Giao ban cây lúa

Trong ảnh là bốn vị viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chúng tôi chụp được sau hội nghị giao ban về sản xuất lúa năm 2011 tại Viện Lúa ĐBSCL vào đầu tháng 2 năm 2011. Bữa đó, trên ghế chủ tọa, PGS.TS Bùi Bá Bổng (thứ hai, từ trái qua) – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN & PTNT), nói vui: “Đây là lần đầu tiên Viện Lúa họp mặt đủ bốn đời viện trưởng. Đầu năm mới như vậy chắc là Viện Lúa phát tài rồi”.

Cả hội trường hơn hai trăm người, hầu hết là những nhà khoa học và cán bộ quản lý nông nghiệp khắp ĐBSCL và từ nhiều viện, trường từ TP.HCM về, vỗ tay ầm ầm. Lúc đó mọi người mới nhìn quanh hội trường và thấy bốn ông viện trưởng mỗi ông ngồi mỗi nơi. GS.TS Nguyễn Văn Luật (thứ ba, từ trái qua) – Viện trưởng đầu tiên giờ đã nghỉ hưu, GS.TS Bùi Chí Bửu (phải cùng) – Viện trưởng đời thứ ba sau anh Bổng, hiện là Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và TS Lê Văn Bảnh (trái cùng) – đương nhiệm Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL.

Tình cờ chụp được tấm ảnh này nhưng lại nghe các anh chị ở Viện Lúa nói, hiếm khi cả bốn ông viện trưởng nối tiếp nhau sum họp như vậy và nó như là hình ảnh đại diện cho những người đã góp sức làm nên câu chuyện lúa gạo ở ĐBSCL mấy mươi năm nay.

Nhớ những năm đầu thành lập Viện Lúa trong thời bao cấp thiếu gạo cơm, GS.TS Nguyễn Văn Luật, ngoài việc chuyên môn về cây lúa, ông còn tập trung lo cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Không phân biệt thành phần xuất thân, ai có khả năng, ông đều tạo điều kiện gửi đi đào tạo ở nhiều nguồn, nhiều nhất là ở Ấn Độ và Viện Lúa Quốc tế (IRRI). Thế là sau ông, có TS Bùi Bá Bổng, đỗ đầu bảng về lúa lai ở Ấn Độ; sau khi anh Bổng về Bộ NN & PTNT, có ngay tiến sĩ Bùi Chí Bửu; tới khi anh Bửu về Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam là có TS Lê Văn Bảnh thay thế. Cả ba đời viện trưởng tiếp sau đều từ phó viện trưởng lên. Như là cây lúa, từ lúc gieo hạt, nảy mầm tới khi cho hạt, đều tươi tốt thuận hòa.

Còn nhớ bữa đó, trước khi vào hội trường, mọi người đã kéo nhau đi tham quan một vòng Viện Lúa và xem xét những trà lúa đông xuân đang chín rộ. Dường như ai cũng hi vọng về cây lúa năm nay. Không thấy ai nói ra, nhưng đi ngang các phòng thí nghiệm trong Viện Lúa, có người tự dưng nghe xúc động trong lòng, hiểu rằng để có được 200 ha lúa giống nguyên chủng tốt tươi ngoài kia, phải chắt chiu từ bao nhiêu mồ hôi và trí tuệ từ nơi này.

Anh Bùi Bá Bổng chủ trì buổi giao ban hết sức nhẹ nhàng. Sau các báo cáo chính của Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ NN & PTNT, anh nhỏ nhẹ “kính mời thầy Luật”, “thầy Huỳnh” (PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh ở Đại học Cần Thơ), “anh Bửu”, “anh Phụng” (PGS.TS Mai Thành Phụng ở Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), “anh Bảnh”… phát biểu. Giữa các phát biểu ấy, anh Bổng thường gợi ý vui mà nghiêm túc. Tỉ như: “Tham quan ruộng lúa, tôi thấy anh Bảnh làm tốt hơn thời tôi làm viện trưởng rồi, cho nên tôi tin là cây lúa của mình tới đây sẽ càng tốt hơn”. Hay là: “Anh Phụng là người lăn lộn với bà con nông dân nhiều, chắc là anh sẽ phản ánh được đúng nỗi lòng nông dân”. Hoặc: “Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ NN & PTNT xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng mở thêm vụ lúa thu đông như Kiên Giang đang làm để tăng lượng gạo xuất khẩu, xin các anh có ý kiến về chuyện này”… Tới gần trưa đứng bóng, sau khi kết luận giao ban, anh Bổng lại nói vui: “Trưa nay Viện Lúa mời cơm, chắc là mình sẽ được ăn gạo ngon rồi”.

