Frank Kameny – chiến sĩ của những dải cầu vồng

Một trong những giao điểm quan trọng của lịch sử thiên văn học hiện đại và lịch sử LGBT chính là sự việc quân đội Hoa Kỳ sa thải Frank Kameny vào năm 1957. Từ một nhà thiên văn học vừa mới tốt nghiệp bằng Tiến sĩ từ Đại học Harvard, Kameny đã bị đuổi việc vì xu hướng tính dục của mình, để rồi bắt đầu đấu tranh và đi tiên phong cho phong trào vì quyền lợi của những người đồng tính ở nước Mỹ. Nhân dịp Tháng Tự hào (Pride Month) của cộng đồng LGBT (hay chính xác hơn là LGBTQ+), hãy cùng nhìn lại cuộc đời của Frank Kameny, một nhà hoạt động vừa có tầm ảnh hưởng vừa để lại di sản quan trọng trong lịch sử thế kỷ XX.


Frank Kameny tại buổi diễu hành của cộng đồng LGBTQ+ tại Washington, D.C. năm 2009. Ảnh: David B. King/Flickr

Nhà thiên văn học có triển vọng

Franklin Edward Kameny chào đời vào ngày 21/5/1925, trong một gia đình người Do Thái Ashkenazi ở quận Queens, thành phố New York. Năm 7 tuổi, Kameny bắt đầu đam mê thiên văn học, và đến tuổi vị thành niên thì thừa nhận với cha mẹ rằng mình theo chủ nghĩa vô thần. Năm 1941, chàng trai Kameny 16 tuổi bắt đầu theo học ngành Vật lý tại trường Cao đẳng Queens thuộc Đại học thành phố New York, nhưng chưa học xong thì phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc và phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chiến tranh kết thúc, Kameny về Queens học tiếp và tốt nghiệp bằng Cử nhân môn Vật lý năm 1948. Ông nhanh chóng theo học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Harvard, nơi ông nghiên cứu các sao biến quang dưới sự hướng dẫn của giáo sư Cecilia Payne-Gaposchkin, nhà thiên văn nữ đã phát hiện ra rằng thành phần hóa học của các ngôi sao chủ yếu là hydro và heli. 

Nghiên cứu sao biến quang của Kameny đòi hỏi các quan sát có độ chính xác cao. Chính vì vậy, sau khi nhận được sự đồng thuận của ban điều hành Đài thiên văn Steward tại thành phố Tucson, Arizona, ông đã chuyển tới sống giữa vùng đất sa mạc lạ lẫm này trong thời gian một năm. Tại đây, song song với việc phân tích dải quang phổ của các ngôi sao biến quang, nhà thiên văn học nay đã 29 tuổi mới bắt đầu mối tình đầu tiên với một người yêu đồng giới, và có những trải nghiệm đầu tiên tại hộp đêm của người đồng tính. Kết thúc quãng thời gian mà sau này Kameny gọi là “một mùa hè hoàng kim” (a golden summer), ông rời khỏi Tucson với tất cả những dữ liệu cần thiết để hoàn thành luận án tiến sĩ, cũng như là một sự chắc chắn về tình cảm của mình dành cho nam giới. Trên đường trở về Harvard, ông bị cảnh sát mặc thường phục bắt tại một trạm xe buýt ở San Francisco, ngay sau khi những viên cảnh sát này chứng kiến một người đàn ông lạ mặt chạm vào Kameny. Cuối cùng, cảnh sát San Francisco chỉ cho ông án treo ba năm và hứa sẽ xóa án tích, nghĩa là Kameny không cần phải lo rằng lý lịch tư pháp của mình sẽ ảnh hưởng tới cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, ông chỉ tiếp tục quay lại Harvard, nơi mà vào tháng 5/1956, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ mang tên: “Một nghiên cứu quang điện về một số sao biến quang vàng bán đều đặn và sao biến quang bán đều đặn loại RV Tauri” (A Photoelectric Study of Some RV Tauri and Yellow Semiregular Variables).

