Giáo sư đa năng và những rủi ro về uy tín

Shirley Ann Jackson, nhà vật lý lý thuyết, Hiệu trưởng của Học viện Bách khoa Rensselaer tại New York, tham gia vào ban điều hành của FedEx từ năm 1999, Steven B. Sample, kỹ sư điện và nguyên là hiệu trưởng của trường Đại học Nam California tham gia vào ban giám đốc của một vài quỹ tín thác (American Mutual, Amcap Mutual funds)… nằm trong số những hiệu trưởng và cán bộ cao cấp của trường đại học tham gia quản lý tập đoàn. Những nhà lãnh đạo này được kỳ vọng mang tới những triển vọng tươi sáng, kinh nghiệm quản lý và danh tiếng của cơ sở đào tạo tới ban lãnh đạo tập đoàn. Tuy nhiên, việc tham gia vào ban điều hành các tập đoàn, bên cạnh lợi ích về tài chính, mối quan hệ đối với bản thân họ, cũng tiềm ẩn rủi ro về uy tín khi các tập đoàn phải đương đầu với khủng hoảng.

Việc hiệu trưởng các trường đại học tham gia vào ban điều hành của các tập đoàn bắt đầu từ cuối những năm 1990 khi các công ty tìm cách phá bỏ truyền thống các ban lãnh đạo chỉ toàn nam giới da trắng. Các hiệu trưởng các trường đại học thường là các lãnh đạo giỏi và nhiều người trong số họ là những người phụ nữ thành danh trong lĩnh vực chuyên môn và có kinh nghiệm điều hành các tổ chức lớn.

Theo điều tra năm 2008 của The Chronicle of Higher Education, giám đốc của 19 trong tổng số 40 đại học nghiên cứu quy mô lớn có tham gia vào ban điều hành của công ty. Xu hướng này trở nên phổ biến trong các trường đại học công, nhưng các trường đại học tư cũng đang đuổi kịp. Ủy ban giáo dục Hoa Kỳ nhận xét, từ năm 2001 tới 2006, tỷ lệ các hiệu trưởng từ các trường đại học nghiên cứu tham gia vào ban lãnh đạo công ty tăng từ 47,8% lên 52,1% trong các trường công, và từ 40,6% lên 50,9% trong các trường tư. Một vài hiệu trưởng các trường nổi tiếng như Đại học Stanford, Đại học California, San Diego tham gia vào ban điều hành của 3 công ty.

Những khoản tiền lớn, mạng lưới quan hệ là hai trong số những lợi thế mà các hiệu trưởng được hưởng khi tham gia vào các tập đoàn. Ruth J. Simmons, hiệu trưởng Đại học Brown là  phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên đứng đầu trường đại học trong nhóm IVY, có mặt trong ban điều hành của Goldman Sachs cho tới năm ngoái. Năm 2009, bà nhận được 323539 USD từ tập đoàn này, bao gồm cả cổ phiếu, ngoài ra lương hằng năm của bà tại Brown là 576.000 USD.

Các công ty cũng hưởng lợi từ các thành viên là giáo sư đại học. Một ưu điểm dễ nhận thấy là người ngoài sẽ dễ đưa ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề công ty gặp phải. Ngoài ra, nguồn nhân sự mới cao cấp này cũng làm phong phú thêm cho công ty. Phyllis M. Wise, hiệu trưởng của Đại học Washington tham gia vào ban điều hành của Nike. Nike cho rằng thuê Wise-một người Mỹ gốc Á, vì những thành tích đáng ngưỡng mộ của bà và sự độc lập trong suy nghĩ, họ tin rằng thông qua việc trao đổi ý tưởng, cả công ty và Đại học Washington đều có lợi.

Theo James H. Finkelstein, giáo sư trường chính sách công George Mason, có thể lý do chính để các công ty tìm kiếm các học giả là danh tiếng mà họ mang tới. Trường đại học là một trong số ít những thể chế nhận được sự tin tưởng của công chúng và các công ty tin rằng họ có thể gắn mình vào danh tiếng này khi có trong ban điều hành một học giả như vậy. “Các tập đoàn luôn nghĩ đó là cách để tăng cường danh tiếng và sự hợp pháp. Tôi ngờ rằng đây là lý do chính chứ không phải vì óc kinh doanh của người được tuyển dụng”, ông nói.


