Gần 2/3 thực phẩm trong siêu thị ở Mỹ không tốt cho sức khỏe trẻ em
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, 60% trong số 651 loại thực phẩm dành cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi của 10 siêu thị ở Mỹ không đáp ứng được các khuyến nghị dinh dưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong tất cả các sản phẩm được khảo sát, 70% không đáp ứng hướng dẫn của WHO về hàm lượng protein và 25% không đáp ứng khuyến nghị về lượng calo. Ngoài ra, một phần năm sản phẩm có hàm lượng muối vượt quá giới hạn được WHO đề xuất.
TS. Elizabeth Dunford (Đại học Bắc Carolina), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết 1/4 sản phẩm được khảo sát chứa chất tạo ngọt ẩn/bổ sung, với 44% thực phẩm có tổng lượng đường vượt quá khuyến nghị của WHO.
Doanh số bán túi thực phẩm cho trẻ em (túi đựng thức ăn nghiền nhuyễn dành cho trẻ em) đã tăng 900% ở Mỹ trong 13 năm qua. TS. Mark Corkins, Chủ tịch Ủy ban Dinh dưỡng của Học viện Nhi khoa Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, cho biết nhu cầu sử dụng túi thực phẩm ngày càng tăng. Tuy nhiên, “những túi thực phẩm này rất đáng lo ngại”.
“Trẻ em phải học nhai, vì vậy trẻ nên ăn trái cây tươi, không phải những thứ đã được nghiền và làm ngọt trong túi”, ông nói. “Những hỗn hợp này thường không tự nhiên và ngọt hơn rất nhiều so với trái cây thật, vì vậy trẻ em đang được dạy chỉ thích những thứ siêu ngọt”.
Ngoài ra còn có vấn đề về kết cấu thức ăn cho trẻ cần theo độ tuổi. “Các bậc cha mẹ nên cho trẻ làm quen dần với các kết cấu thực phẩm khác nhau trong giai đoạn từ sáu tháng đến một năm”, TS. Corkins nói. “Nếu không, trẻ có thể ghét các loại thực phẩm khác và từ chối ăn bất cứ thứ gì trừ các loại thực phẩm mềm, nghiền nhuyễn”.
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng các khuyến nghị về dinh dưỡng và quảng cáo đối với thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được sản xuất thương mại năm 2022 do Văn phòng Khu vực châu Âu của WHO đề xuất. Khuyến nghị này là một trong những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng hỗn loạn về hướng dẫn dinh dưỡng thức ăn cho trẻ em đang diễn ra trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ. Theo TS. Dunford, các quốc gia chưa quy định cụ thể về thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng ở châu Âu, Vương quốc Anh, New Zealand và Úc, đã có các quy định rộng hơn về cách liệt kê các thành phần trên bao bì.
Ví dụ, nếu một thực phẩm mặn được làm từ 10% rau chân vịt, 8% thịt bò và 2% khoai tây, với phần lớn còn lại là táo hoặc lê – thường được sử dụng như chất tạo ngọt trong thực phẩm cho trẻ em – tên của sản phẩm ở các quốc gia đó sẽ là “Bánh lê, rau chân vịt, thịt bò và khoai tây”, bà nói. Các nhà sản xuất ở các quốc gia đó cũng phải nêu rõ tỷ lệ % trên nhãn. “Tuy nhiên, ở Mỹ không có quy định như vậy, vì vậy sẽ khó hơn để biết những gì có trong các sản phẩm bạn mua”.
Nghiên cứu cho thấy 99,4% sản phẩm được khảo sát chứa ít nhất một tuyên bố tiếp thị bị cấm theo khuyến nghị của WHO. Các tuyên bố phổ biến bao gồm “không biến đổi gene” (70%); “hữu cơ” (59%); “không chứa BPA (bisphenol A)” (37%); và “không màu hoặc hương liệu nhân tạo” (25%). WHO không chấp nhận các tuyên bố tiếp thị như vậy vì chúng có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy sản phẩm này nhiều dinh dưỡng hơn sản phẩm bên cạnh trên kệ, điều này có thể không đúng, TS. Dunford nói.
Bà nói thêm, các quốc gia như Úc yêu cầu các thành phần phải đáp ứng một lượng dinh dưỡng tối thiểu: Nếu một thực phẩm hoặc đồ uống không đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng cơ bản, nhà sản xuất không được đưa ra bất kỳ tuyên bố sức khỏe cụ thể nào về thành phần đó.
“Thiếu quy định trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm lừa dối các bậc cha mẹ bận rộn”, TS. Daisy Coyle, đồng tác giả nghiên cứu và chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George, nói.□
My Nguyễn lược dịch
Nguồn: https://edition.cnn.com/2024/08/21/health/unhealthy-baby-food-study-wellness/index.html
Bài đăng Tia Sáng số 17/2024