Giảm thiểu ô nhiễm không khí

Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, từ các cấp quản lí tới người dân bình thường, tương lai sẽ phải trả giá rất đắt cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày một gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn và đông dân như Hà Nội và TP HCM...

Mở mắt đã ngửi thấy mùi ô nhiễm
Ít nhất hơn 8 triệu người ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng hàng ngày đang phải hít một lượng không khí bị ô nhiễm một cách “đáng báo động”. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2005 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nồng độ bụi
 

Cách đơn giản nhất để bảo vệ sức khoẻ trước tình trạng ô nhiễm môi trường là đeo khẩu trang. Ảnh: Quốc Tuấn


trong không khí trung bình cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần. Tại các nút giao thông thì nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn từ 2-5 lần. Còn ở các khu đang xây dựng trong đô thị, nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn là từ 10-20 lần. Bụi trong không khí trên đường phố chủ yếu là bụi đường (trên 80%). Ô nhiễm bụi riêng ở Hà Nội, theo đề tài nghiên cứu của PGS.TS Hoàng Xuân Cơ (Đại học Khoa học tự nhiên) ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người còn gây ra các thiệt hại to lớn khác như giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, hư hỏng thiết bị, suy giảm tuổi thọ công trình và làm mất mỹ quan cơ sở hạ tầng. Các thiệt hại về kinh tế có thể lượng hóa bằng tiền với mức thiệt hại ước tính khoảng 200-500 tỉ đồng (12-31 triệu đô la) một năm.
Không chỉ bụi, nồng độ khí CO và NO2 tại các nút giao thông lớn trong đô thị cũng đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông vận tải, do lưu lượng xe lớn và tình trạng kẹt xe liên tục tại các nút giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Tác hại của ô nhiễm môi trường hiện nay ở Hà Nội, theo Giáo sư vật lý Phạm Duy Hiển tương đương với việc người ta hút… 2 bao thuốc mỗi ngày.

 Hạ tầng giao thông đô thị kém
Theo số liệu thống kê, tại các đô thị lớn, các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông hiện rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 35-40% so với như cầu cần thiết. Tại Hà Nội, diện tích đất lưu thông chiếm khoảng 7,8%, mật độ đường đạt 3,89 km/km2. Tại thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất giao thông khoảng 7,5%, mật độ đường đạt 3,88 km/km2. Hệ thống giao thông công cộng tại hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam còn rất yếu kém, ở Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 10-12% nhu cầu đi lại, ở TP HCM mới đáp ứng được 7%.

Nguồn:Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn-Bộ Xây dựng

Vẫn theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2005, y học hiện đại đã ghi nhận nhiều bệnh tật đường hô hấp do môi trường không khí bị ô nhiễm bởi bụi, hơi khí độc CO, CO2, NO và chì như: viêm nhiễm do vi khuẩn, virut, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản và ung thư. Các nghiên cứu ở Hà Nội cũng đã xác định có mối quan hệ rõ rệt giữa ô nhiễm không khí và các bệnh đường hô hấp. Trong các năm từ 2001-2003 đã có gần 5.000 trẻ em dưới 15 tuổi điều trị tại các khoa nhi bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội vì mắc các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Tỉ lệ mắc hen phế quản của dân cư các quận nội thành cao gấp 1,4 lần dân cư các huyện ngoại thành. Cũng như vậy, thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỉ lệ mắc bệnh hen phế quản phải điều trị của Hà Nội là 23,52%, cao gần 4 lần so với tỉnh phụ cận Hà Tây (6,75%). Riêng tại khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai, năm 2001 tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tăng 2,1 lần so với trung bình hàng năm của giai đoạn 1991-1995 và tăng 1,9 lần so với trung bình hàng năm giai đoạn 1996-2000. Trong đó, riêng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có chiều hướng gia tăng mạnh nhất với tỉ lệ là 25,2%.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều và “quen” tới mức có người đã nói đùa “ngủ dậy, mở mắt đã ngửi thấy mùi ô nhiễm”. Mùi ô nhiễm ở đây chính là mùi quạt than tổ ong của nhà… hàng xóm.
Một nghiên cứu mới đây của Giáo sư Phạm Duy Hiển cho thấy một hiện tượng gia tăng ô nhiễm không khí về đêm ở Hà Nội vào mùa đông do nguyên nhân nghịch nhiệt. Những đợt gió mùa đông bắc khiến các chất ô nhiễm sau cả ngày lắng đọng phát tán nhanh hơn vào buổi tối. Cách duy nhất để đề phòng là hạn chế ra đường về ban đêm. Như vậy, những người có thói quen tập thể dục buổi tối, đêm cũng cần đổi sang buổi sáng để tránh những hậu quả đáng tiếc (Xem thêm bài Hà Nội bị ô nhiễm nhiều hơn về mùa đông).