Ruth J. Simmons, Hiệu trưởng trường Đại học Brown

John Gillespie, người viết cuốn sách về ban lãnh đạo của các tập đoàn “Money for nothing” (tạm dịch Tiền cho không) nói, các học giả thường được chọn vì lý do khác – đó là bởi vì họ ít làm lắc lư “thuyền” hơn giám đốc bên kinh doanh. Các học giả được đào tạo để hỏi những câu hỏi hóc búa trong lĩnh vực của họ nhưng khi họ đối mặt với những vấn đề kinh doanh vượt qua tầm hiểu biết họ trở nên im lặng.

Nell Minow, biên tập viên của Corporate Library, một tổ chức nghiên cứu độc lập chuyên nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp nhận xét, Goldman Sachs bị ảnh hưởng khi tuyển dụng Simmons làm giám đốc vì bà thiếu kinh nghiệm về tài chính và thường quan tâm tới những vấn đề không chính yếu của doanh nghiệp. “Chiếc ghế đó phải dành cho một ai đó am hiểu kinh doanh hơn. Điều mà chúng ta học được từ cuộc khủng hoảng tài chính là ban giám đốc đã thất bại trong quản lý rủi ro. Anh không tham gia vào ban điều hành để tạo quan hệ, tìm kiếm sự cống hiến hay làm việc cho các nhóm thiểu số. Anh ở đó vì mục đích: quản lý rủi ro có thể xảy ra với lợi ích dài hạn của các cổ đông”, Minow nói.

Nhiều chuyên gia về quản trị doanh nghiệp cho rằng một hiệu trưởng tham gia vào ban lãnh đạo mang lợi ích cho cả công ty lẫn trường đại học, nhưng tình hình trở nên phức tạp hơn khi các hiệu trưởng này tham gia vào nhiều ban lãnh đạo. Họ có thể sẽ giảm thời gian cho trường đại học và không có đủ thời gian trở thành một thành viên tích cực trong ban giám đốc.

Theo tính toán của Corporate Library, các thành viên trong ban điều hành phải đầu tư 240 giờ mỗi năm bao gồm cả hội họp, công tác chuẩn bị để có thể làm tròn bổn phận của mình. Nhưng nó sẽ là công việc toàn thời gian nếu công ty gặp rắc rối. Raymond D. Cotton, cộng tác viên của văn phòng luật Mintz Levin chuyên về các hợp đồng với các hiệu trưởng và đại diện cho 250 cơ sở, nói rằng, ông khuyên các trường đại học nên ghi thêm vào hợp đồng điều khoản hiệu trưởng chỉ có thể tham gia tối đa vào 2 ban điều hành.

Tại trường Washington, việc hiệu trưởng Phyllis Wise tham gia vào Ủy ban trách nhiệm xã hội của Nike và nhận được khoản tiền lương hậu hĩnh gây nhiều tranh cãi. Một vài người cho rằng bà nhận được 50.000 USD tiền mặt, 70.000 USD tiền cổ phiếu ngoài khoản tiền lương hằng năm là 559.000 USD cho vai trò mà nó chỉ là kết quả của việc làm hiệu trưởng một trường đại học công. Tuy nhiên, vào tháng 7 vừa qua, Wise tuyên bố rằng bà chuyển thu nhập của mình ở Nike thành tiền học bổng cho sinh viên. Những người khác hỏi liệu bà có làm công việc một cách công tâm khi Nike có hợp đồng cung cấp trang thiết bị thể thao cho trường trị giá 35 triệu USD trong 10 năm qua. Công ty cũng trả cho trường 110.000 USD tiền hoa hồng bán áo hằng năm. Một vài học giả của trường cho rằng việc Wise có mặt trong ban điều hành có nghĩa là họ không thể lên án Nike về các chính sách lao động đặc biệt là đối xử với lao động trong các xưởng tại các nước đang phát triển. Trong một cuộc phỏng vấn, Wise phản bác ý kiến này. Bà cho rằng có thể giải quyết bất cứ sự xung đột lợi ích nào và sẽ rút lui trong các quyết định của trường liên quan tới Nike. Bà cũng nói mình tham gia vào Nike vì điều này mang lại cho bà kỹ năng đưa ra quyết định và kinh doanh có thể áp dụng vào môi trường đại học.

            Ngọc Tú lược dịch (New York Times)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)