Georges Condominas: Người khổng lồ học “ăn rừng”
Bài viết này không có tham vọng lột tả hết được tầm vóc “người khổng lồ” Condo, chỉ là một sự tri ân đối với một nhân cách lớn trong khoa học, và một sự tưởng nhớ sau 5 năm kể từ ngày ông qua đời (17/7/2011).
Georges Condominas (1921-2011). Nguồn ảnh: vietsach.blogspot.com
Một tâm thế khoa học
Khác với nhiều nhà Dân tộc học phương Tây đương thời, những nghiên cứu của Georges Condominas (Condo) ở Việt Nam xuất phát từ đam mê khoa học thuần túy và ông kịch liệt phản đối việc sử dụng các kết quả nghiên cứu của mình vào mục đích phục vụ chính quyền thực dân cai trị, trấn áp có hiệu quả hơn các dân tộc thiểu số1.
Từ năm 1957 trở về trước, đa phần các nhà Dân tộc học/Nhân học phương Tây thường hướng nghiên cứu của mình đến các cộng đồng nhỏ, khá biệt lập, cư trú ở vùng cao của các nước thuộc địa và luôn có một lằn ranh giới rõ rệt để phân biệt chúng ta (những nhà nghiên cứu, độc giả đến từ cái gọi là Thế giới văn minh) với họ (những cộng đồng được/bị coi là thiểu số, lạc hậu). Condo – một học giả phương Tây (dù ông sinh ra ở Việt Nam, mang một phần dòng máu Việt) cũng chọn một cộng đồng ít về dân số, sống khá tách biệt, cư trú ở địa bàn miền núi. Ấy vậy mà đọc ông, tôi không cảm thấy cái lằn ranh giới cố hữu ấy, đến độ nhiều khi cứ tưởng ông đang viết về chính mình, cộng đồng mình. Cái cách ông đặt nhan đề cho cuốn sách của mình thể hiện rõ tâm thế của ông với đối tượng nghiên cứu: chúng tôi ăn rừng, “chúng tôi” chứ không phải họ, hay tuyệt nhiên không phải là “người Mnông Gar ăn rừng”. Như thể cuốn sách do chính người Mnông Gar viết về chính họ vậy. Trong “Không gian xã hội vùng Đông Nam Á”, ông bày tỏ rõ không chỉ quan điểm khoa học mà cả quan điểm về nghề nghiệp của mình. Không có gì là quá khi nói trong khoảng thời gian ấy, ông là một trong số ít các nhà Dân tộc học luôn đứng về phía các tộc người thiểu số, các dân tộc bị áp bức, sống trong ách nô lệ của các thế lực đến từ bên ngoài.
Lối viết mô tả chủ quan về đối tượng nghiên cứu là một trong những hạn chế căn bản nhất của các nhà Dân tộc học, kì lạ thay không hề thấy trong “Chúng tôi ăn rừng”. Cả cuốn sách được tổ chức như một câu chuyện, sống động, chân thực và gần gũi. Người đọc không hề cảm nhận được bóng dáng của tác giả trong đó. Ông tự hóa thân mình là một phần của câu truyện, bước cả hai chân vào thế giới đầy sinh động, huyền bí của người dân làng Sar Luk. Và cũng tuyệt nhiên không thấy một chút nào trong cuốn sách bóng dáng của hơi hướng “tiến hóa luận”, điều mà rất, rất nhiều đồng nghiệp đương thời mắc phải. Ông đến với người Mnông Gar không phải với tâm thế của một nhà khoa học đi tìm cái kì bí, lạ lẫm, hoang sơ mà dường như để chép nhặt lại lịch sử. Với ông, dân tộc học là một lối sống2, nhà dân tộc học không phải là người nắm giữ tri thức, mà là cầu nối giữa tri thức và cộng đồng, giữa văn hóa và xã hội. Niềm đam mê, theo ông là tố chất tiên quyết cần có để vượt qua mọi rào cản, thách thức trên con đường nghiên cứu vỗn dĩ rất gập ghềnh mà mỗi nhà Dân tộc học phải vượt qua3. Cũng chính nhờ có niềm đam mê mà ông đã vượt qua được mọi rào cản, khó khăn, thậm chí cả một lần ngã bệnh thập tử nhất sinh ở thực địa cũng không làm ông nản chí.