Làm gì để hạn chế ô nhiễm?
Hầu hết các kết quả nghiên cứu về tình hình ô nhiễm không khí ở Việt Nam đều cho thấy các nguồn gây ô nhiễm hiện nay chủ yếu là từ các hoạt động công nghiệp (ở các thành phố lớn) và tiểu thủ công nghiệp (ở các làng nghề), từ các hoạt động giao thông vận tải, do quá trình xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, do sinh hoạt của nhân dân (đun than, dầu, củi) và do cháy hoặc ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều thành phố lớn hiện đã và đang thiết lập các hệ thống quan trắc và phân tích môi trường để thu thập các thông tin môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống quan trắc hiện nay là điều đáng bàn. Với số tiền đầu tư cộng với số tiền bảo dưỡng hàng năm rất lớn mà các kết quả quan trắc mới chủ yếu để cung cấp thông tin nhằm lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm thì quả là một sự lãng phí lớn (xem thêm bài Hệ thống quan trắc môi trường: mạnh ai nấy mua).

Sản xuất công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm ở Hà Nội. Ảnh: Quốc Tuấn

Năm 2003, Chính phủ cũng đã ra Quyết định 64 nhằm từng bước loại bỏ những cơ sở cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn. Theo đó, kế hoạch thực hiện đề ra mục tiêu đến năm 2005 xử lý triệt để 51 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến năm 2007, xử lý 388 cơ sở và đến năm 2012 xử lý hơn 3.800 cơ sở còn lại. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy đến tháng 9/2005, mới có 104/439 cơ sở áp dụng các biện pháp để không còn gây ô nhiễm môi trường. 335 cơ sở còn lại mới ở các giai đoạn “đang trong quá trình xây dựng hoặc triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm”. Còn tới 70 cơ sở trong số này hoàn toàn chưa có biện pháp nào để triển khai quyết định này của Chính phủ. Như vậy, mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở này để khỏi gây ô nhiễm đến năm 2007 quả là điều khó khăn, chưa nói đến mục tiêu tận… 2012. Đơn giản vì 3 năm đầu của chương trình (từ năm 2003) đến nay mới giải quyết được ¼ các cơ sở gây ô nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu gây tiến độ chậm là do các cơ sở gây ô nhiễm đều thiếu nguồn vốn để thực thi các biện pháp xử lý triệt để.

 

