Giáo dục phải gắn liền với nhu cầu xã hội

Tốt nghiệp đại học tại Úc, nhận bằng Thạc Sỹ và Tiến Sỹ tại Pháp; là học sinh Việt Nam đầu tiên dành Huy Chương Vàng Lý Quốc Tế. Trần Thế Trung hiện là Chủ nhiệm bộ môn Toán, Đại học FPT. Cuộc trò chuyện với Tia Sáng xoay quanh các vấn đề giáo dục của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Là tiến sỹ Vật lý thiên văn, nhưng hiện tại anh lại đang là Chủ nhiệm bộ môn Toán học, Đại học FPT. Hình như anh có ý định bỏ nghề?
Không phải là bỏ nghề. Đúng hơn đây là lựa chọn cuối cùng tôi có thể tìm được ở Việt Nam mà vẫn có thể vận dụng được tốt nhất những kiến thức đã tích góp được từ trước.

Lựa chọn cuối cùng? Có vẻ hơi vô lý bởi anh hoàn toàn có cơ hội về công tác tại Viện Vật lý hay Khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên chẳng hạn?
Đúng là tôi đã có thời gian làm việc ở Viện Vật lý. Nhưng hiện nay, tôi không thể hình dung ra việc mình sẽ làm việc cho một cơ sở đại học hoặc nghiên cứu Nhà nước. Bởi đó là những cơ sở giáo dục theo xu hướng. Nhưng điều tôi mong muốn là được làm việc cho một cơ sở tại đó người ta giáo dục theo nhu cầu xã hội. Tôi vào Đại học FPT làm cũng vì lý do này.
Bản chất của Đại học FPT là cứ những gì phục vụ cho công nghệ và phục vụ cho mục đích công ty thì người ta sẽ dạy.
Hiện giờ, tôi dạy toán ở đây nhưng tôi cũng đang chờ đợi FPT đầu tư vào những ngành liên quan đến hardware, tức là có liên quan đến vật lý và khi đó chắc chắn tôi sẽ quay lại với Vật lý.
Tôi cũng có một ý định là sẽ thuyết phục lãnh đạo FPT đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ra điện từ năng lượng Mặt trời. Khi đó, tôi sẽ có thể lắp đặt một bộ thí nghiệm vừa có thể sản xuất ra điện nhưng cũng có thể tận dụng nó để quan sát Mặt trời vào ban ngày và bầu trời vào ban đêm. Đây là một ví dụ về việc kết hợp giữa khoa học cơ bản với nhu cầu xã hội và chỉ có thế thì khoa học mới có thể phát triển bền vững trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam.

Anh vừa nói đến chuyện giáo dục theo nhu cầu của xã hội. Anh có nhận xét gì về điều này ở Việt Nam hiện nay?
Những trường đại học tư thì buộc phải theo hướng này, nếu không họ sẽ không thể tồn tại. Còn các đại học công cũng đang có xu hướng nhận thức và ủng hộ cho điều này. Thỉnh thoảng, Đại học FPT vẫn mời nhiều GS đến làm seminar, nói chuyện với sinh viên. Họ bày tỏ mong muốn FPT quan tâm nhiều hơn cho khoa học cơ bản. Nhưng điều này hiện nay vượt quá khả năng của FPT nói riêng cũng như các doanh nghiệp tư nhân nói chung. Bởi ngay cả việc tạo ra nhiều bằng sáng chế công nghiệp cũng là một mục tiêu cần sự nỗ lực rất lớn của các đại học ở Việt Nam. Còn để đạt được những thành tựu về khoa học cơ bản thì chắc còn phải trải qua nhiều chặng đường lắm.

Kinh nghiệm về việc triển khai giáo dục theo nhu cầu xã hội ở Đại học FPT là như thế nào?
Đó là một môi trường làm việc rất dân chủ và thoải mái. Nó khác với môi trường đại học cổ điển của Việt Nam. Mọi người được tự do đưa ý kiến và nếu nó được số đông ủng hộ thì ý kiến đó sẽ được thực hiện ngay lập tức. Nhưng kéo theo đó là yêu cầu về khả năng thích ứng nhanh với công việc. Chương trình toán của chúng tôi luôn được thêm vào hoặc sửa đổi liên tục để phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ như môn Toán rời rạc (rất cần thiết đối với người làm Tin học) hoàn toàn không có trong chương trình giáo dục ở bậc đại học ở các trường công, nhưng học sinh năm nhất của chúng tôi đã phải học trong cả 2 học kỳ. Thậm chí, có những vấn đề ngay cả các thầy giáo cũng cảm thấy mới và phải tự học lại. Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi không phải tất cả những người có bằng cấp, học vị cao đều dạy tốt và thích ứng nhanh với công việc.

Một câu hỏi có phần riêng tư, tại sao anh lại quyết định trở về nước làm việc, trong khi nếu ở lại nước ngoài, anh hoàn toàn có thể tiếp tục theo ngay ngành Vật lý mà anh yêu thích.

Lý do lớn nhất là tôi không hợp với văn hóa nước ngoài. Hơn nữa, chưa có nhiều trường hợp thành công khi trở về. Nên tôi muốn góp thêm một tấm gương về một người về Việt Nam và làm được một điều gì đó hoặc là không làm được gì cả.

P.V thực hiện

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)