Giảm căng thẳng năng lượng nhờ khí đốt
Cơn sốt khí đốt hiện nay tác động như thế nào đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng? Có đúng là kỷ nguyên khí đốt đã bắt đầu và liệu còn tranh cãi nào xung quanh nó?
Thống đốc Piyush Jindal bang Louisiana của Mỹ vừa hân hoan tuyên bố: Một lượng khí đốt khổng lồ mới được phát hiện và doanh nghiệp Sasol của Nam Phi sẽ xây dựng nhà máy ở Lake Charles để chế biến khí đốt thành dầu, diesel và kerosin (xăng máy bay). Dự án này trị giá 10 tỷ USD và có thể tạo mới khoảng 5000 việc làm. Ông thống đốc đã đề cập đến một vấn đề quan trọng: dự án này sẽ làm giảm sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào việc nhập khẩu dầu mỏ từ những nước không ổn định về chính trị.
Các nhà địa chất đã phát hiện những mỏ đá phiến chứa lượng lớn khí đốt, và nhờ công nghệ mới, các doanh nghiệp có thể khai thác vùng mỏ đá phiến này để biến khí đốt thành dầu mỏ. Mũi khoan dò tìm đá phiến đầu tiên được tiến hành năm 2008 ở vùng Amwell Township thuộc thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Hiện tại bang Pennsylvania có 4.000 tháp khoan đang hoạt động và hàng nghìn tháp khoan mới chuẩn bị đưa vào vận hành. Theo đánh giá của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu đá phiến của Mỹ là 24 tỷ thùng và 24 nghìn tỷ m3 khí đá phiến, đủ cho nước Mỹ dùng trong một trăm năm. Hiện nay, 1/3 lượng khí đốt của Mỹ lấy từ khí đá phiến, dự kiến đến năm 2035 tỷ lệ này là 1/2. Nhiều nước châu Á, châu Âu cũng hết sức quan tâm đến loại năng lượng này. Người ta hy vọng sẽ tạo ra được bước ngoặt trong ngành năng lượng khi các mỏ khí đá phiến ở Mỹ, Trung Quốc, Argentina đều được đưa vào hoạt động. Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo từ nay đến 2035 thế giới sẽ đầu tư 2,8 nghìn tỷ USD vào việc khai thác khí đốt từ đá phiến.
Khí đốt giá rẻ sẽ làm dịu những căng thẳng về năng lượng, tạo thêm thời gian để chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Giá khí đốt ở Mỹ chỉ bằng một phần tư giá dầu mỏ. Nếu quy ra hàm lượng năng lượng thì giá một thùng dầu (159 lít) hiện tại là 100 USD phải giảm xuống chỉ còn 22 USD thì mới có thể cạnh tranh được với giá khí đốt. Theo dự đoán của chuyên gia năng lượng Kurt Oswald của A.T. Kearney thì đến năm 2015 giá khí đốt ở châu Âu sẽ giảm tiếp 60%. Tại Mỹ, giá điện từ 2008 đến nay giảm một nửa. Khí đốt giá rẻ đã thay thế than ở các nhà máy nhiệt điện, và số than đó được xuất khẩu sang châu Âu.
Giá năng lượng giảm làm cho tăng trưởng kinh tế ở Mỹ mỗi năm tăng 0,5 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là ngành công nghiệp hóa chất vốn tiêu thụ rất nhiều điện và nhiệt. Từ nay đến năm 2025 sẽ có thêm 1 triệu việc làm mới ở các nhà máy trên đất Mỹ. Nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho thấy khi giá năng lượng giảm các doanh nghiệp có thể tăng cường đầu tư ngay tại Mỹ vì có sức cạnh tranh cao và tạo được việc làm tại chỗ. Tập đoàn hóa chất Dow Chemical đã đầu tư nhiều tỷ USD để xây dựng các cơ sở sản xuất hóa chất ngay trên đất Mỹ. Theo Financial Times, “khí đốt đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng nhất ở Mỹ”.
Nhờ khí đốt, tương quan lực lượng trên thị trường năng lượng thế giới đang có sự dịch chuyển rõ rệt. Ở châu Âu, tập đoàn Statoil của Na Uy bán khí đốt thông qua “chợ Gas” ngày càng mạnh và cạnh tranh với tập đoàn Gazprom của Nga. Bắc Kinh cũng không chịu mua khí đốt với giá do Nga áp đặt mà mua trực tiếp từ vùng Trung Á. Qatar xuất khẩu một lượng lớn khí hóa lỏng sang Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á. Không lâu nữa Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt, và khí đốt của Nga sẽ không còn mấy hấp dẫn.
Cơn sốt khí đốt tác động mạnh vào lĩnh vực giao thông vận tải. Nhiều hãng vận tải đã tiến hành cải tạo đội xe dùng khí đốt làm nhiên liệu. Sử dụng khí đốt làm nhiên liệu cho tàu hỏa và tàu biển cũng đang dần phổ biến. Hiện ở Mỹ đã có 110.000 xe ô tô sử dụng khí đốt, Đức có 90.000 xe ô tô chạy khí đốt.
Trong tương lai sẽ có nhiều ngôi nhà chọc trời hoặc nhiều vùng nông thôn dùng khí đốt sản xuất điện và nhiệt để tự phục vụ. Tòa nhà cao 310m Shard Tower ở London vừa mới khánh thành đã sử dụng thiết bị điện-nhiệt của một công ty con thuộc tổng công ty điện lực Áo dùng tuốc bin chạy bằng khí đốt để tự cung cấp nhiệt và điện năng. Đã có một số vùng nông thôn không hòa mạng điện quốc gia mà tự sản xuất điện, nhiệt bằng khí đốt.
Mặt khác, khí đốt ít sản sinh CO2 ra môi trường. Nhờ đó, nước Mỹ đã giảm đáng kể lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ năm 2006.
Lo ngại về môi trường
Bên cạnh việc mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn, khí đốt cũng làm dấy lên những băn khoăn về môi trường. Để tiếp cận được khu vực có trữ lượng dầu người ta phải bơm hàng triệu lít nước trộn khoảng 20 loại hóa chất tương đối độc hại xuống lòng đất, trong đó có những chất như benzol có thể gây ung thư. Các nhà địa chất cho rằng bản thân quá trình khai thác (Fracking) không nguy hiểm nhưng tai nạn do bất cẩn và tính toán, thẩm định không chính xác có thể là nguyên nhân gây hiểm họa. Để giảm thiểu rủi ro, ngành công nghiệp khí đốt phát triển công nghệ Fracking sạch. Tập đoàn năng lượng OMV của Áo và tập đoàn Halliburton của Mỹ cùng nghiên cứu về một loại dung dịch sạch dùng cho quá trình Fracking với thành phần là nước, cát thạch anh và tinh bột ngô.
Vấn đề ảnh hưởng tới khí hậu của khí đá phiến cũng khá phức tạp. Các nhà nghiên cứu tranh cãi chủ yếu về lượng khí metal gây hiệu ứng nhà kính thất thoát ra bên ngoài bao nhiêu trong quá trình Fracking. Một số người cho rằng khí đá phiến có hại cho khí hậu gấp đôi than vì một lượng lớn metal thoát ra ngoài trong quá trình khai thác do ống khoan bị hở. Từ năm 2015 các doanh nghiệp sẽ phải trang bị hệ thống gioăng và bình thu hồi ở các tháp khoan để giảm lượng khí thoát ra ngoài.
Xuân Hoài lược dịch