Người dân Hà Nội nói gì về ô nhiễm môi trường
Theo tôi thấy, môi trường ở Hà Nội và cả nước nói chung đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Trước hết là ô nhiễm bụi trên đường phố, bụi có thể nói là như mưa giăng. Tiếp đến là ô nhiễm về rác thải do cách tổ chức thu gom rác chưa được tốt và ý thức người dân và cộng đồng chưa cao. Người Việt Nam dù sống ở các thành phố lớn vẫn mang đặc tính của người nông dân. Ăn xong thẳng tay vứt rác xuống đường. Hút xong điếu thuốc, đầu mẩu và vỏ bao tiện tay ném ngay bất kể đó là công viên, nhà ga hay bến xe mặc dù cách đó không xa có thùng rác công cộng. Và cuối cùng là môi trường nước, cả nước sinh hoạt và nước thải công nghiệp đều ô nhiễm. Nước sạch cung cấp cho sinh hoạt không đảm bảo. Nước thải công nghiệp tuy đã có điều luật song việc thực thi chưa nghiêm khắc. Đoàn kiểm tra đến thì các nhà máy xử lý nước thải trước khi đưa ra ngoài môi trường nhưng đoàn kiểm tra đi thì đâu lại vào đấy. Điều này dẫn đến hiện tượng ở một làng có hàng trăm người bị ung thư (Lập Thạch, Vĩnh Phú). Chưa kể, người dân có thể khoan nước ngầm vô tội vạ.
Để giải quyết vấn đề này tôi cho cần có chính sách đồng bộ ở tầm vĩ mô và thực thi chính sách đó một cách nghiêm túc. Ngoài ra phải tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, làm sao để mọi người thấy ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân họ. Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các cấp các ngành, các cơ quan đoàn thể, cho tới từng phường, từng cụm dân cư, tổ dân phố phối hợp làm sao để hàng tuần có được ngày toàn dân tổng vệ sinh thôn xóm tiến tới hàng tháng có được 2 – 3 ngày tất cả mọi người đều ra đường khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải. Nếu làm được như thế thì dù chưa giải quyết triệt để vấn đề môi trường nhưng trước mắt sẽ có bước tiến.
Hồ Minh Trí, P1 – C3 Tập thể Khí tượng Thủy văn

Ở Hà Nội, tôi thấy hầu hết phụ nữ ra đường đều đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe song trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại không thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo môi trường sống trong sạch. Thậm chí, ở khu chung cư nơi tôi từng sống (khu tập thể H2 của Tổng công ty xây dựng sông Đà), người dân ở tầng trên cứ vô tư ném rác xuống tầng một, rác chất đống ngày một nhiều đến độ mấy xe rác có lẽ vẫn chưa chở hết. Mọi người đều nói môi trường là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhưng người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, các cơ quan nhà nước đưa ra nhiều văn bản, quy định song thực hiện thì chưa được mấy.
Hàn Nguyệt (Sinh viên lớp K49, Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV)

Riêng tại Hà Nội, để khắc phục tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, nhiều đề xuất đã được đưa ra như khuyến khích sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LPG) cho xe taxi, triển khai thực hiện các dự án tăng cường giao thông đô thị (cải tạo hệ thống mạng lưới giao thông lớn, tổ chức quản lý và phát triển giao thông công cộng), di dời các nhà máy gây ô nhiễm… nhưng hiệu quả đạt được còn rất thấp. Những chiếc xe chạy nhiên liệu khí hóa lỏng vẫn chỉ ở giai đoạn thí điểm và ngày càng teo tóp. Hệ thống đường vành đai và các dự án cầu vượt giao thông vẫn ở giai đoạn triển khai, chưa hoàn thiện. Mạng lưới giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt có gia tăng nhưng chính số lượng xe buýt ngày càng lớn lại là một trong những nguyên nhân khiến tắc nghẽn giao thông nhiều hơn. Vẫn còn các nhà máy gây ô nhiễm trong nội đô chưa được di dời (Công ty Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy rượu Hà Nội…).
Bài học đắt giá của nhiều nước đã và đang phát triển (xem bài Châu Á “khó thở” vì ô nhiễm từ Trung Quốc) dường như ít tác động tới hoàn cảnh của Việt Nam và dường như nền kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục vận động mà ít bị ảnh hưởng của Luật Môi trường. Cụ thể là mặc dù đạo luật này đã được ban hành hơn 10 năm nay (1993) nhưng cho tới nay chưa có bất cứ tội danh nào trong việc hủy hoại môi trường sống và sức khỏe con người được đưa ra xét xử, trừng phạt.

