Giáo sư Phan Đình Diệu: Anh Cả của Tin học Việt Nam
“Nếu có thể Bảo nên chuyển qua làm về trí tuệ nhân tạo vì đấy là tương lai của tin học” là gợi ý trong bức thư Anh Diệu gửi tôi mùa hè 1984, thời kỳ trí tuệ nhân tạo còn ảm đạm. Đã nhiều chục năm trôi qua, nay lĩnh vực này đang là khoa học và công nghệ cốt lõi của kỷ nguyên số. Nhớ lại một kỷ niệm riêng nhân 85 năm ngày sinh của Anh Diệu càng thấy tầm vóc của Anh, người Anh Cả của nền Tin học nước nhà”.
Giáo sư Phan Đình Diệu.
Giáo sư Phan Đình Diệu sinh ngày 12 tháng 6 năm 1936 tại xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Sau khi học trường cấp 3 Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, năm 1954 ông ra Hà Nội theo học ngành Toán tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Ông tốt nghiệp xuất sắc và trở thành giảng viên của trường vào năm 1957.
Năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Khoa Toán học Tính toán và Điều khiển học, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Ông theo đuổi nghiên cứu về Logic toán và Giải tích hàm, cũng như việc xây dựng một nền móng vững chắc của Toán học.
Cuộc khủng hoảng về cơ sở của Giải tích toán học vào cuối thế kỷ 19 dẫn đến sự ra đời của lý thuyết Cantor về tập hợp, tạo nền móng cho Giải tích toán học và Toán học nói chung. Nhưng việc phát hiện ra những nghịch lý trong bản thân lý thuyết tập hợp đã làm lung lay nền móng này. Giới toán học đứng trước vấn đề cần xem xét tính đúng đắn của một số mệnh đề vốn vẫn mặc nhiên được coi là đúng và cần hoài nghi cả một số quy tắc logic vẫn đang dùng. Một số trường phái về xây dựng nền móng của Toán học đã xuất hiện, nổi bật là ba phái lớn: chủ nghĩa logic (logicism), chủ nghĩa hình thức (formalissm) và chủ nghĩa trực giác (intuitionism).
Phái chủ nghĩa logic, khởi đầu bởi G. Frege và tiếp tục bởi B. Russell, A. Whitehead, chủ trương đưa toàn bộ toán học thành một bộ phận của logic, ở đó các đối tượng của toán học được xem là không tồn tại độc lập và có thể được xác định bởi một chuỗi các định nghĩa, các phán đoán, các suy diễn logic.
Phái chủ nghĩa hình thức, khởi xướng bởi D. Hilbert, tiếp tục bởi P. Bernays, W. Ackermann, J. von Neumann và nhiều người khác, chủ trương cứu toàn bộ toán học cổ điển bằng cách tiên đề hóa rồi hình thức hóa toàn bộ toán học cổ điển thành một lý thuyết tiên đề hình thức và chứng minh tính phi mâu thuẫn của lý thuyết hình thức này.
Phái chủ nghĩa trực giác, với những người đề xướng chủ chốt là L.E.J. Brouwer, A. Heyting, đòi hỏi các đối tượng toán học phải được xây dựng rõ ràng một cách trực giác, muốn chứng minh sự tồn tại của một đối tượng phải chỉ ra được một cách trực giác để tìm ra đối tượng đó.
Lĩnh vực nghiên cứu ông lựa chọn khi đó là toán học kiến thiết của trường phái chủ nghĩa trực giác. Ông làm nghiên cứu với nhà toán học Nga nổi tiếng Andrei A. Markov, người cùng N.A. Shanin đã sáng lập ra lý thuyết toán học đệ quy kiến thiết. Đề tài ông theo đuổi là xây dựng một lý thuyết kiến thiết cho lĩnh vực giải tích hàm. Trên con đường nghiên cứu này ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ về “Lý thuyết kiến thiết của các không gian tô-pô tuyến tính lồi địa phương” vào năm 1965 và luận án tiến sĩ khoa học với tiêu đề “Một số câu hỏi về giải tích hàm kiến thiết” vào năm 1967.
Trong thời gian làm luận án ông đã đăng sáu bài báo trên tạp chí rất nổi tiếng ở Nga lúc đó là “Doklady Akademii Nauk”. Với các công trình mang tính đột phá này, chỉ trong 5 năm ông đã xây dựng thành công một nhánh mới trong Toán học: Giải tích hàm kiến thiết. Luận án của ông được in riêng thành một tập trên tạp chí khoa học “Proceedings of the Steklov Institute of Mathematics” của Nga, và năm 1974 Hiệp hội Toán học Mỹ đã dịch và xuất bản luận án này trong cuốn sách tiếng Anh “Some Questions in Constructive Functional Analysis”.