Ở thời của Condo, có thể xếp các nhà Dân tộc học nghiên cứu về Tây Nguyên Việt Nam vào hai trường phái chính: (i) những người chịu ảnh hưởng của thuyết tiến hóa luận; và (ii) những người ủng hộ thuyết tương đối văn hóa. Trong khi trường phái tiến hóa luận nhìn về Tây Nguyên như một vùng đất “mông muội”, “vô thần”4, cần phải được “giáo hóa” và “khai sáng”, thì Condo và những người cùng quan điểm với ông (điển hình là Leopold Sabatier) cho rằng đây là vùng đất thấm đượm các giá trị văn hóa để có thể tự phát triển5. Ông phủ nhận quan điểm cho rằng các tộc người thiểu số ở Tây nguyên “lạc hậu”, ở trình độ phát triển thấp hơn so với các tộc người khác. Giống như các học giả trường phái tương đối văn hóa, ông cho rằng sự phát triển của mỗi cộng đồng, mỗi tộc người không nhất thiết phải giống nhau và vì thế, không thể lấy tiêu chí phát triển của cộng đồng này để đánh giá trình độ phát triển của một cộng đồng khác. Cũng với lăng kính này, ông chứng minh tính khoa học, hiệu quả và hợp lí của các hình thức canh tác nương rẫy, sản xuất truyền thống của người Mnông Gar nói riêng, các tộc người thiếu số nói chung. Phải đặt vào thời của ông, trong bối cảnh của lúc bấy giờ mới thấy giá trị của những quan điểm này. Sau thời ông một chút, Geertz đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm ấy qua các nghiên cứu sâu, có tiếng vang về các hình thức canh tác nông nghiệp truyền thống ở Indonesia.
Một phương pháp nghiên cứu rất “Condo”
Để có một công trình Dân tộc học tốt, theo Condo, phải có một nghiên cứu thực địa chi tiết, toàn diện và hệ thống, đây là quan điểm vô cùng đúng đắn và đã được thừa nhận bởi hầu hết các nhà Dân tộc học trên thế giới (ngoại trừ các học giả “ghế bành”). Ông đề cao tính thông tin cụ thể, cấu trúc rõ ràng, có thể kiểm chứng được của một khảo cứu Dân tộc học (Condominas 1997)6.
Đọc “Chúng tôi ăn rừng”, điều dễ cảm nhận thấy là việc mô tả cực kì sống động, chân thực, tỉ mỉ các hoạt động kinh tế, đời sống tinh thần của dân làng Sar Luk. Cuốn sách như một cuốn phim dài, mà mỗi chương là một tập, đề cập đến một hoạt động cụ thể, song không hề riêng biệt, mà được xâu chuỗi với nhau thật vừa vặn, hệ thống. Bất cứ ai theo nghiệp Dân tộc học đều hiểu rẳng điểm mạnh của Dân tộc học so với các ngành Khoa học Xã hội khác là tính miêu tả sinh động, hệ thống, có chiều cạnh lịch sử về đối tượng nghiên cứu. Thế nhưng, nhìn lại các công trình khảo cứu Dân tộc học ở Việt Nam từ trước đến nay, khó có thể tìm thấy một công trình nào có được miêu tả chi tiết đến thế, sống động và chân thực đến thế như “Chúng tôi ăn rừng”.7 Không gian sinh thái, không gian xã hội của làng Sar Luk được mô tả đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các chu kì sản xuất, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng trong năm của người dân được mô tả như một chu kì khép kín, tuần tự. Sự miêu tả chi tiết, hệ thống cũng có thể tìm thấy ở Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar. Để có được những miêu thuật sống động và chính xác đến như thế, hãy xem Condo đã trang bị cho mình những công cụ gì.
