Giám định DNA trong điều tra tội phạm

Nhà di truyền học người Anh Alec Jeffreys là người đã phát minh ra phương pháp lập hồ sơ DNA, hoặc giám định DNA. Công trình mang tính đột phá của ông là tiền đề cho nhiều ứng dụng thực tế, từ xét nghiệm quan hệ huyết thống cho đến giải quyết các vụ án tội phạm kinh hoàng.

Ảnh: iStock.

Vào buổi sáng ngày 10/9/1984, Alec Jeffreys đang làm việc trong phòng thí nghiệm tại Đại học Leicester (Anh) thì ông vô tình phát hiện các chuỗi DNA của con người đủ độc đáo và riêng biệt để có thể liên kết chính xác với chủ sở hữu của chúng. Khi đó, ông và các cộng sự đang tiến hành một thí nghiệm nhằm tìm ra các bệnh di truyền thông qua việc trích xuất DNA từ tế bào và sử dụng phim máy ảnh để biểu diễn chúng một cách trực quan. 

“Khi xem xét các bức ảnh, chúng tôi nhận thấy dấu vết DNA hiện lên rõ ràng và có dạng giống như mã vạch”, Jeffreys chia sẻ với tạp chí PLOS Genetics trong một cuộc phỏng vấn về thí nghiệm của ông vào năm 2009. “Những mô hình mã vạch này là đặc trưng cho từng cá thể và dường như được di truyền trong gia đình. Đó là một khoảnh khắc đáng kinh ngạc, bởi vì chúng tôi đột nhiên khám phá ra một thứ hoàn toàn mới, đó là nhận dạng con người dựa trên DNA”.

Không lâu sau đó, vào năm 1985, Jeffreys đã giúp cung cấp bằng chứng khoa học cho một tranh chấp về vấn đề nhập cư bằng cách xác định mối quan hệ giữa một cậu bé với cha mẹ ruột thông qua DNA để cho phép cậu bé nhập quốc tịch Anh. Cho đến năm 1987, phòng thí nghiệm của ông là phòng thí nghiệm duy nhất tại Anh cung cấp loại xét nghiệm này cho những vụ án dân sự tương tự.

Bằng chứng DNA lần đầu tiên được sử dụng trong vụ án hình sự liên quan đến hai nạn nhân Lynda Mann và Dawn Ashworth vào năm 1986. Cảnh sát đã tìm đến nhóm nghiên cứu của Jeffreys, yêu cầu ông giúp đỡ về vụ án hiếp dâm và giết người xảy ra ở thị trấn Narborough, cách trường Đại học Leicester [nơi ông đang làm việc] chỉ 8km về phía Đông Nam.

DNA có trong mọi tế bào của cơ thể sống. Vì vậy, tế bào da, máu, tóc, móng tay, nước bọt và tinh dịch lưu lại tại hiện trường vụ án đều chứa DNA có thể dùng để nhận dạng hung thủ.

Mặc dù hai vụ án cách nhau hai năm rưỡi, nhưng cả hai thiếu niên 15 tuổi là Mann và Ashworth đều bị hãm hiếp và sát hại theo những cách rất giống nhau trên đường đi học về. Cảnh sát cho rằng thủ phạm là một kẻ giết người hàng loạt và họ để mắt tới đối tượng tình nghi là Richard Buckland, 17 tuổi.

Vì muốn xác nhận Buckland là hung thủ trong cả hai vụ án giết người, cảnh sát đã cung cấp cho Jeffreys mẫu tinh dịch của Buckland từ hai hiện trường vụ án.

“Tôi phải nói rằng đó là một khoảnh khắc ớn lạnh. Tôi chỉ là một học giả bình thường, và đột nhiên trước mặt tôi là những mẫu vật từ các vụ án giết người”, Jeffreys chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tạp chí PLOS Genetics.

Tuy nhiên, kết quả phân tích DNA của Buckland tiết lộ rằng anh ta không phải là thủ phạm. Nhóm của Jeffreys đã tiến hành xét nghiệm DNA trên các mẫu tinh dịch ba lần. Mặc dù DNA từ cả hai vụ án hiếp dâm đều giống nhau nhưng nó không trùng khớp với DNA của Buckland – người sau đó đã được thả tự do nhờ phát hiện này.

Tế bào da, máu, tóc, móng tay, nước bọt và tinh dịch đều chứa DNA có thể dùng để nhận dạng một cá nhân. Ảnh: Hudsonalpha

“Kết quả thật sự đáng kinh ngạc, hoàn toàn lật ngược những gì cảnh sát đã phỏng đoán về tội lỗi của nghi phạm chính Buckland trong vụ điều tra”, Jeffreys nói.

