Dùng nước tiểu để nạp điện cho điện thoại di động
Tạp chí Physical Chemistry Chemical Physics của Hội Hóa học Hoàng gia Anh quốc bản online ngày 18/7 vừa qua đăng bài về một sáng chế mới rất thú vị là pin nhiên liệu vi khuẩn (MFC, Microbial Fuel Cells).
MFC là bộ biến đổi năng lượng, trực tiếp chuyển vật chất hữu cơ thành điện năng thông qua tác dụng chuyển hóa của các vi khuẩn sống. Về thực chất, điện năng là một sản phẩm kèm theo trong chu kỳ sống tự nhiên của vi khuẩn; vi khuẩn ăn càng nhiều thức ăn (nước tiểu cũng là thức ăn của chúng) thì càng sản xuất ra nhiều điện năng. Bộ pin nhiên liệu hiện nay các nhà khoa học làm được có kích thước gần như bộ ắc-quy ô tô.
Điểm độc đáo và thú vị nhất là ở chỗ loại pin này dùng nước tiểu làm nhiên liệu, nói chính xác là dùng các vi khuẩn phân hủy nước tiểu, trong quá trình đó sẽ sinh ra điện năng.
TS Ioannis Ieropoulos, thành viên nhóm nghiên cứu, nói, xưa nay chưa ai sử dụng nước tiểu để phát điện, vì thế sáng chế này làm mọi người phấn khởi. Ông nói: “Nét đẹp của loại nhiên liệu này là chúng ta sử dụng chất thải để sinh ra năng lượng chứ không cần phải dựa vào sức gió hoặc ánh nắng để phát điện. Nước tiểu là thứ dùng không bao giờ hết, có thể cung cấp lâu dài. Bằng cách cho nước tiểu đi qua một chuỗi pin nhiên liệu vi khuẩn, chúng tôi đã nạp được điện cho một chiếc điện thoại di động Samsung,” Ieropoulos cho biết.
Nhóm nghiên cứu nuôi vi khuẩn trên các điện cực sợi các-bon, điện cực này được đặt trong một ống gốm sứ, khi nước tiểu chảy qua ống, vi khuẩn sẽ phân hủy các hóa chất có trong nước tiểu, qua đó sinh ra electron. Số electron ấy tích lũy lại thành điện tích rồi được nạp vào một tụ điện để trữ lại, làm thành một chiếc pin. Hiện nay pin nhiên liệu nạp điện cho điện thoại di động có thể chứa được khoảng 50 ml nước tiểu; điện năng của nó đủ để điện thoại di động thông minh gửi tin nhắn, lên mạng, gọi một cuộc điện thoại ngắn; chi phí làm ra lượng điện ấy chỉ bằng một đồng penny (0,01 bảng Anh). Trước đây nhóm nghiên cứu từng làm được loại pin chỉ chứa được 1 ml nước tiểu.
Loại pin nhiên liệu nói trên hiện nay còn đang ở giai đoạn đầu, chưa thể cấp được lượng điện lớn. Giá thành làm một pin nhiên liệu như vậy chỉ bằng 1 bảng Anh (khoảng 33.000 VND), hứa hẹn mở ra một hướng mới trong sản xuất điện năng giá rẻ.
TS Ieropoulos cho biết, loại pin nhiên liệu này có thể đặt trong nhà vệ sinh để cấp điện chiếu sáng, chạy máy cạo râu, qua đó biến thành nhà vệ sinh thông minh. Do giá thành thấp nên các nước đang phát triển có thể dùng pin nước tiểu cho những vùng hẻo lánh.
TS Ieropoulos và một số nhà khoa học khác từng đăng bài “Nước tiểu sử dụng trong pin nhiên liệu vi khuẩn: nhiên liệu năng lượng cho tương lai” trên tạp chí Physical Chemistry Chemical Physics số 14 năm 2012, chứng minh nước tiểu có vai trò đáng kể trong phát điện dân dụng.
Ước tính mỗi ngày các loài gia súc và động vật trên thế giới thải ra một lượng nước tiểu vào khoảng 38 tỷ lít; nếu có thể tận dụng hết thì sẽ sản xuất được khá nhiều điện năng.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp từ các mạng.
Hải Hoành tổng hợp