khỏi băng chuyền và vào bao tải để chở đi tái chế hoặc đốt. Một trong những nhân viên cho biết nhà máy để lọt ra môi trường hàng tấn rác thải nhựa mỗi ngày.
Thực tế ọp ẹp của một số cơ sở hạ tầng đi ngược lại kế hoạch của chính phủ trong chiến dịch Namami Gange. Gần 10 năm sau khi ông Modi lần đầu tiên công bố dự án, sông Hằng đoạn ở Varanasi vẫn bị ô nhiễm.
Theo số liệu của Ban Kiểm soát Ô nhiễm do chính phủ điều hành, vào năm 2020, lượng coliform và liên cầu khuẩn trong các mẫu nước sông được thu thập ở Varanasi đã vượt quá giới hạn khuyến nghị của Ấn Độ đến 20 lần. Không chỉ riêng sông Hằng: sông Yamuna ở Delhi ghi nhận số lượng liên cầu khuẩn cao gấp 10.800 lần giới hạn khuyến nghị. Trên khắp Ấn Độ, các dòng sông sủi bọt do chất thải độc hại và các hồ nước bắt lửa do chứa nhiều chất gây ô nhiễm dễ cháy.
Đây là thực tế phũ phàng của một quốc gia đang tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc như Ấn Độ: Các nhà quy hoạch Ấn Độ không thể lường trước được rằng vào thời điểm cơ sở hạ tầng mới – nhà máy xử lý nước thải, cơ sở xử lý chất thải, đường sá – xây xong, dân số đã vượt quá năng lực của những hệ thống này. Sự thất bại trong kế hoạch làm sạch sông Hằng của chính phủ là một vấn đề nhức nhối đối với các nhà vận động tôn giáo, những người mà đối với họ, vấn đề làm sạch sông Hằng không chỉ mang tính thực tế hay chính trị, mà còn cả về mặt đạo đức.
“Con sông này là trường hợp đặc biệt”, ông Vishwambhar Nath Mishra, giáo sư kỹ thuật điện tử tại Đại học Banara Hindu, chia sẻ. “Mọi người hành hương đến đây và tôn thờ sông Hằng như mẹ của họ. Một số người đến, nhẹ nhàng chạm vào nước sông Hằng và thoa lên trán. Một vài người thực hiện nghi lễ tắm mình trên sông. Và một số uống từng ngụm nước sông Hằng.” Đây là một phần nghi lễ thiêng liêng được nhiều người Ấn Độ sùng đạo thực hiện.
“Nếu mọi người đang nhấm nước, điều đó có nghĩa là chất lượng nước bắt buộc phải ở mức uống được,” ông Mishra nói. Năm 1993, Quỹ Sankat Mochan của ông đã thành lập một trong số ít phòng thí nghiệm độc lập để phân tích chất lượng nước sông Hằng ở Varanasi. “Chúng tôi có cơ sở dữ liệu phản ánh thực tế về độ an toàn của nước sông.” Kể từ đó, tổ chức này đã theo dõi lượng nước – mức độ vi khuẩn, nhu cầu oxy sinh học – và nhận thấy “sức sống” của dòng sông suy giảm cùng với sự phát triển của Ấn Độ.
Theo ông Mishra, số liệu của chính phủ về nước thải ở Varanasi không chính xác. Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất ở Dinapur có công suất xử lý được công bố là 140 triệu lít mỗi ngày. “Thực tế, tôi biết rằng ở đấy họ chỉ có thể xử lý 60 triệu lít nước thải,” ông Mishra chỉ trích. “Tại Goitha, nơi có công suất 120 triệu lít, vài tháng trước khi tôi hỏi những người ở đó, họ cho biết Goitha chỉ có thể xử lý 10 đến 20 triệu lít nước thải.” Tương tự, ông Mishra nhận định khẳng định của chính phủ rằng các cống thoát nước không còn xả ra sông là không đúng sự thật. “Năm năm trước, chúng tôi đã tìm thấy 33 địa điểm xả [nước thải]… Hiện tại con số đó đã giảm xuống, nhưng vẫn còn 15 hoặc 16 địa điểm”.
Trong khi các nhà vận động môi trường của Ấn Độ như ông Mishra hy vọng giúp nước sông Hằng có thể uống được thì Chính phủ Ấn Độ cho đến nay mới chỉ tuyên bố ý định biến sông Hằng ở Varanasi trở thành con sông loại B – chỉ phù hợp để tắm. Ông Mishra cho rằng ngay cả với một mục tiêu thấp đến thế, thì dự án vẫn thất bại. Ngay cả dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cũng cho thấy mức độ mầm bệnh ở sông Hằng ở Varanasi cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn an toàn.
Nỗ lực không ngơi nghỉ
Hầu hết các chính trị gia và kỹ sư ở Ấn Độ, khi được hỏi, đều cho rằng một dòng sông Hằng hoàn toàn thuần khiết – theo mong muốn của ông Mishra – là điều hão huyền. Tuy nhiên họ cũng đồng tình rằng nếu không có ông Mishra và vô số nhà hoạt động môi trường khác trên khắp Ấn Độ vận động khôi phục sông Hằng, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng rõ ràng vấn đề ô nhiễm đang được cải thiện. Cách đây không lâu người ta thường xuyên tìm thấy xác chết trên sông. Giờ đây, mọi người có thể nhìn thấy một số loài sinh vật sống dưới nước, chẳng hạn như cá heo sông Hằng.
Vào tháng 3/2023, chính phủ của Thủ tướng Modi đã xác nhận triển khai Nhiệm vụ Namami Gange II, bổ sung thêm 2,56 tỷ USD để mở rộng chương trình và tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng đã được đưa vào vận hành.
Đối với ông Mishra và các nhà hoạt động khác ủng hộ một dòng sông sạch tuyệt đối, chiến dịch của họ vẫn tiếp tục, bất kể điều đó làm mích lòng chính phủ đến mức nào.. “Nhiều người hỏi tôi ‘Sao thế? Sao ông không thể một lần nói rằng sông Hằng đã trở nên sạch sẽ?’” ông Mishra kể. “Tôi không thể nói điều đó được. Chúng tôi không thể lừa dối mọi người. Đối với tôi, sông Hằng là cõi thiêng của đời tôi.”
Hà Trang – Bảo Ngân lược dịch
Theo WIRED
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 49)