Viện Nhi Trung ương luôn quá tải bệnh nhân trong đó có rất nhiều trẻ em bị các bệnh về hô hấp do lạnh và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc Tuấn

 Theo PGS.TS Hoàng Xuân Cơ, tất cả các chương trình giảm thiểu ô nhiễm bụi hiện nay chỉ có thể hiệu quả trong điều kiện có sự quản lý, tổ chức thực hiện tốt và đặc biệt là có đủ… kinh phí. Như vậy, nỗ lực cần có không chỉ từ cơ quan quản lý môi trường mà của nhiều người, nhiều ngành nghề và đặc biệt là của nhân dân. Điều cần làm trước mắt là việc nâng cao nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường của người dân. Trong các chiến dịch truyền thông lớn cần khẳng định rằng trong câu chuyện ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí, mỗi người dân vừa là tác nhân gây ô nhiễm và cũng là nạn nhân của ô nhiễm. Ngay trong đầu năm 2006 này, dự tính bản tin dự báo chất lượng không khí

 Ô nhiễm không khí tại các đô thị và vùng kinh tế trọng điểm
Không khí đường phố đô thị nước ta bị ô nhiễm nặng vì bụi, khí CO và hơi xăng dầu. Ô nhiễm không khí ở các vùng kinh tế trọng điểm gây ra bởi các hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải với cường độ lớn. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta là vùng bị ô nhiễm không khí nhiều nhất.
Ngoài vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn và một số các khu vực khác cũng đang bị ô nhiễm không khí cục bộ bởi bụi, khí dioxit lưu huỳnh SO2, đặc biệt ở các khu vực gần nhà máy xây dựng vật liệu xây dựng.
Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2005-Bộ Tài nguyên và Môi trường

sẽ được Viện Khí tượng-Thủy văn đưa lên website www.imh.ac.vn. Hy vọng đây sẽ là bản tin “cảnh tỉnh” về tình trạng ô nhiễm trong không khí đối với mỗi người dân, nhằm hạn chế các hành động gây ô nhiễm môi trường ở nước ta.

 

Tỷ lệ mắc bệnh do ô nhiễm không khí tại vùng ô nhiễm Thượng Đình (Hà Nội)
Bệnh Tỉ lệ mắc bệnh ở Thượng Đình Tỉ lệ mắc bệnh ở vùng đối chứng
Viêm phế quản mãn 6,4 % 2,8 %
Viêm đường hô hấp trên 36,1 % 13,1 %
Viêm đường hô hấp dưới 17,9 % 15,5 %
Triệu chứng về mắt 28,5 % 16,1 %
Triệu chứng về mũi 17,5 % 13,7 %
Triệu chứng về họng 31,4 % 26,3 %
Triệu chứng về da 17,6 % 6,5 %
Triệu chứng thần kinh thực vật 30,6 % 21,5 %
Triệu chứng đáp ứng thần kinh 40,7 % 37,7 %
Rối loạn chức năng thông khí phổi 29,4 % 2,8 %
Nguồn: Dự án nâng cao chất lượng không khí tại các nước đang phát triển ở Châu Á, 2004


 

Người dân Hà Nội nói gì về ô nhiễm môi trường!

Ở Hà Nội, tôi thấy hầu hết phụ nữ ra đường đều đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe song trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại không thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo môi trường sống trong sạch. Thậm chí, ở khu chung cư nơi tôi từng sống (khu tập thể H2 của Tổng công ty xây dựng sông Đà), người dân ở tầng trên cứ vô tư ném rác xuống tầng một, rác chất đống ngày một nhiều đến độ mấy xe rác có lẽ vẫn chưa chở hết. Mọi người đều nói môi trường là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhưng người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, các cơ quan nhà nước đưa ra nhiều văn bản, quy định song thực hiện thì chưa được mấy.
Hàn Nguyệt (Sinh viên lớp K49, Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV)

Hoàng An _ Nguyễn Vạn 

Nguồn tin: Tia Sáng

         

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)