Giải IgNobel

Trong số 10 giải Ig Nobel được trao tối 22/9 vừa qua tại ĐH Harvard, có cả phần mềm giúp đánh lừa các biện pháp đo lường khí thải trên các dòng xe chạy dầu diesel của hãng Volkswagen, gây ra bê bối gian lận lớn nhất trong lịch sử xe hơi Đức.

Giải Ig Nobel là giải thưởng nhại theo giải Nobel, được trao tặng vào đầu mùa thu hằng năm, trước khi giải Nobel chính thức được công bố, cho 10 thành tựu “làm con người cười rồi sau đó phải suy nghĩ”. Giải thưởng do tạp chí khoa học hài hước Annals of Improbable Research (tạm dịch: Biên niên sử của những nghiên cứu đâu đâu) của Mỹ lập ra từ năm 1991 và trao hằng năm tại Đại học Harvard, nhằm chỉ ra rằng ngay cả những nghiên cứu tưởng như đâu đâu cũng có thể mang đến những kiến thức có ích. Tên gọi của nó được ghép từ từ ignoble với tên nhà bác học Nobel. Nhà vật lý Andre Geim là người đầu tiên được trao cả hai giải – Nobel 2010 với nghiên cứu về graphene và trước đó, IgNobel 2000 với nghiên cứu về việc cho ếch bay bằng lực từ.

Giải Ig Nobel năm nay được trao hôm 22/9 vừa qua cho các công trình sau:

•    Giải Sinh sản: Được trao cho Ahmed Shafik (Ai Cập) với công trình nghiên cứu về tác động của mặc quần làm từ các chất liệu polyester, cotton, hay len tới đời sống tình dục của chuột.

•    Giải Kinh tế: Được trao cho các nhà khoa học New Zealand và Vương quốc Anh gồm Mark Avis, Sarah Forbes, và Shelagh Ferguson với nghiên cứu đánh giá tính cách được cảm nhận của các loại đá từ góc độ bán hàng và marketing.

•    Giải Vật lý: Được trao cho các nhà khoa học Hungary, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ gồm Gábor Horváth, Miklós Blahó, György Kriska, Ramón Hegedüs, Balázs Gerics, Róbert Farkas, Susanne Åkesson, Péter Malik, và Hansruedi Wildermuth, với nghiên cứu vì sao ruồi trâu kỵ ngựa có lông bờm màu trắng và nghiên cứu vì sao chuồn chuồn cực kỳ thích đậu trên bia mộ màu đen.

•    Giải Hóa học: Được trao cho hãng xe hơi Volkswagen (Đức) với phần mềm có khả năng đánh lừa các biện pháp đo lường khí thải trên các dòng xe chạy dầu diesel của mình.

•    Giải Y học: Được trao cho nhóm gồm các nhà khoa học Christoph Helmchen, Carina Palzer, Thomas Münte, Silke Anders, và Andreas Sprenger (Đức) với khám phá nếu bạn có một chỗ ngứa ở phía bên trái cơ thể của thì bạn có thể làm cho bớt ngứa bằng cách nhìn vào gương và gãi phía bên phải của cơ thể (và ngược lại).

•    Giải Tâm lý: Thuộc về nhóm nhà khoa học Bỉ, Hà Lan, Đức, Canada, Mỹ gồm Evelyne Debey, Maarten De Schryver, Gordon Logan, Kristina Zuchotzki, và Bruno Verschuere với nghiên cứu trên 1.000 người nói dối để tìm hiểu xem bao lâu họ nói dối một lần và liệu có nên tin vào câu trả lời của họ hay không.

•    Giải Hòa bình: Được trao cho nhóm các nhà khoa học Canada và Mỹ bao gồm Gordon Pennycook, James Allan Cheyne, Nathaniel Barr, Derek Koehler, và Jonathan Fugelsang với nghiên cứu học thuật có tên gọi “Tiếp nhận và Phát hiện những chuyện tào lao làm ra vẻ sâu sắc”.

•    Giải Sinh học: Được trao chung cho hai nhà khoa học của Vương quốc Anh là Charles Foster, người đã từng sống hoang dã theo lối của con lửng, con rái cá, con nai, con cáo và con chim; và Thomas Thwaites (trong ảnh), người từng có ba ngày sống theo lối của một con dê. Ông đã chế ra những chân giả cho phép bước đi lâu theo kiểu bốn chân của dê. Ông cũng đã sống như… dê ở chỗ ăn cỏ (tất nhiên đã được nấu chín).

•    Giải Văn học: Được trao cho Fredrik Sjöberg (Thuỵ Điển) với ba tập tự truyện nói về thú vui sưu tập ruồi chết và chưa chết.

•    Giải Cảm nhận: Hai nhà khoa học người Nhật Bản Atsuki Higashiyama và Kohei Adachi đã tìm hiểu liệu các đồ vật trông có khác đi khi khi chúng ta cúi gập người và quan sát chúng qua khe hở của hai chân chúng ta.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)