Tới giờ, tôi vẫn còn nhớ ý kiến thảo luận ngắn gọn của các nhà khoa học này. GS.TS Nguyễn Văn Luật nói: “Không thể chỉ đạo gieo sạ đồng loạt cho cả vùng mà nên linh hoạt theo điều kiện từng nơi, có nơi nước đã rút, có nơi chưa. Cũng không có vụ nào là chính cho mọi nơi mà phải theo điều kiện cụ thể từng nơi; nơi làm xuân hè tốt thì giúp nông dân làm, thu đông cũng vậy. Tóm lại là ta phải tổng kết từ kinh nghiệm thực tế để áp dụng khoa học kỹ thuật và có chủ trương cho đúng”.

GS.TS Bùi Chí Bửu: “Rủi ro về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ vài phần trăm trong khi ở đồng bằng sông Hồng là 30%, miền Trung khoảng 50%. Năm 2010 Việt Nam thắng lớn về lúa gạo, đã tăng 1 triệu tấn, chủ yếu cũng tại ĐBSCL. Tuy nhiên dân số cũng tăng mạnh, như vậy là năng suất lúa đứng yên. Trong khi Việt Nam nhắm tới mục tiêu là nước công nghiệp hóa năm 2020, diện tích lúa sẽ giảm. Như vậy phải tổ chức lại cho nông dân sản xuất theo hướng công nghiệp hóa. Và phải làm ưu tiên cho ĐBSCL vì đồng bằng này là vùng có tính sản xuất vô cùng ổn định”.

TS Lê Văn Bảnh: “Để thích nghi với biến đổi khí hậu, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo được 30 giống chịu mặn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp giống cho các công ty nhưng cần nhắc lại chuyện sở hữu trí tuệ. Viện Lúa đã bán cho các công ty bảy loại giống mới trị giá hơn ba tỉ đồng nhưng chưa có ai trả tiền cả (hội trường cười ầm)… Tôi cũng đề nghị, phải giải quyết phù hợp việc xuất khẩu gạo và tiêu thụ nội địa trong năm nay vì thế giới đang có nguy cơ khủng hoảng lương thực như năm 2008, giá lương thực đang tăng mạnh”.

Chốt lại buổi giao ban hôm đó, ông viện trưởng đời thứ hai, Bùi Bá Bổng, nhấn mạnh: “Sắp tới, Thủ tướng sẽ ban hành qui hoạch đất lúa và nghị định về quản lý đất lúa trong cả nước”. Ông nói, mục đích chính của chủ trương này nhằm bảo đảm an ninh lương thực và gia tăng năng suất, chất lượng lúa gạo xuất khẩu đồng thời tăng được thu nhập cho nông dân. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng cho hay, từ vụ hè thu năm nay, các tỉnh làm lúa ở ĐBSCL sẽ đầu tư làm các “cánh đồng lúa mẫu” để tiến tới việc sản xuất lúa gạo hiện đại trong vùng. Theo đó, mỗi cánh đồng rộng ít nhất 300 ha, sử dụng giống xác nhận và áp dụng phương pháp cánh tác và thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng với Viện Lúa ĐBSCL, ông cho biết Chính phủ đã đồng ý sẽ đầu tư khoảng 200 tỉ đồng để viện này làm quy hoạch hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp hiệu quả hơn.

Nhìn lại tấm ảnh, nhớ lại buổi giao ban và cảnh lũ lụt ngập chìm hàng nghìn ha lúa thu đông ở ĐBSCL, thầm nghĩ, cây lúa và đời người làm ra hạt lúa, có không biết bao nhiêu là gian truân mà cũng thật là ân tình sâu nặng…

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)