Tốt nghiệp bằng Tiến sĩ từ Đại học Harvard, Kameny chuyển đến sống tại thủ đô Washington, D.C., nơi ông giảng dạy tại Đại học Georgetown trước khi được tuyển vào Sở Bản đồ Quân đội Hoa Kỳ vào tháng 7/1957. Quân đội Hoa Kỳ rất sẵn lòng tuyển dụng các nhà thiên văn, bởi cách duy nhất để đo khoảng cách giữa các châu lục và vẽ bản đồ địa hình vào thời điểm đó là thông qua việc so sánh độ che khuất Mặt trăng (lunar occultation) từ các đài quan sát khác nhau. Đến tháng 10, trong khi Kameny đang ở Hawaii để làm công tác thực địa, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 lên quỹ đạo, đưa cuộc chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô lên một tầm cao mới. Kameny đang vui mừng vì các cơ hội việc làm mới có khả năng sẽ đến tay mình thì bỗng nhiên bị triệu tập về thủ đô để Ủy ban Công vụ Hoa Kỳ chất vấn. Trong một cuộc trao đổi ngắn, đại diện của chính phủ nói rằng họ có bằng chứng cho thấy Kameny là người đồng tính, và từ chối tiết lộ thông tin cụ thể khi bị ông gặng hỏi. Không lâu sau, Kameny bị sa thải. Trong khi ông tìm cách kháng cáo, nhà khoa học Wernher von Braun đại diện cho quân đội Hoa Kỳ xuất hiện trên vô số kênh truyền thông, đề nghị các nhà khoa học Mỹ góp sức thành lập một cơ quan vũ trụ quốc gia để đối chọi với Liên Xô. Hai thập kỉ trước, Wernher von Braun vừa là kĩ sư chính trong chương trình vũ khí hạt nhân của Phát xít Đức, vừa là kẻ phát minh ra những quả tên lửa V-2 đã hủy diệt bao nhiêu thành phố châu Âu khi Kameny còn đang tham chiến ở đó. Việc một người có quá khứ tồi tệ đến vậy lại được Chính phủ Mỹ chào đón và cử làm đại diện trước công chúng, trong khi ông thì bị đuổi việc vì là người đồng tính đã khiến cho Kameny cảm thấy mình bị đối xử bất công. Bức thư sa thải mà ông nhận được vào ngày 20/12/1957 càng làm củng cố niềm tin đó, vì kể từ đây, ông biết rằng Chính phủ Mỹ sẽ chẳng bao giờ tuyển dụng mình nữa.


Kameny khi còn là một nhà thiên văn học. Ảnh: Kameny Papers, Library of Congress

“Gay is Good”

Quyết định sa thải Frank Kameny thực chất chỉ là một trong các trường hợp Chính phủ Mỹ kỳ thị người đồng tính vào lúc đó. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, chính trường Hoa Kỳ vừa ở trong một “Cuộc khủng hoảng đỏ” (Red Scare) khi mà bất kì ai bị nghi là ủng hộ chủ nghĩa cộng sản đều bị đuổi việc, lại vừa ở trong một tình thế mà các nhà sử học sau này gọi là “Cuộc khủng hoảng oải hương” (Lavender Scare), khi những người bị nghi là người đồng tính cũng bị sa thải khỏi các cơ quan trực thuộc chính phủ. Trên giấy tờ, Chính phủ Mỹ bảo rằng họ cần sa thải những người bị nghi là đồng tính bởi việc những người này không công khai xu hướng tính dục khiến họ dễ bị tống tiền, và từ đó trở thành mối nguy hại đối với an ninh quốc gia. Nhưng trên thực tế, một lý do ít được viện dẫn hơn xuất phát từ các tư tưởng cánh hữu đang rầm rộ ở Mỹ lúc bấy giờ, trong đó tình yêu đồng giới bị coi là hiểm họa đối với gia đình, đối với đất nước và cả văn minh phương Tây. Năm 1952, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ tuyên bố rằng đồng tính luyến ái là một rối loạn tâm thần, và một năm sau, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký Sắc lệnh 10450, chính thức cấm người đồng tính vào làm việc trong chính quyền liên bang và cho phép các ban quản lý sa thải bất cứ nhân viên nào mà họ muốn nếu có bằng chứng rằng nhân viên này là người đồng tính. Tương tự như Frank Kameny, hàng nghìn người đã mất việc và rơi vào cảnh nghèo túng. Một số người trong số đó đã tự kết liễu đời mình.

