Khám phá gốc gác của những “nông dân” đầu tiên
Khoảng trước 12.000 năm trước, những người du mục săn bắn hái lượm ở Trung Đông đã thực hiện một trong những bước chuyển quan trọng nhất trong lịch sử loài người: dừng lại ở một địa điểm để trồng trọt và làm nông nghiệp.
Hai nghiên cứu mới về DNA cổ đại có vẻ như đã tìm ra gốc gác của những “nông dân” đầu tiên này.
Bằng chứng khảo cổ và di truyền đến nay cho thấy, Trung Đông là nơi phát tích của nghề nông. Cụ thể, những người “nông dân” đầu tiên xuất hiện ở bán đảo Anatolia – Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, sau đó di cư sang châu Âu và trở thành tổ tiên của những nông dân châu Âu đầu tiên. Quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp này sau đó cũng diễn ra độc lập ở các khu vực khác trên thế giới, và được gọi là cuộc cách mạng thời đồ đá mới, tạo ra các loài động thực vật thuần hóa đầu tiên.
Điều chúng ta chưa biết là “chuyện gì đã xảy ra trước khi con người bắt đầu phát triển nông nghiệp ở Anatolia?” nhà di truyền học dân số Laurent Excoffier tại Đại học Bern, đặt câu hỏi.
Để tìm câu trả lời, nhóm Excoffier đã giải trình tự bộ gen của 15 người săn bắn hái lượm và những người nông dân sơ khai sống ở Tây Nam Á và châu Âu. Các mẫu hài cốt của những người này được thu thập ở một số địa điểm khảo cổ dọc theo sông Danube – một trong những con đường di cư chính đến châu Âu.
Từ các hài cốt này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được các bộ gen chất lượng cao – một điều hiếm thấy trong các công trình nghiên cứu về gen cổ đại. Nhờ đó, họ thu được dữ liệu chi tiết về nhân khẩu học, chẳng hạn như biến động về quy mô của quần thể; các thông tin này thường nằm ngoài khả năng tìm hiểu của các nghiên cứu DNA cổ đại sử dụng các bộ gen kém hoàn chỉnh hơn.
Nhóm Excoffier phát hiện: những người nông dân Anatolia cổ đại có nguồn gốc từ quá trình hòa huyết liên tụcgiữa các nhóm săn bắn hái lượm riêng khácđến từ châu Âu và Trung Đông. Những nhóm này tách khỏi quần thể ban đầu của họ vào giữa Kỷ Băng hà cuối cùng, khoảng 25.000 năm trước.
Sau khi hình thành ở Anatolia, những quần thể nông dân sơ khai lại di chuyển về phía tây, sang châu Âu từ khoảng 8.000 năm trước. Đôi khi họ giao phối – nhưng không thường xuyên – với những người săn bắn hái lượm ở phương tây khi đó. Excoffier nói: “Chính sự di cư của các cộng đồng nông dân, đã đưa nông nghiệp tiến xa hơn về phía tây.” Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell vào ngày 12/5.
Những phát hiện này nhất quán với những phát hiện của một nghiên cứu gen cổ đại đăng trên bioRxiv vào ngày 5/5. Nhóm nghiên cứu của nhà cổ sinh vật học Eske Willerslev tại Đại học Copenhagen đã giải trình tự bộ gen của 317 người săn bắn hái lượm và nông dân sơ khai từ khắp Âu-Á. Đây là nghiên cứu bộ gen cổ đại lớn nhất về thời kỳ này và cho thấy những người nông dân Anatolia có nguồn gốc từ các nhóm khác nhau, táchra từ các quần thể săn bắt hái lượm phương đông và phương tây, sau đó họ bắt đầu đến châu Âu khoảng 8.700 năm trước.
Các nghiên cứu mới tiết lộ nhiều chi tiết về buổi bình minh của nông nghiệp, thời kỳ mà đến nay chúng ta mới chỉ biết một cách khái quát dựa trên một số lượng nhỏ các bộ gen chất lượng tương đối thấp, Pontus Skoglund, nhà cổ sinh vật học tại Viện Francis Crick ở London, cho biết.
Ngô Thành
(Visited 11 times, 1 visits today)