Exoskelett giúp người bại liệt đi lại

Khi tiếng còi khai cuộc nổi lên vào ngày 12/6 tại World Cup - Brazil thì đây không chỉ là một ngày hội lớn của thể thao thế giới mà còn là niềm vui của một chàng trai bị liệt từ hông trở xuống, người sẽ tự mình tiến ra sân cỏ và khởi động trái bóng đầu tiên của giải. Một bộ xương bên ngoài như giá đỡ toàn thân được điều khiển bởi luồng suy nghĩ của chính anh tạo nên sự kỳ diệu này.

Để điều khiển bộ xương bên ngoài, có tên gọi là Exoskelett, bằng sức mạnh của luồng suy nghĩ của đương sự thì người tham gia thí nghiệm phải đội một cái mũ cứng gắn với những điện cực không dây. Những điện cực này tạo ra cái gọi là điện não đồ, nghĩa là đo hoạt động điện năng của bộ não trên bề mặt của đầu. Từ đó có thể xác định một cách chính xác tại vị trí nào của bộ não hình thành các xung vận động. Điện cực dẫn các xung này tới computer được gắn trong bộ khung xương bên ngoài bằng cách này bộ não ra lệnh cho máy vận động.

Các nhà nghiên cứu còn tiến thêm một bước nữa: Nhóm nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (EPFL) đã phát triển các cảm biến có chức năng tương tự như da người, qua đó người bị liệt không những thực hiện được các vận động mà thậm chí còn cảm nhận được chúng: “Các cảm biến tạo ra sự rung động. Sự rung động này giúp cho con người có cảm giác chạm mặt đất, chân đang vận động và đụng vào trái bóng.”

Tuy nhiên, theo nhà sinh học thần kinh hàng đầu Niels Birbaumer thuộc Đại học Tübingen, “Để có thể điều khiển cỗ máy này hoạt động thật sự chắc chắn thì đáng ra người ta phải cấy các điện cực trực tiếp lên màng não, tuy nhiên điều này sẽ ngay lập tức làm nổ ra các cuộc tranh luận về đạo đức và đối với khoa học thì điều này lợi bất cập hại.”

Ngoài ra còn nẩy sinh câu hỏi, liệu phát minh này có làm cho hàng triệu người khuyết tật nuôi hy vọng, trong khi điều này còn rất mong manh, ít ra là còn quá sớm vào thời điểm này.

Thoạt đầu Exoskelett được nghiên cứu vì mục đích quân sự, nhằm tăng cường sức mạnh cũng như tính cơ động của người lính lên gấp bội.

Một vài nhà nghiên cứu tham gia dự án Walk Again từng nhận được tài trợ hậu hĩnh của DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency), một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, tuy nhiên Dự án Walk Again không nhận được tài trợ kiểu này. Gordon Cheng thuộc Đại học Kỹ thuật München, một trong những người phụ trách dự án, khẳng định: Dự án này thuộc một tổ chức phi lợi nhuận và có sự tham gia của khoảng 200 nhà khoa học thuộc sáu viện nghiên cứu quốc tế kể từ năm 2008.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)