Ngay sau khi bị đuổi việc, Kameny đã tìm cách kháng cáo ở khắp mọi nơi. Ông nhờ bạn bè chứng minh mình là một người ngay thẳng và sẽ chẳng bao giờ có tư tưởng phản quốc. Hàng loạt các bức thư được gửi tới từ các đồng đội thời chiến, cùng các đồng nghiệp trong ngành thiên văn như Harlow Shapley – người đầu tiên ước tính kích thước của dải Ngân Hà và xác định vị trí của Mặt Trời ở trong đó. Để được hỗ trợ pháp lý, ông cũng liên lạc với Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), tổ chức nhân quyền đã hỗ trợ và đại diện cho các nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc và của Cuộc khủng hoảng đỏ bấy lâu nay. Ông liên lạc với luật sư của tổ chức này và cùng lập kế hoạch: nếu như Kameny có thể chứng minh mình là một người đồng tính công khai có đạo đức tốt, Chính phủ Mỹ buộc sẽ phải hủy bỏ các bản án liên quan đến sự “suy đồi” mà họ đã gán cho ông, và bản thân việc ông công khai xu hướng tính dục cũng có nghĩa là chẳng ai có thể tống tiền ông cả, nên chính phủ không thể coi ông là mối nguy hại tới an ninh quốc gia. Ba năm sau, vụ kiện ngược của ông tới tận Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, song đến năm 1961 thì bị bãi bỏ.

Kiện tụng thất bại, Kameny cùng nhà văn đồng tính Jack Nichols thành lập chi nhánh ở Washington, D.C. của Hội Mattachine (Mattachine Society), một hội đấu tranh vì quyền của người đồng tính với cơ cấu tổ chức mô phỏng theo Đảng Cộng sản Hoa Kỳ. Ngày 17/4/1965, Hội Mattachine ở D.C. lãnh đạo một trong những cuộc biểu tình đầu tiên của người đồng tính nam và đồng tính nữ trước cửa Nhà Trắng. Với sự giúp đỡ từ khắp bờ Đông nước Mỹ, một chuỗi các cuộc biểu tình do Kameny dẫn đầu nhanh chóng lan sang các địa điểm khác như Lầu Năm Góc, trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, hay thậm chí là trụ sở của Ủy ban Công vụ Hoa Kỳ – cơ quan chính phủ đã điều tra và đuổi việc Kameny vài năm về trước. Vào năm 1968, Kameny sáng tạo ra khẩu hiệu “Gay is Good” (tạm dịch: Đồng tính thật tốt), lấy cảm hứng từ khẩu hiệu “Black is Beautiful” (tạm dịch: Da đen thật đẹp) của nhà hoạt động xã hội Stokely Carmichael. Giờ đây, cuộc đấu tranh vì quyền của người đồng tính do Kameny lãnh đạo diễn ra song song với phong trào dân quyền của người Mỹ da đen và phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam. Theo sau các cuộc bạo loạn tại quán rượu Stonewall vào mùa hè năm 1969, vấn đề quyền của người đồng tính càng được thảo luận nhiều. Ngày 15/12/1973, dưới sức ép của Kameny và các nhà hoạt động khác, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ chính thức xóa bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách các rối loạn tâm thần. Nghe tin này, Kameny đã nói: “Chúng tôi đã được các nhà tâm thần học chữa tập thể” (“We were cured en masse by the psychiatrists”).