Tedlock (1991)8 cho rằng có thể chia các nhà Dân tộc học vào bốn nhóm khác nhau trong lịch sử phát triển của ngành Dân tộc học: (i) người quan sát không chuyên nghiệp (amateur observers); (ii) các nhà Nhân học ghế bành (armchair Anthropologists); (iii) các nhà Dân tộc học chuyên nghiệp (professional ethnographers); và (iv) những nhà thực địa đồng hành cùng người bản địa (tạm dịch: gone-native fieldworker). Nếu coi cách phân loại này là đúng thì có thể nhận thấy Condo là sự kết hợp của cả nhóm (iii) và nhóm (iv). Ông đã đạt đến “cảnh giới” cao trong kĩ năng quan sát – một tố chất mà ông cho rằng mỗi nhà Dân tộc học cần phải có. Song, khác với các nhà khoa học trong những ngành khác, nhà Dân tộc học phải quan sát với tâm thế của người trong cuộc; ghi chép, lựa chọn, diễn giải, đánh giá không phải với tư cách của một người ngoài mà phải từ con mắt của người bản địa. Đây chính là một phương pháp tiếp cận mà Nhân học hiện đại ngày nay đề cao: tiếp cận với cái nhìn từ bên trong, ở tâm thế của chủ thể được quan sát (emic view). Với cách tiếp cận này, mọi phân tích, diễn giải của ông được đặt trên bệ phóng là thế giới quan của người Mnông Gar. Dẫu vậy, ông chưa bao giờ quá “say” để quên mất rằng một nhà Dân tộc học cần đủ tỉnh táo để không bị cuốn theo những vụn vặt của cuộc sống thực địa. Trái lại, cần phải biết chọn lọc để quan sát, chọn lọc để theo đuổi, và chọn lọc để phân tích (Condominas 1997).
Không gian xã hội, một đóng góp quan trọng cho ngành Dân tộc học
Có thể nói tên tuổi của Condo gần như gắn liền với nghiên cứu của ông về người Mnông Gar, song tầm ảnh hưởng và đóng góp của ông không chỉ gói gọn trong tộc người này, trong nửa đầu thập niên của thế kỉ 20, ông là một tên tuổi lớn trong các nhà Dân tộc học phương Tây nghiên cứu về châu Á9. Một đóng góp quan trọng khác của ông là công trình “Không gian xã hội vùng Đông Nam Á”. Cuốn sách là tuyển tập những bài viết, trình bày hội thảo của ông, được sắp xếp thành bốn phần chính, bàn về các vấn đề cốt lõi trong Dân tộc học: đạo đức nghề nghiệp, phương pháp nghiên cứu, không gian văn hóa/xã hội, chiều cạnh lịch sử của mỗi cộng đồng.
Không gian hay không gian xã hội là một khái niệm quan trọng trong ngành khoa học xã hội nói chung, Dân tộc học/Nhân học nói riêng. Nhiều tên tuổi lớn trong ngành đã bàn luận đến khái niệm này: Emile Durkheim, Claudi Levis-Strauss, E.E. Pritchard hay Marcel Mauss. Đứng dưới bóng của những “lí thuyết gia” vĩ đại này, Condo không “ngợp” đến độ đánh mất mình10. Ông kế thừa và phát triển khái niệm không gian xã hội lên một tầm vóc mới, cụ thể hơn, toàn diện hơn, được minh chứng qua các nghiên cứu của ông cũng như đồng nghiệp. Không gian xã hội, theo Condo, ngoài những chiều cạnh vốn có: mang tính không gian và thời gian; còn mang tính lịch sử và mang tính tộc người. Người Mnông Gar quan niệm về không gian xã hội khác người Ê-đê hay người Kinh. Về mặt không gian, trong khi các nhà khoa học chỉ thừa nhận có bốn phương thì người Mnông Gar luôn có kèm thêm khái niệm “trung tâm”; và cùng với nó, các phương của không gian thường được xác định bởi điều kiện tự nhiên ví như “đầu sông”, “cuối sông”, “bên kia suối”… Việc xác định và định vị một thành tố cụ thể trong không gian xã hội, theo Condo, thường bị chi phối bởi các thành tố khác, và đây là một trong những nguyên nhân khiến không phải lúc nào cách phân loại của họ cũng giống với các nhà khoa học.
