Đừng sợ sự trỗi dậy của robot
Robot ngày càng thông minh và khéo léo hơn, từ việc tự thực hiện các nhiệm vụ cơ học đơn giản đến hợp tác với con người. Trong tương lai, robot có thể tự làm việc nhóm với nhau để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà không cần đến sự hướng dẫn. Liệu “sự trỗi dậy của robot” có đáng sợ không?
Đồng quan điểm với Paul Krugman, trong báo cáo năm 2013 về các công nghệ sẽ làm thay đổi thế giới, các nhà tư vấn quản lý tại McKinsey dự báo, đến năm 2025, robot có thể chiếm 15-25% quỹ công việc tại các nước phát triển trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và 5-15% chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất ở các nước đang phát triển. Họ còn cảnh báo về những chống đối mang tính chính trị – xã hội có thể xảy ra, đặc biệt là khi sự xuất hiện của robot sẽ “xóa sổ” nhiều hơn là tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Để đón đầu nguy cơ này, các nhà tư vấn của McKinsey khuyến cáo nên tổ chức đào tạo thêm cho những người lao động có công việc sẽ bị robot thay thế.
Thái độ của con người sẽ quyết định
Tuy nhiên, để những dự đoán trong báo cáo của mình thành hiện thực vào năm 2025, McKinsey chỉ ra rằng cần khoảng 1.000 tỷ USD để tăng số lượng robot công nghiệp từ 10 triệu lên 25 triệu, và cần thêm khoảng 200-4.000 tỷ USD để tăng lượng robot dịch vụ lên 2,5-2,8 triệu con. Như vậy từ nay đến năm 2025, lượng robot bán ra mỗi năm phải tăng 25-30%, nghĩa là cao hơn nhiều so với mức tăng hằng năm trong hai thập niên gần đây (ngoại trừ giai đoạn 2010-2011).
Bên cạnh đó, báo cáo của McKinsey gần như không hề tính đến yếu tố khủng hoảng kinh tế ở các nước phương Tây khiến kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển giảm đáng kể. Trong khi đó, giá nhân công lao động trẻ và lao động nhập cư lại rẻ. Vậy tại sao trong bối cảnh như vậy, các công ty lại muốn vội vàng đổ tiền vào các máy móc đòi hỏi chuyên môn cao và thay đổi các quy trình sản xuất? Một công ty có thể mua 1.000 robot chỉ với 15.000 USD/con nhưng để xây dựng một đơn vị sản xuất xoay quanh các robot này thì tốn thêm 10 lần số tiền đó.
Nhiều nhà chuyên môn có uy tín tin rằng việc ứng dụng robot ngày càng rộng rãi sẽ làm tăng phân hóa về thu nhập trong xã hội: những người lao động phổ thông sẽ mất việc trong khi những ông chủ tư bản ngày càng giàu lên. Tuy nhiên, họ lại không để ý đến những số liệu cụ thể. Vào năm 2012, lượng bán robot công nghiệp ở Bắc Mỹ đạt con số kỷ lục 22.598 con. Giả sử một cách hào phóng rằng, mỗi robot sẽ thay thế công việc của 10 người lao động, thì với số công việc được tạo ra mỗi năm ở Mỹ1 là 2,1 triệu và ở Canada2 là 250.000 thì lượng công việc biến mất do robot trong cả năm 2012 cũng chỉ tương đương với số lượng công việc mới được sản sinh ở Bắc Mỹ mỗi tháng.
Do đó, tranh luận về việc robot sẽ cướp mất công việc của người lao động là vô nghĩa khi nguyên nhân tạo ra hay làm biến mất các công việc không phải nằm ở bản thân robot, dù chúng có tinh vi đến đâu chăng nữa, mà chính ở thái độ chấp nhận nó của mọi người và nhịp độ tích lũy tư bản trong nền kinh tế. Và hiện nay, hai yếu tố này không hề có lợi cho sự phát triển của robot.
Trên bình diện quốc tế, không có bất kỳ xu hướng nào cho thấy sự ứng dụng nhanh chóng của robot: ở Hàn Quốc, các robot giám sát và an ninh của Samsung Techwin ngày đêm tuần tra dọc khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên; Tập đoàn Công nghệ Foxconn của Đài Loan có 20.000 robot và dự kiến sẽ có thêm một triệu con nữa. Tuy vậy, trong cả năm 2011 và 2012 thì chỉ có 160.000 robot công nghiệp được bán trên toàn thế giới, và doanh số bán robot hằng năm từ năm 2002-2012 trung bình chỉ tăng có 9%. Đó đúng là một mức tăng ấn tượng, nhưng mới bằng 1/3 mức tăng mà bản báo cáo của McKinsey đòi hỏi cho viễn cảnh 2025 của mình.
Từ lâu, robot đã nằm trong trí tưởng tượng phong phú của con người, và trí tưởng tượng này phóng đại những lo ngại chưa từng thấy về sự xuất hiện và phát triển của robot. Nhiều người sợ rằng tai họa robot như trong các phim khoa học viễn tưởng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, những tiến bộ trong lĩnh vực này còn bị giới hạn rất nhiều.
Nguồn: Theo bài viết của James Woudhuysen, giáo sư Dự báo và Đổi mới tại Đại học De Montfort, Leicester, Anh:
http://www.spiked-online.com/newsite/article/the_robots_are_coming_but_not_
fast_enough/13809#.VHc8-zGUc0z
—
Đọc thêm:
“Sếp của tôi là một cái máy tính”
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&News=8198&CategoryID=7
—
1Theo số liệu của cục thống kê lao động Mỹ năm 2014
2Theo số liệu của cơ quan thống kê Canada năm 2013