Kameny nói chuyện với người qua đường trước Tòa nhà Độc Lập ở Philadelphia vào ngày Quốc khánh Mỹ năm 1965. Ảnh: New York Public Library

Mâu thuẫn tư tưởng

Bất chấp thành công của Kameny, một số vết nứt về mặt tư tưởng nhanh chóng xuất hiện trong cuộc đấu tranh, như một minh chứng rằng ngay cả khi cùng chí hướng, các cộng đồng bên lề xã hội (marginalized communities) cũng không phải là các thể thống nhất. Ngay từ những ngày đầu của Hội Mattachine, Kameny đã bị chỉ trích vì đưa ra các quy định trang phục gò bó: nam thì phải cạo râu, cắt tóc ngắn và mặc com lê ca vát, còn nữ thì phải mặc váy. Theo nhiều người cùng thời, Kameny theo chủ nghĩa tuân thủ (conformism) và cố gắng khiến người đồng tính trông “tử tế” trong mắt người dị tính bằng cách đồng hóa họ vào các khuôn mẫu độc hại về việc đàn ông hay phụ nữ phải ứng xử thế nào. Điều này không những tiếp tay cho các khuôn mẫu này ăn sâu vào xã hội, mà còn áp đặt lên người đồng tính các tiêu chuẩn mà họ khó lòng thỏa mãn được, bởi nếu cuộc đời họ và người mà họ yêu đều khác hẳn với những người dị tính, làm sao mà họ sống được dưới các tiêu chuẩn về hành vi và lối sống mà xưa nay đã kìm hãm cả những người dị tính? Cuộc tranh cãi nên hay không nên thách thức các tiêu chuẩn vốn có là một chuyện muôn thuở trong các cộng đồng bên lề xã hội, và trong tổ chức của Kameny, đây không phải là cuộc tranh cãi duy nhất.

Do sự chủng tộc hóa (racialization) nặng nề của xã hội Hoa Kỳ, Frank Kameny sống và trải nghiệm cuộc đời như một người đàn ông da trắng. Chính vì thế, ngay cả khi ông cùng chí hướng, cùng tham gia một cuộc đấu tranh với những người đồng tính da màu, trải nghiệm như một người da trắng của ông cũng sẽ tác động tới khả năng đoàn kết trong nội bộ phong trào đấu tranh vì quyền đồng tính. Dù bản thân Kameny không phải một người phân biệt chủng tộc và ra sức ủng hộ phong trào dân quyền của những người Mỹ gốc Phi, sự phân biệt chủng tộc vẫn xảy ra trong Hội Mattachine ở D.C. khi ông chịu trách nhiệm lãnh đạo tổ chức này. Khi một người đàn ông da đen duy nhất tới tham dự một buổi gặp mặt của Hội Mattachine, đa số các thành viên da trắng sinh nghi, hoặc là cho rằng người này đang đột nhập vào tổ chức, hoặc là vu khống người này là gián điệp của chính phủ. Chính Kameny cũng nhận thấy điều này: trong các bài phỏng vấn sau này, ông đã kể lại sự bối rối của mình khi gần như lúc nào cũng chỉ thấy “một biển các khuôn mặt da trắng” tham dự các buổi gặp mặt giữa một thành phố “gần 2/3 là người da đen”. Có lẽ điều duy nhất mà Kameny không nhận ra là chính các lối nói, các cách tranh luận và đặt vấn đề của ông đã góp phần đẩy những người da màu ra xa khỏi tổ chức, bởi trong rất nhiều các bài phát biểu của mình, Kameny đã tuyên bố rằng người đồng tính nay đã “thay thế” người da đen để trở thành cộng đồng bị kỳ thị nhất nước Mỹ. Theo nhà sử học Kent W. Peacock, những luận điểm như thế không chỉ liên hệ đồng tính luyến ái với một mình người da trắng và lờ đi sự tồn tại của người đồng tính da màu, mà còn cố gắng đối xử với chủng tộc và xu hướng tính dục như thể chúng có ảnh hưởng riêng biệt đối với trải nghiệm thường ngày của một người. Có thể kết luận rằng, hướng đấu tranh của Kameny thiếu cái mà giáo sư luật Kimberlé Crenshaw gọi là “tính giao thoa” (intersectionality) – sự xem xét đồng thời các tác động của giới, chủng tộc, xu hướng tính dục, địa vị xã hội, v.v. lên cuộc đời của mỗi cá nhân. 