Trước Condo, một số học giả như Friedrich Ratzel hay Jacques Barrau đã đề cập đến vai trò của môi trường sinh thái trong không gian xã hội. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề thường thiên về hai chiều cạnh: (i) khẳng định vai trò tuyệt đối của các điều kiện sinh thái trong việc quyết định các đặc tính xã hội (Ratzel); hay (ii) đề cao vai trò của văn hóa và phủ nhận ảnh hưởng của các điều kiện sinh thái (Barrau). Tiếp cận dưới góc độ lịch sử, Condo cho rằng văn hóa và sinh thái luôn có tác động qua lại với nhau, mối quan hệ giữa chúng là biện chứng và đa dạng ở từng tộc người. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của Julian Steward, được coi là người khai sáng ngành sinh thái học văn hóa ở Mỹ, nổi tiếng với khái niệm tiến hóa đa tuyến (multilineal evolution).
Bên cạnh đó, Condo cũng đưa ra hai loại hình không gian xã hội: không gian xã hội giới hạn (chỉ là một hệ thống quan hệ duy nhất); và không gian xã hội rộng (bao gồm nhiều hệ thống quan hệ). Đóng góp quan trọng của thuật ngữ này là sự bổ xung cho một cách tiếp cận khác về một cộng đồng, ngoài cách tiếp cận thông qua những giá trị văn hóa truyền thống trong Dân tộc học. Không gian xã hội mang cả chiều cạnh không gian và thời gian. Biên độ của nó luôn thay đổi tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, đặc điểm kinh tế, xã hội của một cộng đồng. Ẩn chứa trong mỗi không gian này là các mạng lưới quan hệ đa tầng (Condominas 1997). Theo quan điểm của người viết, đây là những tiền đề quan trọng cho việc hình thành các khái niệm mạng lưới xã hội, vốn xã hội, giao thoa văn hóa, hay xuyên biên giới sau này.
——-
1 Có khá nhiều nhà Dân tộc học trước và cùng thời với ông nhận tiền tài trợ từ chính quyền thuộc địa để nghiên cứu, và những nghiên cứu của họ được sử dụng vào mục đích củng cố sự cai trị của chính quyền thuộc địa. Để tham khảo, xin xem thêm cuốn “Không gian Xã hội vùng Đông Nam Á”.
2 Đây là một quan điểm nối tiếng của Condo. Có bản dịch “dân tộc học là một loại hình sống. Xem thêm Condominas (1997) và bài viết của Nguyên Ngọc tại: http://pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/nguyen-ngoc—rung/vinh-biet-g-condominas.html
3 Xin xem thêm tại: http://www.baomoi.com/GS-Condominas-Dan-toc-hoc-la-mot-loi-song/59/1248150.epi
4 Với hàm ý không phải là tín đồ của Thiên chúa giáo
5 Oscar Salemink (2003), the ethnography of Vietnam’s Central Highlander: historical contextualization, 1850-1900, Routledge Curzon, London.
6 Dưới giác độ này, dường như Condominas chịu ảnh hưởng nhiều từ cha đẻ của trường phái cấu trúc- Claude Levis-Strass
7 Dường như ở phương diện này, chỉ có cuốn “người Mường” của nhà Dân tộc học tài danh Trần Từ là có thể so sánh được.
8 Barbara Tedlock (1991), “From Participant Observation to the Observation of Participation: The Emergence of Narrative Ethnography”, Journal of Anthropological Research, Vol. 47, No. 1, pp. 69-94.
9 Xem thêm bài viết của GS Oscar Salemink tại: http://vietnameselanguage.wordpress.com/2011/07/18/a-farewell-to-georges-condominas/
10 Phần này dựa trên những thảo luận của Condominas về khái niệm không gian xã hội trong “ Không gian xã hội vùng Đông Nam Á”, Nxb Văn hóa, 1997, tr. 13-98.