Bằng cách sử dụng công nghệ phân tích DNA của Jeffreys, các nhà khoa học pháp y của Bộ Nội vụ Anh đã tiến hành xét nghiệm những người đàn ông sống ở thị trấn Narborough và vùng lân cận nơi xảy ra hai vụ án mạng. Họ hy vọng tìm thấy sự trùng khớp với DNA được tìm thấy tại hiện trường vụ án. Với quy mô thị trấn khá nhỏ và mức độ khủng khiếp của vụ án, hầu hết mọi người đều tự nguyện tham gia.

Cuối cùng, các nhà điều tra đã bắt giữ Colin Pitchfork (27 tuổi) vào tháng 9/1987 vì tội hãm hiếp và giết người. Ban đầu Pitchfork đã trả tiền để thuê một người bạn đồng nghiệp tên là Ian Kelly mạo danh hắn ta cung cấp mẫu máu xét nghiệm. Mọi chuyện vỡ lở khi Kelly trong một đêm say xỉn ở quán rượu đã buột miệng nói ra vụ việc, và một người phụ nữ nghe được câu chuyện đã trình báo với cảnh sát.  Khi cảnh sát biết thông tin này, họ đã gọi Pitchfork đến để thẩm vấn và hắn ta thú nhận tội ác gần như ngay lập tức. Kết quả xét nghiệm DNA sau đó xác nhận Pitchfork chính là thủ phạm.

Vụ án này đã trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử khoa học pháp y, vì nó đã chứng minh tiềm năng của bằng chứng DNA trong việc xác định và bắt giữ tội phạm. 

DNA có trong mọi tế bào của cơ thể sống. Vì vậy, tế bào da, máu, tóc, móng tay, nước bọt và tinh dịch lưu lại tại hiện trường vụ án đều chứa DNA có thể dùng để nhận dạng hung thủ.

“Ban đầu, các nhà điều tra chỉ dùng phương pháp xét nghiệm DNA như một công cụ pháp y trong những vụ án rất lớn và không thường xuyên, bởi vì nó đòi hỏi nhiều công sức và khá tốn kém”,  Carole McCartney, giáo sư luật và tư pháp hình sự tại Đại học California (Mỹ), cho biết. “Chỉ khi các quốc gia bắt đầu biên soạn cơ sở dữ liệu DNA quốc gia của riêng mình thì kỹ thuật này mới thực sự trở nên phổ biến”.

Vương quốc Anh thành lập Cơ sở dữ liệu DNA quốc gia vào năm 1995. Tính đến năm 2023, cơ sở dữ liệu này có trên 5,9 triệu người đăng ký. Tính đến cuối năm 2022, Hệ thống chỉ số DNA quốc gia của Mỹ chứa thông tin DNA của hơn 15,7 triệu người phạm tội và hơn 4,8 triệu người bị bắt. Từ năm 2002 đến nay, cơ sở dữ liệu DNA quốc tế của INTERPOL đã có hơn 280.000 người được lập hồ sơ từ gần 90 quốc gia.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, dấu vân tay vẫn được sử dụng phổ biến hơn nhiều so với bằng chứng DNA. Một phần là do phương pháp lấy dấu vân tay rẻ hơn và nhanh hơn. Ngoài ra, thủ phạm chỉ để lại DNA trong chưa đầy 10% số vụ giết người. Lực lượng cảnh sát thường không có đủ kinh phí hoặc chuyên môn pháp y để tiến hành xét nghiệm DNA, hoặc lưu trữ bằng chứng DNA một cách chính xác và ở nhiệt độ thích hợp.

“Cơ sở dữ liệu DNA của Vương quốc Anh chỉ giải quyết được 0,3% tội phạm mỗi năm. Nó không đáp ứng được mong đợi của mọi người”, McCartney cho biết.

Mặc dù bằng chứng DNA không phải là giải pháp tốt nhất trong quá trình điều tra tội phạm, nhưng nó là công cụ hữu ích để minh oan cho những người bị kết án sai và giúp họ được thả tự do. 

Giống như trong trường hợp của Buckland, tổng cộng có 575 người dân tại Mỹ bị kết án sai và được chứng minh vô tội dựa trên mẫu DNA từ năm 1989 đến nay – trong số đó có 35 người từng bị kết án tử hình, theo Hồ sơ quốc gia Mỹ về những người được minh oan (NRE).

Bá Lộc 

Theo Discover Magazine

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 49)

Tác giả

(Visited 173 times, 1 visits today)