Sau các cuộc bạo loạn Stonewall năm 1969, trong đó cuộc đấu tranh vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) được lãnh đạo bởi những người da màu như Marsha P. Johnson, các tổ chức như Hội Mattachine ở D.C. bắt đầu rơi vào quên lãng, bởi những người LGBT trẻ tuổi cảm thấy phong trào vì quyền bình đẳng cần phải có tính cách mạng và sẵn sàng thách thức các khuôn mẫu của xã hội hơn. Sang những năm 1970, ngay cả việc Kameny giúp xóa bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách các rối loạn tâm thần cũng không giúp tổ chức của ông được nhiều người ủng hộ trở lại, và cuộc đấu tranh của Kameny cũng chuyển từ biểu tình ở nơi công cộng sang đóng góp sửa đổi luật và kiến nghị lên các chính trị gia. Ngày 26/3/1977, ông cùng một số nhà hoạt động khác được mời đến buổi thảo luận đầu tiên ở Nhà Trắng về vấn đề quyền đồng tính.

Di sản của một nhà tiên phong

Frank Kameny dành những năm cuối đời của mình tại khu dân cư Palisades ở Washington, D.C., ngay bên cạnh Đại học Georgetown nơi ông từng giảng dạy. Ông thường xuyên viết thư kiến nghị về các vấn đề liên quan tới quyền đồng tính, và nhận làm khách mời cho rất nhiều chương trình vì quyền LGBT trên khắp nước Mỹ. Ngày 29/6/2009, Giám đốc Văn phòng Quản lý Nhân sự – cơ quan hậu thân của Ủy ban Công vụ – thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ gửi lời xin lỗi chính thức tới Kameny và trao cho ông giải thưởng danh giá nhất của họ. Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ (AAS) cũng dự kiến vinh danh và trao giải cho ông trong một buổi lễ long trọng, nhưng vào ngày 11/10/2011, Kameny qua đời vì xơ vữa động mạch, nên khi buổi lễ được tổ chức vào tháng 1/2012, một người bạn thân của ông lên nhận giải thay cho nhà thiên văn học quá cố. Tháng bảy năm đó, tên ông được Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) đặt cho một tiểu hành tinh nằm ở giữa quỹ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc.
Dù sự nghiệp thiên văn học của ông bị cắt ngắn bởi sự kỳ thị mang tính hệ thống, cuối cùng Frank Kameny vẫn vươn lên để trở thành một nhà tiên phong trong công cuộc giành quyền của người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBTQ+ nói chung. Trong suốt thời gian vận động cả trên chính trường lẫn trong cộng đồng, không một lần nào Kameny tỏ ra xấu hổ hay tủi nhục vì xu hướng tính dục của mình. Theo nhà sử học Eric Cervini, Kameny “đã phát minh ra khái niệm ‘kiêu hãnh đồng tính’ (gay pride) như một hành động phản kháng về mặt pháp lý.” Những thành công của Kameny để lại tiếng vang trong lịch sử LGBTQ+, và những thất bại trong cuộc đấu tranh của ông – từ xu hướng tuân thủ đến sự thiếu tính giao thoa – không chỉ phản ánh bối cảnh xã hội khi ông sinh ra và lớn lên, mà còn đặt vấn đề cho các thế hệ nhà hoạt động vì quyền LGBTQ+ sau này, những người đã và đang nỗ lực nhận được sự công nhận về mặt pháp lý và xã hội rằng họ cũng là một phần của thế giới đa sắc này như bao người khác.□

Cervini, E. (2019), The Proud Plaintiff: The Mattachine Society of Washington, the American Civil Liberties Union, and the Invention of Gay Pride, 1957-1969 (Doctoral thesis).
Crenshaw, K. (1989), “Demarginalizing the Intersection of Race and Sex: A Black Feminist Critique of Anti-discrimination Doctrine, Feminist Theory and Antiracist Politics”, University of Chicago Legal Forum, 140, pp. 139-167.
Peacock, K. W. (2016), “Race, the Homosexual, and the Mattachine Society of Washington, 1961–1970”, Journal of the History of Sexuality, 25(2), pp. 267-296.
Shibusawa, N. (2012), “The lavender scare and empire: Rethinking Cold War antigay politics”, Diplomatic History, 36(4), pp. 723-752.
Stenhoff, M. (2020), “From astronomy to activism”, Astronomy & Geophysics, 61(5), pp. 31-33.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)