Điều ý nghĩa là cùng lúc làm luận án tiến sĩ, ông đã dành thời gian tìm hiểu các lý thuyết về thuật toán, tâm huyết với việc gán cho khái niệm “tồn tại” hay “xây dựng được” các nội dung thuật toán một cách chính xác. Đây là những bước chuẩn bị ban đầu của ông cho một sự nghiệp ông sẽ theo đuổi trong suốt quãng đời còn lại. Điều này cũng phần nào giống như câu chuyện hai mươi năm trước đó, khi làm việc ở Pháp và Đức, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã âm thầm tìm hiểu về vũ khí để khi về nước đã gây dựng nên nền quân khí Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến.
Giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm và Phan Đình Diệu. Nguồn: Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN .
Vào giữa năm 1967, Minsk-22– một trong những máy tính hiện đại nhất của Liên Xô và Đông Âu vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước– có mặt ở miền Bắc Việt Nam và đặt tại trụ sở của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, một trong những dấu ấn đầu tiên của khoa học máy tính ở Việt Nam.
Cũng vào năm đó sau khi về nước, tiến sĩ khoa học trẻ Phan Đình Diệu được phân công về làm việc ở Ủỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, tại Phòng Máy tính. Năm 1972, ông được đề nghị làm Trưởng phòng Máy tính với nhiệm vụ xây dựng những tập thể cán bộ không những biết sử dụng và khai thác máy tính lớn để phục vụ nhu cầu tính toán trong nhiều lĩnh vực ứng dụng mà còn có khả năng nghiên cứu ở trình độ cao về một số hướng phát triển hiện đại của khoa học máy tính. Cũng trong những năm 1970–1975, khi Viện Toán học được thành lập với bốn bộ môn, tiến sĩ khoa học Phan Đình Diệu đã phụ trách bộ môn Điều khiển học gồm hai nhóm “Lý thuyết automat và ngôn ngữ hình thức” và “Điều khiển tối ưu”.
Cũng ngay từ thời gian này, nhận định về sự phát triển trên thế giới và cho rằng khoa học máy tính sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng và là nền tảng của những cuộc cách mạng công nghiệp lớn sẽ thay đổi lịch sử nhân loại, ông chủ trì đề xuất dự án thành lập Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển.
Đầu năm 1977, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chính thức được thành lập, và ông là Viện trưởng đầu tiên. Viện được thành lập trên cơ sở hai đơn vị là Phòng Máy tính và Ban Điều khiển học vốn thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Với khoảng 125 cán bộ nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực– từ lập trình đến kỹ thuật số, từ kinh tế đến điều khiển, từ thống kê và phương pháp tính đến nhận dạng… Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển là cơ quan nghiên cứu và ứng dụng chung của cả nước về hai lĩnh vực này.
Lãnh đạo những cán bộ trẻ hầu hết mới tốt nghiệp đại học của một ngành khoa học non trẻ, giáo sư Phan Đình Diệu đã dành trọn thời gian, sức lực và nhiệt huyết để cùng tập thể này phấn đấu cho các mục tiêu. Một mặt, ông đã truyền được cảm hứng, trách nhiệm và động lực khoa học cho các cán bộ trẻ, tạo ra một không khí làm việc say mê của Viện trong hoàn cảnh đất nước còn vô vàn khó khăn. Mặt khác, nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển một ngành khoa học mới và đa dạng, mới ngay cả với chính mình, ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và tự học những lĩnh vực rất mới và thay đổi rất nhanh của ngành. Phải có niềm đam mê đặc biệt và một trí lực phi thường mới có thể đọc và hiểu được nhiều thứ khác nhau như vậy, để có thể chia sẻ và dẫn dắt một tập thể xuất sắc và năng động như vậy. Có thể nói ông đã gạt bỏ những theo đuổi và đam mê cá nhân về toán học để bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới với mình nhưng rất cần cho đất nước, cùng một số người đi đầu, dẫn đường cho những thế hệ tiếp theo xây dựng nền Tin học nước nhà, nay được gọi phổ biến là Công nghệ thông tin.
Giáo sư Phan Đình Diệu có tầm nhìn chiến lược sâu sắc về con đường phát triển ngành công nghệ thông tin. Đọc nhật ký ông ghi chép trong các chuyến công tác ở châu Âu, ở Mỹ … thấy ông luôn đau đáu nghĩ về tin học nước nhà, nghĩ cách học cái hay xứ người mang về phát triển công nghệ thông tin quốc gia. Tiêu biểu nhất là ba lần ông chủ trì việc xây dựng chương trình quốc gia về công nghệ thông tin.
