Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Lần đầu tiên không trao giải
Kể từ lần trao đầu tiên vào năm 2014, năm 2021 không ai được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Hai nhà khoa học đầu tiên được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu là giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng (bìa trái) và phó giáo sư Nguyễn Bá Ân (giữa).
Đây là quyết định của Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021, bao gồm 10 nhà khoa học, trong đó nhà khoa học nước ngoài là giáo sư Pierre Darriulat (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài là giáo sư Henry Nguyen. T (Trường Đại học Missouri, Colombia, Mỹ). Tại phiên họp xét chọn diễn ra vào ngày 29/4/2021, các nhà thành viên Hội đồng giải thưởng đã đánh giá bốn hồ sơ thuộc hai ngành khoa học trái đất và khoa học nông nghiệp của các ứng viên PGS. TS Ngô Đức Thành (trường đại học KH&CN Hà Nội), TS. Đỗ Hữu Hoàng (Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – giải chính; TS. Bùi Minh Tuân (trường KHTN, ĐHQGHN), TS. Hoàng Thanh Tùng (Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – giải trẻ.
Hội đồng xét chọn, do giáo sư Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) làm chủ tịch, đã cân nhắc bốn công trình khoa học của các tác giả, trong đó quan trọng là ý nghĩa, tác động của công trình khoa học và chất lượng của tạp chí khoa học đăng tải công trình – thông qua chỉ số tác động và xếp hạng quốc tế tại thời điểm công bố, đúng như quy định của thông tư 01/2015-BKHCN. Trước đó, cả bốn công trình này đã được gửi cho các chuyên gia quốc tế bình duyệt.
Sau khi cân nhắc tất cả những yếu tố đó, các thành viên Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu bình chọn, riêng hai giáo sư Trần Thanh Hải (Trường Đại học Mỏ- Địa chất), Châu Văn Minh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bỏ phiếu sau do vắng mặt. Kết quả là không ứng viên nào giành được số phiếu đồng thuận cao để được trao giải. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, năm đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức xét chọn, trao giải thưởng Tạ Quang Bửu, không có nhà khoa học nào được vinh danh ở cả hai hạng mục chính và trẻ.
Vào thời điểm chưa công bố kết quả, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng “khi chúng ta không có đủ hồ sơ tốt thì chuyện không có người đoạt giải cũng là chuyện bình thường. Chúng ta không thể quyết định được năm này hay năm khác có được các hồ sơ đủ điều kiện, điều này còn phụ thuộc vào những người nộp hồ sơ nữa”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà khoa học thì năm nay không phải không có hồ sơ tốt. Giữa tháng 4/2021, trao đổi với Tia Sáng về công trình của phó giáo sư Ngô Đức Thành “Performance evaluation of RegCM4 in simulating extreme rainfall and temperature indices over the CORDEX-Southeast Asia region” (Đánh giá hiệu suất của mô hình RegCM4 trong mô phỏng các chỉ số cực đoan của lượng mưa và nhiệt độ trên khu vực CORDEX-Đông Nam Á) trên tạp chí International Journal of Climatology, giáo sư Phan Văn Tân (trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) đã nhận xét “Mặc dù trước đó dự án chung về dự tính biến đổi khí hậu chi tiết cho khu vực SEACLID/CORDEX-SEA đã có bài đầu tiên do một đồng nghiệp Malaysia là tác giả chính nhưng bài báo này mới thực sự là một điểm nhấn cho tham khảo về nghiên cứu biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Nam Á”. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thông qua bài báo này, phó giáo sư Ngô Đức Thành được mời là một trong số các tác giả chính tham gia báo cáo lần thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).
Để đánh giá khách quan các công trình, các thành viên hội đồng giải không nên áp những tiêu chuẩn “cứng” của ngành mình lên chuyên ngành khác, một chuyên gia giấu tên cho biết ý kiến về việc bình chọn giải thưởng năm nay. “Tôi cho rằng, dù ở chuyên ngành nào thì yếu tố giá trị và ý nghĩa của bài báo vẫn cần được đặt lên cao nhất bởi có bài báo đăng trên tạp chí không thuộc top đầu nhưng lại được cộng đồng khoa học chuyên ngành hẹp đánh giá cao do đấy là nghiên cứu thực sự sáng tạo và kết quả tạo ra có ảnh hưởng lớn”, ông cho biết.