Ebola gia tăng mạnh ở Congo do tình trạng bạo lực

Số người mắc tăng gấp đôi và đã lên tới 2000 người chỉ trong hai tháng qua tại Cộng hòa Nhân dân Congo, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).


Một nhân viên y tế của WHO ở Congo.

2.008 người đã bị nhiễm Ebola ở các tỉnh Bắc Kivu và Ituri của nước này kể từ khi bệnh dịch bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 7 năm 2018 và 1.346 trong số họ đã tử vong.  Cuộc khủng hoảng y tế này được coi là bắt đầu kể từ khi số người mắc vượt con số 1.000 người vào ngày 24 tháng 3.

“Tôi thực sự rất lo lắng”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO  trả lời phỏng vấn tờ Nature và cho rằng đây là sự thất bại trong việc chống dịch bùng phát. Và việc này càng trở nên tồi tệ vào năm nay.

Congo đang không đủ khả năng kiểm soát tình trạng bệnh dịch hiện nay. “Mặc cho những nỗ lực rất lớn của WHO trong việc ngăn chặn dịch bệnh, các xu hướng truyền nhiễm đã có diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây”, trích báo cáo của ủy ban nghiên cứu độc lập giám sát hoạt động của WHO trong Hội nghị Y tế Thế giới ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 21 tháng năm vừa qua. Ủy ban này tin tưởng vào năng lực của WHO nhưng  họ cũng đồng thời bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhân viên y tế kiệt sức và khó khăn khi phải giải quyết dịch bệnh trong tình trạng xung đột tại đây. 

Bạo lực gia tăng

Tình trạng xung đột bạo lực đã diễn ra hàng thập kỷ qua tại khu vực Bắc Kivu – nơi tập trung hàng chục nhóm vũ trang của các cộng đồng phản đối chính phủ. Căng thẳng chính trị càng gia tăng vào cuối năm ngoái trong cuộc bầu cử, khi nguyên tổng thống Congo, đã không cho phép hơn một triệu người ở Bắc Kivu bỏ phiếu vì  nơi đây có dịch Ebola. Hành động này khiến nhiều người cho rằng, đó chỉ là một biện pháp của chính phủ để  ngăn cản phe đối lập nổi dậy, chứ không thực sự là nguyên nhân từ dịch bệnh. 

Nhưng chính quyền không thể giải quyết được dịch bệnh khi người dân nghi ngờ ý định của họ. Chẳng hạn, các phản ứng viên của WHO, nhân viên y tế phải thuyết phục người dân đến các trung tâm y tế để điều trị và nhận vaccine Ebola thử nghiệm. Trong khi đó, nhiều người vẫn nghi ngờ dịch bệnh Ebola đang lan rộng và thậm chí có một số người còn tấn công nhân viên y tế. 

WHO cho biết đã có 174 cuộc tấn công vào các cơ sở hoặc nhân viên chăm sóc y tế  ở Bắc Kivu đến thời điểm này trong – tăng gấp ba lần so với năm tháng cuối năm 2018. Tình trạng này  gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh – khi không thể theo dõi được tình trạng diễn biến bệnh tật của những người đã nhiễm bệnh và tình trạng phơi nhiễm có thể gia tăng mà chính phủ không thể nắm bắt được. Một tuần sau vụ một nhà dịch tễ học của WHO bị giết trong tháng tư vừa qua, có tới hơn 70% số người được chẩn đoán là mắc bệnh Ebola mà trước đó không hề được đưa vào danh sách theo dõi  là đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh. 

Tình trạng này cũng có dấu hiệu giảm đi khi WHO đang nỗ lực tìm kiếm thông tinv ề những người đã mắc bệnh và gặp gỡ lãnh đạo các cộng đồng, nhưng  vẫn chưa rõ ràng. Tarik Jašarević, một nhân viên truyền thông của WHO ở Geneva, nhấn mạnh nỗ lực của các phản ứng viên . “Trung bình, các đội  giám sát bệnh dịch của chúng tôi cần phải cố gắng tiếp cận 20.000 người mỗi ngày”, anh nói, “và không phải lúc nào cũng dễ dàng làm được điều này, đặc biệt là khi bạo lực nổ ra”.

Bảo Như dịch

Nguồn tin và ảnh: https://www.nature.com/articles/d41586-019-01735-0

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)