Cùng với giáo sư Trần Lưu Chương (phụ trách Cục Máy tính của Bộ Khoa học và Công nghệ) ông viết bản đề xuất chương trình quốc gia về Tin học vào năm 1976. Tài liệu này trình bày bức tranh tổng thể về Tin học trên toàn thế giới và đề xuất kế hoạch phát triển ngành Tin học Việt Nam. Bản đề xuất đã được phê duyệt thành Nghị quyết 245-CP/1976 của Chính phủ về xây dựng và phát triển ngành Khoa học tính toán.
Vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi trên thế giới máy vi tính còn chưa là sản phẩm hàng hóa phổ biến, đất nước lại đang trong tình trạng bị cấm vận, dưới sự chỉ đạo tâm huyết của ông, nhóm các nhà khoa học trẻ của Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển đã tự thiết kế, lắp ráp các máy vi tính VT80, VT81, và VT82, tự viết hệ điều hành cho máy, và tạo nên ngôn ngữ “BASIC Đồi Thông” cùng với chương trình dịch để sử dụng trên máy. Đó là những kết quả rất đáng tự hào của Tin học Việt Nam thuở ban đầu.
Vào năm 1984 khi Việt Nam đang bị cấm vận, ông lại chủ trì đưa ra đề xuất mới của chương trình Tin học Việt Nam. Ra đời khi xã hội chưa sẵn sàng, những chiếc máy tính đầu tiên và các đề xuất với tầm nhìn xa và sâu sắc này đã là các bước đi đầu cho chặng đường dài của Tin học nước nhà, đúng là “đường xa vạn dặm bắt đầu từ những bước chân”.
Kiên định với tầm nhìn của hai lần đề nghị trước đó, mười năm sau Giáo sư Phan Đình Diệu– người chấp bút không mỏi mệt– đã có một bản dự thảo của “Chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin” được phê duyệt vào mùa hè 1993 theo Nghị quyết 49/CP của Chính phủ, và từ đó một chương trình quốc gia về công nghệ thông tin đã được tiến hành.
Trong Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin này, giáo sư Phan Đình Diệu dành một phần lớn thời gian và công sức cho việc xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo và nghiên cứu tiên tiến tại Việt Nam. Ông đề xuất chủ trương xây dựng 7 khoa công nghệ thông tin trọng điểm trên cả nước trong Chương trình này.
Với sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng Tin học trên cả nước, Giáo sư Phan Đình Diệu là một trong những người vận động thành lập Hội tin học Việt Nam vào cuối năm 1988 và đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội hai khóa đầu tiên.
Giáo sư Phan Đình Diệu luôn trăn trở, suy nghĩ về những vấn đề của phát triển đất nước. Chính những nghiên cứu của ông trong toán học kiến thiết, lý thuyết tin học đã cho ông một cách nhìn với tư duy hệ thống về các vấn đề xã hội. Do vậy những ý kiến đóng góp của ông về sự phát triển của đất nước luôn đi đến căn nguyên, bản chất vấn đề và từ đó đề xuất những thay đổi căn bản và khoa học. Ông nghĩ xa và sâu hơn người, luôn thẳng thắn nêu những chính kiến của mình. Có thể nói ông là nhà tư tưởng, là người trí thức tâm huyết đóng góp cho đất nước, suốt đời kiên định và nhất quán.
Giáo sư Phan Đình Diệu có mối quan hệ chân tình với bạn bè và đồng nghiệp. Đồng nghiệp nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam– từ các nhà khoa học máy tính của các nước Đông Âu đến bạn bè khoa học từ Pháp, từ Mỹ, từ Nhật…, các đồng nghiệp hay bạn bè khoa học người Việt ở nước ngoài– đều luôn dành cho ông sự quý trọng và nể phục. Với anh em làm Tin học– ngày nay gọi là Công nghệ Thông tin– ông luôn chân tình và thân thiết. Với các thế hệ học trò, ông là một người thầy gần gũi, nghiêm khắc và tận tình.
Đóng góp suốt cuộc đời cho nền Tin học nước nhà với trí tuệ, tài năng và nhân cách, Giáo sư Phan Đình Diệu được cộng đồng trìu mến và kính trọng như người Anh Cả của giới Tin học Việt Nam.
Ông là một nhân cách và tài năng lớn, suốt đời vì đất nước và khoa học.□