ESA chuẩn bị gom rác vũ trụ
Con người tạo ra nhiều rác trên vũ trụ, đó là các vệ tinh, các bộ phận của tên lửa, tàn dư của tầu thăm dò vũ trụ cũng như trạm vũ trụ. Do đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ chi 120 triệu Euro để thu gom rác vũ trụ.
Vệ tinh của sứ mệnh không gian “ClearSpace-1” (đồ hoạ): Bốn cánh tay để thu gom các mảnh vỡ, đưa chúng trở lại bầu khí quyển, đốt cháy chúng
Hãy tưởng tượng, những rác thải từ những sứ mệnh chinh phục không gian lao nhanh như những viên đạn xung quanh trái đất và ngày càng trở thành nguy cơ gây tai nạn cho các chuyến bay lên vũ trụ. Những cuộc va chạm như thế giữa các rác thải vũ trụ và Trạm vũ trụ quốc tế ISS cũng như các vệ tinh khác đã diễn ra. Vì thế, Cơ quan Không gian Châu âu ESA lên kế hoạch đầu tiên để thu gom và tiêu hủy chúng. Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của những nhân vật chủ chốt.
ESA cho hay, tuy kế hoạch “ClearSpace-1” sẽ khởi động vào năm 2025 với sự tham gia của một startup của Thuỵ Sỹ mang tên ClearSpace nhưng công việc chuẩn bị đã được bắt đầu từ tháng 3.2019. Các chuyên gia làm việc tại Bộ phận Điều hành không gian châu Âu (European Space Operations Centre ESOC) ở Darmstadt được ESA trao nhiệm vụ quản lý dự án trị giá 120 triệu Euro này.
Ý tưởng của dự án là hình thành một tầu không gian với bốn cánh tay có khả năng thu gom một phần của tên lửa ESA cũ rồi đưa chúng vào bầu khí quyển trái đất để chúng tự bốc cháy. Sau này, các tàu vũ trụ đi theo quỹ đạo sẽ thu gom được nhiều mảnh vỡ lớn hơn. “Đây là một loại công việc với nhiều điều mới lạ mà chúng ta nhất thiết phải thực hiện”, Jan Wörner, giám đốc ESA cho hay.
Một trong những lý di khiến ESA muốn thúc đẩy kế hoạch này là trong những năm tới, số lượng vật thải trên vũ trụ sẽ ngày càng nhiều, ví dụ riêng Elon Musk với doanh nghiệp SpaceX dự kiến sẽ phóng lên vũ trụ 42.000 vệ tinh. Các quốc gia dự định thành lập các dự án quân sự trên vũ trụ. Hàng trăm thậm chí hàng nghìn tàu vũ trụ sẽ được phóng lên quỹ đạo trái đất, Luc Piguet, giám đốc ClearSpace của Thuỵ sỹ đã cảnh báo như vậy.
Đụng độ với tốc độ tới 40.000 km/giờ
Việc phóng các tàu vũ trụ và vệ tinh lên không gian cũng tạo ra rác thải vũ trụ. Nguồn: Nasa
Vấn đề là có thể có những vật thể từ vũ trụ lao xuống trái đất hay đụng độ nhau ngay trong vũ trụ với sức công phá cực kỳ lớn. Theo dự báo của ESA, một khi các vật thể va chạm nhau ở vận tốc lên tới 40.000 km/giờ thì chúng sẽ tạo thành muôn vàn mảnh vỡ lao xuống trái đất. Các cuộc tập dượt tránh va chạm như vậy đã trở thành công việc hàng ngày của hoạt động trên vũ trụ.
Hiện chưa có luật quy định về việc phải thu gom các loại vật thể trong vũ trụ, tuy nhiên “đây là một vấn đề về đạo lý”, Wörner nhận xét. Ông đưa ra yêu cầu: trong tương lai, ai muốn phóng một vệ tinh lên vũ trụ phải chứng minh hoặc vệ tinh đó sẽ tự động quay trở lại và bốc cháy, hoặc phải ký một hợp đồng với một doanh nghiệp về việc thu hồi vệ tinh đó, hoặc phải đặt cọc một khoản tiền đủ để chi trả cho việc tiêu hủy nó.
Wörner tin rằng, với dự án thu gom phế thải này Esa sẽ tạo ra một thị trường mới trong tương lai. Vũ trụ sẽ được xử dụng ngày càng nhiều cho nhiều mục đích khác nhau – thí dụ để thu thập dữ liệu cung cấp cho thiết bị định hướng (Navigationsgeräte). Bảo vệ hạ tầng này có giá trị lớn.
Sứ mạng được dự kiến có nhiều triển vọng để thực hiện vì ngân sách mới được thông qua của Esa đạt mức kỷ lục. 22 quốc gia thành viên hồi tháng 11 vừa qua đã bất ngờ thông qua việc tăng mạnh ngân sách cho Esa trong năm năm tới – lên 14,4 tỷ Euro. Riêng Đức đã nâng khoản tài chính đóng góp từ 1,9 lên 3,3 tỷ và là thành viên có mức đóng góp lớn nhất.
Xuân Hoài dịch