Dữ liệu vệ tinh cho thấy các sông băng trên thế giới đang tan chảy nhanh hơn

Theo kết quả đo đạc từ các vệ tinh ba chiều, các sông băng trên thế giới đang tan chảy nhanh hơn và mất thêm 31% băng tuyết mỗi năm so với 15 năm trước đây.


Bức ảnh chụp sông băng Klinaklini ở British Columbia, Canada, do nhà nghiên cứu Brian Menounos chụp vào tháng 9/2017. Sông băng này và các vùng băng liền kề đã mất gần 16 tỷ tấn băng tuyết từ năm 2000, trong số đó mất 10,7 tỷ tấn kể từ 2010. Ảnh: Brian Menounos/AP.

Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu do con người gây ra chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Theo một nghiên cứu mới xuất bản trên Nature, bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh trong 20 năm mới được tiết lộ gần đây, các nhà khoa học đã tính toán được rằng, 220.000 con sông băng trên thế giới đang mất đi hơn 328 tỉ tấn băng tuyết mỗi năm, kể từ năm 2015. Lượng nước tan chảy vào các đại dương đang ngày một dâng lên này đủ để khiến Thụy Sĩ chìm xuống dưới mực nước biển gần 24 feet (7,2m) mỗi năm.

Tốc độ tan chảy băng hằng năm từ 2015 đến 2019 cao hơn 78 tỉ tấn một năm so với tốc độ từ 2000 đến 2004. Tốc độ làm mỏng băng toàn cầu (global thinning rates), một khái niệm khác với lượng nước bị mất đi, cũng đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua và “đây là một con số rất lớn”, Romain Hugonnet, nhà nghiên cứu về băng tại ETH Zurich và Đại học Toulouse ở Pháp, người dẫn dắt nghiên cứu, nhận xét.

Một nửa số băng bị mất trên thế giới đều thuộc Mỹ và Canada. Trong đó, tốc độ tan băng ở Alaska “thuộc hàng cao nhất hành tinh”, với con sông băng Columbia mỗi năm lại rút đi 115 feet (35 mét).

Nghiên cứu mới cho thấy, hầu như rất cả sông băng trên toàn cầu đều đang tan chảy, kể cả những con sông vốn từng rất ổn định như ở Tây Tạng. Ngoại trừ một số ít sông băng ở Iceland và Scandinavia được “nuôi dưỡng” bởi lượng mưa gia tăng, tốc độ tan chảy của băng đang tăng nhanh trên toàn thế giới. Theo Hugonnet, sự tan băng gần như đồng đều này “phản ánh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu” và bắt nguồn từ việc đốt than, dầu và khí đốt. Không chỉ vậy, một số sông băng nhỏ đã biến mất hoàn toàn. Cách đây hai năm, các nhà khoa học, nhà hoạt động và nhân viên cơ quan Chính phủ ở Iceland đã tổ chức “tang lễ” cho một con sông băng nhỏ như vậy.
“Mười năm trước, chúng ta đã nói rằng các sông băng là chỉ dấu cho sự biến đổi khí hậu, nhưng hiện nay nó thực sự đã trở thành một đài tưởng niệm cho cuộc khủng hoảng khí hậu ấy”, Michael Zemp, Giám đốc Dịch vụ Giám sát Sông băng Thế giới, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định.

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng hình ảnh vệ tinh 3D để đánh giá tất cả các sông băng (không liên kết với các dải băng ở Greenland và Nam Cực) trên thế giới. Trước đây, các nghiên cứu hoặc chỉ sử dụng một phần nhỏ của sông băng hoặc chỉ ước lượng sự mất mát của sông băng trên Trái đất dựa trên các phép đo trọng lực từ quỹ đạo. Tuy nhiên, Zemp cho biết, những kết quả đo trọng lực ấy có biên độ sai số cao và không thực sự hữu ích. 

Lonnie Thompson ở Đại học bang Ohio đánh giá, nghiên cứu mới đã khắc họa nên một “bức tranh đáng báo động”. Theo Hugonnet, các sông băng đang ngày càng co ngót lại là một vấn đề đối với hàng triệu người sống dựa vào sự tan băng theo mùa để lấy nước dùng hằng ngày, đồng thời tốc độ tan băng nhanh chóng ấy cũng có thể dẫn đến sự bùng nổ nguy hiểm từ các hồ băng ở những nơi như Ấn Độ.

Tuy nhiên, mỗi đe dọa lớn nhất của hiện tượng này là sự gia tăng của mực nước biển. Theo nghiên cứu mới, các đại dương trên thế giới vốn đã đang dâng lên do sự giãn nở của nước ấm và sự tan chảy của các dải băng ở Nam Cực và Greenland, tuy nhiên các sông băng mới là nguyên nhân gây ra 21% sự gia tăng của mực nước biển, nhiều hơn so với sự đóng góp các dải băng. “Có một điều đang ngày càng rõ ràng, đó là mực nước biển dâng sẽ dần trở thành một vấn đề lớn hơn khi chúng ta bước qua thế kỷ 21”, Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia, nhận định.□

Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2021-04-satellites-world-glaciers-faster.html

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)